Tin tức

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: “Lọc” kỹ cán bộ thanh tra, giám sát kỳ thi

04 Tháng Bảy 2015

 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh: Vietnamnet

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh: Vietnamnet

Chia sẻ với báo chí trong chuyến thị sát kỳ thi THPT quốc gia tại Thái Nguyên và Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết cán bộ làm công tác thanh tra, giám sát thi được tuyển chọn rất gắt gao, tập huấn kỹ càng.
Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Đa số hài lòng Ngày thi thứ 3: Chỉ còn các môn tự chọn Kỳ thi THPT quốc gia qua những con số Thí sinh ảo gần như không còn

Thưa Bộ trưởng, hiện dư luận rất quan tâm về tính công bằng giữa các cụm thi ĐH và cụm thi địa phương. Họ lo ngại cụm thi địa phương sẽ bị coi lỏng, chấm lỏng và các thí sinh ở cụm thi ĐH chủ trì tham gia xét tuyển ĐH, CĐ sẽ chịu thiệt thòi hơn. Vậy Bộ trưởng nghĩ sao?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Dù hiện tại việc chấm thi chưa diễn ra mà mới diễn ra các hoạt động coi thi, nhưng rõ ràng đây là một khâu quan trọng cần được quan tâm. Có những công việc liên quan đến nhận thức của thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ coi thi, thầy cô giáo chấm thi. Ví dụ vấn đề liên quan tới barem điểm thi. Barem này cần chi tiết tới mức độ nào đấy để không diễn ra những suy diễn trong quá trình chấm thi.

Có những công việc liên quan tới tổ chức các hoạt động thanh tra kiểm tra, phúc tra phúc khảo. Bao gồm thanh tra ngay đồng thời trong khi kỳ thi đang diễn ra quá trình chấm để lấy thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, thanh tra để xử lý sai sót vi phạm nếu có.

Như vậy, để đảm bảo khách quan, công bằng giữa các cụm thi thì tất cả những công việc nêu trên phải diễn ra đồng bộ theo lộ trình. Những công việc này không phải năm nay ngành Giáo dục mới đặt ra mà ngay từ những năm trước, khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì vẫn phải đảm bảo công bằng khách quan cho các cháu. Nhưng năm nay do đặc thù có nhiều đổi mới nên công tác chấm thi sẽ được chú trọng hơn.

Qua thực tiễn thị sát tại Thái Nguyên thì chúng tôi thấy các thầy cô giáo coi thi các hội đồng thi thầy cô giáo làm nhiệm vụ coi thi, giám thị, giám sát đều quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ. Và đó là tiền đề để chúng ta hy vọng sẽ triển khai tốt các công việc đảm bảo công bằng công khai đúng với kết quả học tập của các cháu.

Còn công tác thanh kiểm tra, giám sát thì thay đổi như thế nào để đáp ứng nguyện vọng, yêu cầu về sự khách quan công bằng của thí sinh và gia đình?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Năm nay công tác thanh kiểm tra giám sát có mấy việc cần chú trọng. Thứ nhất là kiểm tra, giám sát tại từng hội đồng thi. Trước, trong và sau này từng hội đồng chấm thi phải tự thanh tra kiểm tra tại Hội đồng thi của mình. Thứ hai là có các đoàn thanh tra kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước bao gồm Bộ GD&ĐT, các Sở và UBND địa phương.

Bộ GD&ĐT đã có tập huấn về những thay đổi trong quy chế để cán bộ giám thị coi thi, chấm thi đồng thời các cán bộ thanh tra cũng nắm được. Lần này cán bộ thanh tra kiểm tra sẽ được lọc rất kỹ. Đoàn thanh tra gồm các cán bộ am hiểu về công tác thanh tra đồng thời cũng phải am hiểu giáo dục phổ thông, giáo dục ĐH cũng như những đổi mới trong thi cử đào tạo để không xảy ra sự lệch pha giữa tất cả các hoạt động này.

Bộ đã tổ chức tập huấn hoạt động thanh tra, giám sát này rất kỹ, đồng thời có các thư mục diễn đàn để trao đổi nghiệp vụ lẫn nhau. Đất nước của chúng ta trải dài trên các địa bàn, địa hình rất khác nhau. Có trường thuận lợi, có trường ở nơi khó khăn. Có trường ở vùng sông nước, có trường lại ở vùng rừng núi. Vì vậy, bên cạnh những vấn đề chung cũng có nhiều đặc thù riêng. Do đó, chúng tôi cũng thường xuyên liên lạc với các địa phương, các trường ĐH để nắm bắt, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Cá nhân Bộ trưởng kỳ vọng gì từ những đổi mới trong kỳ thi năm nay?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi xin nhắc lại đổi mới của kỳ thi chỉ là 1 khâu trong quá trình đổi mới. Sự đổi mới trong công tác thi cử năm nay là 1 bước tiến dựa trên đổi mới từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm ngoái.

Tất nhiên, năm nay kỳ thi đổi mới sâu hơn và chúng ta cố gắng để từng bước cụ thể hóa các quan điểm, triển khai những nhiệm vụ mà Nghị quyết 29 và Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo.

Tôi nghĩ rằng, nếu kỳ thi năm nay thành công tốt đẹp, thì kết quả kỳ thi sẽ củng cố những quan điểm về đổi mới giáo dục đã triển khai và tạo tiền đề vững chắc hơn, động lực mạnh mẽ hơn. Từ đó rút ra được những kinh nghiệm để chúng ta vừa chỉ đạo triển khai những đổi mới trong giáo dục phổ thông cũng như là trong giáo dục ĐH theo lộ trình đã định.

Theo giaoducthoidai.vn