Nghiên cứu lý luận

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể dân ca Quan họ ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh

24 Tháng Bảy 2018

Nguyễn Thanh Hiếu [*]

       Dân ca Quan họ là hình thức sinh hoạt văn hóa thể hiện tâm hồn, trí tuệ, cốt cách của người Bắc Ninh, được lưu giữ, trao truyền qua các thế hệ, trở thành bản sắc văn hóa người Kinh Bắc, đến giai đoạn hiện nay tiếp tục lan tỏa trong đời sống, xã hội Việt Nam hiện đại. 

1. Dân ca Quan họ - Thể hát dân gian đặc sắc của người Kinh Bắc

       Kinh Bắc, môi sinh của người Việt phía Bắc kinh thành Thăng Long- Hà Nội đã tạo nên thể hát dân gian riêng biệt, đặc sắc, độc đáo, đó là dân ca Quan họ, lối hát in đậm hình thái tổ chức làng xã giàu tính cộng đồng nơi đây. Từ những làn điệu, văn hóa người Quan họ được định hình với đặc điểm tao nhã, tinh tế, giàu chất thơ. Đặc điểm trong lối hát Quan họ đảm bảo 4 yếu tố: vang, rền, nền, nảy đạt đến độ nhuần nhuyễn theo nguyên tắc luyện giọng chỉ có ở người hát Quan họ.

Dân ca Quan họ là lối hát đối đáp, giao duyên, trong đời sống hàng ngày vẫn thường gọi là Quan họ Bắc Ninh, tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc gồm Bắc Ninh, Bắc Giang. Truy xét về tên gọi hiện nay có nhiều giải thích khác nhau. Trong cuốn Dân ca Quan họ Bắc Ninh, nhiều tác giả, cho rằng: “Quan họ là một danh từ kép. Trong ngôn ngữ, dưới chế độ phong kiến chữ họ với chữ phường là hai từ gần đồng nghĩa với nhau, chỉ một tập thể người nhất định” [1; tr.34]. Nhưng giải thích thêm: chữ phường thường dùng với ý nghĩa khinh miệt, chỉ những người cùng làm một nghề, không được coi trọng. Như vậy, cuốn sách Dân ca Quan họ Bắc Ninh cho biết Quan họ là danh từ kép chỉ nhóm người ca hát với ý nghĩa coi trọng, đề cao lối chơi Quan họ, được người Quan họ gốc sử dụng thành thói quen. Do đó lối hát, tiếng hát gắn liền với tập thể gọi là Quan họ nên cũng gọi là hát Quan họ.

       Trong tham luận tại hội nghị khoa học về sưu tầm, nghiên cứu Quan họ lần thứ 4, năm 1971, bài viết Mấy ý kiến về vấn đề tìm hiểu nguồn gốc dân ca Quan họ, tác giả Lê Thị Nhâm Tuyết (Viện Dân tộc học) cho rằng từ quan không phải là từ Hán - Việt, mà có nguồn gốc từ thời Hùng Vương, có mối liên hệ với từ quan lang, một từ Việt cổ, có nghĩa là người đàn ông. Còn từ họ biểu hiện một cộng đồng mang tính huyết thống, được hình thành từ thời công xã thị tộc, mang ý nghĩa vai trò đơn vị xã hội làng. Trải qua biến thiên lịch sử, công xã thị tộc phân tách dần từ một thành hai (hoặc nhiều hơn) để hình thành các làng mới. Những người đàn ông trong họ (Quan họ) ở các làng mới lập khi quay trở về làng gốc đã cùng nhau tổ chức vui chơi, ca hát, đây là khởi thủy lối hát Quan họ ngày nay [6; tr.76]. Ở một hướng nghiên cứu khác, trong bài Mấy ý kiến sơ bộ về dân ca Quan họ, tác giả Vũ Ngọc Phan tập trung vào chi tiết trong truyền thuyết về Quan họ ở châu Cổ Pháp (Ðình Bảng), quê hương vua Lý Công Uẩn khi dòng họ nhà Lý tụ tập hát mừng khi vua Lý về thăm [5; tr.44].

       Tóm lại, nguồn gốc tên gọi Quan họ được giải nghĩa qua nhiều ý kiến khác nhau, để nêu khái niệm dẫn giải về hát Quan họ cho đến nay vẫn còn để ngỏ, các nhà nghiên cứu đang tiếp tục tìm hiểu sâu hơn. Chính sự lan tỏa của lối hát giao duyên được các làng Kinh Bắc duy trì khi giao đãi, trở thành lối hát chung gọi là hát Quan họ.

2. Di sản văn hóa dân ca Quan họ từ lối hát cổ và mới

 Lối hát Quan họ cổ

       Đây là quan niệm nhằm chỉ định lề lối hát Quan họ tồn tại trong 49 làng Quan họ gốc vùng Kinh Bắc (cũ). Quan họ cổ là hình thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân Kinh Bắc còn bảo lưu những quy định nghiêm ngặt, khắt khe, đòi hỏi liền anh, liền chị có sự hiểu biết đầy đủ cách diễn xướng, luật lệ được giữ gìn từ trước đến nay. Về tên gọi, vẫn sử dụng cách nói dân gian là chơi Quan họ với niềm vui gặp gỡ, cùng nhau hát vài canh, ở đây không sử dụng cụm từ hát Quan họ. Đặc điểm Quan họ cổ là liền anh, liền chị hát không nhạc đệm, về hình thức giữ nguyên dạng lối hát đối giữa hai bên liền anh và liền chị, thường được tổ chức vào các dịp lễ hội: xuân thu nhị kỳ tại các làng Quan họ gốc. Trong quan họ cổ, đôi liền anh hát đối đáp với đôi liền chị gọi là hát hội, hát canh. Còn cả bọn liền anh đối đáp cùng bọn liền chị gọi là hát chúc, hát mừng, hát thờ. Quá trình chơi Quan họ cổ thường cố định trong phạm vi nội bộ giữa liền anh, liền chị, không có khán giả, người thưởng thức. Các liền anh, liền chị có chức năng kép: là người hát đồng thời là người thưởng thức cái hay, cái đẹp trong cái tình của bạn hát từ nghệ thuật diễn xướng Quan họ tạo nên.

Hát Quan họ mới

       Tên gọi hát Quan họ xuất hiện trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến nay nhằm phân biệt giữa hát Quan họ cổ và Quan họ mới. Về hình thức, Quan họ mới là những tiết mục biểu diễn (hát) các làn điệu dân ca Quan họ trên sân khấu hoặc trong sinh hoạt cộng đồng như: đầu xuân, lễ hội, hoạt động du lịch, nhà hàng. Thực tế, Quan họ mới được tổ chức biểu diễn theo nhu cầu của người thưởng thức. Các băng đĩa CD, DVD về Quan họ hiện nay đều thực hiện hình thức hát Quan họ mới, biểu diễn trên sân khấu có khán giả. Do đó, Quan họ mới được hiểu theo nghĩa là một tiết mục hát nghệ thuật dân gian đương đại, giữa người hát và người xem cùng giao lưu, trao đổi tình cảm qua lại. Điều này khác hoàn toàn với hát Quan họ cổ, tình cảm chỉ tồn tại giữa bọn hát với nhau. Từ năm 2009 đến nay, sau khi dân ca Quan họ được UNESCO công bố là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, các làn điệu dân ca Quan họ mới nhanh chóng vượt khỏi vùng đất Kinh Bắc, xuất hiện trong nhiều chương trình nghệ thuật trên mọi miền đất nước, đồng thời dân ca, làn điệu Quan họ đến với các quốc gia khắp năm châu.

       Sự thích nghi nhanh chóng về hình thức, nội dung để trở thành một tiết mục biểu diễn cho thấy giá trị đặc sắc của dân ca Quan họ trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Từ lề lối đến thú chơi Quan họ chỉ ở 49 làng Quan họ cổ, cách hát Quan họ mới tạo nên sự thay đổi toàn diện trong quan niệm và diện mạo dân ca Quan họ. Về hình thức, Quan họ mới biểu diễn phong phú hơn Quan họ truyền thống khi tiếp nhận cách hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa. Về nghệ thuật âm nhạc, Quan họ mới đã tiếp thu có chọn lọc, phát huy thế mạnh bằng cách cải biên làn điệu cùng lời ca mới, đồng thời bổ sung sự hỗ trợ dàn nhạc đệm.

       Trong cải biên, Quan họ mới kết hợp cách hát riêng của người Quan họ để thể hiện giai điệu, lời ca do các nhạc sĩ sử dụng chất liệu âm nhạc Quan họ sáng tác thành bài hát, như bài Người ở đừng về được nhạc sĩ Xuân Tứ cải biên từ làn điệu Chuông vàng gác cửa tam quan. Khi được Quan họ mới trình diễn, những ca khúc sử dụng chất liệu gần như nguyên gốc tạo cảm giác cho người thưởng thức đang nghe làn điệu dân ca Quan họ cổ.

       Dân ca Quan họ Bắc Ninh sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (2009) đã tạo nên những ảnh hưởng lớn lao trong đời sống văn hóa, xã hội tỉnh Bắc Ninh nói chung và huyện Quế Võ nói riêng. Điều này cho thấy văn hóa Quan họ đã vượt qua không gian, thời gian được cộng đồng bạn bè khắp năm châu biết đến. Để trở thành di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, dân ca Quan họ được các nhà nghiên cứu âm nhạc học, văn hóa học, dân tộc học Việt Nam liên tục giới thiệu, quảng bá những đặc trưng độc đáo của loại hình nghệ thuật dân gian của người Quan họ đến với thế giới.

       Cho đến nay, dân ca Quan họ được tiếp cận từ nhiều góc độ, trong đó các giá trị sáng tạo nghệ thuật quan họ được khẳng định. Các nhà quản lý hoạt động nghệ thuật đưa ra các đề xuất, giải pháp bảo tồn không gian văn hóa Quan họ trên toàn bộ xứ Kinh Bắc xưa. Tuy nhiên, bảo tồn Quan họ gốc và trong hình thái sống động, đang biến đổi, thích ứng với đời sống xã hội hiện đại là trọng tâm nhiều hội thảo khoa học.

       Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, dân ca Quan họ đã và đang tự chuyển đổi, thích ứng dựa trên giá trị truyền thống. Việc ứng dụng dân ca Quan họ vào đời sống đem lại hiệu quả, điều này khác với cách bảo tồn làn điệu, tập tục của di sản Quan họ tồn tại trên văn bản,  tạo cho dân ca Quan họ trở thành một thực thể đang tiếp tục sống trong môi trường thực tiễn, được cộng đồng làng xã duy tồn như những thời kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. 

Tài liệu tham khảo

1. Nhiều tác giả (1972), Về tính dân tộc trong âm nhạc Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

2. Nhiều tác giả (2004), Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

3. Nhiều tác giả (2006), Quan họ Bắc Ninh thực trạng và giải pháp, Sở Văn hóa thông tin Bắc Ninh.

4. Nhiều tác giả (2010), Về miền Quan họ, Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Bắc Ninh.

5. Vũ Ngọc Phan (1971), Mấy ý kiến sơ bộ về dân ca Quan họ, hội thảo khoa học sưu tầm, nghiên cứu dân ca Quan họ lần 4.

6. Lê Thị Nhâm Tuyết (1971), Mấy ý kiến về vấn đề tìm hiểu nguồn gốc dân ca Quan họ, hội thảo khoa học sưu tầm, nghiên cứu dân ca Quan họ lần 4.

------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa