Nghiên cứu lý luận

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở: Điểm sáng huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh

16 Tháng Bảy 2018

Hoàng Đức Tự [*]

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Hoành Bồ với sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các thiết chế văn hóa được xây dựng từ nhiều nguồn khác nhau, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai theo nhiều hướng, phát huy được sức mạnh tổng hợp và mang tính đa dạng, phong phú. Đó chính là những yếu tố quan trọng để tạo dựng lên một huyện Hoành Bồ, nơi được coi là điểm sáng về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của tỉnh Quảng Ninh riêng và của vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc Bộ nói chung.

Các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm, chú trọng triển khai có hiệu quả các chương trình giảm nghèo nhằm phát triển kinh tế gia đình, kinh tế tập thể; vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, đảm bảo an sinh xã hội, thông qua các hình thức như: hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ giống, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề… Kết quả đã giúp 122 hộ thoát nghèo, hỗ trợ 30 con trâu sinh sản; huy động các nguồn lực hỗ trợ xây 35 nhà mới tổng số tiền hỗ trợ là 1,1 tỷ đồng. Thực hiện chương trình “Xây dựng nông thôn mới”, huyện đã vận động 128 hộ gia đình hiến 7.301m2 đất nâng cấp cải tạo các tuyến đường; đóng góp được hơn 87 triệu đồng và huy động được hơn 100 công lao động bê tông hóa các tuyến đường...

Huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh đã đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghệ thuật. 13/13 xã, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Đồng thời tổ chức Hội nghị tới các ban, ngành, đoàn thể, Bí thư chi bộ, Trưởng các thôn, khu… để cụ thể hóa nội dung Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị vào các bản hương ước, quy ước xây dựng làng văn hóa. Tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hẳn. Các đám cưới được tổ chức trang trọng, vui vẻ, tiết kiệm; khắc phục hiện tượng thách cưới, ép hôn, tảo hôn, tổ chức lễ cưới linh đình nhiều cỗ, nhiều ngày… Không còn hiện tượng làm đám ma hoặc tổ chức ăn uống cỗ bàn linh đình 2 - 3 ngày như trước đây, đã xóa bỏ được hủ tục lạc hậu như: Tục lăn đường, bó chiếu, bẻ nhà táng, ăn uống linh đình, để người chết trong nhà quá 48 giờ…

Những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn như lễ hội dân gian truyền thống: Hội làng Bằng Cả, lễ chính được tổ chức vào ngày mùng 1/2 âm lịch hàng năm. Lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo: Lễ hội đền thờ Vua Lê Thái Tổ, Chùa Yên Mỹ xã Lê Lợi được tổ chức 1 lần/năm; Đình Trới tổ chức 2 lần/năm. Các  lễ hội này chính thức được khôi phục và duy trì từ năm 2003 đến nay.

Hiện nay trên địa bàn trung tâm huyện có 01 khu liên hợp thể thao, 03 nhà thi đấu cầu lông đạt chuẩn của Huyện uỷ, UBND huyện và trường Đào tạo nghề mỏ Hồng Cẩm, 01 sân bóng đá đạt tiêu chuẩn; Nhà bảo tồn dân tộc Dao Thanh y xã Bằng Cả; 01 nhà văn hóa xã có sân tập thể dục thể thao; 34 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn nông thôn mới có sân tập thể dục thể thao, trên 30 sân bóng đá, bóng chuyền và hàng trăm sân cầu lông cơ sở...

Phong trào “Xây dựng Gia đình văn hóa” trên địa bàn vẫn được quan tâm chỉ đạo cả về số lượng và chất lượng. Năm 2017, toàn huyện có 11.485/12.392 = 92,7%  (tăng 0,8% so với năm 2016) số hộ đăng ký Gia đình văn hóa, 6 tháng đầu năm ước có11.214/12.392= 90,5%  hộ đạt Gia đình văn hóa và 7489/11.485 = 66,7%  hộ Gia đình văn hóa được công nhận 3 năm liên tục.

Phong trào “Xây dựng làng văn hóa, khu phố văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” đã được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn huyện từ năm 1999 trên cơ sở kế thừa và phát huy các phong trào thi đua những năm trước; bắt đầu từ việc xây dựng quy ước, hương ước, tổ chức lễ khai trương xây dựng làng văn hoá, khu phố văn hoá, xây dựng nhà văn hoá thôn, khu và đầu tư trang thiết bị, phương tiện hoạt động của các nhà văn hoá...  Năm 2017, 72/82 thôn, khu đạt danh hiệu thôn, khu văn hóa lần đầu = 87,8% (trong đó 60/72 = 83,3% thôn, khu được công nhận lại và giữ vững danh hiệu thôn, khu văn hóa năm 2017), 12/12 xã đăng ký “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, thị trấn Trới đăng ký “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.

Phong trào “Xây dựng doanh nghiệp giỏi, cơ quan văn hoá” được Liên đoàn lao động huyện phối hợp với các ban ngành, đoàn thể chỉ đạo triển khai tới 100% các cơ quan, công sở, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. Hàng năm lấy kết quả triển khai thực hiện các nội dung trên làm tiêu chuẩn để bình xét, đánh giá danh hiệu thi đua của cơ quan, đơn vị...

UBND huyện đã thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ của huyện, thường xuyên củng cố và dành kinh phí cho hoạt động và đã có nhiều sáng kiến đề tài khoa học trên các lĩnh vực được thực hiện tại huyện như: Nuôi một số động vật hoang dã như Nhím; Lợn rừng, Tắc Kè; trồng cây Thanh long ruột đỏ, Ba kích tím; xây dựng thương hiệu Hoa Hoành Bồ, trồng Hoa Lyly, hoa Tuylip, hoa Lan. Ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, công nghệ vi sinh EM vào xử lý ô nhiễm chuồng, trại trong chăn nuôi, xử lý môi trường và vệ sinh các ao đầm nuôi trồng thủy hải sản .v.v.. và một số đề tài trong lĩnh giáo dục cũng được áp dụng.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện Hoành Bồ đã có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và mọi mặt đời sống của nhân dân; góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từ văn hóa gia đình, dòng họ; văn hóa làng xã, văn hóa ứng xử; truyền thống đoàn kết cộng đồng, các hoạt động nhân đạo từ thiện; các lĩnh vực y tế - giáo dục; lĩnh vực kinh tế -  xã hội, an ninh quốc phòng… đặc biệt ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức nhân dân về việc xây dựng một xã hội lành mạnh, tốt đẹp và văn minh.

Bên cạnh những kết quả đạt được công tác xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện Hoành Bồ vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục. Là một huyện miền núi, vấn đề quản lý, công tác chỉ đạo chưa nêu cao được tinh thần chủ động, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa còn thiếu và yếu. Trong thực tế huyện chưa vận động được các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài tham gia, công tác thanh tra kiểm tra còn chưa nghiêm. Những tồn tại trên đòi hỏi huyện Hoành Bồ cần phải có những phương pháp, định hướng, giải pháp khắc phục trong giai đoạn tới để phong trào xây dựng đời sống văn hóa hiệu quả và phát triển bền vững. Do vậy, để huyện Hoành Bồ khắc phục khó khăn, tiếp tục giữ vững và phát huy kết quả đã có thì trong thời gian tới huyện cần thực hiện một số giải pháp trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở như: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; Phổ biến quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa; Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao; Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá, nhất là cán bộ cơ sở; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước, vào cuộc của các đoàn thể chính trị - xã hội; Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân đối với việc tổ chức, quản lý hoạt động văn hóa; Nâng cao hiệu quả một số mô hình trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở (CLB Hát chèo - Thị trấn Trới; Thống nhất, CLB Quan họ khu 5 - Thị trấn Trới…).

Với những quan điểm và định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự tập trung lãnh đạo của Đảng bộ huyện, chủ động, tích cực của các cấp uỷ, chính quyền cùng phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, phấn đấu nỗ lực của đội ngũ cán bộ văn hoá và hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo tầng lớp nhân dân, nhất định sự nghiệp văn hóa sẽ từng bước nâng cao chất lượng, tạo mục tiêu và động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng huyện Hoành Bồ ngày càng phát triển, trở thành điểm sáng, vùng kinh tế động lực, năng động của tỉnh Quảng Ninh.

Tài liệu tham khảo

  1. Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Hoành Bồ (2015), Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”(2000-2015).
  2. Nguyễn Thị Kim Dung, Trần Thị Nhuần (2015), Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội.
  3.  Đinh Xuân Dũng (2013), Văn hóa trong chiến lược phát triển của Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
  4.  Đảng bộ huyện Hoành Bồ (2015), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hoành Bồ lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2015-2020, Hoành Bồ.
  5. Nguyễn Hữu Thức (2015), Quản lý thiết chế văn hoá - nghệ thuật, Hà Nội.

-----------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K6 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa