Nội san

MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐƯA DÂN CA CỦA TỘC NGƯỜI MÔNG VÀO HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA TRONG CÁC TRƯỜNG TIỂU HỌC CỦA TỈNH LÀO CAI

27 Tháng Mười Hai 2023

Hoàng Thị Thu Dần

Học viên K15 - Chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc

 

Dân ca là những bài hát do một hoặc nhóm người sáng tác. Theo thời gian, các bài hát đó được lan truyền trong cộng đồng, được hát theo phong tục tập quán của địa phương, được biến tấu để phù hợp với từng hoàn cảnh thực tế, dần dần được người dân biến thành của chung mà không còn nhớ tác giả ban đầu là ai. Nói cách khác, dân ca là sản phẩm tinh thần của người dân, phục vụ và phản ánh cuộc sống hiện thực của người dân. Mỗi tộc người hay mỗi địa phương đều có những làn điệu dân ca mang đặc trưng cho riêng tộc người của mình. Nhưng, nhìn chung mỗi bài dân ca thường được hình thành từ những điều kiện chủ yếu như: phong tục tập quán, sinh hoạt đời thường, sinh hoạt nghi lễ, lao động sản xuất, giao duyên,… của cộng đồng dân cư đó. 

Các trường Tiểu học của Lào Cai tập trung nhiều con em các dân tộc , trong đó tỷ lệ con em dân tộc Mông chiếm đa số. Các trường thường xuyên có các hoạt động sinh hoạt âm nhạc khá phong phú, nhất là trong hoạt động ngoại khóa. Trong thời gian gần đây, GV âm nhạc của các trường cũng từng xây dựng một số tiết mục Dân ca Mông trong các buổi văn nghệ. Việc dàn dựng cũng đạt được những kết quả tốt, mang được bản sắc địa phương, được HS và phụ huynh hào hứng  đón nhận. Việc đưa dân ca Mông vào dạy trong nhà trường nhằm gìn giữ bản sắc văn hoá cũng đã được nhiều địa phương quan tâm và tạo mọi điều kiện để đưa vào môn giáo dục nghệ thuật ngoài giờ lên lớp như giờ hoạt động ngoại khóa trong các trường học.

Hiện nay trong các trường đều có các câu lạc bộ trong đó có câu lạc bộ âm nhạc. Trong chương trình học chính khóa các em chỉ được học 1 bài dân ca trong chủ đề “Em yêu làn điệu dân ca”, với  thời lượng ngắn và cũng không phải những làn điệu dân ca thuộc vùng miền của mình. Như vậy là rất ít trong một năm học, điều này khiến cho các em học sinh nhận thức về dân ca còn hạn chế. Việc thành lập câu lạc bộ Hát Dân ca trong trường tiểu học tại Lào Cai trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết để giáo dục học sinh truyền thống yêu nước, trân quý những giá trị văn hóa mà cha ông ta đã để lại thông qua các làn điệu dân ca nói chung và dân ca Mông nói riêng. Các em, những mầm non tương lai của của đất nước chính là đối tượng trao truyền để gìn giữ và nuôi dưỡng những làn điệu Dân Ca độc đáo.

Là GV dạy môn âm nhạc, tôi nhận thấy vai trò và trách nhiệm của mình trong công việc sưu tầm và đem các làn điệu Dân ca Mông đến với các thế hệ HS, để các em được tiếp cận, học tập và quý trọng, tự hào về di sản văn hóa truyền thống của cha ông. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu sơ bộ các vấn đề liên quan, tôi nhận thấy việc đưa dân ca Mông vào chương trình giáo dục trong trường tiểu học là điều cần thiết và cấp bách. Tôi xin được đưa ra các biện pháp đưa dân ca Mông vào hoạt động ngoại khóa của các trường tiểu học ở Lào Cai như sau:

1. Tổ chức hoạt động dạy hát Dân ca tại câu lạc bộ âm nhạc của trường

         Câu lạc bộ Âm nhạc được hình thành sẽ tập trung và phát hiện được các em có khả năng về âm nhạc, yêu thích ca hát và biểu diễn, đặc biệt là các làn điệu dân ca . Thông qua đó định hướng giáo dục về truyền thống để các em có thêm những hiểu biết về nguồn gốc, xuất xứ của các làn điệu Dân ca Mông. Câu lạc bộ là nơi rèn luyện cho các em các kỹ năng ca hát, biểu diễn và tham gia hoạt động văn nghệ trong nhà trường, góp phần hình thành tình cảm yêu thích đối với Dân ca để từ đó các em tham gia nhiệt tình vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại nhà trường cũng như cộng đồng. Giáo viên âm nhạc là người quản lý câu lạc bộ và dạy hát theo kế hoạch được đưa ra vào các buổi hoạt động ngoại khóa có sự phê duyệt của Ban giám hiệu.

Giáo viên âm nhạc sẽ sưu tầm các bài dân ca và dạy hát cho câu lạc bộ âm nhạc của trường. Các em sẽ hát và truyền lại cho nhau và cùng thi đua để tìm hiểu về dân ca của dân tộc mình.

2. Hoạt động biểu diễn dân ca Mông

Để giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mình và để được trải nghiệm thực tế biểu diễn, tạo tinh thần đoàn kết, Giúp HS thêm tự hào về văn hóa của dân tộc mình, giúp cho HS thêm yêu nhà trường và giúp cho phụ huynh thêm tin tưởng đặt niềm tin vào Nhà trường thì chương trình biểu diễn những bài dân ca Mông đã học là một điều rất cần thiết. Chính vì vậy GV cần phải xây dựng kế hoạch tổ chức các buổi biểu diễn thường kì. Sau 3 đến 5 tiết dạy dân ca Mông thì nên cho HS biểu diễn 1 lần để HS được thể hiện. Trong mỗi buổi biểu diễn thì GV nên pha trộn giữa dân ca và các ca khúc, hoặc dân ca của tộc người này với tộc người khác để tránh sự nhàm chán cho HS với những chủ đề như: Quê hương tươi đẹp; Vang vọng núi rừng; Chào năm học mới; … Khi biểu diễn thì cần có hệ thống âm thanh và trang phục dân tộc đúng với tộc người Mông, Biểu diễn giữa các lớp với nhau, các điểm trường với nhau tạo sự hứng thú cho học sinh khi biểu diễn.

3. Hoạt động giao lưu nghệ nhân, nghệ sĩ

Đây là một hoạt động dễ mang lại cho HS sự hứng thú và vui thích, vì các em được thay đổi trạng thái học tập, được đến các không gian mới lạ, được nhìn, được nghe trực tiếp các     nghệ nhân kể lại những câu chuyện thú vị xung quanh những bài hát dân ca. Các em được đến các nhà hát để nghe, nhìn và được trực tiếp tham gia các buổi biểu diễn, để cảm nhận những nét đẹp truyền thống của các bài hát dân ca Mông trong dân gian nơi các em đang sinh sống. Bằng hoạt động học tập thông qua giao lưu nghệ nhân, nghệ sĩ, chất lượng học tập của HS sẽ được nâng cao một cách tự nhiên, chân thật nhất. Qua đó cũng giúp các em tăng thêm tinh thần rèn luyện khả năng ca hát và sáng tạo cho bản thân, tự nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn trước yêu cầu đổi mới không ngừng của nền giáo dục nước nhà.

Theo quy định của Nhà trường, thời gian hoạt động giao lưu nghệ nhân, nghệ sĩ sẽ được bố trí vào những ngày lễ hội, biểu diễn chợ đêm ( tại các Huyện như Bắc Hà, Bảo Yên, Sapa, Simacai, Mường Khương, Bát Xát.. )đều có hoạt động biểu diễn chợ đêm thứ và buổi chiều thứ 4 tuần cuối cùng của tháng. HS toàn trường  tham gia cùng với GV chủ nhiệm,  GV phụ trách sẽ cùng với các nghệ nhân điều hành cuộc giao lưu này. Địa điểm là sân trường của Nhà trường, sân lễ hội và sân khấu chợ đêm. Ngoài ra, giao lưu nghệ nhân, nghệ sĩ cần được trang bị các thiết bị máy móc: loa đài, máy chiếu... để hỗ trợ dạy học, đáp ứng nhu cầu học tập trong giai đoạn hiện nay. Với cách tổ chức và thời gian như vậy, sẽ không làm ảnh hưởng đến các môn học khác mà còn giúp cho HS hiểu hơn và trân quý hơn các làn điệu dân ca của quê hương mình.

4. Hoạt động thi đua tìm hiểu vẻ đẹp dân ca Mông

Để nâng cao chất lượng cũng như đưa dân ca Mông vào trường Tiểu học, giúp cho HS có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về vẻ đẹp của dân ca Mông và thêm yêu thích giờ hoạt động ngoại khóa, cần tổ chức định kỳ các hội thi tìm hiểu vẻ đẹp dân ca Mông. Hoạt động này sẽ giúp HS có thêm tính tự chủ và kỹ năng tìm kiếm, khám phá thế giới, cuộc sống, những giá trị nghệ thuật trong xung quanh dân ca Mông.

Những cuộc thi tìm hiểu vẻ đẹp dân ca Mông hướng tới những hoạt động như: viết bài, vẽ tranh, sưu tầm bài hát Mông phù hợp lứa tuổi học trò, sưu tầm các nhạc cụ của người Mông. Việc tổ chức hội thi có thể do Đoàn trường phụ trách, lựa chọn từ các lớp, các khối, từ đó thành lập hội thi cấp trường. Cuộc thi sẽ được phát động từ đầu năm học cho tất cả các lớp và sẽ thi vào ngày hội “thiếu nhi vui khỏe - tiến bước lên Đoàn” để chào mừng ngày thành lập đoàn 26/3, và như vậy, mỗi năm sẽ mở hội thi một lần.

Trước khi tiến hành mở hội thi, GV phụ trách cần chuẩn bị chương trình chu đáo như: kế hoạch phát động cuộc thi, thang điểm, lập tờ trình với ban giám hiệu và phát động thi đua vào giờ chào cờ đầu tuần cùng với những nội dung cụ thể.

Việc đưa dân ca Mông vào hoạt động ngoại khóa trong trường tiểu học cũng là một hình thức giáo dục tri thức âm nhạc cho HS khá phù hợp trong tình hình hiện nay. Qua đó, khẳng định PP dạy học mới, không miễn cưỡng, bớt áp lực học tập cho các em, giúp các em cảm thụ được cái hay, cái đẹp của dân ca Mông trong đời sống sinh hoạt tinh thần các tộc người ở vùng Tây bắc, qua bài viết tôi hy vọng góp sẽ đóng góp một phần nhỏ bé của mình trong sự nghiệp giáo dục cũng như việc rèn luyện ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

  1. Trương Thị Thùy Anh (2014), Nghiên cứu biểu tượng khèn trong dân ca H’Mông từ văn hóa đến văn học dân gian, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.
  2. Phạm Lê Hòa (Chủ nhiệm. 2009), Đề án Hỗ trợ đưa dân ca vào trường Tiều học. Dự án Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  3. Trần Kiều (1998), Đổi mới phương pháp dạy học ở Trường tiểu học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  4.  Nguyễn Văn Tân (2014), Nâng cao chất lượng truyền dạy môn dân ca Mông tại Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật tỉnh Lào Cai, Luận văn thạc sĩ LL&PP Dạy học âm nhạc trường Đại học sư phạm Nghệ thuật TW, Hà Nội.