Nội san

Hợp xướng tại mảnh đất xứ Thanh

06 Tháng Bảy 2015

Ngô Thị Hồng Nhung

 

Hợp xướng là một môn nghệ thuật mang tính chất tổng hợp, cần sự kết hợp của nhiều yếu tố như số lượng người tham gia hợp xướng, kỹ thuật hát bè, kỹ năng đọc xướng âm, cảm thụ âm nhạc, nắm chắc lý thuyết âm nhạc, phân tích âm nhạc,... Tất cả những điều đó tạo nên một đội hợp xướng tiềm năng. Để thu hút sự chú ý, sự quan tâm của người dân đối với loại hình nghệ thuật này thì người chỉ huy và những người tham gia hợp xướng không những phải hát đúng cao độ, tiết tấu mà còn phải hát có sắc thái, tình cảm, biết cách thể hiện tác phẩm hợp xướng một cách khéo léo. Có như vậy thì loại hình nghệ thuật này mới sống mãi trong lòng người nghe nhạc.

Thanh Hóa là một tỉnh có diện tích rộng- Một mảnh đất đa dạng về màu sắc văn hóa với nhiều dân tộc khác nhau, phong phú về loại hình sinh hoạt lao động sản xuất,... Từ đó cũng hình thành nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Tuy nhiên, nghệ thuật hát Hợp xướng lại gần như chưa được nổi trội từ mảnh đất xứ Thanh.

Hát hợp xướng là môn học thuộc ngành biểu diễn và rất quan trọng trong chương trình đào tạo giáo viên âm nhạc tại các trường Cao đẳng và Đại học Sư phạm. Là loại hình nghệ thuật cần có sự phối hợp của rất nhiều người. Sự phối hợp càng chặt chẽ thì chất lượng nghệ thuật càng cao. Môn học này giúp cho người học không những đảm nhiệm tốt công việc giảng dạy ở trên lớp mà còn có khả năng làm việc nhóm rất cao. Bộ môn này giúp rèn luyện cho người học các kỹ năng thực hành âm nhạc: ký âm, xướng âm, khớp bè, tai nghe, trí nhớ...

Trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa là một trường có số lượng sinh viên đông đảo. Vì thế, ngoài giờ học chính khóa thì hoạt động ngoại khóa là không thể thiếu được. Những hoạt động trong trường, cũng như ngoài trường sẽ giúp cho giảng viên và sinh viên có thêm những kinh nghiệm biểu diễn, sinh viên được thực hành nhiều hơn về kiến thức chuyên môn vào thực tế. Tuy nhiên, cũng có những khó khăn, thuận lợi nhất định.

Để dạy học Hợp xướng được phong phú và hoàn chỉnh, trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số phương pháp dạy học hiện đại:

1. Phương pháp dạy học theo nhóm

Phương pháp dạy học theo nhóm là phương pháp đặt ra yêu cầu chung để cho nhiều sinh viên cùng thực hiện. Phương pháp này nhằm tổ chức và rèn luyện kỹ năng cho sinh viên qua cách làm việc theo nhóm trong học hợp xướng. Nhóm phải sử dụng thành thạo kiến thức, kỹ năng làm việc, cùng hợp sức để hát thành công các bài hợp xướng. Trong nhóm, mọi người cùng nhau đảm nhiệm tốt phần bè của mình và không để nó đi lạc khỏi giọng chung của cả nhóm.

Làm việc theo nhóm góp phần xây dựng tinh thần đồng đội, tạo cơ hội để giúp nhau hoàn thành các nhiệm vụ trong dàn hợp xướng, cải thiện mối quan hệ trong nhóm và tăng cường sự tôn trọng dành cho nhau, đáp ứng nhu cầu học hợp xướng mang tính tập thể cao; tăng cường khả năng hòa nhập, tinh thần học hỏi, hợp tác thông qua phần tham gia bè hát của mình và phản hồi của thành viên khác; giúp cho bản thân rèn kỹ năng hát hợp xướng nhanh hơn và hiệu quả hơn so với việc giải quyết nhiệm vụ một mình; giúp phát triển kỹ năng khác như: kỹ năng trình diễn trước đám đông, knăng chỉ huy,... tạo tiền đề cho làm việc trong môi trường tập thể đạt hiệu quả.

Cách dàn dựng:

Bước 1: Thời gian đầu giờ, sinh viên được thực hiện các bước luyện tập hơi thở, luyện thanh và tìm hiểu bài.

Bước 2: Với tác phẩm mới, sinh viên được chuẩn bị trước ở nhà. Giảng viên chia lớp thành 4 nhóm và tiến hành cho các em tự vỡ bài.

 

 

Bước 3: Mỗi nhóm đều có người đánh đàn, người chỉ huy. Các nhóm được giảng viên cho vào các phòng khác nhau để tập trung. Sinh viên có thời gian nhất định từ 20 phút đến 30 phút.

Một khó khăn đối với giảng viên là theo khuynh hướng tự nhiên thì trong nhóm thường sẽ có một số sinh viên vượt trội, còn một số sinh viên kém hơn thì thường không rèn được kỹ năng hát trong hoạt động hát tập thể này. Điều này cần khắc phục bằng việc tổ chức các nhóm nhỏ luyện tập thuần thục, sau đó mới ghép thành các nhóm lớn dần. Giảng viên có thể chọn những sinh viên hát tốt trong nhóm hướng dẫn bạn chưa tốt. Sau đó, giảng viên để các nhóm báo cáo kết quả làm việc. Kết quả này khá đa dạng: có thể là bài luyện thanh, bài hợp xướng hoặc có thể là thảo luận về một phương pháp học,… Tuy nhiên, nó có thể tiến hành dưới các cách: Từng nhóm báo cáo sản phẩm; một nhóm báo cáo, các nhóm khác bổ sung; thi hát trong lớp để báo cáo kết quả;…

2. Phương pháp dạy học theo dự án

Phương pháp dạy học theo dự án là một hình thức dạy học trong đó người học thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lí thuyết và thực hành, tạo ra các sản phẩm có thể giới thiệu. Nhiệm vụ này được người học thực hiện với tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học tập, từ việc xác định mục đích, lập kế hoạch, đến việc thực hiện dự án, kiểm tra, điều chỉnh. Đây là một hình thức dạy học hay, góp phần gắn lý thuyết với thực hành, tư duy và hành động, nhà trường và xã hội, tham gia tích cực vào việc đào tạo năng lực làm việc tự lực, năng lực sáng tạo, năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp, tinh thần trách nhiệm và khả năng cộng tác làm việc của người học. Với môn hát Hợp xướng, đó là cách đánh giá tốt nhất cả năng lực biểu diễn và tinh thần làm vệc tập thể của sinh viên. Sản phẩm cuối cùng của dự án thường là một tiết mục hợp xướng bài bản. Các nhóm sinh viên phải trải qua một quá trình luyện tập lâu dài mới hoàn thành được phần biểu diễn. Do vậy, sản phẩm ấy không chỉ để kiểm tra trước lớp mà còn có thể dùng làm một tiết mục văn nghệ trong các chương trình thích hợp.

 

Ảnh: Chương trình biểu diễn nghệ thuật năm du lịch tại tỉnh Thanh Hóa

 

Học thông qua việc phục vụ cộng đồng: những dự án này thường gắn với cộng đồng địa phương và cho phép người học áp dụng bài học trong lớp học vào tình huống thực tế. Chẳng hạn, học để phục vụ biểu diễn ở trường, địa phương,...

Hợp tác trực tuyến: Những dự án này là các nhiệm vụ giáo dục thực hiện trực tuyến. Các dự án cung cấp kinh nghiệm học tập thực tế khi hợp tác trực tuyến với các lớp khác, các chuyên gia hay cả cộng đồng.

Xác định mục tiêu của dự án: Cần đạt được những kiến thức, kỹ năng, thái độ nào qua dự án này, đặc biệt là những kỹ năng hát hợp xướng.

Thiết lập hoạt động cốt lõi: hoạt động này sẽ định hướng một cái nhìn xuyên suốt dự án, đồng thời giúp các em sắp xếp hoạt động, việc luyện tập phù hợp. 

Lập kế hoạch đánh giá: đánh giá không phải là hoạt động đơn lẻ, trái lại, nó là một quá trình diễn ra liên tục trong suốt dự án. Nhờ đánh giá định kì thông qua các hướng dẫn trong bài học, giảng viên biết nhiều hơn về nhu cầu của người học cũng như có thể điều chỉnh việc giảng dạy. Trước khi tổ chức thực hiện dự án, giảng viên cần dành ra một buổi học để triển khai dự án đến sinh viên: giới thiệu tên dự án và nội dung tóm tắt, thảo luận với sinh viên về các giai đoạn thực hiện dự án,  phổ biến tiêu chí đánh giá, nhắc nhở sinh viên một số vấn đề khác: thời gian hoàn thành, tinh thần, thái độ làm việc,... Sau khi đã nắm được nội dung của dự án, các nhiệm vụ cụ thể cần giải quyết. Các nhóm sinh viên thảo luận để lập kế hoạch thực hiện dự án, phân công công việc đến từng thành viên trong nhóm và các em độc lập giải quyết từng nhiệm vụ trong dự án. Hết thời hạn thực hiện dự án, giảng viên tổ chức một buổi để các nhóm trình bày sản phẩm về dự án của mình. Các nhóm cử đại diện trình bày kết quả thực hiện dự án của nhóm mình. Các nhóm khác theo dõi, thảo luận, trao đổi, nhận xét, đóng góp ý kiến về kết quả làm việc của nhóm bạn đồng thời đưa ra đánh giá cụ thể. Giảng viên nên kết hợp mọi quá trình đánh giá: tự đánh giá của nhóm thực hiện, đánh giá của nhóm bạn, đánh giá của giảng viên để đưa ra kết luận về kết quả thực hiện dự án của các nhóm. Lựa chọn ra sản phẩm của nhóm xuất sắc để trình bày trước toàn trường hoặc đi biểu diễn.

