Tin tức – Sự kiện

GS.TSKH. Trần Văn Nhung nói chuyện chuyên đề “Hội nhập quốc tế trong đào tạo Sau đại học”

17 Tháng Tám 2015

                                                                                                                        BBT

 

Tiếp thu và thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, sáng ngày 12/8/2015, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Hội nhập quốc tế trong đào tạo Sau đại học” của GS.TSKH. Trần Văn Nhung – Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước. Chương trình nằm trong khuôn khổ của hoạt động đào tạo Sau đại học, dành cho đối tượng là nghiên cứu sinh khóa 1 chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc, học viên khóa 5 Cao học chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc, học viên khóa 3 Cao học chuyên ngành Quản lý văn hóa.

Tham dự buổi nói chuyện, về phía khách mời có đại diện của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước: GS.TSKH. Trần Văn Nhung - Tổng Thư kí; PGS.TSKH. Bùi Mạnh Nhị - Chánh Văn phòng; TS. Ngô Quang Thắng - Trưởng phòng chuyên môn; ông Nguyễn Khắc Cơ - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp - Văn phòng Hội đồng. Về phía Trường ĐHSP Nghệ thuật TW có GS.TSKH. Phạm Lê Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, cùng các lãnh đạo khoa, phòng ban và các học viên, nghiên cứu sinh của Nhà trường. 

 

Buổi nói chuyện chuyên đề thu hút sự tham gia của đông đảo học viên, nghiên cứu sinh

 

Phát biểu khai mạc, GS.TSKH. Phạm Lê Hòa bày tỏ niềm vinh dự của thầy và trò Nhà trường được đón tiếp GS.TSKH. Trần Văn Nhung và các thành viên của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước tham gia buổi nói chuyện chuyên đề. Trong bối cảnh Trường ĐHSP Nghệ thuật TW vừa được giao nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc trình độ Tiến sĩ, buổi nói chuyện là cơ hội hết sức ý nghĩa cho các học viên, nghiên cứu sinh của Nhà trường được lắng nghe một nhà giáo, một lãnh đạo tâm huyết, có vốn kiến thức uyên bác, có kinh nghiệm lâu năm chia sẻ những hiểu biết, bài học quý báu về hoạt động quản lý giáo dục. Nhà trường tin tưởng, qua buổi nói chuyện chuyên đề, các học viên và nghiên cứu sinh sẽ tiếp nhận được thêm nhiều phương pháp học tập, nghiên cứu mới góp phần vào việc hoàn thiện trình độ đáp ứng yêu cầu đào tạo ở bậc Sau đại học của đất nước, trong khu vực và trên thế giới.

 

GS.TSKH. Phạm Lê Hòa tặng hoa GS.TSKH. Trần Văn Nhung

 

            Mở đầu buổi nói chuyện, GS.TSKH. Trần Văn Nhung chia sẻ niềm vui khi chứng kiến những bước phát triển nhanh chóng của Nhà trường; từ một Trường  Cao đẳng còn gặp nhiều khó khăn về đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, Trường đã phấn đấu vươn lên thành một Trường Đại học với lực lượng cán bộ, giảng viên có trình độ cao, số lượng sinh viên lớn, các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo được đẩy mạnh góp phần đào tạo và bồi dưỡng hàng ngàn giáo viên nghệ thuật, cán bộ quản lý cho ngành giáo dục nói riêng và cả nước nói chung.

