Tin tức

Nghĩ về chuyện tăng học phí và viện phí

14 Tháng Mười Một 2015
Y tế, giáo dục là vấn đề trọng yếu, thiết thực nhất đối với mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Mọi sự điều chỉnh về giá dịch vụ y tế, giáo dục, ngoài bài toán “tính đúng, tính đủ” và giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, thì cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chất lượng giáo dục - đào tạo.

                             Ảnh minh họa ( Ảnh: T.L)

Theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ, từ ngày 1/12/2015, mức học phí ở các khối trường công lập sẽ tăng dần hằng năm (trừ một số đối tượng được miễn, giảm), bắt đầu từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

Mức học phí tăng đến cao nhất là học phí với hệ đại học. Theo đó, mức học phí tăng tối đa ở các trường đại học thí điểm tự chủ có thể hơn 44 triệu đồng/năm (khoảng 2.000 USD); đối với những trường chưa thực hiện tự chủ tài chính, mức học phí cao nhất là 8,8 triệu đồng/năm (khoảng 400 USD).

Việc tăng học phí sẽ giúp các trường đại học công lập nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, xét về góc độ kinh tế là không sai. Tuy nhiên, khi chúng ta coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, thì cần tạo ra những khung học phí phù hợp với từng loại đối tượng, phù hợp với thu nhập thực tế của cán bộ công chức, viên chức và người lao động ở đô thị. Hiện  chính sách tiền lương chưa theo kịp việc tăng giá nhiều loại dịch vụ, nên con em cán bộ công chức, viên chức gặp không ít khó khăn khi theo học học ngành học có mức học phí 44 triệu đồng/ năm

Dù gì thì các trường đại học công lập cũng đang hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước, nên việc công khai, minh bạch các khoản thu - chi để làm căn cứ điều chỉnh mức tăng học phí đối với từng trường, từng ngành học sẽ nhận được sự chia sẻ của người học, phụ huynh và dư luận xã hội.

Tăng học phí cần đi kèm với cam kết về tăng chất lượng giáo dục - đào tạo. Những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên thất nghiệp năm sau nhiều hơn năm trước. Các cơ sở đào tạo cứ đào tạo, sinh viên ra trường cứ ra trường và phần lớn không kiếm được việc làm. Sinh viên thất nghiệp nhiều không chỉ là gánh nặng cho người học, cho gia đình mà cho cả xã hội, thậm chí còn phát sinh “nợ xấu” đối với nguồn vốn mà ngân hàng cho sinh viên vay ưu đãi.

Không chỉ tăng học phí, sắp tới có 1.800 dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá theo đề xuất của Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội. Việc tăng giá dịch vụ y tế được ngành Y tế khẳng định là nhằm mục đích “ tính đúng, tính đủ”, thậm chí có lợi cho người khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế!

Về lý, việc tăng giá dịch vụ y tế là cần thiết để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế. Nhưng mặt khác, việc tăng giá này trực tiếp ảnh hưởng đến những người không có thẻ bảo hiểm y tế. Sở dĩ nhiều người dân chưa mặn mà với việc khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, là do thủ tục hành chính còn rườm rà; chất lượng khám, chữa bệnh chưa tốt bằng không có thẻ. Công khai, minh bạch các yếu tố đầu vào của giá dịch vụ y tế, đồng thời kèm theo đó là sự cam kết về chất lượng khám, chữa bệnh, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận của nhân dân.

Y tế, giáo dục liên quan đến mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội. Không ít quốc gia trên thế giới, đều có những chính sách đặc biệt để hỗ trợ hoặc giảm tối đa viện phí, học phí, đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, người thất nghiệp. Họ quan niệm, chỉ số phát triển bền vững là chỉ số hài lòng nhất của người dân về chất lượng, giá cả và sự phát triển không ngừng của y tế, giáo dục. Hai vấn đề an sinh xã hội này sẽ tạo ra nguồn nhân lực có sức khỏe, có trí tuệ... để mang lại sự thịnh vượng cho quốc gia.

Trong chiến lược phát triển bền vững, Việt Nam luôn hướng đến việc dành các nguồn lực kinh tế để đầu tư và phát triển y tế, giáo dục. Tuy nhiên, khi ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn thì việc chia sẻ của người dân là cần thiết./.

Theo dangcongsan.vn