Nghiên cứu lý luận

Đặc trưng cụm di tích quốc gia đặc biệt trên đất Cẩm Giàng

17 Tháng Bảy 2018

                              Phạm Thị Thu Huyền [*]  

       Cẩm Giàng có 263/2.207 di tích các loại, chiếm 12% tổng số di tích của toàn tỉnh. Trong tổng số 263 di tích ở huyện Cẩm Giàng có 33 di tích được xếp hạng (2 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 20 di tích xếp hạng quốc gia, 13 di tích xếp hạng cấp tỉnh) với các loại hình khác nhau có giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật, trong đó cụm di tích đền Xưa, chùa Giám, đền Bia. Đây là ba di tích độc đáo cùng liên quan tới danh nhân Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh.

       Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh sinh ra tại làng Xưa, thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng. Ông xuất thân trong gia đình bần nông, cha mẹ mất sớm, năm lên 6 tuổi ông được nhà sư ở chùa Giám đưa về cho ăn học. Đến năm 10 tuổi lại được đưa sang chùa Giao Thuỷ để học tập, sau đó ông có dự thi đỗ tiến sĩ.

       Với tinh thần dấn thân, dâng hiến, tận tụy, phục vụ con người mà cao cả nhất là duy trì mạng sống cho con người, Tuệ Tĩnh đã dứt bỏ quan trường (đỗ Tiến sĩ Hoàng Giáp Khoa thi năm Tân Mão 1357), chọn nghề thuốc nhằm cứu nhân độ thế, mượn Đạo Phật để tu nhân tích đức/thực hành Từ Bi - Hỉ Xả, mượn vườn chùa làm nơi nuôi trồng cây thuốc Nam và nghiên cứu nghề thuốc.

       Người Việt Nam suy tôn Tuệ Tĩnh là ông Tổ ngành Nam dược - vị “Thánh thuốc Nam”. Ông đã tiếp thu, chắt lọc những nét tinh túy trong triết học y học Trung Hoa kết hợp với tinh hoa của cây thuốc dân tộc để sáng tạo ra tác phẩm nổi tiếng “Nam dược thần hiệu - Hồng nghĩa giác y thư” gồm 581 vị thuốc Nam, 3873 phương thuốc để điều trị 184 loại chứng bệnh cho người Việt Nam. Với thông điệp “Nam dược trị Nam nhân”, ta thấy ở Tuệ Tĩnh có tinh thần độc lập về văn hóa. Đó là nhân tố quan trọng làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

       Sự hiện diện của ba di tích lịch sử - văn hóa quốc gia: Đền Xưa xã Cẩm Vũ là quê hương nơi sinh ra Tuệ Tĩnh; chùa Giám xã Cẩm Sơn là nơi ông tu tập, học hành thi đỗ Tiến sĩ Hoàng Giáp và cũng là nơi ông nghiên cứu, sáng tạo các bài thuốc dân gian để thực hành y đức trị bệnh cứu người; đền Bia xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng là nơi mà người đời sau đã thực hiện một phần di nguyện của vị Đại danh y với dòng chữ khắc trên bia mộ của ông ở tỉnh Giang Nam, Trung Quốc: “Đời sau có ai bên nước sang, nhớ cho hài cốt tôi về với”. Người đồng hương cùng làng với Tuệ Tĩnh là Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638-1699) đã rất xúc động trước tình cảm hướng về quê hương đất mẹ của ông nên đã cho dập mẫu bia mang về khắc bia và dựng đền thờ Tuệ Tĩnh, nên di tích này mới có tên là đền Bia.

       Cụm di tích còn có những giá trị tiêu biểu về mặt kiến trúc nghệ thuật, hiện Việt Nam chỉ còn lưu giữ được ba tòa “Cửu phẩm liên hoa” với tư cách là những tác phẩm kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của Phật giáo Việt Nam ở ba ngôi chùa tiêu biểu là: chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Giám và chùa Đông Ngọ (Hải Dương).

