Tin tức – Sự kiện

Giới thiệu sơ lược về nội dung vốn tài liệu tại Trung tâm Công nghệ Thông tin và Thư viện

13 Tháng Sáu 2014

 

Vốn tài liệu giữ vai trò quan trọng, là một trong những yếu tố cơ bản để hình thành hoạt động thư viện. Một thư viện phát triển khi có nguồn lực thông tin phong phú, đa dạng, đảm bảo chất lượng, được tổ chức khai thác và cung cấp thông tin đến người dùng tin có hiệu quả nhất.

Thư viện Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương hiện có 53 loại báo, tạp chí; 6.340 đầu sách/19.495 bản sách được tổ chức thành 03 kho: Kho sách Giáo trình; Kho Tài liệu nội sinh + Báo - tạp chí; Kho Sách tham khảo.

I. KHO SÁCH GIÁO TRÌNH

            Giáo trình là tài liệu cần thiết đối với sinh viên ngay từ năm đầu bước chân vào giảng đường đại học cho tới năm học cuối. Đặc biệt, với chương trình đào tạo tín chỉ thì giáo trình có ý nghĩa rất lớn trong việc tự học, tự nghiên cứu của sinh viên.

            Kho giáo trình hiện có 408 đầu sách/7.946 bản sách, được bổ sung thường xuyên là nguồn tài nguyên rất hữu ích cho bạn đọc, bao gồm:

            + Giáo trình đại cương: Tâm lý học đại cương (Nguyễn Xuân Thức chủ biên), Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm (Lê Văn Hồng chủ biên), Giáo dục học: 2 tập (Trần Thị Tuyết Oanh chủ biên), Lịch sử văn minh thế giới (Vũ Dương Ninh chủ biên),...

 

 

 

 

            + Giáo trình chính trị: gồm nhiều đầu sách gắn với chương trình học tập của sinh viên như: Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh... ngoài ra, còn có mảng giáo trình tham khảo: Giáo trình Triết học Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, Lịch sử triết học,...

 

             

 

            + Giáo trình Mĩ thuật: Hình họa (03 tập), Ký họa (03 tập), Bố cục (03 tập), Trang trí (03 tập), Luật xa gần, Lịch sử Mĩ thuật Việt Nam, Lịch sử Mĩ thuật Thế giới, Phương pháp giảng dạy Mĩ thuật... là những giáo trình cơ bản do các tác giả của các trường đại học, viện nghiên cứu viết, được Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm in ấn, phát hành.

Bên cạnh đó còn có các giáo trình do giảng viên Khoa Sư phạm Mĩ thuật và Khoa Mĩ thuật cơ sở của Trường biên soạn như: "Giáo trình Trang trí" dành cho hệ cao đẳng Sư phạm Mĩ thuật (03 tập) do Th.s Nguyễn Thị Nhung chủ biên và nhóm tác giả biên soạn trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm giảng dạy của giảng viên Bộ môn Trang trí; cùng với việc tham khảo, trao đổi kinh nghiệm với các giáo sư, nhà giáo lâu năm khác đã xây dựng những bài học có nội dung chọn lọc, cơ bản nhất, tương đối chuẩn xác, cấu trúc khoa học, thống nhất và xuyên suốt từ năm đầu đến năm cuối của hệ đào tạo nhằm giúp người học hiểu và nắm bắt kiến thức, biết vận dụng sáng tạo và  linh hoạt trong quá trình học tập.

 

 

 

            "Giáo trình Giải phẫu tạo hình" của Th.s Đinh Tiến Hiếu - trang bị những kiến thức cơ bản trong việc nghiên cứu cấu trúc, tỷ lệ, đặc điểm, hình khối tổng thể và chi tiết trong cơ thể con người; Đồng thời, tác giả cũng đề cập đến những vấn đề mà sinh viên thường gặp khi vẽ hình họa. Đây thực sự là tài liệu hữu ích cho giảng viên, sinh viên trong quá trình giảng dạy và học tập, quá trình bồi dưỡng và tự nghiên cứu bộ môn Giải phẫu tạo hình.

