Nghiên cứu lý luận

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý di tích lịch sử và văn hóa một hợp phần của khu di tích Tây Yên Tử thuộc huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang

28 Tháng Tám 2018

Hoàng Thị Hằng [*]

       Sơn Động là một trong những huyện nằm trong khu di tích - danh thắng Tây Yên Tử, đang được chú trọng đầu tư tôn tạo và tu sửa nhằm phục dựng con đường hoằng dương phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, cùng hàng loạt các công trình di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Hiện nay, huyện Sơn Động đang dần trở thành trung tâm kết nối văn hóa giữa tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang, đáp ứng nhu cầu du lịch văn hóa tâm linh và phát triển kinh tế xã hội, quảng bá giá trị văn hóa, cũng như đánh thức, khôi phục những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc đang dần bị mai một và lãng quên, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giáo dục lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, thúc đẩy tiềm năng phát triển kinh tế xã hội.

       Khu di tích lịch sử và văn hóa thuộc địa bàn huyện Sơn Động hiện nay là một trong những hợp phần quan trọng đầy tiềm năng trong sự phát triển chung của hệ thống khu di tích Tây Yên Tử của tỉnh Bắc Giang.

       Năm 2017, UBND tỉnh Bắc Giang thông qua chương trình Quy hoạch Khảo cổ học Bắc Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chương trình do Viện Khảo cổ học Việt Nam kết hợp với Sở Văn hoá đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng khảo cổ, khoanh vùng bảo vệ và đưa ra định hướng nghiên cứu, bảo vệ các di tích trong các năm tới. Qua hai đợt khảo sát, nghiên cứu khảo cổ học, các chuyên gia đã phát hiện và công bố hàng loạt các di tích liên quan tới Tây Yên Tử, tại địa bàn huyện Sơn Động phát hiện thêm 23 di tích mới, với một hệ thống chân tảng, bờ kè, hiện vật phong phú và đa dạng về số lượng lẫn chủng loại có niên đại kéo dài từ thế kỷ XIV-XV đến thế kỷ XIX-XX. Kết quả của các cuộc khảo sát đã đem lại cho chúng ta tư liệu quan trọng về dấu tích Trúc Lâm Yên Tử trên địa bàn huyện Sơn Động.

       Trong những năm qua, với những định hướng chủ trương trong hoạt động quản lý nhà nước về công tác quản lý di tích lịch sử và văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói chung và của huyện Sơn Động nói riêng được lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Sở Văn hóa, Thể thao - Du lịch tỉnh Bắc Giang và UBND huyện Sơn Động chú trọng quan tâm và đã đạt được nhiều thành tựu trong việc khôi phục được nhiều điểm di tích lịch sử quan trọng, góp phần đáp ứng nhu cầu về hưởng thụ văn hóa của nhân dân đồng thời thúc đẩy phát triển về kinh tế xã hội tại các địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì hiện nay, công tác quản lý văn hóa nói chung và công tác quản lý di tích lịch sử và văn hóa khu di tích Tây Yên Tử trên địa bàn thuộc huyện Sơn Động nói riêng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập và chưa được quan tâm đúng mức, nên chưa phát huy được hết các giá trị văn hóa vốn có của nó. Những hạn chế này do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan tạo nên, do đó vấn đề đặt ra hiện nay là hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di tích lịch sử và văn hóa trên địa bàn huyện Sơn Động cần được thực hiện một cách đồng bộ ở các cấp độ, quy mô khác nhau. Để bước đầu đưa ra những giải pháp phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tế về quản lý di tích Tây Yên Tử trên địa bàn huyện trong giai đoạn công nghiệp hóa, đô thị hóa hiện nay và nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát huy giá trị của khu di tích lịch sử và văn hóa trên địa bàn huyện Sơn Động, cần triển khai một số giải pháp sau đây:

       Một là, kiện toàn bộ máy, cơ chế quản lý. Các di tích liên quan tới thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trên địa bàn huyện Sơn Động - một hợp phần của khu di tích Tây Yên Tử vốn dĩ chứa đựng rất nhiều những giá trị độc đáo, nổi bật có tiềm năng du lịch lớn cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị trong tương lai. Chính vì thế, mà việc xây dựng được một hệ thống tổ chức quản lý di tích, có quyền lực thực sự, không bị chồng chéo là một vấn đề rất quan trọng và cần thiết cho tương lai.

