Nội san

Một vài kinh nghiệm về giáo dục Mỹ thuật phổ thông của một số nước trên thế giới

13 Tháng Tư 2014

Nguyễn Thị Đông

 

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

            Đổi mới giáo dục nhằm hướng tới phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao, trong đó bao gồm: kiến thức, kỹ năng thái độ. Ba yếu tố nói trên ý nghĩa quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và hòa nhập với thế giới.

            Giáo dục Mỹ thuật phổ thông là một bộ phận không thể thiếu của giáo dục toàn diện trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp tổ chức dạy học và đánh giá trong giáo dục nói chung giáo dục Mỹ thuật phổ thông nói riêng, một mặt, cần có sự kế thừa và phát huy những ưu điểm của chương trình giáo dục hiện tại. Mặt khác, cần thiết phải coi trọng việc tiếp cận và học tập kinh nghiệm của nền giáo dục hiện đại thế giới và khu vực. Từ đó, làm cơ sở để định hướng xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với thực tiễn xã hội và cho cả những giai đoạn tiếp theo. Bởi vậy, nội dung bài viết sẽ đề cập tới một số nét cơ bản về giáo dục Mỹ thuật của một số nước tiến tiến trên thế giới mà người viết đã có dịp tìm hiểu và tiếp cận thông qua thực tiễn công tác của bản thân.

            2. MỘT VÀI KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ NƯỚC TIÊN TIẾN TRÊN THẾ GIỚI TRONG GIÁO DỤC MỸ THUẬT PHỔ THÔNG

2.1. Về xác định vị trí môn học

             Giáo dục Mỹ thuật là một bộ phận hợp thành của giáo dục toàn diện, bởi vậy giáo dục Mỹ thuật trong nhà trường phổ thông được xem là môn học cơ bản – không thể thiếu. Là một môn học bắt buộc trong hệ thống giáo dục nói chung, giáo dục phổ thông nói riêng (từ bậc học Tiểu học đến Trung học phổ thông). Điều này được thể hiện ở cấu trúc chương trình các môn học và thời gian học sinh được học Mỹ thuật trong nhà trường phổ thông ở một số quốc gia như sau: 

            * Hệ thống môn học trong chương trình giáo dục của các nước thuộc OECD (1):

1. Đọc viết và Văn học;

2. Toán;

3. Khoa học;

4. Tìm hiểu xã hội;

5. Ngoại ngữ;

6. Công nghệ;

7. GD thể chất;

8. Nghệ thuật (Bao gồm cả Mỹ thuật và Âm nhạc);

9. Tôn giáo;

10. Thực hành và kỹ năng nghề

* Hệ thống môn học từng cấp học của các nước thuộc INCA(2):

- Cấp Tiểu học:

1. Ngôn ngữ và Văn học;

2. Toán;

3. Khoa học Tự nhiên;

4. Khoa học Xã hội;

5. Nghệ thuật;

6. GD thể chất

7. Kỹ năng sống

- Cấp Trung học cơ sở

1. Ngôn ngữ và Văn học;

2. Toán;

3. Khoa học Tự nhiên;

        4. Khoa học Xã hội;

5. Ngoại ngữ;

6. Nghệ thuật;

7. GD thể chất;

8. Kỹ năng sống

- Cấp Trung học phổ thông:

1. Ngôn ngữ và Văn học;

2.Toán;

3. Ngoại ngữ;

4. Khoa học Tự nhiên;

       

5. Khoa học Xã hội;

6. Nghệ thuật;

7. GD thể chất;

8. Giáo dục công dân

* Số giờ học sinh được học Mỹ thuật trong tuần:

               - Indonexia: 2 tiết/ tuần          - Hàn Quốc: 2 tiết/tuần

               - Austradia: 3 tiết/ tuần           - Liên Bang Đức: 2 tiết/ tuần

               - Nhật Bản: 2 tiết/ tuần           - Cộng hòa Litva: 2 tiết/ tuần…

            * Các môn học được liên thông từ bậc Tiểu học đến Trung học phổ thông:

               1. Ngôn ngữ và Văn học;              2.Toán;

               3. Khoa học Tự nhiên;                  4. Khoa học Xã hội;

               5. Nghệ thuật                                 6. GD thể chất

2.2. Về mục tiêu môn học

 Mục tiêu cốt lõi và cơ bản của giáo dục thẩm mỹ, giúp học sinh/ người học có kiến thức và kỹ năng cơ bản về cái đẹp và biết vận dụng sáng tạo những hiểu biết về cái đẹp vào cuộc sống học tập, sinh hoạt hàng ngày, hay nói các khác là giáo dục Mỹ thuật hướng tới hình thành và phát triển năng lực thẩm mỹ cho học sinh – là những người có nhiệm vụ sáng tạo văn hóa - Văn hóa là nền tảng, là bản sắc dân tộc và là cầu nối với cộng đồng thế giới. Học sinh được học, tiếp cận và sáng tạo văn hóa thông qua các cách thể hiện tạo hình khác nhau, trên các chất liệu khác nhau, cách biểu đạt khác nhau… và ở nhiều không gian khác nhau.

            Theo đó, giáo dục Mỹ thuật kích thích hình thành, phát triển các năng lực cá nhân của học sinh (năng lực nhận thức; năng lực kỹ năng và kỹ thuật; năng lực biểu đạt; năng lực giao tiếp; năng lực đánh giá). Đồng thời, bồi dưỡng, giáo dục nhân cách và các phẩm chất đạo đức, hành vi, lối sống theo chuẩn mực trong đời sống văn hóa xã hội của dân tộc và quốc tế.             

2.3.  Về kết cấu nội dung trọng tâm của chương trình

   Chương trình được xây dựng theo hướng tiếp cận chủ đề và theo phương thức đồng tâm (bao gồm nghĩa rộng và nghĩa hẹp). Trong đó, cốt lõi của chương trình là gắn kết kiến thức thực tiễn và mang tính ứng dụng cao trong giáo dục; chú trọng tới giáo dục, rèn luyện, nâng cao kỹ năng sống; lồng ghép nội dung mang tính giáo dục các giá trị sống cho học sinh – kỹ năng thích ứng với thực tiễn xã hội. Hay nói cách khác là nội dung chương trình được xây dựng chú trọng đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội - theo hướng phát triển đầu ra và phát triển năng lực cho học sinh (bao gồm năng lực chuyên biệt và năng lực cốt lõi);

Bên cạnh đó, hệ thống kiến thức của chương trình thể hiện rõ tính tích hợp và liên thông với các môn học khác, với các bậc học khác, đảm bảo tính liên tục và phát triển.

2.4. Phương pháp dạy - học chủ yếu

          Albert Einstein (1879 – 1955) đã từng nói: “Chỉ có trải nghiệm mới là hiểu biết, còn tất cả các thứ khác chỉ là thông tin”. Tổ chức dạy học theo chu trình trải nghiệm là phương pháp dạy học được coi trọng và phổ biến ở tất cả các bậc học, các môn học trong hệ thống giáo dục (từ bậc học Mầm non tới Đại học, không riêng dạy học Mỹ thuật); Đồng thời, quan tâm tới vận dụng các lý thuyết và nghiên cứu về đặc điểm phát triển trí tuệ của từng cá nhân học sinh/ người học, trên cơ sở đó kích thích phát triển tối đa các năng lực của học sinh (năng lực nhận thức; năng lực kỹ năng và kỹ thuật; năng lực biểu đạt; năng lực giao tiếp; năng lực đánh giá) thông qua nhiều hình thức tổ chức dạy học khác nhau. Đặc biệt, luôn tạo điều kiện và tổ chức các hoạt động để học sinh “vừa học vừa chơi” tự học, tự khám phá trong nhiều không gian và môi trường sáng tạo thẩm mỹ của quá trình giáo dục, qua đó học sinh bộc lộ cá tính một cách tự nhiên và thể hiện những sáng tạo của riêng mình theo những chuẩn mực văn hóa của xã hội và cộng đồng, góp phần làm cho đời sống văn hóa xã hội phát triển lành mạnh và bền vững.

Học sinh Tiểu học Nhật Bản đang sáng tạo từ sự trải nghiệm và khám phá của bản thân theo các cách và không gian học tập khác nhau

 

Một cách học Mỹ thuật của học sinh Tiểu học Đan Mạch

 

Bài học chương trình lớp 1 của học sinh Singapore – Bài 11

 

Học tập và những sáng tạo văn hóa của học sinh Tiểu học ở Hàn Quốc

 

5. Phương thức tổ chức dạy học chủ yếu

            Phát triển phương thức dạy học tiếp cận chủ đề/ chủ điểm và liên thông, liên kết các chủ đề/ chủ điểm theo một quá trình. Trên cơ sở nội dung tổng quát của chương trình, giáo viên/ người dạy hoàn toàn được lựa chọn nội dung cụ thể, chi tiết cho từng bài học, sao cho đảm bảo được mục tiêu chung của môn học, bậc học (bao gồm mục tiêu cho cả người dạy và người học) và phù hợp với năng lực học tập của học sinh, phù hợp với điều kiện dạy – học cụ thể của mỗi nhà trường và địa phương. Đặc biệt, chú trọng tới đặc điểm văn hóa địa phương - nơi cư trú của học sinh và kết hợp các yếu tố văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại trong xu thế hội nhập và phát triển của bối cảnh xã hội.

            2.6. Cách thức đánh giá kết quả dạy – học

            * Về đánh giá giáo viên/ người dạy

            Lãnh đạo nhà trường không lên lớp dự giờ với mục đích để đánh giá giáo viên/ người dạy, mà khuyến khích, tạo điều kiện và cho phép học sinh/ người học/ phụ huynh được đánh giá giáo viên/ người dạy.

            * Về đánh giá học sinh/ người học

            Coi trọng kết hợp đánh giá sản phẩm cụ thể với đánh giá cả quá trình học tập và sáng tạo của học sinh/ người học; bên cạnh đó, luôn luôn quan tâm tới đánh giá để khuyến khích học sinh/ người học, đánh giá để làm sao người học/ học sinh có thể phát triển được các năng lực (cốt lõi và chuyên biệt); đánh giá để kích thích học sinh/ người học ham học, hứng thú học và tiếp tục sáng tạo. Quá trình đánh giá phải chú trọng tới lượng kiến thức mà học sinh/ người học thu nhận được. Kết hợp với việc phải theo dõi hành vi, thái độ của học sinh/ người học thông qua quá trình sáng tạo mỹ thuật. Đồng thời, phối hợp với các công cụ đánh giá khác nhau, cách tổ chức đánh giá khác nhau và sự hài hòa giữa đánh giá định tính với đánh giá định lượng… Đặc biệt, phát triển mô hình đánh giá và học tập đồng đẳng trong quá trình giáo dục Mỹ thuật nói riêng, dạy học nói chung của hệ thống giáo dục ở các nhà trường.

3. LỜI KẾT

            Giáo dục Mỹ thuật là môn học cần được dạy – học có nề nếp, liên tục và phù hợp với đặc điểm, chức năng, nội dung của nó, để quá trình tiếp nhận, thưởng thức, đánh giá, thể hiện thẩm mỹ và sáng tạo văn hóa của học sinh/ người học thực sự mang lại hữu ích cho mỗi cá nhân người học nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung.

            Bài viết trên đây đề cập tới một vài kinh nghiệm về giáo dục Mỹ thuật của các nước tiên tiến trên thế giới, mà người viết thu nhận được thông qua thực tế công tác, sưu tầm và nghiên cứu của bản thân, bởi vậy bài viết sẽ không tránh khỏi sự thiếu tổng quát và mang tính chủ quan. Song, người viết hy vọng sẽ mang tới cho người đọc một hướng tiếp cận từ thực tiễn giáo dục Mỹ thuật của một số nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, từ đó hy vọng góp phần là cơ sở gợi ý, định hướng cho xây dựng nội dung chương trình, phương thức tổ chức dạy – học và đánh giá trong giáo dục Mỹ thuật phổ thông Việt Nam sau năm 2015. Người viết rất mong nhận được sự phản hồi của các nhà giáo dục, các nhà nghiên cứu và những người quan tâm tới giáo dục Mỹ thuật phổ thông.

             

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2006, Chương trình giáo dục phổ thông môn Mỹ thuật,

 (ban hành kèm theo quyết định số 16/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006), NXB GD, Hà Nội.

            2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2012, Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia về giáo dục Mỹ thuật ở trường phổ thông Việt Nam, NXBGD Việt Nam.

            3. Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Giáo dục và Trẻ em Đan Mạch, tháng 12 năm 2012, Kỷ yếu Hội thảo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông – kinh nghiệm Quốc tế và vận dụng vào điều kiện Việt Nam.

            4. Nguyễn Văn Cường – Bernd Meier, 2007, Một số vấn đề chung về đổi mới PPDH ở trường phổ thông, Dự án phát triển Giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT.

            5. Nguyễn Hữu Lương, 2002, Dạy và Học hợp quy luật hoạt động trí óc, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

           CHÚ THÍCH

(1).  Các nước thuộc OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) gồm:

            - Khu vực Châu Âu: Anh, Áo, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Đức, Estonia, Hà lan, Hungary, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Luxembourg, Pháp, Phần Lan, Cộng hòa séc, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Na Uy, Ý.

            - Khu vực Châu Mỹ: Canada, Hoa Kỳ, Chile, Mexico.

            - Khu vực Châu Á: Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản.

            - Khu vực Châu Đại Dương: New Zealand, Úc.

(2). INCA thuộc các nước Colombia, Ecuador, Peru, Chile.