Nội san

Dàn dựng chương trình Âm nhạc trong giáo dục học sinh THCS Quốc Oai

23 Tháng Sáu 2014

                                                 Tạ Thị Lan Phương

 

Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật mang tính biểu hiệntác động mạnh mẽ vào cảm xúc của con người. Với học sinh, âm nhạc giúp các em phát triển tư duy, trí óc sáng tạo, khơi gợi cho các em những biểu tượng sâu sắc về cái cao cả, cái vĩ đại của thế giới xung quanh. Với trẻ thơ, âm nhạc cho các em nhiều cung bậc cảm xúc mới lạ, mở ra những hiểu biết, giúp các em hướng tới mọi điều tốt đẹp.

Trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo đã xây dựng được đội ngũ nhà giáo đông đảo, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao. Đội ngũ giáo viên nói chung, giáo viên âm nhạc huyện Quốc Oai nói riêng cũng không nằm ngoài những tiêu chí đó. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy âm nhạc hàng ngày cho học sinh, giáo viên âm nhạc còn tham gia các công tác khác như: Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn… và luôn là người dàn dựng, tổ chức các chương trình văn nghệ trong dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn nhỏ của nhà trường. Với tư cách là một môn học độc lập, dạy học âm nhạc có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vì vậy, âm nhạc được đưa vào giáo dục và dạy học trong trường THCS là vô cùng thiết thực. Bởi thông qua môn học này, các em biết yêu quê hương đất nước, yêu cha mẹ, thầy cô, quý mến bạn bè

Trong chuyên môn dạy học âm nhạc, ngoài việc dạy hát, tập đọc nhạc, kể chuyện âm nhạc, thì việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa âm nhạc và dàn dựng chương trình âm nhạc là không thể thiếu. Vì thế, phong trào văn hóa văn nghệ luôn được coi trọng ở các trường THCS. Điều này thể hiện trong nội dung chương trình tham gia dự thi hoặc các bài hát của chương trình . Tuy vậy, hình thức tổ chức các chương trình ngoại khóa âm nhạc chưa thực sự phong phú về nội dung lẫn hình thức thể hiện.Trong bài viết này, tác giả mạnh dạn bàn về vai trò của dàn dựng chương trình trong giáo dục học sinh THCS Quốc Oai.

Theo cách hiểu của chúng tôi, dàn dựng chương trình âm nhạc tổng hợp là sự tập hợp các tiết mục nghệ thuật ở nhiều thể loại âm nhạc khác nhau dựa vào chủ đề mà người giáo viên (biên đạo hay đạo diễn) cần phải sắp xếp, lên kế hoạch chi tiết cho từng nội dung chương trình như: Chọn bài, chọn đội hình ca, múa; chọn trang phục, đạo cụ; chuẩn bị âm thanh, ánh sáng, sân khấu,… để có một chương trình đạt chất lượng nghệ thuật cao nhất. Người chịu trách nhiệm dàn dựng chương trình văn nghệ quần chúng đầu tiên phải chú ý ngay đến yếu tố con người, phải biết tập hợp lực lượng để dàn dựng có hiệu quả, bố trí thời gian hợp lý. Nắm vững khả năng diễn viên, phát huy thế mạnh từng người. Mục đích dàn dựng các chương trình âm nhạc tổng hợp là vừa mang tính giải trí, vừa giáo dục con người sống tốt đẹp hơn.

Qua thực tế tham gia tổ chức và dàn dựng một số tiết mục văn nghệ cho trường THCS Sài Sơn, được dự xem một vài chương trình của các trường khác trong huyện, tôi thấy rằng, đa phần cách thức tổ chức khối các trường THCS gần giống nhau, hoạt động văn nghệ chào mừng ngày lễ còn sơ sài, chưa đạt được chất lượng nghệ thuật nhất định. Cụ thể là phong cách trình diễn đơn điệu, ít dàn dựng múa phụ họa ở những hình thức tốp ca, hợp ca đông người, nếu có cũng chưa thực sự sáng tạo, đôi khi còn không ăn nhập với nội dung ca khúc…

Để việc dàn dựng chương trình âm nhạc diễn ra thường xuyên hơn và mang lại hiệu quả trong giáo dục nhân cách, đạo đức, trí tuệ, thể lực học sinh, thì việc đưa các bài hát dân ca vào dàn dựng trong chương trình âm nhạc cũng như các hoạt động ngoại khóa âm nhạc là cần thiết. Bởi qua các bài dân ca, giúp các em thêm yêu các làn điệu dân ca Việt Nam, hiểu biết thêm về dân ca quê hương mình, quan trọng hơn là giáo dục cho các em tình yêu quê hương đất nước, yêu những giá trị văn hóa của người Việt mà chính các em là những công dân Việt, thế hệ trẻ của đất nước Việt trong tương lai.

 

Ảnh: Tiết mục “Chiến thắng Điện Biên” do tác giả dàn dựng cho Trường THCS Kiều Phú tham gia liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên”

 

Có thể nói, vai trò của giáo dục âm nhạc trong giáo dục toàn diện thông qua dàn dựng chương trình âm nhạc tổng hợp không chỉ đơn thuần là chuyển tải kiến thức, mà còn có vai trò khám phá khả năng trí tuệ đặc biệt của con người. Từ góc độ sinh lý học ta thấy âm nhạc giúp não bộ thức tỉnh khi đang ngủ say, giúp trí tuệ thêm minh mẫn khi làm việc. Mỗi lúc thấy mệt mỏi, con người được nghe âm nhạc sẽ bớt phần nào những căng thẳng, lo âu. Khi vui lại tìm đến âm nhạc để niềm vui thêm nhân đôi và cảm xúc được thăng hoa, đong đầy.

Âm nhạc là bộ môn nghệ thuật giàu cảm xúc nhất, nó không giống với bộ môn nghệ thuật khác bởi tình cảm là một trong những hình thức thể hiện sự vận động của cuộc sống và cũng chính là “động cơ khởi động” nội bộ xúc tiến hình thành sự phát triển bình thường của thể chất. Thực tế chứng minh, thể thao rèn luyện sức khỏe, còn âm nhạc lại đánh thức tâm trạng vui tươi của con người, mặc dù có sự khác biệt trong hình thức vận động sinh lý, nhưng lại có ý nghĩa chung trong việc thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh, cân bằng cơ thể và tâm lý, dùng âm thanh thể hiện tình cảm, từ đó đi vào lòng người.

Giáo dục âm nhạc không chỉ là dạy học một bộ môn nghệ thuật đơn thuần, mà còn là một bộ môn nghệ thuật mang tính nhân học, bởi vì đối tượng của âm nhạc là con người và nó hướng tới giáo dục con người. Vì vậy, việc tiến hành đào tạo con người toàn diện, nhân tài của mọi thời đại không thể coi nhẹ tác dụng của giáo dục âm nhạc.

Trong quá trình bồi dưỡng nhân cách của học sinh, tố chất thẩm mỹ là điều kiện không thể thiếu trong việc giúp học sinh nhận thức và có thái độ đúng đắn với cái thiện cái ác, theo đuổi chân lý, dựa theo quy luật của cái đẹp để hoàn thiện nhân cách; âm nhạc dựa vào đặc tính độc đáo của nó gợi mở những cung bậc cảm xúc khác nhau, do đó phát huy tác dụng không thể thay thế trong quá trình bồi dưỡng tâm hồn thanh cao và lòng say mê nghệ thuật của con người. Một tác phẩm âm nhạc có tính truyền cảm, trước tiên là vì tác phẩm ấy có một hình tượng âm nhạc sinh động và giàu cảm xúc. Hình tượng âm nhạc không chỉ là sự miêu tả phong cảnh, mà là một hình thức vận động kết cấu âm nhạc mang đậm tình cảm nồng cháy của nhạc sĩ, dung hòa trong ý nghĩa tiềm ẩn của hình tượng thẩm mỹ, mà nhạc sĩ đã truyền tải và thể hiện.

Hiện nay, bộ môn âm nhạc hầu hết đã được phổ cập đến tất cả các trường THCS trên toàn quốc. Tuy nhiên, với chương trình cải cách như vậy chưa đủ để khắc phục những bước khó khăn. Vì vậy, muốn cung cấp cho học sinh một trình độ âm nhạc nhất định, muốn góp phần tích cực vào sự phát triển và hoàn thiện nhân cách con người thì đòi hỏi người giáo viên phải có trình độ tri thức chung, kiến thức chuyên môn chuẩn mực nhất định, đồng thời nắm vững và vận dụng linh hoạt các phương pháp, biện pháp vào quá trình giảng dạy của mình. Âm nhạc đã thực sự đi vào mọi khía cạnh của cuộc sống xã hội. Âm nhạc đóng góp vào sự phát triển xã hội, bởi âm nhạc được bắt nguồn từ chính cuộc sống và để phục vụ cuộc sống.

Qua quá trình xem xét, nhìn nhận thực tế về thực trạng dạy học âm nhạc, hoạt động ngoại khóa âm nhạc và dàn dựng chương trình âm nhạc tổng hợp cho học sinh khối các trường Trung học cơ sở huyện Quốc Oai, Hà Nội tôi thấy:

Nhìn chung điều kiện cơ sở vật chất của các trường còn nhiều khó khăn, tuy nhiên hoạt động này mới phát triển về chiều rộng mà chưa phát triển về chiều sâu,  chưa có chất lượng nghệ thuật cao. Vì vậy cần và rất cần những đội ngũ người thầy yêu nghề, tâm huyết với nghề, có năng lực chuyên môn âm nhạc tốt, kỹ năng dàn dựng chương trình vững vàng, sáng tạo, mới có thể đưa hoạt động bề nổi của nhà trường vững mạnh. Qua đó, giúp các em trưởng thành hơn trong cuộc sống cũng như trong học tập. Song song với nó là việc rèn luyện các kỹ năng nghệ thuật, tạo điều kiện cho các em được trải nghiệm, được học hỏi và chắc hơn về khả năng thể hiện, khả năng cảm thụ âm nhạc, tích lũy các kiến thức bổ trợ cho lĩnh vực âm nhạc của chính các em. Bên cạnh đó không thể thiếu sự hợp tác nhiệt tình, say mê, yêu thích môn học của các em, hết lòng ủng hộ thầy cô, không quản ngại mệt mỏi, vất vả để cùng thầy cô tập luyện, tạo nên những chương trình đa màu sắc, đa phong cách, phong phú về thể loại âm nhạc cũng như hình thức trình diễn.

Nghệ thuật dàn dựng chương trình âm nhạc tổng hợp trong trường THCS không chỉ có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần phát triển hoạt động bề nổi của các nhà trường, mà còn góp phần giáo dục toàn diện nhân cách các em. Khi dàn dựng cho học sinh các chương trình nghệ thuật khác nhau, là tạo điều kiện cho các em được tiếp xúc, được trải nghiệm bản thân, được phát huy mọi khả năng tiềm tàng của chính các em. Từ đó, các em tự tin hơn trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Trong điều kiện đất nước ta hiện nay, việc giáo dục và nâng tầm tri thức cho học sinh các cấp, trong đó có học sinh lứa tuổi THCS là cần thiết. Thông qua biểu diễn, rèn luyện cho các em thị hiếu âm nhạc đúng đắn, năng lực hoạt động âm nhạc tập thể, phát triển được tài năng, hoàn thiện nhân cách và tự biết định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

 

 

 

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Lê Tuấn Anh (2007), Dàn dựng chương trình tổng hợp, Nxb giáo dục.
  2. Dương Viết Á, Đức Thịnh (2000), Tổ chức và dàn dựng chương trình biểu diễn ở cơ sở, Nxb giáo dục.
  3. PGS.TS.NSND. Lê Ngọc Canh (2009), Phương pháp chương trình nghệ thuật tổng hợp (nghệ thuật đạo diễn), Nxb Văn hóa thông tin.
  4. PGS. TSKH. Phạm Lê Hòa (2010), Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên âm nhạc trong các trường THCS ở miền Bắc Việt Nam, (Đề tài NCKH cấp Bộ mã số: B2008 – 36 – 09).
  5.  GS. Tô Ngọc Thanh (1998), Giáo dục âm nhạc dân gian cho thanh

niên, Nxb Văn hóa.