       Theo PGS.TS. Trần Lâm Biền, tòa “Tam phẩm vãng sinh” có thể nói là một điển hình của kiến trúc Phật giáo Việt mà hạt nhân trong đó là cây tháp gỗ có thể quay được gọi là “Cối kinh”. Ông cho rằng sáu mặt tháp chính là sự phán ánh về lục độ (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ). Đó cũng là cơ sở khoa học có sức thuyết phục để tòa “Cửu phẩm liên hoa” chùa Giám được đưa vào danh mục Bảo vật quốc gia.

       TS. Phạm Quốc Quân đánh giá cao tấm bia với dòng chữ “Đời sau có ai bên nước sang, nhớ cho hài cốt tôi về với” (tương truyền do Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho cho rập khắc và dựng đền thờ Tuệ Tĩnh) như là “vật chủ” của ngôi đền/vật chủ của lòng tin cộng đồng qua thử thách của lịch sử. Tấm bia đã trải qua bao thăng trầm lịch sử đã trở thành “linh vật” được tôn thờ tại đền Bia. Đó cũng là hiện tượng văn hóa đặc sắc của Việt Nam, là phương thức dân dã để “thiêng hóa” và “khắc họa” hình tượng nhân vật được tôn thờ trong lòng cộng đồng cư dân địa phương.

       Tri thức dân gian gắn với nền y dược học cổ truyền hiện đang được lưu giữ và thực hành trong cộng đồng cư dân địa phương, đặc biệt là các vị lang y tiêu biểu của làng quê huyện Cẩm Giàng cũng là khía cạnh văn hóa đặc trưng làm nên giá trị tiêu biểu của Cụm Di tích thờ Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh. Có thể coi đây là loại hình “di sản sống” của cộng đồng. Đó cũng là sự tiếp nối truyền thống nghề thuốc Nam do Tuệ Tĩnh nghiên cứu, sưu tầm và sáng tạo ra.

       Theo phân loại khoa học quy định trong Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì tri thức dân gian/tri thức địa phương là một trong bảy loại hình di sản văn hóa phi vật thể: Tiếng nói, Chữ viết, Ngữ văn dân gian, Nghệ thuật trình diễn dân gian, Tập quán xã hội, Lễ hội truyền thống, Nghề thủ công truyền thống và Tri thức dân gian. Ta thấy, trong không gian văn hóa và tâm linh ở Cụm Di tích lưu niệm Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh hiện tích hợp gần như đầy đủ cả bảy loại hình di sản văn hóa phi vật thể đó. Tuy nhiên, yếu tố nổi trội, đặc sắc nhất là loại hình Tri thức dân gian gắn với nền y học cổ truyền Việt Nam mà người khai sáng là Tuệ Tĩnh.

       Đặc trưng của loại hình di sản văn hóa phi vật thể - tri thức dân gian: có nguồn từ một địa phương cụ thể; được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề theo kiểu gia truyền/bí kíp nghề nghiệp, kiến thức mang tính thực tiễn, trải nghiệm cá nhân mà không đơn thuần chỉ là những lý thuyết khoa học.

       Từ quan điểm nhận thức nêu trên ta thấy, tri thức dân gian/kinh nghiệm dân gian đã được Tuệ Tĩnh nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn và nâng cao thành các bài thuốc gia truyền. Trong các bài thuốc dân gian đó, dược liệu chính là nguồn thực vật/cây thuốc có giá trị chữa bệnh cho cư dân địa phương, đồng thời còn có tác dụng bảo tồn nguồn gen cung cấp cho lĩnh vực y dược học quốc gia. Các bài thuốc Nam ở Cẩm Giàng sử dụng nguyên liệu sẵn có, các loài cây cỏ, hoa lá, củ quả xung quanh vườn nhà như những vị thuốc chữa bệnh an toàn, có hiệu quả mà không gây ra các phản ứng phụ. Các bài thuốc dân gian có tính chất gia truyền, đôi khi được xem như “thần dược” chữa được những bệnh nan y góp phần cứu sống tính mạng và duy trì sự sống cho người bệnh. Đó là tài sản văn hóa quý giá góp phần làm nên thể chất cường tráng cho con người Việt Nam hoàn thành tốt hai nhiệm vụ chiến lược vô cùng quan trọng đó là: dựng nước và giữ nước.

       Theo sách “Địa chí Hải Dương” (Tập 3, trang 425): “chỉ riêng làng Nghĩa Phú, nôm gọi là làng Xưa, thuộc xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, quê hương Đại danh y Tuệ Tĩnh đã có tới 10 dòng họ chuyên làm thuốc chữa bệnh cho người và gia súc”. Như chi họ Nguyễn gia có đến 12 đời cha truyền con nối làm nghề thuốc, chi họ Nguyễn Thế có bài thuốc gia truyền chữa bệnh hậu sản mà nổi tiếng là cụ Lang Phùng. Chi họ Nguyễn Văn có bài thuốc về đau mắt, chi họ Đặng có môn thuốc đặc trị về đau bụng, chi họ Vũ có môn thuốc điều kinh và chi họ Nguyễn Bá có môn thuốc chữa ghẻ.

       Cùng các bài thuốc gia truyền hiện nay đang được thực hành, các vườn cây thuốc đang trồng ở các gia đình cũng như không gian ở đền Xưa, chùa Giám và đền Bia là những bằng chứng sống - người thực, việc thực về tài năng sáng tạo, về y đức và công lao đóng góp to lớn của Tuệ Tĩnh cho nền y dược học cổ truyền Việt Nam. Đây là nguyên nhân khiến ông được nhân dân và nhà nước qua nhiều đời tôn vinh là Đại danh y - Vị Tổ sáng lập nghề thuốc Nam. Việc tôn thờ và tiếp nối loại hình “di sản sống” do danh nhân sáng tạo ra ngay trên quê hương ông là một hiện tượng văn hóa thật đặc sắc khẳng định giá trị tiêu biểu của Cụm di tích thờ Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

       Tài năng sáng tạo và ý thức độc lập tự chủ trong lĩnh vực y dược học cổ truyền là phẩm chất nổi trội nhất và cũng là di sản tinh thần mà Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh đã góp phần làm nên sự đa dạng trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.  Càng về sau uy tín của ông càng được đề cao, để lễ hội ở đền thờ ông đã vượt khỏi lũy tre làng mà tràn ra khắp nơi có người dân Việt. Hàng năm, vào ngày 14 - 15 tháng 2 Âm lịch (tại đền Xưa, chùa Giám), ngày 1tháng 4 âm lịch (tại Đền Bia), nhân dân địa phương mở hội đón đông đảo khách thập phương cùng về tham dự. Tới đây, với lòng thành kính cùng sự cầu mong khỏe mạnh, hạnh phúc.

       Chùa Giám, nơi Tuệ Tĩnh tu hành với những giá trị tự thân về lịch sử văn hóa nghệ thuật và giá trị tâm linh sâu sắc cùng đền Xưa, đền Bia được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia (năm 1964, 1990, 1994). Ngày 25/12/2017 cụm di tích này đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, hình thức vinh danh đó là sự thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của thế hệ hôm nay với Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh, bậc danh nhân - hiền tài tiêu biểu của đất nước, chúng cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa để trở thành những ngọn tuệ đăng soi sáng tinh thần yêu dân yêu nước mà “Nam dược Thánh tổ” đã mong mỏi.

Tài liệu tham khảo

1. Luật Di sản văn hoá (2001) và sửa đổi bổ sung (2009), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Ban thường vụ Huyện ủy Cẩm giàng (2016), Đất và người Cẩm Giàng, Nxb Văn hóa Thông  tin, Hà Nội.

3. Hội đồng chỉ đạo biên soạn địa chí tỉnh Hải Dương (2008), Địa chí Hải,  tập I, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội.

4. Sở Văn hóa, TT&DL Hải Dương(2017), Lịch sử - Văn hóa làng Nghĩa Phú, Nxb Văn hóa Thông  tin, Hà Nội.

5. Tăng Bá Hoành (2008), Tiến sĩ Nho học trấn Hải Dương, Nxb Văn hóa Thông  tin, Hà Nội.

-------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa