Cơ hội để sắp xếp, phân tầng đại học

Tại cuộc họp báo, nhiều cơ quan báo chí cho rằng sau kỳ thi THPT quốc gia, rất nhiều trường ĐH không thể tuyển đủ nguồn tuyển gây khó khăn cho duy trì hoạt động của trường trong năm học này. Báo Lao Động thời gian qua cũng đã có loạt bài phản ánh nguy cơ phá sản của nhiều trường ĐH ở nhiều tỉnh, thành mà một trong những khó khăn lớn chính là không thu hút được SV. Về điều này, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) - cho biết, hiện tại chưa thể thống kê số lượng các trường ĐH thiếu hụt nguồn tuyển cho đến hết tháng 11.2015 khi mà kết thúc các đợt tuyển sinh bổ sung. Còn đối với biện pháp xử lý những trường ĐH, CĐ hoạt động không hiệu quả, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, công việc này sẽ là nội dung chính để Bộ GDĐT bàn thảo trong các nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2015-2016.

“Bộ GDĐT sẽ cơ cấu lại một số trường theo hướng phù hợp với năng lực, trên cơ sở điều kiện vật chất, đội ngũ giảng viên. Có thể sẽ liên kết những trường này với một số trường có uy tín để tận dụng cơ sở, đội ngũ, tránh lãng phí. Điều này sẽ thực hiện ngay trong năm học mới này” - ông Bùi Văn Ga nói. Liên quan đến vấn đề sắp xếp các trường ĐH, CĐ, ông Bùi Văn Ga cho hay, đây cũng sẽ là cơ sở để Bộ GDĐT thực hiện việc phân tầng, xếp hạng ĐH - một trong những nội dung trọng tâm của năm học mới này.

Sẽ kiểm soát lạm thu

Cũng tại cuộc họp báo, nhiều ý kiến cho rằng công tác chấn chỉnh thu-chi đầu năm học và tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn còn nhiều bất cập. Điều này được ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - cho biết, Bộ GDĐT đã vào cuộc tiến hành kiểm tra một số trường và thấy rằng việc kiểm soát lạm thu đã tiến bộ hơn năm ngoái. “Vẫn có hiện tượng lạm thu do phụ huynh gửi thông tin về bộ, tuy nhiên qua kiểm tra, kết quả cho thấy những trường có biểu hiện lạm thu đều đã trả lại tiền cho phụ huynh. Các sở GDĐT cũng đều có ban hành quy định về thu-chi rất rõ ràng” - ông Định nói.

Liên quan đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, ông Định thừa nhận, điều này chưa được chấn chỉnh triệt để với nhiều lý do như tâm lý phụ huynh vẫn muốn con mình tiến nhanh hơn các bạn khác nên có nhu cầu cho con học thêm. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho hay, giải quyết triệt để không phải bằng cách phạt hành chính, mà còn bằng nhiều giải pháp khác nhau, trong đó cần tuyên truyền, ý thức lại mục tiêu GD. “Đổi mới GD không đòi hỏi học sinh mạnh về kiến thức mà phát huy năng lực tư duy, kỹ năng sống” - ông Hiển nói.

 

Theo laodong.com.vn