Nghiên cứu lý luận

Rèn luyện kỹ năng phân tích ca khúc bậc trung học cơ sở

17 Tháng Bảy 2018

Đặng Thị Thu Lệ [*]

       Ca khúc là thể loại quen thuộc, gần gũi và mang tính phổ thông nhất với mọi đối tượng thưởng thức nghệ thuật âm nhạc. Ca khúc phản ánh được nhiều đề tài phong phú, gắn liền với cuộc sống hàng ngày, sinh hoạt, lao động của nhân dân. Trải qua năm tháng, đến nay, ca khúc luôn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống con người. Sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm Âm nhạc sau này ra trường thường giảng dạy âm nhạc tại các trường phổ thông, việc phân tích bài hát trong chương trình phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở) về cấu trúc, điệu thức, giai điệu… là rất cần thiết. 

       Trường ĐHSP Nghệ thuật TW là cơ sở đào tạo sư phạm Âm nhạc hàng đầu trong cả nước. Trong chương trình đào tạo của trường, môn Phân tích tác phẩm có vai trò quan trọng, là sự tổng hợp kiến thức của nhiều môn học khác, giúp sinh viên nắm được cách phân tích từ nội dung tư tưởng, cấu trúc, điệu thức, giai điệu… cho đến các thủ pháp xây dựng và phát triển trong một tác phẩm. Tuy nhiên, để có kỹ năng đạt đến thể tự phân tích một tác phẩm dù nhỏ nhất là ca khúc cũng không phải dễ dàng, đòi hỏi sinh viên phải rèn luyện kỹ năng phân tích rất nhiều. Trong khi đó, nội dung chương trình môn Phân tích tác phẩm không chỉ có ca khúc mà còn phải phân tích và nhận biết nhiều thể loại khí nhạc, thanh nhạc khác. Do đó, để có kỹ năng phân tích tác phẩm thành thạo, sinh viên phải dành nhiều thời gian tự học và biết cách tự học.

       Trong đào tạo ngành sư phạm Âm nhạc, tự học đóng vai trò hết sức quan trọng, người học cần đầu tư nhiều thời gian học tập sau giờ lên lớp bởi những môn học như Thanh nhạc, Nhạc cụ, Dàn dựng, Ký xướng âm... cần phải được luyện tập thường xuyên. Ngay cả với những môn mang tính lý thuyết như Hòa âm, Phân tích tác phẩm… cũng đòi hỏi phải tự học ngoài giờ lên lớp nhiều thì mới có thể hình thành kỹ năng phân tích tác phẩm âm nhạc.

       Trong bài này, người viết muốn đề cập đến một số thủ pháp phân tích ca khúc về điệu thức, cấu trúc, lời ca mà sinh viên đại học sư phạm Âm nhạc cần nắm bắt khi phân tích các bài hát được sử dụng trong chương trình âm nhạc ở bậc THCS. Sở dĩ chỉ khu hẹp trong các bài hát thuộc môn Âm nhạc bậc THCS hiện hành là vì, sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm Âm nhạc sau này ra trường thường giảng dạy âm nhạc tại các trường phổ thông, trong đó có THCS, việc phân tích bài hát về điệu thức, cấu trúc, giai điệu… là rất cần thiết.              

       Khi xem xét điệu thức của ca khúc trong chương trình âm nhạc bậc THCS thì thấy rằng, các bài hát được viết ở các điệu thức 7 âm (trưởng, thứ) hoặc điệu thức 5 âm trong âm nhạc cổ truyền hay đôi khi đan xen giữa hai hệ thống điệu thức này. Có thể nói, việc phân tích điệu thức trong các bài hát là phức tạp và rất dễ bị phân tích sai. Muốn có kết quả tốt, sinh viên ĐHSP Âm nhạc cần rèn luyện nhiều bằng cách tìm hiểu thêm các bài viết, công trình phân tích về điệu thức, cần chịu khó học hỏi thêm thầy/cô dạy Phân tích tác phẩm, các giảng viên am hiểu về âm nhạc, trao đổi với bạn bè khi phân tích để sáng tỏ thêm vấn đề.  Tóm lại, xác định được điệu thức của một ca khúc là công việc rất quan trọng. Từ đó, giúp người phân tích hiểu rõ hơn về cấu trúc, lối tiến hành giai điệu, việc thay đổi giọng điệu (ly điệu, chuyển điệu), cách tiến hành hòa thanh…, giúp người phân tích làm bài được phong phú, đầy đủ và sâu sắc hơn.

       Để phân tích được cấu trúc của các ca khúc, sinh viên cũng không dễ dàng thực hiện nếu không biết vận dụng linh hoạt các kiến thức được học. Có thể dựa vào rất nhiều yếu tố như dựa vào sự phân ngắt, sự phát triển của giai điệu hay các dấu hiệu của điệu thức, hòa thanh… để phân tích cấu trúc của các ca khúc. Khi phân tích dựa vào việc ngắt bằng dấu lặng và ngắt bằng sự ngưng lại ở một âm có trường độ dài hơn là hai dấu hiệu rõ ràng nhất trong mỗi tác phẩm mà rất nhiều ca khúc trong bậc THCS được tác giả sử dụng. Để phân tích, sinh viên cần hát hoặc nghe tác phẩm nhiều lần, thậm chí học thuộc lời ca và giai điệu của bài hát để cảm nhận chính xác và dễ nhận biết hơn.

       Xem xét bài Hành khúc tới trường - nhạc Pháp, lời Việt: Phan Trần Bảng, Lê Minh Châu ta thấy bài hát được tác giả sử dụng dấu hiệu ngắt cứ sau mỗi 4 nhịp là có sự ngưng lại ở nốt trắng, dài hơn so với các âm khác, ở cuối mỗi tiết nhạc, câu nh ạc.

       Ví dụ:  HÀNH KHÚC TỚI TRƯỜNG (Trích)

                                                                                                        Nhạc Pháp
                                                                                                        Lời Việt: Phan Trần Bảng- Lê Minh Châu

       Bài có cấu trúc 1 đoạn gồm có 2 câu, mỗi câu 2 tiết, mỗi tiết 4 nhịp và có một coda (kết) gồm 8 nhịp. Sơ đồ cấu trúc như sau:

Câu 1

Câu 2

Coda

4n + 4n

4n + 4n

8n

 

       Đôi khi, tác giả sử dụng kết hợp cả hai yếu tố ngưng và ngắt trong tác phẩm của mình.Dựa vào những dấu hiệu này, sinh viên còn dễ nhận ra các đơn vị cấu trúc trong bài hơn.

       Nói đến nội dung các tác phẩm âm nhạc, là nói đến một hệ thống phức tạp bao gồm hàng loạt các yếu tố thuộc những bình diện khác nhau như đề tài,chủ đề, ngôn ngữ, hình tượng, nhân vật… Sự kết hợp và tác động lẫn nhau giữa các yếu tố này khiến tác phẩm trở thành một chỉnh thể nghệ thuật, mang tính thống nhất giữa nội dung thẩm mỹ và hình thức nghệ thuật. Chính vì thế muốn hiểu, muốn cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong các ca khúc thì sinh viên cần có phương pháp luyện tập phù hợp để hiểu và nắm được nội dung các bài hát. Một số ca khúc được tác giả tự đặt lời, có ca khúc được phổ thơ hay chỉ là phỏng thơ. Nhưng chúng đều có nội dung, ý nghĩa nhất định, đều hướng đến cái đẹp, hướng đến mục đích giáo dục tâm tư, tình cảm đúng đắn cho lứa tuổi học trò.

       Phân tích ca khúc không chỉ dừng lại ở phân tích điệu thức, cấu trúc và lời ca. Tuy nhiên, đó là những yếu tố cơ bản nhất trong mỗi tác phẩm âm nhạc mà sinh viên cần thực hiện ở mỗi bài phân tích. Thiếu một trong ba yếu tố trên, bài làm của sinh viên sẽ không đầy đủ nội dung, thiếu điệu thức sẽ dẫn đến việc không thể xác định giọng điệu của bài, không phân tích được đường lối xây dựng giai điệu, khi có dấu hiệu chuyển hòa thanh cũng không xác định được. Cấu trúc sẽ giúp sinh viên đưa ra được sơ đồ chi tiết của bài, từ việc chia tiết nhạc, câu nhạc, đoạn nhạc nên càng không thể thiếu trong bài phân tích. Đặc biệt lời ca được coi là một phần linh hồn của ca khúc, nên khi làm bài sinh viên nên nghiên cứu sâu và làm rõ nội dung từng câu từ trong bài để thấy được cái hay, cái đẹp, ý tưởng và nội dung trong từng ca khúc mà tác giả đã viết.

       Tóm lại, điệu thức, cấu trúc và lời ca là ba yếu tố cơ bản và rất quan trọng trong phân tích ca khúc. Vì vậy, sinh viên cần đặc biệt chú trọng, nghiên cứu kỹ ba nội dung này trong quá trình học cũng như làm bài để có được kết quả phân tích tốt cho bài làm của mình.

Tài liệu tham khảo

1. Đào Ngọc Dung (2003), Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
2. Đào Ngọc Dung (2006), Phân tích ca khúc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
3. Phạm Lê Hòa (2013), Giáo trình Phân tích tác phẩm Âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
4. Đào Trọng Minh (2001), Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Trẻ, Hà Nội.
5. Nguyễn Thị Nhung (2005), Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Bách khoa, Hà Nội.
6. Nguyễn Thị Nhung (2005), Hình thức và thể loại âm nhạc, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
7. V. Va-xi-na và Grô-xman - Lan Hương dịch (1981), Các thể loại âm nhạc, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

-----------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K6 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc