Nội san

Hát Đúm Thủy Nguyên - Hải Phòng xưa và nay

03 Tháng Hai 2014

Nguyễn Thế Hùng

 

 Đã từ lâu, cứ vào ngày mùng 4 đến ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch hàng năm, Tổng Phục lại mở Hội làng. Hội làng đầu xuân có rất nhiều cuộc thi: Thi cỗ bánh, thi dệt cửi, thi đánh đu, đánh vật, đánh cờ...nhưng cuốn hút nhất vẫn là thi hát Đúm. Đây là lễ hội có truyền thống từ xa xưa và được duy trì đến tận hôm nay trong niềm đam mê không chỉ của các nghệ nhân có tuổi, mà cả ở tầng lớp thanh, thiếu niên.

            Hai ba tháng chạp, ông Táo về trời là thời điểm những tàu, thuyền đánh cá xa bờ dập dìu cập bến. Cảng Mắt Rồng bỗng nhộn nhịp, mùa xuân làng cá đã về. Không khí Tết Tổng Phục như đang khởi nguồn từ đây. Khi thuyền về bến cũng là lúc tôm cá đầy khoang. Niềm vui ngập tràn trên bờ bãi, báo hiệu cái Tết no đủ, tươi vui đang trào dâng khắp mọi nhà. 

            Xuân đến, gác lại công việc làm ăn vất vả, lo toan của một năm, cả làng chài lại trở nên bận rộn với những thúng gạo nếp, nia lá dong, mâm ngũ quả, trang trí nhà cửa... và không quên những đêm tập luyện cho hội hát Đúm mồng hai Tết. Đó đây, trong ngõ xóm, những người con thân yêu từ phương xa trở về quê trong ánh mắt, nụ cười rạng rỡ.  Ghé thăm nhà một người bạn, tôi vừa học được cách gói một chiếc bánh chưng xanh ngày Tết, vừa được nghe các bà, các chị say sưa hát những bài ca của quê hương, lòng thấy lâng lâng khó tả khi nghe những lời hát tuy mộc mạc mà tha thiết. Điệu nhạc dù đơn giản nhưng lắng đọng tâm hồn. Giọng hát lảnh lót của những cô gái thôn quê với tiết tấu chậm rãi cất lên, thủ thỉ như một lời tâm sự . Cũng vì lẽ đó mà hát Đúm còn được gọi là hát nói, làm mê đắm lòng người:

“Rằng người thương ơi!

Năm cũ thì đã qua rồi

Bước sang năm mới đôi người chơi xuân

Mỗi năm chơi có một lần

Trai tài, gái sắc chơi xuân dập dìu”…

             Vào những ngày xuân, hát Đúm như trỗi dậy một sức sống mới vốn tiềm ẩn từ lâu trong tâm trí và tấm lòng của những người con quê hương hát Đúm. Các chàng trai cô gái vẫn duyên dáng, say sưa trong những làn điệu hát Đúm.Trước mắt tôi,Tổng Phục như một bức tranh dân gian đầy màu sắc rực rỡ. Đám này, những chàng trai cơ bắp cuồn cuộn đang chờ đến lượt mình để cố gắng giật giải trong hội thi đấu vật. Phía xa xa, lũ trẻ thơ mải miết trong các trò chơi bịt mắt, bắt dê hay trò pháo đất khiến tôi chợt nhớ lại tuổi thơ ấu của mình mỗi lần về quê. Đây đó, còn có nhiều trò vui, thu hút rất đông những người già, nam thanh, nữ tú và bày con nít vui cười, hò reo trong trò bắt vịt, đánh đu…

Những câu hát trao duyên, kết bạn tình của nam, nữ được bày tỏ trong những ngày đầu xuân hết sức chân thành. Ngôn từ không cầu kỳ, bóng bảy nhưng lại rất tinh tế, giàu chất thơ. Chàng trai đã gặp cô gái trong mùa xuân nhưng không dám ngỏ lời, để cõi lòng tương tư, trống vắng tới tận những đêm thu:

“Duyên kết bạn tình ơi!

Hội xuân anh mới gặp nàng

Thiết tha dạ ngọc gan vàng bâng khuâng

Nguồn cơn ngỏ mấy ai cùng

Đêm thu ngồi tựa khuê phòng bơ vơ”…

Các câu ca dao của dân gian được chuyển thể từ thơ lục bát, song thất lục bát hoặc đôi khi là biến thể hết sức giản dị, nhẹ nhàng, lại chính là lời khuyên để răn đời, răn người phải sống sao cho phải lẽ, cho đúng cái đạo làm nên một con người. Những người nông dân xưa đã sáng tác ra những câu tục ngữ, truyền cho thế hệ con cháu những kinh nghiệm hiểu biết về thời tiết để chăm sóc cây trồng, lường trước được những ngày bão gió để biết cách phòng tránh, chống chọi với sự tàn phá của thiên tai, địch họa. Vận thơ kiều, những bài hát huê tình thêm duyên dáng và đậm màu sắc dân gian. Bên cạnh đó, một số bài hát đố giảng đã chứng tỏ người xưa còn rất am hiểu về sử sách Trung Quốc. Len lỏi trong nội dung hát Đúm là văn hóa tín ngưỡng tôn giáo như ca ngợi đấng siêu nhiên: Ông Phật, các Đức Thánh Thần… và một số bài lại mang bóng dáng của tín ngưỡng phồn thực, dí dỏm, hài hước:

“Thân em như quả cau non

Chợ trưa em bán vẫn còn người mua

Thân anh như cộng rau dừa

Non thì cám lợn già vơ độn đàng

Em vơ em ấn vào quang

Em đem độn đàng cả xứ cùng đi

Chim anh, chim ấy chim gì?

Bay vào giếng ngọc khổ thì cực thân”

 

Ảnh: Hát giao duyên ( Nguồn: manghoidap.vn)

 

Đến với địa điểm diễn xướng tại xã Lập Lễ trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, hòa mình vào hội thi hát Đúm của Tổng Phục Thủy Nguyên, người xem lại được đắm chìm trong những câu hát giao duyên mang tính thi tài trong nội dung các bước: Hát chào hỏi, Hát Giao hẹn; Hát Huê tình (Giao Duyên); Hát Đố giảng; Hát Họa; Hát Mời; Hát Lính; HátThư; Hát Cưới và sau cưới; Hát Ra về.

Trong hội thi hát Đúm, không kể tuổi tác, những hạt nhân văn nghệ tham gia hát Đúm từ khi còn là những nam thanh, nữ tú cho đến lúc tuổi bách niên giai lão vẫn hát say sưa. Năm tháng đã quy tụ trong họ gần như toàn bộ vốn liếng và tài năng sáng tạo của cộng đồng về nghệ thuật hát Đúm. Do vậy, những con người ưu tú đã trở thành người đại diện về lĩnh vực nghệ thuật này của cư dân Tổng Phục. Cộng đồng tự hào về các nghệ nhân, vì nhờ những hoạt động sáng tạo của họ mà bản sắc văn hóa hát Đúm được khắc họa rõ nét hơn. Đồng thời, chính họ là những người đã lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ sau vốn liếng của nghệ thuật hát Đúm. Hơn thế nữa, bằng những tài năng, tâm huyết và trình độ của mình, bản thân họ đã tự sáng tạo hay chắt lọc sáng tạo từ trong cả cộng đồng, đóng góp, bổ sung, làm giàu đẹp thêm cho truyền thống hát Đúm và đem lại bản sắc văn hóa cộng đồng cho cư dân Tổng Phục - Thủy Nguyên. Người nghệ nhân đóng vai trò then chốt trong việc giữ gìn, thực hành và lưu truyền các giá trị văn hóa của nghệ thuật hát Đúm. Nếu không có họ thì chắc chắn một khối lượng lớn các giá trị văn hóa phi vật thể ấy sẽ không được bảo lưu một cách tập trung nhất, cũng như sẽ không có “thầy” để dạy dỗ cho lớp trẻ. Năm 1989, tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa của liên hiệp quốc UNESCO đề nghị tặng danh hiệu cho các nghệ nhân là “Báu vật sống”- Living Human Treasures (1).

Có thể nói, hát Đúm mang đậm nét văn hóa đặc sắc trong đời sống của người dân Tổng Phục Lễ. Nét đặc sắc đó không chỉ bởi nó được sản sinh và tập trung chủ yếu ở đây mà còn bởi sự phát triển cao nhất cả về số lượng và đề tài, nội dung, tư tưởng phong phú, đa dạng. Hát Đúm là loại hình nghệ thuật được lưu truyền trong dân gian từ xa xưa, không phải là công trình sáng tạo từ một người    có hình dạng hoàn chỉnh ngay từ đầu hay trong một thời gian ngắn. Thông thường, xoay quanh một lối hát cơ bản, đối đáp giao duyên được quần chúng tham gia, thời gian nhào nặn, đặc điểm và nội dung của hát Đúm được phong phú dần lên, có khi biến dạng đi hoặc có thể thay đổi ít nhiều tùy theo địa điểm và thời gian nhất định, song ngày càng hoàn chỉnh. Cho đến một lúc nào đó bố cục trở nên chặt chẽ bởi các nghệ nhân tài năng, các nhà nghiên cứu chỉnh lý, bổ sung các bài bản, lời ca và dần được nhân dân chấp nhận. Theo dòng lịch sử, hát Đúm cũng như các lối hát giao duyên dần trở thành một trong các loại hình dân ca độc đáo, mang đặc trưng riêng của cộng đồng dân cư Thủy Nguyên - Hải Phòng nói riêng và của khu vực  châu thổ Bắc Bộ nói chung.

Hát Đúm Thủy Nguyên - Hải Phòng, một di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu thổ Bắc Bộ là sản phẩm do những người nông dân tạo ra. Không những là giá trị văn hoá, nghệ thuật, văn học, hát Đúm còn bao hàm cả giá trị lịch sử, bởi thông qua đó giúp ta biết được nền tảng đời sống văn hóa và xã hội của người dân nơi đây đã sản sinh trong quá khứ. Tiếng hát có lúc sôi nổi, khi lại lắng xuống, nhưng một điều chắc chắn rằng, hát Đúm sẽ không bao giờ bị phai mờ trong tâm hồn của mỗi người nơi đây. Do vậy, việc bảo tồn, phát huy các giá trị của tục hát Đúm trong đời sống ngày nay là việc làm cần thiết đã và đang được các nhà quản lý địa phương quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, nếu hát Đúm chỉ phát triển trong các lễ hội hàng năm hay trong một số hội thi nhất thời thì vẫn chưa phát huy hết khả năng của nó. Vì vậy, cũng như một số loại hình dân ca khác, đưa hát Đúm vào trường trung học cơ sở (chưa kể một số trường tiểu học của Thủy Nguyên đã có những giờ dạy thử nghiệm hát Đúm cho nhi đồng) là điều hết sức cần thiết và là nhiệm vụ cấp bách của các nhà nghiên cứu cũng như ý nguyện của những người công tác trong lĩnh vực âm nhạc. Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã đồng nhất quan điểm và nhận thấy, rất nhiều bài hát Đúm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh Trung học cơ sở. Bên cạnh đó, nó còn phù hợp với tính đặc thù của người dân thành phố Hải Phòng. Hát Đúm không chỉ tạo ra sân chơi giải trí cho thiếu nhi trong các giờ học ngoại khóa, các hội diễn, hội thi văn nghệ của địa phương, của thành phố, mà nó còn có tác dụng giáo dục sâu sắc về truyền thống yêu nước của dân tộc, nhằm phát triển thẩm mỹ, trí tưởng tượng và óc sáng tạo cho các em học sinh. Thông qua đó, lời ca và làn điệu hát Đúm hình thành lên nét đẹp văn hóa trong nhân cách mỗi con người Thủy Nguyên - Hải Phòng nói riêng  và của dân tộc Việt Nam nói chung./.      

___________________________

1.      Living Human Treasures - Công văn số CL/3433 (16/09/1996), Khuyến nghị của UNESCO tại Đại hội đồng lần thứ 25, Pari 1989.