Để khẳng định tầm quan trọng chuyên ngành âm nhạc, hội họa, văn hóa trong đào tạo Sau đại học của Nhà trường cũng như trong đời sống xã hội, GS đã dẫn một số danh ngôn nổi tiếng như: “Âm nhạc khơi ngọn lửa trong tim người đàn ông, dâng lệ lên mắt người phụ nữ” - Ludwig van Beethoven, “Nơi nào con tim không thổn thức, nơi đó không có âm nhạc” - Pyotr Ilyich Tchaikovsky, “Tôi mơ mình vẽ, tôi vẽ giấc mơ” - Vincent van Gogh…Tuy vậy, các ngành khoa học, lĩnh vực chuyên ngành không tách biệt nhau mà có sự liên quan mật thiết, gắn bó, tổng hợp và bổ sung cho nhau, người làm nghệ thuật như nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn cũng cần sự trợ giúp từ những chỉ số vàng trong môn Toán học, nhà Toán học Việt Nam giành giải thưởng Fields danh giá Ngô Bảo Châu cũng có phông văn hóa, ngôn ngữ hết sức đa dạng… Theo ông, để thực hiện Nghị quyết 29 - NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện, cách tốt nhất là quốc tế hóa căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo từ tư duy đến hành động như lời của Cao Bá Quát (1809 – 1855) đã từng nói “Kho trời chung, mà vô tận của riêng mình”. Trước hết, Việt Nam có thể coi Triết lý giáo dục thế kỷ XXI của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc UNESCO, năm 1996 “Học để biết, học để làm việc, học để chung sống với nhau, học để làm người” (Learning to know, learning to do, learning to live together, learning to be) hay lời đề tựa trong cuốn sổ vàng của Hồ Chí Minh “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là kim chỉ nam cho việc đào tạo giáo dục hiện nay. Ngoài ra, cần chú trọng đổi mới chương trình phổ thông và thi cử, tận dụng và tham khảo di sản văn hóa, tri thức nhân loại trên thế giới.

 

GS.TSKH. Trần Văn Nhung  nói chuyện chuyên đề “Hội nhập quốc tế trong đào tạo Sau đại học”

 

Tiếp theo chương trình, PGS.TSKH. Bùi Mạnh Nhị có những chia sẻ về các phương pháp đổi mới về quản lý giáo dục. Muốn đưa hoạt động đào tạo Sau đại học vươn tới chuẩn quốc tế, trước hết chúng ta cần tự cố gắng nâng tầm của chính bản thân mình. Sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật cần chú trọng phát triển ngoại ngữ để có khả năng đọc tài liệu và giao tiếp, giao lưu với thế giới. Trong công cuộc đổi mới, cần phải xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc.

 

GS.TSKH. Trần Văn Nhung, PGS.TSKH. Bùi Mạnh Nhị, TS. Ngô Quang Thắng giải đáp câu hỏi của học viên, nghiên cứu sinh

 

Sau phần trình bày, các diễn giả đã nhận được rất nhiều câu hỏi của học viên, nghiên cứu sinh về việc mục tiêu đổi mới giáo dục, đào tạo Sau đại học trên thế giới. GS.TSKH. Trần Văn Nhung nhấn mạnh: ngoài việc sẵn sàng về chuyên môn, chuyên ngành, học viên, nghiên cứu sinh cần chuẩn bị năng lực ngoại ngữ, trình độ tin học để đáp ứng yêu cầu của các trường đại học nổi tiếng, có uy tín trên thế giới liên kết đào tạo với Việt Nam chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật.

Buổi nói chuyện chuyên đề của GS.TSKH. Trần Văn Nhung là dịp cho các học viên, nghiên cứu sinh tăng cường hiểu biết về nền giáo dục của các quốc gia tiên tiến trên thế giới; giúp họ ý thức sâu sắc hơn về lý tưởng nghề nghiệp, định hướng nghiên cứu trong tương lai.

Một số hình ảnh trong buổi nói chuyện chuyên đề

 

ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo - Trưởng khoa Sau đại học giới thiệu thành phần tham gia buổi nói chuyện chuyên đề

 

PGS.TSKH. Bùi Mạnh Nhị nói chuyện với các học viên, nghiên cứu sinh

 

GS.TSKH. Trần Văn Nhung, PGS.TSKH. Bùi Mạnh Nhị, TS. Ngô Quang Thắng chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo khoa Sau đại học và các Nghiên cứu sinh khóa 1 chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc

 

GS.TSKH. TRẦN VĂN NHUNG

-          Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước từ 2008 đến nay

-          Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

-          Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.