Nội san

SỬ DỤNG DẤU KÝ HIỆU TAY TRONG ĐỌC NỐT NHẠC VÀ CA HÁT CHO TRẺ 3-6 TUỔI

14 Tháng Bảy 2023

Phạm Thị Nhài

Học viên K15 – LL & PPDH Âm nhạc

Hoạt động ca hát và làm quen với nốt nhạc cơ bản cho trẻ mầm non nói chung đang là nội dung cơ bản và trọng tâm trong hoạt động giáo dục âm nhạc. Hoạt động này không chỉ giúp trẻ lĩnh hội được kiến thức cơ bản mà còn góp phần hình thành năng lực chung cũng như phát triển khả năng cảm thụ riêng biệt trong từng trẻ. Tuy nhiên, trước những yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam theo Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội đã tạo nên thách thức, khó khăn đối với giáo viên âm nhạc đang thực hiện công tác tại trường mầm non nhất là trong nội dung chương trình, phương pháp dạy học âm nhạc cho trẻ trong kết nối nối làm nền tảng tính hệ thống xuyên suốt của bậc mầm non tới các cấp học cao hơn.  Vì vậy, đối với giáo dục âm nhạc mầm non cũng cần cập nhật, thay đổi và bổ sung ứng dụng với sự thay đổi đó, đặc biệt là nội dung và phương pháp dạy học âm nhạc để tạo nên mối liên kết với hệ thống đó. Bài báo này sẽ đề cập đôi nét vấn đề sử dụng dấu ký hiệu tay trong phương pháp giáo dục âm nhạc KoDály vào hoạt động đọc nốt nhạc và ca hát cho trẻ 3-6 tuổi.

 

Như đã biết, Koltán Kodály (1882-1967) là nhà soạn nhạc, giáo viên, nhạc sĩ, nhà ngôn ngữ học và nhà dân tộc học nổi tiếng người Hungary. Ông là người cha đặt nền móng cho phương pháp giáo dục âm nhạc Kodály (Kodály Music Education). Hệ thống kí hiệu tay là một trong 4 công cụ chính (hàng âm với chủ âm Đô chuyển động, hệ thống chữ tiết tấu và hình tiết tấu, Âm nhạc dân gian) trong phương pháp giáo dục âm nhạc Kodály thường dùng trong đọc nốt nhạc và trong ca hát. Đây có thể coi là một nhạc cụ vừa đơn giản miễn phí vừa mang được đi bất kỳ đâu để trẻ sử dụng khi tham gia vào hoạt động ca hát, vui chơi. Việc sử dụng dấu ký hiệu tay trong ca hát cho trẻ là phương pháp mới cho nội dung ca hát, đọc nốt nhạc có tính hiệu quả tích cực so với phương pháp truyền thống.

1. Sử dụng dấu ký hiệu bàn tay trong đọc nốt nhạc

Dấu ký hiệu bàn tay (hand signs) đặc biệt rất quan trọng nhất là đối với trẻ có khả năng cao độ chưa tốt, không tốt, khi mà nhìn các dấu ký hiệu bàn tay trẻ sẽ hiểu được các khoảng cách cao độ, đặc biệt là chúng ta nói về việc thực hành luyện tập về quãng thì dấu ký hiệu bàn tay sẽ giúp cho trẻ hiểu rõ các khoảng cách cao độ. Khi chúng ta dùng dấu ký hiệu tay cho trẻ thì chúng ta củng cố cho trẻ nốt Đồ nằm ở vị trí nào trên cơ thể, nốt Rê, nốt Mi, nố Fa,… mỗi một dấu ký hiệu tay sẽ tương ứng với một vị trí trên cơ thể. Một số GV hiện nay mặc dù sử dụng dấu ký hiệu tay trong việc giảng dạy, giáo dục âm nhạc cho trẻ nhưng lại hiểu chưa hết về lý thuyết cũng như công năng chuẩn của dấu ký hiệu bàn tay dẫn tới tình trạng GV đó thể hiện ký hiệu của các nốt trên cùng 1 hoặc 2, 3 vị trí của cơ thể.

Đối với 7 nốt nhạc cơ bản C,D,E,F,G,A,B (Đô, rê, mi, fa, sol, la, si, đố) GV mô tả tư thế bàn tay của mỗi nốt nhạc bằng minh họa trực tiếp từ tay cô hoặc kết hợp tranh ảnh, minh họa. Đối với nốt Đô thấp thế tay để ngang tầm trước bụng khoảng vị trí rốn. Nốt Rê thế 2 bàn tay hơi chụm lại để như hình tòa tháp hình tam giác trước ngực. Nốt Mi thế 2 cánh tay gập ngang đặt trước ngực, lòng 2 bàn tay hướng xuống phía mặt đất, mặt sàn. Nốt Fa vị trí từ cánh tay, khửu tay giống tư thế nốt Mi, nhưng lòng 2 bàn tay hướng ra mặt ngoài, ngón cái chúc xuống phía dưới sàn. Nốt Sol vị trí từ cánh tay, khửu tay giống tư thế nốt Fa, bàn tay từ vị trí của nốt Fa ta lật từ ngoài vào trong với tư thế lòng bàn tay hướng vào trong, 2 ngón cái của 2 bàn tay hướng lên phía trên đặt vị trí ngang tầm vai. Nốt La lòng 2 bàn tay chụm lại giống như động tác 2 chi trước của chú chuột túi Kanguru, đặt trên hai vai. Nốt Si, di chuyển đưa cánh tay lên kết hợp tư thế hai bàn tay nắm lại để ngón trỏ chỉ hướng gần đuôi mắt, hay ngang tai. Nốt Đô cao tư thế gần giống với nốt Si cùng đặt vị trí nhưng khác chỗ là nắm hai lòng bàn tay lại không để dư ngón trỏ như nốt Si.

Để việc hướng dẫn trẻ có thể thực hiện tốt được các tư thế tay, GV cần chuẩn bị tốt bước giới thiệu thế tay cho trẻ bằng những phương pháp như dùng lời để miêu tả, diễn tả những động tác và vị trí tư thế tay; PP trực quan kết hợp tranh ảnh để mô phỏng minh họa động tác để trẻ hình dung động tác tư thế một cách dễ nhất; phương pháp thực hành luyện tập khi GV dạy là người trực tiếp hướng dẫn trẻ sẽ lôi cuốn trẻ tham gia vào hoạt động ví như trong khi diễn tả động tác nốt La giống như kaguru,… Lưu ý với GV khi thực hiện nhiệm vụ giáo dục âm nhạc, người GV cần phải linh động, áp dụng tương đối với trẻ trong nội dung - kiến thức bài học, thời gian dạy cũng như các hoạt động vận động, trò chơi âm nhạc,… nếu quá nguyên tắc, học thuật đối với trẻ nhất là khi năng lực, khả năng và sự tác động từ một số yếu tố khác trong quá trình dạy trẻ sẽ làm giảm hiệu quả mục tiêu đề ra. Cần luôn nhớ với trẻ mầm non phương châm Học mà chơi chơi mà học; Chơi thông qua học, học thông qua trò chơi; …

Khi những GV chúng ta hướng dẫn đối tượng học của mình hoạt động hát đúng giai điệu, đọc đúng nốt nhạc thì chúng ta phải làm thế nào để hướng trẻ, dẫn dắt trẻ tiếp cận về các cao độ khác nhau, những nốt nhạc khác nhau và phải từ cái cơ bản rồi mới tới nâng cao. Có nhiều cách cho những đối tượng học của chúng ta tiếp cận với chúng và tùy vào đối tượng học của chúng ta là những ai trẻ mầm non hay học sinh tiểu học, cấp THCS, trung học phổ thông,… để có những sự chuẩn bị về nội dung, kiến thức, tài nguyên âm nhạc, phương pháp âm nhạc phù hợp với đối tượng học, giúp đối tượng học nhất là trẻ dễ dàng hình dung cảm nhận về sự chuyển động, hình thái về cao độ của nốt nhạc hay lời hát ngay cả trong ngôn ngữ nói trẻ sẽ biết những lời nói khi yêu thương thì âm thấp trầm nhẹ,… dễ nghe, dễ vui còn những lời nói khi tức giận hay không vui thì sẽ cao giọng, gằn giọng,… khó nghe.

2. Sử dụng dấu ký hiệu tay trong ca hát

Sử dụng dấu ký hiệu bàn tay có thể coi là một nhạc cụ vừa đơn giản miễn phí vừa mang được đi bất kỳ đâu để trẻ sử dụng khi tham gia vào hoạt động ca hát, vui chơi. Trước đó việc dạy học âm nhạc cho trẻ tại Trường Mầm non La Casa chưa có sử dụng dấu ký hiệu tay trong ca hát cho trẻ, thấy rằng đây là phương pháp mới cho nội dung ca hát có tính hiệu quả tích cực với dạy học âm nhạc cho trẻ nên chúng tôi nghiên cứu và thực nghiệm chúng. Đối với những trẻ còn rụt rè, nhút nhát chưa tự tin hay nội tâm thì dấu hiệu bằng tay kết nối phần nào điều đó ở trẻ thoát khỏi vỏ bọc của chính bản thân mình. Ngược lại đối với những trẻ tự tin, hoạt bát, nhanh lẹ, nhiệt tình cao hay có thể với trẻ quá hiếu động, thì việc dùng dấu ký hiệu bàn tay sẽ tác động tới trẻ bằng sự cân nhắc với cách trẻ hát, xướng, ra dấu và thận trọng với tốc độ vốn có của trẻ từ đó độ tập trung cũng được đẩy cao hơn.

Dưới đây chúng tôi xin lựa chọn sử dụng một câu trong bài hát để minh họa:

* Bài hát Rain-raingo away (Trời mưa), là bài hát thiếu nhi nước ngoài, nói về việc xua tan đi cơn mưa để các trẻ nhỏ, những em thiếu nhi có thể ra ngoài chơi. Chúng tôi sử dụng linh hoạt vào việc thay đổi một số yếu tố về cao độ nốt nhạc lược bớt âm và sử dụng 2 âm Sol và Mi, câu cú cũng bớt đi để có thể dạy trẻ vào phần tập trung dấu ký hiệu bàn tay cho bài hát. Mỗi câu có thể trình bày theo hai dạng minh họa, dạng 1 (lời hát, hình minh họa, dấu ký hiệu tay), dạng 2 (mẫu câu nhạc có màu sắc để phân biệt nốt Sol, Mi và dấu ký hiệu tay) để áp dụng cho phù hợp với sự quan sát và thực hành của nhóm trẻ pha trộn độ tuổi này.

Câu 1:      Mưa     rồi,       mưa    to    rồi        

Dạng 1:

  

Dạng 2: 

 

Câu 2:      Nhanh    chân     mình     cùng     đi     thôi     nào

Dạng 1:

         

Dạng 2: 

 

Sol và Mi là 2 nốt nhạc nằm trong âm nốt chính của thang âm, hơn thế nữa giữa nốt Sol và mi thể hiện cho trẻ thấy được độ cao và thấp của cao độ Sol, Mi. từ đó giúp trẻ dần dần có phản xạ cũng như cảm thụ được thang âm cao thấp của một giai điệu bài hát bài nhạc. Việc sử dụng nốt chính của bất kỳ thang âm nào sẽ đều giúp cho trẻ dễ dàng thuận lợi đọc xướng tên nốt nhạc, hay giai điệu, cột hơi của trẻ cũng vì thế mà vững không bị trôi.

Như chúng ta thấy ở phần sử dụng dấu ký hiệu bàn tay trong đọc nốt nhạc và ca hát ở phần minh họa hướng dẫn bên trên, việc giáo viên cần phải linh động ứng biến, sáng tác, thay đổi một vài yếu tố, cấu trúc về nốt, tiết tấu, lời ca để có thể phù hợp và nâng cao hiệu quả với nội dung yêu cầu bài học, giúp tăng sự kết nối trẻ tham gia hoạt động âm nhạc một cách tự nguyện và thu hút. Đối với những bài hát, bài nhạc của nước ngoài thường câu và lời sẽ ngắn gọn, giai điệu đơn giản nhưng lại bắt tai và lôi cuốn thú vị vậy nên việc ứng biến chuyển soạn ngôn ngữ nội dung sang tiếng Việt giáo viên cần phải lưu ý và linh hoạt sáng tạo để tránh tạo ra hiệu ứng ngược. Ví như tên trẻ Việt Nam thường có dấu mà nốt nhạc lại không khớp với tên trẻ, khi đó giáo viên có thể sử dụng ngôn ngữ đọc chữ hay tên của trẻ mà không nên cứng nhắc đọc theo đúng cao độ hay tiết tấu chuẩn xác của bài, từ đó không chỉ tạo ra phong cách ứng biến sáng tạo mà còn giúp nội dung ngôn ngữ hát không gượng dễ hiểu đưa tất cả trẻ hòa nhập với hoạt động đó.

KẾT LUẬN

Qua trên cho thấy việc giáo viên áp dụng phương pháp Kodály trong hoạt động đọc nốt nhạc và ca hát sẽ giúp người học nhất là trẻ mầm non độ tuổi 3-6 tuổi có thể đọc nốt nhạc, đọc tiết tấu giai điệu của bài hát hay mẫu tiết tấu một cách đơn giản và dễ hiểu mà không cần nhìn bản nhạc. Không chỉ vậy, còn giúp trẻ tăng hoạt động trải nghiệm âm nhạc với các nội dung và cách thức khác nhau. Trẻ hứng thú và say mê hơn với cách thức nội dung bài học trước đó, tăng khả năng tập trung chú ý vào bài học âm nhạc. Năng lực cá nhân cũng được trẻ tự tin mạnh dạn thể hiện tương tác cùng giáo viên và bạn học một cách tích cực. Từ đó tạo nền tảng cho việc kết nối kiến thức âm nhạc ở cấp bậc học tiếp theo.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phan Trần Bảng (2001), Phương pháp giảng dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông, Nxb Giáo dục.
  2. Bộ giáo dục và đào tạo (2021), Chương trình giáo dục mầm non, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  3. Đỗ Thị Minh Chính, Mai Linh Chi, Nguyễn Thị Phương Mai, Đặng Khánh Nhật, Nguyễn Thị Thanh Vân (2020), Sách giáo viên âm nhạc 1, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  4. Hồ Ngọc Khải, Nguyễn Thị Tố Mai (2021), Âm nhạc 6 - Sách giáo viên, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  5. Phạm Thị Hòa (1996), Nghiên cứu âm nhạc với lứa tuổi mẫu giáo 3-6 tuổi, Luận văn thạc sĩ Nghệ thuật, Nhạc viện Hà Nội.
  6. Ngô Hiểu Huy (2019), Phương pháp giáo dục tối ưu dành cho trẻ 0-6 tuổi, Nxb phụ nữ, Hà Nội.
  7. https://www.allianceamm.org/resources/kod%C3%A1ly/ (truy cập 02/ 2023)