Theo ông Phạm Vũ Luận, việc lo lương, thưởng cho giáo viên tùy vào hoàn cảnh của địa phương. “Trên phạm vi toàn ngành, các nguồn kinh phí đã theo dòng ngân sách, không ai được phép dùng ngân sách để chi thưởng tết. Đây là một thực tế, bản thân tôi cũng không có giải pháp nào” - Bộ trưởng Luận nhấn mạnh. 

Ông Luận lý giải thêm, theo quy định, 80% ngân sách nhà nước cấp cho giáo dục để trả lương giáo viên và cán bộ quản lý, 20% ngân sách còn lại sẽ dùng cho các hoạt động giáo dục. Nhưng thực tế, hầu như toàn bộ ngân sách cấp cho nhà trường chỉ đủ chi lương, nhiều nơi chiếm tới 80-90%, thậm chí 95% tổng ngân sách, còn lại chỉ có một khoản phí rất nhỏ để trang trải các học liệu (văn phòng phẩm...). 

Một vấn đề nữa mà lâu nay dư luận vẫn quan tâm là lương, phụ cấp nghề nghiệp và các chế độ cho giáo viên miền núi, vùng khó khăn, Bộ trưởng Luận cho hay, vấn đề lương đã được đặt ra từ Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII, tuy nhiên vẫn chưa thay đổi được cục diện vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. 

Giải quyết tiền lương cho giáo viên thì liên quan đến nhiều người, nhiều ngành khác, không thể giải quyết biệt lập cho ngành giáo dục, trong khi nguồn lực kinh tế của đất nước chưa cho phép. Đối với ngành giáo dục, ngoài lương, ngành đang nỗ lực quan tâm nhiều hơn đến các chế độ, phụ cấp, chế độ làm việc cho giáo viên và các cán bộ quản lý.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, năm 2014 là năm đầu tiên thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, trong đó vấn đề lương giáo viên sẽ là một trong những vấn đề trọng tâm. Kinh phí để bảo đảm đời sống giáo viên sẽ được đề cập ở đề án tiền lương do UB Cải cách tiền lương cán bộ công chức đang chuẩn bị. 

Bậc lương, các loại phụ cấp của giáo viên sẽ được tính toán tại đề án cải cách tiền lương cán bộ công chức trên tinh thần của Nghị quyết 29 và tổng quỹ lương. Lương cho nhà giáo ngoài công lập sẽ do các cơ sở tự chủ, không tính toán ở đề án này. 

Theo laodong.com.vn