            "Giáo trình Sơn mài" do Th.s Nguyễn Quang Hải - Trưởng khoa Sư phạm Mĩ thuật viết, gồm 2 chương:

- Chương 1: Giới thiệu Nghề sơn truyền thống: những đồ sơn, làng nghề, kỹ thuật cơ bản của sơn ta; Bài tập chép vốn cổ bằng chất liệu sơn mài

 - Chương 2: Khái quát lịch sử ra đời và phát triển của tranh sơn mài; Các tác phẩm và họa sĩ tiêu biểu của nghệ thuật sơn mài; Tính chất và đặc điểm của tranh sơn mài; Phương pháp vẽ tranh sơn mài.

Giáo trình cung cấp cho người học kiến thức về nghề sơn ta truyền thống, tranh sơn mài Việt Nam; Giá trị và vẻ đẹp của nghệ thuật tranh sơn mài cũng như nắm được kiến thức, kỹ thuật cơ bản trong sáng tác tranh bằng chất liệu này.

            "Giáo trình Bố cục và chất liệu sơn dầu" do Th.s Nguyễn Thị Trang Ngà biên soạn - cung cấp kiến thức cơ bản, những hiểu biết về bố cục tranh, các quy luật chung khi xây dựng bố cục tranh, một số hình thức bố cục tham khảo, kỹ thuật vẽ bột màu... Qua đó, người học hiểu được về bố cục trong các lĩnh vực khác và bố cục một bức tranh, biết cách xây dựng tranh và thực hành các bài tập cơ bản với chất liệu bột màu.

            Ngoài ra, còn rất nhiều giáo trình như: Giáo trình bố cục chất liệu lụa (Th.s Nguyễn Thị Nhung chủ biên), Tài liệu giảng dạy môn Điêu khắc hệ ĐHSP Mĩ thuật, Tài liệu giảng dạy môn Cơ sở tạo hình, Giáo trình Luật xa gần (Th.s Đặng Xuân Cường), Tập bài giảng Phương pháp dạy học Mỹ thuật: 2 tập (Th.s Nguyễn Thị Đông)...

 

          

 

+ Giáo trình âm nhạc, thanh nhạc - nhạc cụ: Lý thuyết âm nhạc cơ bản (Phạm Tú Hương), Lịch sử âm nhạc Thế giới (2 tập) (Nguyễn Xinh; Thế Vinh, Nguyễn Thị Nhung), Hòa âm ứng dụng (Hoàng Hoa), Chỉ huy dàn dựng hát tập thể (Đoàn Phi), Âm nhạc cổ truyền Việt Nam (Nguyễn Thụy Loan), Phương pháp dạy học âm nhạc, Giáo trình chuyên ngành Thanh nhạc bậc đại học (Nguyễn Trung Kiên), Giáo trình ký xướng âm, xướng âm các trình độ,...

            Giáo trình của giảng viên Khoa Sư phạm Âm nhạc, Khoa Thanh nhạc - Nhạc cụ biên soạn:

            "Giáo trình Phân tích tác phẩm âm nhạc" hệ đại học Sư phạm Âm nhạc của PGS.TSKH. Phạm Lê Hòa - Là giáo trình có giá trị, mang tính thực hành cao. Nội dung gồm 03 phần:

- Phần I: Định nghĩa một số khái niệm liên quan tới hình thức tác phẩm; Các phương tiện, các nhân tố trong ngôn ngữ biểu hiện; Các nguyên tắc xây dựng tác phẩm để cuối cùng dẫn tới cấu trúc tác phẩm âm nhạc mang nhiều hình thái khác nhau.

 - Phần II: Phần trọng tâm của giáo trình. Giới thiệu 07 hình thức được coi là cơ bản trong cấu trúc tác phẩm âm nhạc.

- Phần III: Giới thiệu 09 thể loại âm nhạc có sử dụng các hình thức tác phẩm đã được giới thiệu trong phần II, qua đó người học sẽ từng bước phân biệt được Thể loại với Hình thức.

            Lý thuyết âm nhạc là môn học cơ bản trong chương trình đào tạo âm nhạc. Một tài liệu hữu ích giúp cho việc giảng dạy và học tập hệ ĐHSP Âm nhạc nói chung và cho Trường ĐHSP Nghệ thuật TW nói riêng đó là "Giáo trình môn học Lý thuyết âm nhạc” do TS. Trịnh Hoài Thu biên soạn - gồm 10 chương với những kiến thức nền tảng cơ bản, đáp ứng nhu cầu thực tiễn giảng dạy hiện nay.

 

        

 

            "Giáo trình Lịch sử Âm nhạc" (Phần Châu Âu từ thời kỳ nguyên thủy tới nửa đầu thế kỷ XIX) cho hệ CĐSP Âm nhạc của T.S Nguyễn Thị Tố Mai - cung cấp những kiến thức khái quá và cơ bản về lịch sử âm nhạc Châu Âu ở các thời kỳ khởi đầu, phục hưng, cổ điển và nửa đầu lãng mạn.

 

 

            "Giáo trình môn Múa" hệ ĐHSP Âm nhạc của giảng viên Nguyễn Thúy Hường là tài liệu hữu ích cho việc dạy và học bộ môn Múa. Do đặc thù,  việc học tập môn Múa với số lượng tiết có hạn và nhóm học đông sinh viên, giáo viên chưa thể hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết đến từng sinh viên được thì đây là kênh tham khảo phù hợp, giúp sinh viên hiểu, nắm vững kiến thức đã học, có thể tự luyện tập thông qua những động tác đã được phân tích với những hình ảnh minh họa cụ thể.

 

 

+ Giáo trình ngành Văn hóa Nghệ thuật, Quản lý Văn hóa: do giảng viên Khoa Văn hóa Nghệ thuật biên soạn - cung cấp nguồn tài liệu phong phú, phục vụ cho quá trình nghiên cứu, học tập của sinh viên.

Tiêu biểu là các giáo trình: Tài liệu giảng dạy môn Marketing thời trang; Tài liệu giảng dạy môn Nghệ thuật chữ; Tài liệu giảng dạy Công nghệ May I chuyên ngành thiết kế thời trang (GV Nguyễn Triều Dương); Bài giảng môn Cơ sở thiết kế trang phục (GV Lưu Ngọc Lan); Tài liệu giảng dạy môn Lịch sử thời trang Việt Nam và Thế giới; Tài liệu giảng dạy Tin học chuyên ngành thiết kế thời trang (GV Phạm Thị Mai Hoa, Nguyễn Triều Dương); Bài giảng môn tin học chuyên ngành Thiết kế đồ họa (GV Lê Huy Thục); Tài liệu giảng dạy sáng tác mẫu vải,...; Tài liệu giảng dạy môn Quản lý di sản; Tài liệu giảng dạy môn Văn hóa ẩm thực; Tài liệu giảng dạy môn Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; Tài liệu giảng dạy môn Văn hóa gia đình; Tài liệu giảng dạy môn Văn hóa Dân gian;...

    

 

 

II. KHO TÀI LIỆU NỘI SINH - BÁO & TẠP CHÍ.

+ Luận án tiến sĩ: Gồm 21 đề tài, đi sâu nghiên cứu về các lĩnh vực như: Khoa học, Âm nhạc, Văn hóa học, Triết học, Lịch sử và Nghệ thuật học…

            Một vài đề tài nghiên cứu tiêu biểu như:

 - Các đặc điểm phong cách âm nhạc thế kỷ XX và khí nhạc Việt Nam trong âm nhạc chuyên nghiệp.

- Nghiên cứu ảnh hưởng của âm nhạc dân gian trong tác phẩm khí nhạc mới Việt Nam thế kỷ XX.

 

 

- Tương đồng, khác biệt giữa hát Xoan, hát Ghẹo Phú Thọ và quan họ Bắc Ninh.

- Hình tượng con người trong nghệ thuật chạm khắc đình làng vùng Châu thổ sông Hồng .

 - Hát Ghẹo Phú Thọ.

 - Opera trong sự phát triển nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam.

 - Nghệ thuật chèo trong đời sống văn hóa của cư dân ở Thái Bình.

 - Những yếu tố văn hóa truyền thống trong việc tái hiện tượng đài các nhân vật lịch sử.

 - Giá trị văn hóa của quảng cáo ở Việt Nam.

 - Một số khó khăn tâm lý trong giải quyết định huống sư phạm của sinh viên dân tộc Tày Trường CĐSP Cao Bằng.

            + Luận văn thạc sĩ: gồm 130 đề tài/135 bản, nghiên cứu về các lĩnh vực Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục, Tâm lý , Văn hóa, Ngôn ngữ…như:

- Nghệ sĩ với tình yêu thiên nhiên.

- Những yếu tố ngẫu nhiên và chủ động trong sáng tác tranh.

- Tính chất hoành tráng trong tranh hội họa đề tài lịch sử.

- Giá trị nghệ thuật của tranh cổ động chính trị ở Việt Nam giai đoạn 1945- 1975

- Giao hưởng mùa lũ.

- Bảo tồn và phát huy ca trù trong đời sống đương đại.

- Symphonie Tây Bắc

- Nghiên cứu việc sử dụng tài liệu do giáo viên thiết kế trong giảng dạy học từ vựng tiếng Anh chuyên ngành cho sinh viên năm 2 Khoa Thiết kế thời trang, Trường ĐHSPNTTW: giải pháp và khó khăn.

- Yếu tố văn hóa trong việc giảng dạy tiếng Pháp tại Trường THPT chuyên Hùng Vương tỉnh Phú Thọ.

- Những khó khăn của việc áp dụng đường hướng dạy học dựa trên hoạt động vào dạy kỹ năng nói cho sinh viên Trường ĐHSPNTTW.

         + Nghiên cứu khoa học cấp khoa và nghiên cứu khoa học cấp trường (gồm 327 đề tài/446 bản)

           

 

 

Từ năm 2008 - 2012, nhiều công trính nghiên cứu về âm nhạc, hội họa, tâm lý, lịch sử đảng, triết học.... đã được áp dụng làm giáo trình học tập cho sinh viên mĩ thuật, âm nhạc, thiết kế thời trang…như: Giáo trình môn Mĩ học hệ Đại học sư phạm Mĩ thuật Trường ĐHSP Nghệ thuật TW; Lịch sử Âm nhạc; Kỹ thuật thể hiện một số ca khúc cho giọng nữ cao năm thứ nhất hệ ĐHSP- Trường ĐHSPNTTW; Một số ca khúc dành cho thanh nhạc với các giọng nam cao, nữ cao, nữ trung và nữ trầm; Biên soạn bổ sung một số bài tập nhạc lý; Xây dựng câu hỏi trắc nghiệm khách quan dùng trong kiểm tra đánh giá môn chủ nghĩa xã hội khoa học cho sinh viên Trường ĐHSPNTTW…

         + Khóa luận tốt nghiệp: gồm 603 đề tài/ 720 bản, từ 2001 - 2013 của sinh viên các Khoa Âm nhạc, Mỹ thuật, Thiết kế thời trang, Quản lý văn hóa, Thiết kế đồ họa:           - Truyền thống hát quan họ trong các gia đình tại phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

- Quản lý các hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

- Soong cô trong đời sống văn hóa người Sán Dìu xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Thiết kế trang phục dạo phố dành cho nữ tuổi từ 18- 25 lấy ý tưởng từ hoa Tulip.

- Thiết kế trang phục váy cưới lấy ý tưởng từ tuyết (18- 25 tuổi).

 

 

- Sắc lạnh trong Sơn mài.

- Sắc nâu trong tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh .

- Vẻ đẹp người chiến sĩ trong tranh lụa Việt Nam.

- Sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm.

- Yếu tố siêu thực trong mỹ thuật truyền thống Việt Nam.

- Yếu tố biểu cảm của đường nét trong hình họa.

+ Báo, tạp chí: Gồm 53 loại báo, tạp chí:

            + Báo (13 loại): Nhân dân, Hà Nội mới, Giáo dục và thời đại, Tiền phong, Thanh niên, Sức khỏe và đời sống, An ninh…

            + Tạp chí (48 loại): Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật, Sinh viên Việt Nam, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Đẹp, Thời trang trẻ....

 

III. KHO SÁCH THAM KHẢO.

Với vốn tài liệu phong phú với 4.588 đầu sách/9.865 bản sách, bao gồm đầy đủ các loại lĩnh vực tri thức: Triết học, tâm lý học, tôn giáo, khoa học xã hội, ngôn ngữ, công nghệ thông tin, nghệ thuật, lịch sử, văn học,.... Góp phần cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập và giải trí của người đọc trong và ngoài trường.

-  Almanach những nền văn minh thế giới”:  

 

 

Là công trình tri thức tổng hợp về lĩnh vực tự nhiên và xã hội, thuộc nhiều bình diện đa phương của nền văn hóa - văn minh nhân loại.

Về mặt không gian và thời gian cuốn sách giới thiệu 5000 năm lịch sử: từ cổ đến kim, từ Đông sang Tây - Từ quá khứ đến hiện tại - Tương lai, bao gồm khắp các châu lục. Chỉ riêng các nền văn minh cổ đã giới thiệu tám trung tâm văn minh lớn của loài người: Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Tây Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Maya ở Trung Mỹ, Andes ở Nam Mỹ và một số nền văn minh hiện đại khác. Ngoài ra, chưa kể đến gần 400 di sản của hơn 100 nước đã được Ủy Ban Unessco công nhận là di sản thế giới.

- "Lịch sử văn minh thế giới":

 

 

 Là sự triển khai công trình nghiên cứu lịch sử thế giới của Đại học Northwestern - Gồm các bài tuyển văn về lịch sử văn minh bảy khu vực: Bài thứ nhất gồm những yếu tố địa lý trong lịch sử, nhấn mạnh những khủng hoảng hiện nay như sự khô cằn của đất đai, nạn thiếu lương thực, tăng dân số; Bài thứ hai nói về chủng tộc và quan điểm xã hội, cũng như ý niệm về nguồn gốc của loài người; Bài thứ ba: Nền văn minh của con người ở vùng cách biệt, miêu tả những triết lí cơ bản và sự phát triển của tôn giáo, văn hóa, cùng những khám phá của thời cổ đại, cận trung cổ, trung cổ; Bài thứ tư: Văn minh con người trong thế giới đồng nhất gồm những sự kiện, xu hướng và đặc điểm của thời kì hiện đại, từ năm 1500 đến nay; Bài thứ năm đến bài thứ mười một: đề cập đến văn minh bảy khu vực trên thế giới: Hoa Kỳ, Liên Xô, châu Mỹ La-tinh, Trung Đông, Ấn Độ, Trung Quốc, châu Phi... Mỗi bài bao gồm sơ lược lịch sử, chính trị, văn hóa và kinh tế. Bài đọc về thế giới ngày nay, những sự kiện và những vấn đề đáng quan tâm, là bài cuối của cuốn sách.

Mục đích của cuốn sách là đưa ra những tư liệu để phát triển khả năng hiểu biết về những động lực tác động trong diễn giải về lịch sử thế giới. Ngoài ra, cung cấp kiến thức về môn lịch sử thế giới, kinh tế, địa lí, dân cư, chính phủ, thời cổ đại, châu Âu, Hoa Kỳ và khoa học được trình bày trong phạm vi rộng.

- "Bách khoa chuyện lạ thế giới":

 

 

Là những thu lượm về những điều bí ẩn xảy ra trong vũ trụ xung quanh chúng ta: Các cuộc hành trình khám phá thế giới, đi về những miền đất xa xôi, những nơi hẻo lánh trên trái đất, những cuộc hành trình đi về Phương Đông, tìm cho ra bí ẩn của đời sống, của các tôn giáo kỳ lạ mà các tín đồ của nó sẵn sàng tử vì đạo, các cuộc hành trình đi tìm sự bất tử và thế giới vô hình đã có một lịch sử từ rất lâu. Nhưng dù cuộc hành trình khám phá vũ trụ bí ẩn và vô vàn điều kỳ lạ ở quanh ta có được thực hiện theo cách thức nào đi nữa, thì những cuộc hành trình khám phá ấy luôn mang lại cho con người niềm say mê, thậm chí đam mê. Thế giới quả là rộng lớn và con người không tiếc công sức để thăm dò, tìm hiểu...

 

 

-          "Từ điển Bách khoa Việt Nam"

 

 

Gồm 4 tập, với 4 vạn mục từ thuộc 40 chuyên ngành văn hóa, khoa học, kĩ thuật của Việt Nam và thế giới. Mỗi tập khoảng trên dưới một vạn mục từ. Phản ánh trình độ phát triển văn hóa, khoa học trong từng thời kì lịch sử.

 

- "Mối quan hệ giữa người với người":

 

 

Con người sống là tạo dựng mối quan hệ giữa con người với thần linh, giữa con người với vạn vật trong vũ trụ và đặc biết hơn cả, là mối quan hệ giữa con người với con người, vì chính nó sẽ hình thành nền tảng đạo đức căn bản cho xã hội.

Trong mối quan hệ người với người, bản chất nhân bản luôn trỗi dậy kêu gọi, nhắc nhở con người hãy thay đổi phong cách sống để cùng hướng đến mối hòa thuận như điều kiện thiết yếu cho nhân loại tồn tại và phát triển tốt đẹp.

Từ Thánh Augustine, Platon, Aristote, Epicurus, Khổng Tử,.. Đến triết gia nổi tiếng nhất đương thời của Mỹ là John Dewey đều khẳng định rằng việc tìm kiếm hạnh phúc chân chính của nhân loại nằm ở những gì đạt được về đạo đức và tri thức trong toàn bộ những hoạt động có ích cho xã hội.

 

- "Những luận thuyết nổi tiếng thế giới":

 

 

Là những luận thuyết có tác động mạnh mẽ vào xã hội, hoặc làm thay đổi hoàn toàn nhận thức cũ, hoặc tạo nên một cuộc cách mạng toàn diện đưa lịch sử nhân loại sang một bước ngoặt mới.

 

- Tâm lý học:

 

 

Là bức tranh minh họa quá trình lịch sử ra đời và phát triển của khoa học tâm lý. Tác giả đã giúp cho người đọc hiểu, nhận thức đầy đủ ý nghĩa của thuật ngữ chung để biểu thị các hiện tượng tâm lý, đó là tâm hồn. Và ngoài ra còn phác họa những tư tưởng tâm lý học đã có từ thời xa xưa gắn với lịch sử của loài người.

 

- "Con mắt nhìn cái đẹp”:

 

 

 Xuất phát từ những đặc điểm sinh học và tâm lý thị giác, phân tích các yếu tố tạo hình: hình khối, đường nét, màu sắc như là những cơ cấu của sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó là những lý giải về phân chia thể loại, kỹ thuật và chất liệu, giúp bạn đọc đi vào đời sống bên trong của tác phẩm nghệ thuật.

 

- "Các thể loại và loại hình Mỹ thuật":

 

 

 Cung cấp kiến thức ban đầu, làm cơ sở cho việc tiếp thu các môn học khác về lý luận và lịch sử mỹ thuật, những hiểu biết cần thiết để có thể tiếp cận các tác phẩm mỹ thuật dễ dàng hơn, đồng thời kết hợp đào luyện thụ cảm nghệ thuật tạo hình.

 

- "Mỹ thuật hiện đại Việt Nam = L'art contemporain Vietnamien = Vietnamese contemporary art"

 

 

Giới thiệu sự hình thành và phát triển hội họa Việt Nam từ năm 1925 đến nay: Từ hội họa sơn dầu đến hội họa lụa; Sự xuất hiện của hội họa sơn mài, hội họa sơn dầu, tranh giấy, triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất 1946, Nghệ thuật tuyên truyền; Điêu khắc - điểm lại chặng đường 70 năm; Các tác phẩm nổi tiếng của các tác giả thời kỳ này với các chất liệu các nhau như: Buổi trưa - tranh sơn dầu của Tô Ngọc Vân; Mùa đông sắp đến - Tranh sơn mài của Trần Văn Cẩn; Hà Nội đêm giải phóng - Tranh bột màu của Lê Thanh Đức; Nắm đất miền Nam - thạch cao của Phạm Xuân Thi;....

 

- "Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới":

 

 

Giới thiệu toàn cảnh mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20 - một sự đổi mới mạnh mẽ và toàn diện so với những thời kỳ trước đó của hàng ngàn năm lịch sử. Đó là sự hiện thân trong tác phẩm tạo hình của những biến đổi sâu sắc, căn bản của toàn bộ đời sống kinh tế chính trị, văn hóa tư tưởng cũng như tình cảm và thẩm mỹ của dân tộc. Đó là kết quả tất yếu của các cuộc cải cách, các cuộc cách mạng, các cuộc chiến tranh, các cuộc giao thoa, hội nhập với các nền văn hóa thế giới, cũng như của những tiến bộ khoa học công nghệ và tăng trưởng kinh tế.

Nếu từ thế kỷ 19 về trước, điêu khắc và kiến trúc là chủ đạo, với các thành tựu rực rỡ nhất - thì thế kỷ 20 là thế kỷ của hội họa mới. Điêu khắc truyền thống lụi tàn và điêu khắc mới chỉ thực sự xuất hiện vào một phần ba cuối thế kỷ. Hội họa là trụ cột của mỹ thuật với ba trào lưu, làn sóng chủ lưu là Mỹ thuật Đông Dương những năm 1930-1945, Mỹ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa những năm 1954-1980 và Mỹ thuật đổi mới từ những năm 1990.

Với chính sách đổi mới, chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, nghệ thuật phải thay đổi và hội họa đã đi đầu, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam.

Sự phong phú của Hội họa đổi mới với hàng loạt tác giả và phong cách cá nhân đã chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của nó. Chính Hội họa đổi mới đã làm cho Mỹ thuật Việt Nam tiếp tục được biết tới và tôn trọng trong mắt người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước.

 

- "Văn hóa gốm của người Việt ở vùng đồng bằng sông Hồng":

 

 

Gốm là một trong những loại hình nghệ thuật - sản phẩm độc đáo, mang tính xã hội cao, có khả năng phản ánh nhiều khía cạnh đời sống xã hội. Ở một góc nhìn khác, gốm được coi như “ một thứ niên biểu của lịch sử, một phương diện văn hóa dân tộc".

 Việt Nam là một trong những quốc gia ở Đông Nam Á có truyền thống sản xuất gốm lâu đời. Với một chặng đường tồn tại và phát triển gần một vạn năm, đồ gốm và văn hóa gốm đã hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực đời sống vật chất, tinh thần của người Việt và nhiều tộc người sống trên lãnh thổ.

 

- “Văn học và các loại hình Nghệ thuật”:

 

 

Năng lực cảm thụ, phân tích tác phẩm văn học luôn đòi hỏi được nâng cao trong quá trình học tập và giảng dạy bộ môn văn. Việc mở rộng giới thiệu văn học trong mối tương quan với các loại hình nghệ thuật khác sẽ cho thấy sự độc đáo không những của văn học mà còn của các loại hình nghệ thuật.

 Cuốn sách gồm 4 chương: Những vấn đề chung về nghệ thuật; Một số nét đặc trưng của nghệ thuật tạo hình; Âm nhạc và mối quan hệ với văn học; Vài nét đặc trưng về thẩm mĩ của nghệ thuật Việt Nam.

 

- "Hội họa trừu tượng":

 

 

"Hội họa trừu tượng" theo một số người, có thể là một lĩnh vực nghệ thuật mù mờ và khó hiểu, nhưng thật ra, nếu để công sức khám phá nó, thì đây là một nghệ thuật có thể lý giải một cách khúc triết và không kém phần thú vị.

Cuốn sách giới thiệu một số tác phẩm hội họa trừu tượng của các bậc tiền khởi xướng như Kandinsky, Kupka, Klee và Doesburg, Mondrian, Malevitch, ...

 

- "Lịch sử nghệ thuật thanh nhạc phương Tây":

 

 

Gợi lại cả một quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật thanh nhạc Phương Tây - trải dài suốt hai nghìn năm, song song với sự hình thành và phát triển của nhiều thể loại âm nhạc từ thời cổ đại xa xưa cho tới những năm tháng gần đây.

 

- "Phương pháp sư phạm thanh nhạc":

 

 

Bao gồm phần lí thuyết và thực hành; Trình bày hệ thống phương pháp học hát trên cơ sở giải thích một cách khoa học và tương đối toàn diện vấn đề kỹ thuật thanh nhạc của các trường phái thanh nhạc thế giới: kỹ thuật về hơi thở ngực, phân loại giọng hát, âm khu giọng hát...vận dụng phù hợp, có kết quả vào việc giảng dạy, học tập thanh nhạc.

 

- "Tonal Harmony":

 

 

Tìm hiểu những khái niệm cơ bản trong âm nhạc như: xướng âm, nhịp điệu, hợp âm...; Phân tích từng khái niệm kèm theo những minh hoạ cụ thể các bản nhạc đặc trưng cho thế kỷ hai mươi