Tin tức

Dừng 32 ngành đào tạo thạc sĩ có ảnh hưởng đến học viên?

04 Tháng Năm 2015
PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD và ĐT (Ảnh: Lê Hà).

NDĐT - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) vừa có văn bản thu hồi quyết định cho phép đào tạo thạc sĩ đối với 32 chuyên ngành thuộc 15 cơ sở đào tạo trên cả nước. Việc dừng đào tạo các chuyên ngành này có ảnh hưởng thế nào đến học viên? Công tác quản lý, đào tạo thạc sĩ hiện nay đang được thực hiện ra sao?...phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD và ĐT về các vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết hiện nay các trường đại học đang dựa trên cơ sở nào để xây dựng chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ?

PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Cả nước có 123 cơ sở giáo dục đại học được Bộ GD và ĐT cho phép đào tạo trình độ thạc sĩ với 1097 lượt ngành, chuyên ngành. Việc xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp đã được Bộ GD và ĐT giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở tuân thủ các quy định tại Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT ngày 2-12-2011, được sửa đổi, bổ sung tại thông tư số 20/2012/TT-BGDĐT ngày 12-6-2012 của Bộ GD và ĐT. Theo đó, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh chính quy nói chung phải căn cứ đồng thời vào hai tiêu chí: tổng sinh viên chính quy/giảng viên quy đổi và diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường/sinh viên.

Ngoài ra, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ còn phải căn cứ vào số lượng giảng viên là TS, PGS, GS tại cơ sở đạo tạo, đảm bảo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 27 của Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15-05-2014 của Bộ trưởng Bộ GD và ĐT: “Người có chức danh giáo sư­ được hướng dẫn tối đa 7 học viên; người có học vị tiến sĩ khoa học hoặc có chức danh phó giáo sư­ được hướng dẫn tối đa 5 học viên; người có học vị tiến sĩ từ 1 năm trở lên được hướng dẫn tối đa 3 học viên trong cùng thời gian”.

PV: Khi các trường thực hiện tự chủ, Bộ GD và ĐT sẽ kiểm tra, rà soát việc triển khai của các trường đại học ra sao để bảo đảm việc xác định chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ đúng quy định?

PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Theo Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT thì việc xác định, thông báo và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh phải được thực hiện công khai, minh bạch tạo điều kiện cho xã hội và người học cùng giám sát khả năng bảo đảm chất lượng ĐT của các trường.

Hàng năm, Bộ GD và ĐT có tổ chức kiểm tra xác suất tình hình xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của một số trường (cả ba miền) trong toàn quốc. Qua kiểm tra, Bộ hướng dẫn các trường thực hiện đúng việc xác định chỉ tiêu, đồng thời chấn chỉnh việc thực hiện chưa đúng qui định trong xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, yêu cầu các trường tăng cường đầu tư phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ GD và ĐT cũng đã nghiêm khắc xử lí đối với các sai phạm của một số trường như xử phạt hành chính đối với các trường tuyển vượt chỉ tiêu và trừ chỉ tiêu vào năm sau (ví dụ Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh). Thực tế, việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu đào tạo thường tập trung vào trình độ đại học, vi phạm ở trình độ thạc sĩ là số ít, chỉ ở một số ngành, chuyên ngành thuộc một số cơ sở đào tạo khối kinh tế, quản lý, luật.

PV: Mới đây, Bộ GD và ĐT đã thu hồi quyết định cho phép đào tạo thạc sĩ 32 chuyên ngành, liệu việc thu hồi có ảnh hưởng đến học viên?

PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Ngoài việc hàng năm có kiểm tra, thanh tra để hướng dẫn thực hiện và xử lý các trường hợp đào tạo trình độ thạc sĩ sai quy định, năm 2012 và 2013, Bộ GD và ĐT đã tổ chức rà soát tổng thể công tác đào tạo thạc sĩ nhằm chấn chỉnh, xử lý sai phạm kịp thời để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. Qua rà soát, Bộ GD và ĐT đã phát hiện một số cơ sở đào tạo chưa đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng và có sai phạm trong tổ chức đào tạo (trong đó có sai phạm về tổ chức đào tạo ngoài cơ sở đào tạo).

Bộ đã có những chấn chỉnh, xử lí kịp thời, nghiêm khắc các vi phạm như: yêu cầu cơ sở đào tạo chấm dứt đào tạo ngoài cơ sở đào tạo, chuyển học viên về trụ sở chính của cơ sở đào tạo; dừng tuyển sinh 161 ngành, chuyên ngành đào tạo thạc sĩ không duy trì được điều kiện bảo đảm chất lượng; dừng mở ngành, chuyên ngành đào tạo mới… đã được các báo chí đã đưa tin và ủng hộ trong thời gian qua. Sau thời gian dừng tuyển sinh, có 15 cơ sở chưa chuẩn bị đủ điều kiện tuyển sinh trở lại đã bị thu hồi quyết định cho phép đào tạo đối với 32 ngành (chuyên ngành) theo Quyết định số 1110/QĐ-BGDĐT ngày 06 tháng 4 năm 2015.

Như vậy, việc thu hồi quyết định không ảnh hưởng đến học viên. Trong năm 2015 và những năm tiếp theo, Bộ GD và ĐT tiếp tục rà soát, kiểm tra các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

 

Theo nhandan.org.vn