Tin tức

Trung tướng GS.TS. Nguyễn Ngọc Anh nói chuyện chuyên đề “Những điểm mới của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, năm 2013”

07 Tháng Chín 2015

 

 

BBT

                                                                                                                       

Sáng ngày 04/9/2015, Trung tướng GS.TS. Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp - Bộ Công an đã có buổi nói chuyện chuyên đề: "Những điểm mới của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, năm 2013" tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Chương trình được tổ chức nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam cũng như những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 cho tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường.

           Tham dự buổi nói chuyện chuyên đề có Trung tướng GS.TS. Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp – Bộ Công an; Về phía Nhà trường có Ban giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị và toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên.

 

TS. Đào Đăng Phượng – Phó Hiệu trưởng tặng hoa, chào mừng Trung tướng GS.TS. Nguyễn Ngọc Anh

 

Phát biểu tại buổi nói chuyện chuyên đề, TS. Đào Đăng Phượng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã bày tỏ niềm vui và vinh dự của Trường khi được đón Trung tướng GS.TS. Nguyễn Ngọc Anh nói chuyện với tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường. Thông qua buổi nói chuyện chuyên đề lần này, Nhà trường mong muốn cán bộ, giảng viên, sinh viên sẽ nâng cao sự hiểu biết về “Những điểm mới của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, năm 2013” nói riêng cũng như Hiến pháp và Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam nói chung.

 

Trung tướng GS.TS. Nguyễn Ngọc Anh trong buổi nói chuyện chuyên đề

 

Trung tướng GS.TS. Nguyễn Ngọc Anh đã trình bày hai nội dung chính đó là: Lịch sử lập hiến Nhà nước Việt NamNhững điểm mới của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, năm 2013.

Trong nội dung thứ nhất, Trung tướng GS.TS. Nguyễn Ngọc Anh đã giới thiệu một cách khái quát về Hiến pháp Việt Nam từ buổi đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho tới nay với bề dày lịch sử 70 năm. Bản Hiến pháp đầu tiên được ra đời vào năm 1946 đã trở thành kim chỉ nam cho hệ thống pháp luật nước ta sau này; Tiếp đến là bản Hiến pháp năm 1959 trong giai đoạn miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục công cuộc giải phóng đất nước; Bản Hiến pháp năm 1980 được ra đời khi đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất; Đến bản Hiến pháp năm 1992, ra đời trong bối cảnh đổi mới và cho tới ngày 28/11/2013, kỳ họp thứ VI, Quốc hội khóa XIII đã thông qua toàn văn Hiến pháp năm 1992, được sửa đổi bổ sung năm 2001.

Trung tướng GS.TS. Nguyễn Ngọc Anh đặc biệt nhấn mạnh đến nội dung thứ hai: Những điểm mới của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, năm 2013. Tuy nhiên, trong khuôn khổ thời gian chương trình, Trung tướng chỉ giới thiệu một số điểm mới của Hiến pháp năm 2013 đó là: Sự ngắn gọn, súc tích (Vd: với độ dài của phần mở đầu, Hiến pháp năm 2013 chỉ bằng 1/3 so với Hiến pháp năm 1992); Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương và 120 điều (giảm 1 chương, 27 điều; giữ nguyên 7 điều, làm mới 12 điều, sửa đổi 101 điều so với Hiến pháp 1992); Những nội dung cơ bản: Đổi mới về chế độ chính trị; Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường;...... Trong mỗi nội dung đưa ra, Trung tướng GS.TS. Nguyễn Ngọc Anh đều có sự phân tích rõ ràng và minh họa, liên hệ thực tiễn. Đồng thời, bằng việc so sánh, đối chiếu giữa Hiến pháp năm 2013 và Hiến pháp năm 1992 cũng như Hiến pháp của một số nước trên thế giới, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh đã khéo léo dẫn dắt những nội dung của một chuyên đề pháp luật mang tính khuôn phép, chuẩn mực trở nên dễ hiểu, dễ nhớ nhưng vẫn giúp cho người nghe hiểu được nội dung cơ bản và sự tiến bộ của Hiến pháp năm  2013.

 

Cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường tham dự buổi nói chuyện chuyên đề

 

Buổi nói chuyện chuyên đề của Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Ngọc Anh là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Chuyên đề đã cung cấp những kiến thức bổ ích và cần thiết; giúp cho người nghe có những nhận thức sâu sắc về Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện “sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”.