Tin tức

Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2015 – 2020): Đại hội cơ sở Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

30 Tháng Tư 2015

Chiều ngày 13 tháng 4 năm 2015, tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Đại hội cơ sở gồm 16 hội viên là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Đến dự có Ts. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Đại hội; Hiệu trưởng- Bí thư Đảng ủy GS-TSKH Phạm Lê Hòa – ; PGS.Ts. Ngô Thị Nam – Nguyên Phó hiệu trưởng nhà trường; Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu - Ủy viên Ban Thường vụ Hội; Nhạc sĩ Vũ Duy Cương - Ủy viên Ban chấp hành – Chánh Văn phòng Hội; các thành viên Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Đại hội và các nhà báo.

Đoàn chủ tịch gồm: Ts. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; GS-TSKH Phạm Lê Hòa; PGS.Ts. Ngô Thị Nam.

Sau khi tóm tắt bản cáo cáo chính trị về những hoạt động âm nhạc của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua và phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu: “Chúng ta đang trong không khí sôi nổi của những ngày tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ IX. Đây là đại hội cơ sở thứ 13 và cũng là Đại hội kết thúc Đại hội cơ sở. Ban tổ chức Đại hội đã tiến hành từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, khu vực Bắc miền Trung, các tỉnh phía Bắc, các đơn vị tại Hà Nội. Đây là một chi hội trẻ và rất quan trọng, gồm các nhà đào tạo nghệ thuật sư phạm. Hội thấy được tầm quan trọng và rất quan tâm đến mảng đào tạo, làm sao để có được nhiều nhạc sĩ trẻ có chuyên môn, được đào tạo bài bản. Một vấn đề thực tế hiện nay, nhiều sinh viên âm nhạc khi ra trường đã không thể làm đúng nghề, không sáng tác được mà chuyển sang làm những công việc khác như phóng viên, biên tập viên âm nhạc, một số chỉ viết được ca khúc. Hôm nay các đại biểu đến dự với tinh thần làm việc nghiêm túc, chúng tôi mong muốn sẽ có những ý kiến đóng góp cho Bản báo cáo và bản Điều lệ Hội, trên cơ sở đó chúng tôi sẽ bổ sung, hoàn chỉnh”.

Sau khi nghe nhạc sĩ Vũ Duy Cương đọc bản thuyết minh về sửa đổi bổ sung Điều lệ Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2015 – 2020), các đại biểu đã có những ý kiến đóng góp:

- Đại biểu Phạm Trọng Toàn:

Đồng tình với Bản cáo chính trị của Ban chấp hành khóa VIII, về Điều lệ ở chương 2, Điều 7, phần 7.1: Bảo tồn và phát triển những giá trị âm nhạc cổ truyền nên tách riêng với Xây dựng nền Âm nhạc Việt Nam tiên tiến”.

- Đại biểu Trịnh Hoài Thu:

Nhiệm vụ của Bản báo cáo đặt ra tương đối sát, nên bổ sung thêm một mục nữa: Phát huy vai trò giáo dục âm nhạc của Hội nhạc sĩ Việt Nam, phối hợp với các trường Âm nhạc trong hoạt động giao lưu âm nhạc với các tổ chức Âm nhạc của các nước châu Á và thế giới. Hội cần quan tâm đầu tư thêm cho những công trình nghiên cứu sách giáo khoa, giáo trình về âm nhạc phục vụ cho công tác đào tạo tốt hơn.

- Đại biểu Ngô Thị Nam:

Về Điều lệ Hội, ở Điều 23. Xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam, bổ sung thêm là: Xây dựng và phát triển đáp ứng với đời sống tinh thần, vì âm nhạc luôn gắn bó với đời sống. Khi đời sống vận động thì âm nhạc luôn luôn gắn bó với đời sống.

- Đại biểu Phạm Lê Hòa:

Trang 30 của bản báo cáo: thành lập câu lạc bộ giáo dục âm nhạc, sửa thành: Câu lạc bộ các trường âm nhạc. Về Điều lệ ở Điều 7: Hội tập hợp, đoàn kết động viên mọi lực lượng âm nhạc, có trách nhiệm xây dựng và phát triển nền âm nhạc nước nhà theo hướng chuyên nghiệp, tiên tiến, dân tộc và đại chúng, từ đại chúng nên sửa thành:tiên tiến dân tộc.

Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các trường Âm nhạc khu vực Đông Nam Á, năm 2014 đại diện của Trường đã tham dự Hội nghị của tổ chức này tại Philippines, Trường đã tham gia các chương trình nghệ thuật lớn như: Liên hoan hợp xướng và Hội thi hợp xướng Quốc tế tại Việt Nam lần thứ II tại thành phố Huế năm 2012. Trường đã góp phần đào tạo, phát triển âm nhạc tốt, được nhà nước cho phép đao tạo tiến sĩ, thạc sĩ, đào tạo đội ngũ sư phạm âm nhạc có trình độ cao. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa để nâng cao chất lượng đào tạo.

- Đại biểu Hoàng Tiến:

Tôi thực sự rất vui mừng, bản báo cáo đã nhìn nhận lại nhiệm kỳ vừa qua và phương hướng cụ thể cho thời gian tới. Hội Nhạc sĩ của ta là chuyên nghiệp, đại chúng, nhưng cần phải khắt khe hơn nữa, ta vẫn chặt nhưng có cái lỏng rằng: các nhạc sĩ chuyên nghiệp phải có tác phẩm sáng tác chất lượng, chương trình biểu diễn, công trình lý luận, thành tích đào tạo… gửi về cho Hội. Chúng ta chấp nhận cái đại chúng nhưng phải chọn lọc, phải phân loại và phân loại như thế nào? Các nhạc sĩ chỉ viết ca từ so với các nhạc sĩ viết khí nhạc, chúng ta tập hợp chung chung, tồn tại song song, cùng gọi là nhạc sĩ? Chúng ta không cần danh nhạc sĩ, mà thực sự phải có tác phẩm chất lượng cao.

Kết quả: Đại hội đã bầu ra 7 đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc vào 6-2015.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu tổng kết Đại hội:

“Chúng tôi xin ghi nhận và cám ơn các ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu.

Từ năm 1957, khi Hội được thành lập đã gồm 2 phân ban: Biểu diễn và Sáng tác. Hội ta là Hội của những người hoạt động âm nhạc, bao gồm cấu trúc rộng, mà đỉnh cao là những nghệ sĩ được quốc tế công nhận như: NSND Đặng Thái Sơn, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo… Âm nhạc là nghệ thuật cần nâng cao tính chuyên nghiệp, tránh nghiệp dư hóa, nhưng vẫn phải dung hòa giữa nhạc sĩ viết ca khúc (bài hát) và nhạc sĩ viết khí nhạc.

Rất tâm đắc với ý kiến của các đại biểu, cần đề cao hơn nữa công tác giáo dục âm nhạc, xuất bản được sách, giáo trình để phục vụ đào tạo, đào tạo chất lượng những giáo viên âm nhạc; nâng cao chất lượng hội viên.

Hôm nay, Đại hội đã làm việc nghiêm túc, bầu đúng qui định, chi hội ta là Đại hội cuối cùng góp phần vào thành công của Đại hội cơ sở. Đại hội cơ sở Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ IX đã thành công tốt đẹp. Xin chúc mừng các đại biểu chính thức! Chúc các đồng chí sức khỏe và nhiều thành tích hơn nữa”.

 

Theo hoinhacsi.org