Tin tức – Sự kiện

Sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều, vì sao?

25 Tháng Tư 2015

Ngày 24/4, Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình của Chính phủ về việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

 

Thí sinh đi thi đại học năm 2012. Ảnh: Thế Dương


Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thế Phương trực tiếp giải trình các nội dung liên quan.

 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: Trong giai đoạn năm 2011-2014, trung bình mỗi năm có khoảng trên 400 nghìn sinh viên tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ). Số lao động có trình độ ĐH, CĐ trong độ tuổi lao động thất nghiệp trong thời gian qua tăng cao hơn so với số tốt nghiệp và số có việc làm, trong đó, số sinh viên thất nghiệp năm 2014 tăng gần gấp đôi so với năm 2010.

Trên cơ sở báo cáo của hơn 100 trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp cho thấy, giai đoạn 2010 - 2014, trung bình tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp sau 3 tháng có việc làm đạt khoảng 60%. Trong đó, có những cơ sở giáo dục đạt tỷ lệ này cao hơn, khoảng 80 - 90%.

Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ rõ do kinh tế suy thoái, việc làm mới không có. Nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa chủ động đầu tư, tổ chức nghiên cứu nhu cầu nhân lực của thị trường lao động để đào tạo những ngành theo tiêu chuẩn mà xã hội cần. Chương trình đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, khoa học-công nghệ. Bên cạnh đó, học phí thấp dẫn đến suất đầu tư/sinh viên thấp khiến cho các trường không đủ nguồn lực tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.

Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) cho rằng, đào tạo nghề ở ta chẳng khác gì nền sản xuất nông nghiệp, bao năm cứ loay hoay với cảnh “được mùa mất giá". Đào tạo thì cứ đào tạo, còn khâu tiêu thụ, giải quyết việc làm thì chẳng giải quyết được bao nhiêu. Chúng ta cứ kêu là do đào tạo không chuẩn vậy thì cái gì dẫn đến không chuẩn? Chúng ta thiếu cái gì ở đây mà cứ để loay hoay mãi?

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, Chính phủ đã thảo luận rất kỹ về công tác này. Nếu chỉ Bộ GD&ĐT hoặc Bộ LĐ-TB&XH tự làm sẽ không thể giải quyết được bởi đây là việc giải quyết những cơ chế của thị trường. Chính phủ cần ban hành các cơ chế để thị trường lao động có thể vận hành bình thường. Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức của xã hội từ tư duy tìm kiếm biên chế trong các cơ quan Nhà nước sang nhận thức việc làm chủ yếu không phải ở các cơ sở nhà nước. Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện biện pháp giảm biên chế; đào tạo tất cả các đối tượng, thành phần kinh tế khác nhau, trong đó không chỉ có thành phần kinh tế trong nước mà cả thành phần kinh tế ngoài nước, xuất khẩu lao động...

Tham gia giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa nêu rõ: Với trách nhiệm quản lý Nhà nước về việc làm, Bộ LĐTB&XH tham mưu, đề xuất với Chính phủ những chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý để thị trường lao động vận hành tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Muốn có việc làm bền vững, việc làm tốt hơn cần qua công tác giáo dục đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH chỉ tham mưu, đề xuất các chính sách việc làm riêng cho các đối tượng yếu thế. Việt Nam hiện có Quỹ Quốc gia về hỗ trợ việc làm. Hàng năm, thông qua nguồn quỹ này đã giải quyết việc làm cho hơn 200 nghìn lao động yếu thế. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm thông tin, dự báo thị trường lao động. Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ quan dự báo về thị trường lao động. Tuy nhiên, cơ quan này mới chỉ dự báo ngắn hạn chưa dự báo dài hạn. Tới đây sẽ phải làm tốt hơn công tác này.

Giải trình về việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, để ban hành văn bản thi hành Luật này phải xây dựng 15 văn bản. Tuy nhiên, đến nay mới ban hành được 10 văn bản. Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến việc ban hành văn bản chậm, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận do một số văn bản có nội dung mới, phức tạp, chưa có kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến nhiều Bộ, ngành. Do vậy, cần có thời gian nghiên cứu, khảo sát và trao đổi với các cơ quan tổ chức có liên quan, các chuyên gia trong và ngoài ngành, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, việc phân công soạn thảo văn bản tập trung vào một số cơ quan, đơn vị nên không đủ thời gian, nhân lực để thực hiện được đúng tiến độ soạn thảo văn bản
./.

Theo dangcongsan.vn