3. Phương pháp kiểm tra đánh giá

Phương pháp kiểm tra đánh giá là kiểm tra có các hình thức như kiểm tra thường xuyên (kiểm tra hàng ngày), kiểm tra định kỳ (kiểm tra hết chương, hết phần...) để xác định kiến thức về hợp xướng và kỹ năng hát hợp xướng của sinh viên . Chất lượng của giờ học được đánh giá bởi khả năng tiếp thu bài của sinh viên. Trong một giờ dạy học, dù giảng viên có năng động, sáng tạo, linh hoạt trong việc sử dụng các phương pháp dạy học đến bao nhiêu mà sinh viên không tích cực chủ động thâm nhập vào tác phẩm thì giờ dạy học đó chưa thể đạt hiệu quả. Như vậy, giảng viên cần  có cách thức kiểm tra, đánh giá sinh viên cụ thể. Đối với sinh viên: Việc đánh giá có hệ thống và thường xuyên cung cấp kịp thời những thông tin "liên hệ ngược" giúp người học điều chỉnh hoạt động học. Qua kiểm tra, sinh viên biết mình đã hoàn thiện kỹ năng hát hợp xướng đồng thời nó còn giáo dục sinh viên có tinh thần trách nhiệm cao trong học tập, có ý chí vươn lên đạt những kết quả cao hơn. Đối với giảng viên, nó cung cấp những thông tin "liên hệ ngược ngoài" giúp người dạy điều chỉnh hoạt động dạy.

Chất lượng của giờ học được đánh giá bởi khả năng tiếp thu bài của sinh viên. Trong một giờ dạy học, dù giảng viên có năng động, sáng tạo, linh hoạt trong việc sử dụng các phương pháp dạy học đến bao nhiêu mà sinh viên không tích cực chủ động thâm nhập vào tác phẩm thì giờ dạy học đó chưa thể đạt hiệu quả. Như vậy, giảng viên cần  có cách thức kiểm tra, đánh giá sinh viên cụ thể. Đối với sinh viên: Việc đánh giá có hệ thống và thường xuyên cung cấp kịp thời những thông tin "liên hệ ngược" giúp người học điều chỉnh hoạt động học. Qua kiểm tra, sinh viên biết mình đã hoàn thiện kỹ năng hát hợp xướng đồng thời nó còn giáo dục sinh viên có tinh thần trách nhiệm cao trong học tập, có ý chí vươn lên đạt những kết quả cao hơn.

Đánh giá là quá trình tiến hành, có hệ thống để xác định phạm vi đạt được của các mục tiêu đề ra. Vậy, phải xác định rõ mục tiêu đánh giá là gì. Khi đánh giá phải chọn mục tiêu đánh giá rõ ràng, các mục tiêu phải được biểu hiện dưới dạng những điều có thể quan sát được. Ưu tiên hàng đầu cho việc đánh giá về năng lực thực hành âm nhạc (ca hát, biểu diễn,…). Đánh giá phải đảm bảo sự đa dạng: các năng lực, các nội dung, các loại hình đánh giá, các phương pháp, linh hoạt về thời điểm, sáng tạo và phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả,…

Đánh giá bằng nhiều dạng câu hỏi và bài tập. Đánh giá chất lượng mỗi câu hỏi, bài tập bằng nhiều sinh viên. Đánh giá phải mang tính khách quan, toàn diện, có hệ thống và công khai. Đánh giá phải đảm bảo tính thuận tiện của việc sử dụng công cụ đánh giá. Đánh giá bao giờ cũng đi kèm theo nhận xét để sinh viên nhận biết những sai sót của mình về kiến thức kỹ năng, phương pháp để sinh viên nghiên cứu, trao đổi thêm kiến thức.

Tóm lại, hát hợp xướng không chỉ giúp sinh viên có những kỹ năng hát một bè đơn mà phải dần nâng lên hát có nghệ thuật, có bè phối âm để gây hứng thú và qua đó kết hợp bồi dưỡng khả năng cảm thụ âm nhạc và các mặt khác nữa cho sinh viên. Hát Hợp xướng là một bộ môn quen thuộc và vô cùng hấp dẫn đối với người học, nhưng làm thế nào để truyền đạt kiến thức cho sinh viên say sưa, hứng thú với bộ môn, lĩnh hội được kiến thức một cách đầy đủ nhất thì quả là không dễ. Hy vọng với một số những đóng góp đã tích lũy được trong quá trình dạy học sẽ giúp các giảng viên có thêm kinh nghiệm và có cái nhìn tích cực về môn học này. Để giúp sinh viên sau này trở thành đội ngũ giáo viên âm nhạc giảng dạy bộ môn âm nhạc cho các trường phổ thông, thực hiện tốt mục tiêu giáo dục: giáo dục văn hóa âm nhạc, góp phần làm cân đối hài hòa nhân cách…giáo dục toàn diện, mang đến cho trẻ thơ những bài học hay, những kiến thức chính xác, khoa học, có kỹ năng ca hát, thiết nghĩ các giảng viên phải đem đến cho sinh viên một chương trình giáo dục đặc biệt hấp dẫn, toàn diện và đổi mới.

 

Ảnh: Một tiết mục biểu diễn Hợp xướng ( Nguồn: st)

 

Mục đích cuối cùng của học môn Hợp xướng cũng là để sinh viên sau này có thể biểu diễn hát hợp xướng. Vì vậy, ngay từ khi còn học ở trường, sinh viên nên được cọ xát với các hoạt động này. Hoạt động này phổ biến là giao lưu giữa các lớp, các trường. Rộng hơn là hoạt động biểu diễn ở huyện, tỉnh Thanh Hóa và trên cả nước. Đó là điều kiện tốt nhất cho các em được thư giãn, lấy lại sự cân bằng về tâm lý để tiếp thu tốt hơn trong các giờ học tiếp theo. Ngoài ý nghĩa trên, hoạt động âm nhạc ngoại khóa còn góp phần tích cực giúp học sinh ôn luyện, củng cố những kiến thức, kỹ năng âm nhạc đã học ở các giờ chính khoá. Hoạt động này giúp sinh viên làm quen với sân khấu, được mở rộng hiểu biết, kinh nghiệm và rèn kỹ năng cho công việc biểu diễn sau này. Hoạt động âm nhạc ngoại khóa còn là môi trường thuận lợi để học sinh phát huy mọi khả năng âm nhạc của mình. Qua đó, giảng viên có thể tiếp tục đánh giá năng lực hoạt động âm nhạc của từng sinh viên. Mặt khác, có thể phát hiện những sinh viên có năng khiếu âm nhạc để có biện pháp bồi dưỡng hạt nhân tiêu biểu làm nòng cốt cho phong trào ca hát. Với các bạn sinh viên, sau này là những giáo viên âm nhạc, đây cũng là dịp để các bạn hiểu thêm những khó khăn thường gặp với hoạt động biểu diễn để có phương hướng giải quyết tốt nhất thực trạng ấy. Hơn nữa, trong nhà trường, ở mọi cấp học, hoạt động âm nhạc ngoại khoá là cơ sở để duy trì phong trào văn hoá văn nghệ, xây dựng những hình thức sinh hoạt tập thể lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Như vậy, tổ chức hoạt động âm nhạc ngoại khoá luôn hướng tới giáo dục đạo đức, thẩm mĩ cho học sinh, hình thành ở các em nhu cầu và sở thích âm nhạc.   

 

Ảnh: Chương trình biểu diễn nghệ thuật năm du lịch tại tỉnh Thanh Hóa( Nguồn: st)

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Bách (2010), Nghệ thuật chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng, Nxb Trẻ, tp. Hồ Chí Minh.

2. Hoàng Thị Cúc (2014), Nâng cao chất lượng dạy, học hợp xướng tại trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nam Định, Luận văn Thạc sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc, ĐHSP Nghệ thuật TW, Hà Nội.

3. Lê Vinh Hưng (2009), Hệ thống phương pháp dạy và học hát hợp xướng hệ ĐH SPAN trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Đề tài NCKH cấp Bộ, trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Hà Nội.

4. Lê Quốc Vương (2014), Nâng cao chất lượng dạy học môn chỉ huy dàn dựng hát tập thể cho sinh viên Sư phạm Âm nhạc tại trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, Hà Nội.

5. Nguyễn Thiết - Lê Thế Hào, Phương pháp dàn dựng tác phẩm âm nhạc, trường CĐSP Nhạc - Họa trung ương, Hà Nội.

6. Nguyễn Minh Toàn - Nguyễn Hoành Thông (2001), Âm nhạc và phương pháp dạy học tập I, II, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

7. Hoàng Thị Thúy (2014), Hò Sông Mã trong chương trình giảng dạy Hợp xướng ngành Sư phạm Âm nhạc trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Luận văn Thạc sĩ Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, Hà Nội.

8. Krascnôsêcốp (1969), Những vấn đề về hướng dẫn hợp xướng (Tài liệu dịch TS. Vũ Tự Lân).