       Hai là, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý di tích. Trong bối cảnh xã hội hóa, công nghiệp hóa hiện đại hóa, xu thế toàn cầu hóa giao lưu và hội nhập như hiện nay thì đất nước ta rất cần có những chính sách cụ thể về công tác bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt và mọi phương diện.

       Ba là, tăng cường công tác nghiên cứu, giáo dục, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh khu di tích lịch sử và văn hóa Tây Yên Tử trên địa bàn huyện Sơn Động. Văn hóa nói chung và các giá trị di sản văn hóa của dân tộc nói riêng đều được hình thành từ chính cộng đồng và phục vụ cộng đồng, chính vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông tin, đưa ra những quy định gần gũi, sát thực nhằm giáo dục truyền thống về di tích một cách sâu rộng trong cộng đồng nhân dân. Xây dựng kế hoạch hướng dẫn đồng bào các dân tộc thiểu số về kiến thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt là đối với các thế hệ trẻ, cần có những biện pháp phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường trên địa bàn có hệ thống di tích, xây dựng kế hoạch, định hướng trong việc giáo dục về các giá trị văn hóa truyền thống lịch sử của địa phương. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giới thiệu về di tích như quảng bá, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương để thu hút khách tham quan; giới thiệu về di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng,… Đồng thời, cần có những chính sách tăng cường công tác nghiên cứu và khai quật khảo cổ học để làm căn cứ lập hồ sơ đề nghị bổ sung các di tích liên quan đến Tây Yên Tử trên địa bàn huyện Sơn Động vào quy hoạch tổng thể khu di tích Tây Yên Tử.

       Bốn là, tăng cường công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, phục hồi hệ thống di tích. Các nhà hoạch định chính sách, chủ thể quản lý cần có các quy hoạch, kế hoạch bảo tồn ngắn hạn, dài hạn, cơ chế thích hợp trong việc xây dựng và triển khai các dự án nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa từng di tích trên địa bàn. Ngoài ra, cần tập trung thực hiện việc đẩy nhanh tiến độ tu bổ, tôn tạo các hạng mục công trình đang và chuẩn bị thi công theo đúng tiến độ đã đề ra. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp có liên quan trong việc xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ di vật, cổ vật cho các khu di tích trên địa bàn huyện có liên quan đến hệ thống di tích Tây Yên Tử.

       Năm là, tăng cường công tác quản lý lễ hội. Lễ hội Tây Yên Tử diễn ra tại khu di tích Tây Yên Tử trên địa bàn huyện Sơn Động là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp, phù hợp và hữu ích đối với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong huyện Sơn Động nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung. Để lễ hội thực sự trở thành một phần đời sống, sinh hoạt văn hóa lành mạnh bổ ích cần phải chỉ đạo bám sát chủ đề, đúng nội dung và mục đích và chú trọng, đề cao công tác xã hội hoá lễ hội, gắn việc tổ chức lễ hội truyền thống với việc bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn và phát huy các phong tục, tập quán, văn hoá của người dân huyện Sơn Động. Tuyên truyền giáo dục về pháp luật trong sinh hoạt về lễ hội, về những điều nên và không nên, được và không được làm trong thực hành lễ hội để người dân tự giác, ý thức hướng theo cái đẹp, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, được pháp luật cho phép và bài trừ các tệ nạn xã hội.  

       Sáu là, tăng cường thu hút đầu tư, đẩy mạnh công tác xã hội hoá về bảo vệ di tích nhằm huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào việc giữ gìn, bảo vệ khu di tích tiến tới xóa bỏ được tình trạng xâm phạm, lấn chiếm khu di tích; Xã hội hoá việc tu bổ, tôn tạo để huy động nhân dân đóng góp ủng hộ công sức, tiền của cho việc tôn tạo khu di tích; Xã hội hoá về tuyên truyền, giới thiệu về khu di tích để người dân thấy được tầm quan trọng và lợi ích của việc tuyên truyền về di sản văn hóa trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

       Bảy là, công khai, minh bạch huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính. Trong bối cảnh hiện nay và tương lai, ngoài sự nỗ lực của mỗi địa phương, mỗi vùng miền trong việc bảo vệ di sản của chính mình, còn cần có sự hỗ trợ của cấp trên về khoa học công nghệ, kinh nghiệm cũng như tài chính. Việc xây dựng chính sách quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính, cần được thực hiện trên nguyên tắc minh bạch, công khai, khoa học và có hiệu quả, nhà nước không nắm giữ nguồn tài chính này nhưng có quyền giám sát các nguồn thu - chi, các ban quản lý di tích phải có chế độ báo cáo thường xuyên cho các cơ quan quản lý về số lượng, mục đích sử dụng kinh phí đóng góp của người dân. Sử dụng các nguồn thu đầu tư cho việc tái đầu tư đều phải nhằm mục đích sử dụng cho các hoạt động quản lý, bảo tồn, tu bổ tôn tạo, chống xuống cấp, bảo vệ giữ gìn và tuyên truyền, phát huy giá trị di tích.

       Tám là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, khiếu nại. Trong lĩnh vực quản lý di tích lịch sử - văn hóa, bên cạnh việc hoàn thiện bộ máy quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công tác tuyên truyền, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, công khai minh bạch tài chính... thì không thể tách rời vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy di tích. Quá trình thanh kiểm tra cần chú ý tới một số vấn đề:

       Thực hiện việc phân cấp, phân công rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích; Xây dựng kế hoạch cụ thể về thanh tra, kiểm tra ngắn, dài hạn một cách thường xuyên trong việc chấp hành thực hiện theo Luật Di sản văn hóa, thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích; Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tại khu di tích này để phát hiện sớm những sai phạm và có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn và trách nhiệm của các đội, tổ kiểm tra liên ngành chức năng. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về di tích, di sản cần thực hiện đồng bộ các công việc như phát hiện và biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

       Khu di tích văn hoá tâm linh Tây Yên Tử có thể phụ thuộc hoàn toàn vào cách thức lựa chọn, hoàn thiện mô hình quản lý, tư duy của người quản lý. Vậy nên, cần phải có lộ trình, có sự liên kết và phối hợp liên ngành, đặc biệt là phát huy vai trò làm chủ của cộng đồng dân cư. Công tác này không chỉ là việc các nhà hoạch định chính sách, quản lý, làm công tác bảo vệ di tích mà còn nằm ngay trong ý thức của toàn thể nhân dân. Những giải pháp nêu trên có thể đóng góp một phần nhỏ trong tiến trình hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác quản lý các di tích lịch sử và văn hóa một hợp phần của khu di tích Tây Yên Tử trên địa bàn thuộc huyện Sơn Động.

Tài liệu tham khảo

1. Đặng Văn Bài (2005), Tiếp cận thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo tinh thần của Luật Di sản văn hóa, Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, Nxb Thế giới, Hà Nội.  

2. Trần Lê Bảo (2015), Cảnh quan văn hoá tâm linh Tây Yên Tử, trong  kỷ yếu hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích Tây Yên Tử, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, Bắc Giang.    

3. Phan Hồng Giang, Bùi Hoài Sơn (đồng chủ biên) (2012), Quản lý văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Hà Văn Tấn (2005), “Bảo vệ di tích lịch sử văn hóa trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, In trong cuốn Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, Cục Di sản văn hóa, (Tập 2), tr.44-54, Hà Nội, tr.44-54.

5. Hoàng Thị Hoa (2015), Bảo tồn di sản văn hóa khu vực tây Yên Tử gắn với phát triển du lịch, Luận án tiến sỹ văn hóa học Trường Đại học Văn hóa, Hà Nội.

7. Sở văn hóa, thể thao và du lịch, Ban quản lý di tích (2015), Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích Tây Yên Tử”, Bắc Giang.

-------------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K5 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa