Nghiên cứu lý luận

Ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận trong dạy học Thanh nhạc

21 Tháng Tám 2018

Đỗ Thị Lam [*]

Thanh nhạc là bộ môn nghệ thuật được biểu hiện bằng ngôn ngữ giọng nói kết hợp với âm nhạc được truyền tải tới khán giả qua tài năng của người ca sĩ. Mỗi giai đoạn âm nhạc lại mang một hơi thở khác nhau như trong kháng chiến chủ đề âm nhạc ca ngợi tinh thần đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước với nhiều cung bậc cảm xúc được coi như lời hiệu triệu toàn dân đấu tranh xây dựng bảo vệ đất nước. Phần ca từ luôn mang yếu tố giáo dục chính trị, đạo đức và thẩm mỹ. Những yếu tố đó đóng một vai trò quan trọng những sáng tác nhạc sĩ Đỗ Nhuận, người đã có sự đóng góp lớn trong hoạt động âm nhạc nước nhà.

Với thời kì hội nhập về khoa học công nghệ cũng như văn hóa ngày nay, nhiều tác phẩm âm nhạc chỉ mang tính giải trí thuần túy, âm nhạc không mang tính giáo dục, thẩm mỹ, do đó việc dạy học ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận trong chương trình dạy thanh nhạc là rất cần thiết. Bởi thế hệ trẻ ngày nay nói chung và những em học sinh thanh nhạc nói riêng phần lớn tập trung vào thể hiện những bài hát có ca từ dễ thuộc, giai điệu đơn giản được lặp lại nhiều lần hoặc nhạc điện tử vui nhộn và có phần ma mị, không tạo được thuận lợi cho phát triển kỹ thuật, phát triển tư duy, thẩm mỹ âm nhạc, không hiểu cũng như cảm nhận được giá trị lịch sử dân tộc qua mỗi tác phẩm.

Âm nhạc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận có sự đa dạng, phong phú về chất liệu, thể loại. Ông khéo léo trong việc sử dụng những nét tinh túy của âm nhạc dân gian cổ truyền như: những làn điệu dân ca dân tộc Thái, Hmông, tiếng đế trong chèo, âm nhạc 5 âm dân tộc… kết hợp với phong cách sáng tác 7 âm châu Âu để tạo ra những tác phẩm âm nhạc, thanh nhạc có giá trị vĩnh hằng, ngôn ngữ luôn mộc mạc, giản dị, đằm thắm... đã tạo nên nét độc đáo bởi chúng vừa mang hơi thở hiện đại nhưng vẫn chứa đựng giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Với thể loại 5 âm:

Nhạc sĩ sử dụng những điệu thức của Nam Xuân, Huỳnh... đưa vào tác phẩm như bài:

HẠT THÓC LÀ HẠT THÓC VÀNG

(trích)

Đỗ Nhuận

Ca khúc Hạt thóc là hạt thóc vàng có đoạn a được viết ở điệu thức Nam Xuân (điệu Xuân), có tính chất vui vẻ, phù hợp với nội dung của tác phẩm nhằm mục đích cổ vũ, động viên mọi người tăng gia sản xuất.

Hay :

DU KÍCH CA

(trích)

                                                                                  Đỗ Nhuận

Với Du kích ca, ông chỉ sử dụng bốn âm: G - A - H - D, là một hình thức biến thể của điệu Huỳnh trong dân ca người Việt ở Bắc Bộ để diễn tả sự mạnh mẽ tươi sáng được kết hợp với ca từ để hướng đến tinh thần khích lệ, cổ vũ, khẳng định ý chí quyết chiến quyết thắng của đoàn quân du kích.

Ngoài hai ví dụ trên chúng ta có thể tìm thấy các điệu thức khác trong các ca khúc của ông như: Hành quân xa, Trai anh hùng gái đảm đang, Em là thợ quét vôi, Hát mừng các cụ dân quân, Vui m đường, Chiến thắng Điện Biên...

Thể loại 7 âm:

VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG TÔI

(trích)

Đỗ Nhuận    

Ngay từ ô nhịp đầu tiên, tác giả đã dùng âm bậc VII hạ thấp (Bb); ở các nhịp thứ 5, 15, 30, 40 tiếp tục xuất hiện các âm bậc VI và bậc VII hạ thấp (Ab và Bb) làm cho tính chất tác phẩm được thay đổi từ Cdur tự nhiên sang C dur hòa thanh và giai điệu để tạo ấn tượng và xúc cảm mới rất rõ. Trong bài, ông còn sử dụng thủ pháp ly điệu, chuyển điệu trên thang 7 âm của châu Âu ở các bài Đoàn lữ nhạc có đoạn 1, đoạn 2 chuyển điệu sang hướng hạ át trưởng G dur... để kết bài về giọng G dur.

Kết hợp đan xen điệu thức

Kết hợp, đan xen điệu thức trong tác phẩm là một đặc điểm sáng tác âm nhạc có tính điển hình của Đỗ Nhuận và các điệu thức đó luôn linh hoạt, không khuôn mẫu. Mỗi ca khúc cụ thể có một cách vận dụng khác nhau, tạo nên sự mới lạ và sự đan xen về điệu thức, tạo nên một phong cách sáng tác rất riêng của ông như bài: Chiến thắng Điện Biên.

CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN

(trích)

Đỗ Nhuận

 

 

Ngay từ câu nhạc mở đầu, tác giả đã sử dụng điệu thức Sol Bắc (thang âm gồm các bậc sắp xếp theo thứ tự là G - A - C - D - E). Hết câu thứ nhất của đoạn a, từ ô nhịp 18 đến nhịp 21, giai điệu lại được xây dựng trên thang âm Rê Nam Xuân (thang âm gồm các bậc sắp xếp từ dưới lên: D - F - G - A - C). Câu nhạc tiếp theo từ nhịp 23 đến 28 được xây dựng trên thang âm điệu Rê Bắc (D - E - G - A - B) nhằm vẽ nên một bức tranh Tây Bắc đang rạo rực, sôi động với chiến thắng Điện Biên lịch sử. Bên cạnh những ca khúc sử dụng đan xen các điệu thức 5 âm người Việt với thang 7 âm phương Tây như: Dưới lá quân kì, Đường Bốn mùa xuân, Hạt thóc là hạt thóc vàng, Đâu khó có thanh niên

Thực trạng dạy hát ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận:

Hiện tại bộ môn chưa có bộ giáo trình giảng dạy cụ thể. Với tác phẩm nước ngoài được sử dụng những giáo trình như: Conconne, Italisongs I, II, những bài hát Trung cổ của Ý, Triệu đóa hồng... về phần tác phẩm Việt Nam gồm: Hát mãi khúc quân hành, tuyển tập ca khúc Trịnh Công Sơn, Tuyển tập ca khúc Hoàng Dương, Dân ca 3 miền... và những ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Quá trình lên lớp ở phần luyện kỹ thuật giáo viên cho các em luyện những mẫu âm quen thuộc mà chưa có sự nghiên cứu kỹ lưỡng xem đối tượng người học hát mẫu âm đó mục đích chúng ta cần giải quyết vấn đề gì? Trong dạy tác phẩm nói chung và ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, một số giảng viên chỉ quan tâm đến vấn đề hát thuộc giai điệu, lời ca mà chưa chú tâm trong việc nghiên cứu về việc làm rõ nội dung tác phẩm, đặc điểm riêng về tính chất âm nhạc của tác giả, cách điều tiết hơi thở, mở khẩu, vị trí âm thanh cũng như phát âm nhả chữ sao cho đúng đối với bài hát nước ngoài và Việt Nam nên chưa đạt được hiệu quả cao trong chương trình học, do đó kết quả học hát ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận chưa đạt được kết quả cao.

Để thể hiện tốt những ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, chúng ta cần hướng dẫn người học thực hiện luyện tập những vấn đề sau:

Thứ nhất, luyện tập khẩu hình với các nguyên âm kết hợp với hơi thở.

Khi luyện tập người thày phải hướng dẫn học sinh đứng thẳng khi hát, luôn nhấc cao hàm ếch mềm, hàm dưới buông lỏng. Với những âm mở ngang như: y, a, khi thực khiện các em vẫn phải nhấc hàm ếch mềm cao hai khóe môi hơi cười để lộ hàm răng trên và có cảm giác kéo lên thái dương.

Với âm đóng như ê: học sinh phải nhấc hàm ếch như ngáp ngủ, nhấc cao theo hàm ếch, môi trên hơi nhếch lên để đưa nhẹ ra phía trước, hàm dưới bị động co vào phía sau. Âm ô các em giữ nguyên khẩu hình trong giống âm ê đầu môi trên ôm nhẹ vào mặt ngoài của hàm răng trên đồng thời đóng nhẹ hai khóe môi lại, âm thanh phát ra tròn trịa và rõ ràng. Chú ý tiết hơi thở nhẹ nhàng cùng với âm thanh, hai vai buông xuống, ngực hơi đưa ra phía trước, hai chân bằng vai, nét mặt tươi tỉnh và ánh mắt nhìn thẳng.

Thứ hai, hát luyến, láy. Hát láy làm nhiệm vụ tô điểm thêm cho phần giai điệu. Hát láy bao gồm bốn loại gồm: Láy đơn, láy nhanh, láy chùm và chùm láy. Mỗi loại láy lại có một cách thể hiện khác nhau. Khi thực hiện kỹ thuật hát láy đứng trước nốt chính người học phải nhấn từng nốt láy, sau đó hát lên nốt chính rồi miết vào nốt chính và việc luyện tập phải được tiến hành với tốc độ chậm và nhanh dần.

Thứ ba, xử lý sắc thái. Xử lý sắc thái được coi như một kỹ xảo trong quá trình học tập và trình diễn nghệ thuật bởi được hội tụ tất cả những kỹ thuật thanh nhạc lại với nhau để thể hiện nội dung tác phẩm một cách tốt nhất. Sắc thái trong âm nhạc gồm có: Sắc thái nhỏ, yếu (piano), mạnh (forte), âm thanh từ nhỏ đến to (crecendo), từ to xuống nhỏ (decrescendo), ngân dài từ nhẹ đến mạnh rồi trở về nhẹ…

Với những nốt hát to, người học lấy hơi thở sâu và hơi ép bụng dưới vào trong có cảm giác như hơi dâng nhẹ lên bụng trên đồng thời nhấc làm ếch lên cao, lúc này hàm trên sẽ hơi đưa ra phía trước và hàm dưới bị động rơi xuống và hơi co nhẹ vào trong để bật âm thanh ra ngoài.

Thứ tư, về phát âm nhả chữ. Hát rõ từng từ là một trong những yếu tố cuối cùng quyết định sự thành công trong quá trình thể hiện bài hát, đặc biệt đối với các bài hát dân ca, cũng như ca khúc mang âm hưởng dân gian Việt Nam.

Với các từ mở: có âm cuối cùng là a, ơ,... Khi hát người học phải nâng nhẹ hàm ếch và giữ ở mức độ vừa phải, cười nhẹ và để hở hàm răng trên, đồng thời kéo hai khóe môi sang ngang. Với những từ mở như: ô, người học không cần mở quá nhiều bên trong chỉ cần ôm nhẹ đầu môi trên vào răng, hai khóe môi đóng lại âm thanh phát ra sẽ rõ lời.

Từ đóng đơn và kép: Gồm những từ i/y, ư, t, n, c, p, ng, nh, ch.. trong quá trình hát không được khép hai hàm răng lại với nhau mà phải chú ý tách hai hàm răng ra, hàm trên có cảm giác như treo lên trên trán sau đó chúng ta mới thực hiện cách đóng, mở khóe môi để âm thanh phát ra được rõ ràng và không bị bẹt.

Để hát tốt những ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, ngoài việc luyện tập thuần thục những kỹ thuật cơ bản theo tiêu chuẩn châu Âu, các em còn phải tìm hiểu và nghiên cứu về đặc điểm âm nhạc, phong cách sáng tác của nhạc sĩ, có như vậy các em mới chủ động trong xử lý ngôn ngữ, điều tiết hơi thở,... giúp việc dạy và học hát ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận đạt hiệu quả cao.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Viện Âm nhạc, Hà Nội.

2. Hồ Mộ La (2008), Phương pháp dạy thanh nhạc, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

3.Tú Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Phiên (2000), Âm nhạc mới Việt Nam - Tiến trình và thành tựu, Nxb Viện Âm nhạc, Hà Nội.

4. Nguyễn Thị Nhung (1996), Thể loại âm nhạc, Nhạc viện Hà Nội, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

5. Tú Ngọc (1994), Dân ca người Việt, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

-----------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K7 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc