Tin tức – Sự kiện

Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Phương Thảo bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ

11 Tháng Mười 2015

                                                                                                                        BBT

 

Ngày 30/9/2015, tại Hội đồng  đánh giá luận án tiến sĩ cấp Trường, Đại học Văn hóa Hà Nội, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Phương Thảo đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Văn hóa học, mã số 62310640, đề tài “Văn hóa vùng biển đảo Quảng Ninh (Qua nghiên cứu các lễ hội truyền thống)”, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Trần Đức Ngôn và TS. Nguyễn Thị Việt Hương.

Là một cán bộ trẻ của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, trong quá trình công tác, Nguyễn Thị Phương Thảo luôn xác định trách nhiệm của bản thân trong việc học tập, nghiên cứu, trau dồi để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn đồng thời hoàn thành tốt công tác quản lý (hiện chị là Trưởng khoa Sau đại học). Được sự khuyến khích, tạo điều kiện từ phía Nhà trường và các cán bộ, chuyên viên tại nơi công tác, chị đã tiếp tục tham gia làm Nghiên cứu sinh ngành Văn hóa học tại Trường ĐH Văn hóa Hà Nội. Trên cơ sở của đề tài luận văn Thạc sĩ “Di tích lịch sử văn hóa, văn hóa và lễ hội trên đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn – tỉnh Quảng Ninh), Nguyễn Thị Phương Thảo đã phát triển thành luận án Tiến sĩ và khai thác ở phạm vi lớn hơn. Dưới sự hướng dẫn của hai nhà khoa học là PGS.TS. Trần Đức Ngôn và TS. Nguyễn Thị Việt Hương nhiệt tình, giàu kinh nghiệm, cộng với mong muốn góp phần làm rõ hơn những nét đặc trưng, tính chất đa dạng, phong phú của lễ hội truyền thống Quảng Ninh trong lịch sử phát triển và hiện tại, Nguyễn Thị Phương Thảo đã hoàn thành trong thời gian ngắn nhất và tham gia bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp Trường với đề tài “Văn hóa vùng biển đảo Quảng Ninh (Qua nghiên cứu các lễ hội truyền thống)”.

 

Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Phương Thảo trong phần trình bày đề tài luận án Tiến sĩ

 

Văn hóa vùng biển đảo Quảng Ninh là văn hóa của một vùng biển đảo có lịch sử lâu đời, có sự tương đồng về dân cư, về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, có sự giao lưu văn hóa. Trải qua quá trình lao động và sáng tạo, cư dân vùng biển đảo Quảng Ninh đã tạo nên những đặc điểm văn hóa tiêu biểu, nghiên cứu sinh đã thực hiện khảo sát thực tế những lễ hội truyền thống tiêu biểu ở vùng biển đảo Quảng Ninh. Chỉ tính riêng vùng biển đảo có 46 lễ hội truyền thống thường niên được tổ chức ở miếu, nghè, đình, đền, chùa, phân loại theo tiêu chí vùng không gian, lễ hội truyền thống vùng biển đảo Quảng Ninh được chia làm ba nhóm chính: Nhóm lễ hội hải đảo chiếm 43%, nhóm lễ hội ven biển chiếm 17%, nhóm lễ hội nội đồng chiếm 20%. Luận án đã làm rõ các yếu tố nội đồng, yếu tố biển được thể hiện trong lễ hội truyền thống vùng biển đảo Quảng Ninh thông qua các vị thần chủ được thờ, các nghi lễ và các hoạt động hội. Về mối quan hệ giữa yếu tố nội đồng và yếu tố biển trong lễ hội truyền thống vùng biển đảo Quảng Ninh được thể hiện qua quá trình khảo sát và phân tích, kết quả cho thấy yếu tố nội đồng đậm hơn yếu tố biển. Luận án cũng đã chứng minh tính lịch sử là một đặc điểm quan trọng trong lễ hội truyền thống vùng biển đảo Quảng Ninh. Điều này được thể hiện qua các sự kiện và nhân vật lịch sử. Tại các di tích và lễ hội, các nhân vật lịch sử còn được đồng hóa vào các vị thần biển, những vị thần này vốn không có nguồn gốc là thần biển nhưng trải qua các lớp văn hóa đã mang một ý nghĩa mới là giống hoặc gần giống với thần biển, trong đó các vị tướng lĩnh nhà Trần chiếm đa số. Trên cơ sở đó, nghiên cứu sinh thực hiện phương pháp so sánh để chỉ ra sự tương đồng và khác biệt giữa văn hóa vùng biển đảo Quảng Ninh với văn hóa vùng biển đảo khác ở vịnh Bắc Bộ và Trung Bộ trong tín ngưỡng thờ cúng và các hoạt động lễ hội.

Với tinh thần nghiêm túc, Hội đồng đã đánh giá khách quan ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án, chỉ ra những điểm hạn chế, đồng thời nêu rõ những đóng góp mới của luận án. Hội đồng kết luận đề tài đã phân loại lễ hội truyền thống ven biển Quảng Ninh; mô tả được những yếu tố văn hóa nội đồng và văn hóa biển trong lễ hội truyền thống vùng biển đảo Quảng Ninh; phát hiện những nguồn tư liệu mới và nêu được những đặc điểm tiêu biểu của văn hóa vùng biển đảo Quảng Ninh, đối chiếu với các vùng khác ở vịnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng sẽ là một căn cứ khoa học góp phần định hướng quy hoạch phát triển văn hoá, tạo môi trường xã hội ổn định, bền vững, trong đó có việc khai thác lễ hội truyền thống như là một nguồn lực văn hoá để phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh nói riêng, của cả nước nói chung trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Với 7/7 phiếu tán thành, Hội đồng nhất trí đề nghị Trường Đại học Văn hoá Hà Nội làm thủ tục công nhận học vị tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Phương Thảo theo Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Tân Tiến sỹ chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, chuyên viên khoa Sau đại học

 

Lễ bảo vệ kết thúc trong niềm vui chung của NCS. Nguyễn Thị Phương Thảo cùng gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Tin tưởng rằng, Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ có những đóng góp hơn nữa vào công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo Nghệ thuật, xứng đáng với học vị Tiến sĩ cao quý mà chị vừa nhận được; góp phần vào sự lớn mạnh của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là các cán bộ trẻ của Nhà trường; từng bước xây dựng Khoa Sau Đại học trở thành đơn vị xuất sắc, tiêu biểu của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trong tương lai.

Quá trình học tập, công tác của TS. Nguyễn Thị Phương Thảo:

-       Sinh năm 1980 tại Đông Triều, Quảng Ninh.

-       Tốt nghiệp đại học ngành Văn hóa Du lịch tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

-       Thạc sĩ ngành Văn hóa học (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội)

-       Là Trưởng bộ môn Quản lý Văn hóa, Khoa Văn hóa Nghệ thuật, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

-       Tham gia 02 đề tài cấp Bộ, 03 đề tài cấp Trường với các vai trò khác nhau: Chủ nhiệm, Thành viên và Thư ký. Có nhiều bài viết đăng trên các báo, tạp chí: Tạp chí Di sản văn hóa, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật…

-       Hiện là Trưởng khoa Sau đại  học, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW