Tin tức – Sự kiện

Đánh giá sách giáo khoa mới theo tinh thần mới

07 Tháng Mười Một 2015

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì Hội thảo xin ý kiến góp ý dự thảo nội dung bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì Hội thảo xin ý kiến góp ý dự thảo nội dung bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa giáo dục phổ thông

GD&TĐ - Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tại Hội thảo xin ý kiến góp ý dự thảo nội dung bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa giáo dục phổ thông diễn ra sáng nay (6/11) tại Hà Nội.

Công phu xây dựng bộ tiêu chí SGK

Ban tổ chức Hội thảo cho biết, Bộ GD&ĐT đã công phu soạn bộ tiêu chí đánh giá SGK phổ thông. Đã có hai hội thảo ở miền Nam và miền Trung để xin ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo và cácý kiến góp ý rất tập trung, đồng thuận.

Đồng thời, thực hiện Đề án dạy học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, bộ tiêu chí đánh giá SGK Tiếng Anh đã qua khâu xin ý kiến rộng rãi, đang được hoàn thiện để ban hành.

"Bộ tiêu chí đánh giá SGK càng ra sớm càng tốt để trước hết kịp thời phục vụ các tác giả viết sách, sau đó là phục vụ các Hội đồng quốc gia thẩm định sách và người dùng (giáo viên, học sinh) chọn sách khi chúng ta thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều SGK.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu khai mạc Hội thảo. 
Bộ đang xây dựng Chương trình, một số tổ chức cá nhân cũng đang biên soạn SGK dựa trên tinh thần đổi mới của chơơng trình giáo dục. Dù đang làm đồng thời, nhưng khi phê duyệt phải có thứ tự để không mâu thuẫn và đảm bảo cái sau phù hợp với cái trước.Cụ thể, sẽ phê duyệt chương trình tổng thể trước, sau đó đến chương trình các môn học và cuối cùng là phê duyệt đến sách giáo khoa” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội thảo.

Đã có thử nghiệm một chương trình, nhiều SGK

Nói về đổi mới một chương trình - nhiều SGK, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, trên thực tế đã có quá trình thử nghiệm và đã thấy hiệu quả.

Ví dụ như SGK của mô hình Trường học mới, SGK Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục 1, sách học song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ. Để thấy, việc một chương trình nhiều SGK là khả thi và không phải hoàn toàn mới.

Tuy nhiên, cái mới là lần này, một chương trình, nhiều bộ SGK, nhưng không phải chỉ do Bộ GD&ĐT viết mà còn nhiều tổ chức, cá nhân khác viết theo tinh thần Nghị quyết 88.

Trả lời câu hỏi tại sao phải viết nhiều SGK, GS. TS Đinh Quang Báo cho rằng: Trong thực tế, một bộ SGK không thể đáp ứng hết được các đối tượng khác nhau thuộc các vùng miền; cũng không có bộ SGK nào có thể đáp ứng tốt được tất cả yêu cầu của chương trình. Nếu đáp ứng thật tốt yêu cầu này, có thể sẽ hạn chế ở yêu cầu khác.

Vì thế, khi nhiều SGK, người dạy và người học sẽ có nhiều lựa chọn. Hơn nữa, việc này cũng huy động được trí tuệ của xã hội nhiều hơn trong viết SGK.

Cũng theo GS Đinh Quang Báo, nếu chỉ có một bộ SGK, người dạy nhiều khi chỉ dạy theo SGK mà không chú ý gì đến chương trình. Trong khi đó, nếu nhiều bộ sách, để lựa chọn một bộ sách phù hợp, không chỉ người viết sách mà người dạy phải hiểu chương trình và phải đối chiếu được sách với chương trình.

Chính giáo viên sẽ là người chọn SGK

Hội thảo thống nhất cho rằng: Để đạt được mục tiêu dạy học, với sách giáo khoa, quan trọng nhất là đảm bảo nội dung cốt lõi được lựa chọn, tổ chức sao cho tinh giản, hiện đại, thiết thực và tạo thuận lợi cho việc áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến, phát huy được tính chủ động tích cực và rèn luyện phương pháp tự học của học sinh. Sách giáo khoa cần viết làm sao để khi sử dụng sẽ gợi ra việc giáo viên không phải đi truyền thụ một chiều mà phải là người tổ chức hoạt động dạy học.

Cho biết Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn quy trình chọn SGK trong nhà trường, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đồng thời nhấn mạnh:

Theo tinh thần của Nghị quyết 88, chính giáo viên là người chọn SGK, là ngườigiới thiệu sách nào tốt. Rồi Hiệu trưởng nhà trường tham khảo thêm ý kiến của phụ huynh học sinh, của học sinh và những người am hiểu về chương trình, nội dung dạy học, phương pháp dạy học để thống nhất trong nhà trường sẽ chọn sách giáo khoa nào. Như vậy, dù Hiệu trưởng là người phê duyệt cuối cùng, nhưng quan trọng nhất của việc chọn phải là giáo viên.

Điều kiện tối quan trọng thực hiện "nhất cương, đa bản"

Tại hội thảo, cácý kiến góp ý đều thống nhất vị trí tối quan trọng của bộ tiêu chí đánh giá SGK phổ thông, để các tập thể, cá nhân có thể viết sách theo đúng định hướng "nhất cương, đa bản", đảm bảo giữ được sự thống nhất chung trong quản lý và có được sản phẩm tốt. Nhiều ý kiến tán thành và tâm đắc với nội dung trong dự thảo bộ tiêu chí của Bộ GD&ĐT.

Ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết: Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá SGK phổ thông là việc làm cụ thể triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Các tiêu chí và chỉ báo được xây dựng tương đối chi tiết, cụ thể, khoa học, bao quát đầu đủ các vấn đề yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đặt ra cho bộ SGK .

Ông Nguyễn Xuân Trường đưa đề nghị: Trên thực tế, địa phương rất muốn triển khai dạy học các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, nên nếu được, có thể khuyến khích bộ SGK viếttheo dạng song ngữ. Đồng thời, SGK có thể dùng cho nhiều phương thức giáo dục cả chính quy và không chính quy.

Tại hội thảo, có ý kiến cho rằng, các tiêu chí, chỉ báo cần càng cụ thể càng tốt; nhưng cũng có ý kiến trái ngược, yêu cầu rút gọn các tiêu chí. Trước các ý kiến này, Ban soạn thảo cho rằng, cần phải cân đối và cụ thể đến mức độ nhất định để khỏi bỏ sót và dễ cho người đánh giá...

Theo giaoducthoidai.vn