Tin tức

Thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm

24 Tháng Chín 2018

Ảnh minh họa/internet

Liên quan đến đề xuất chính sách tín dụng sư phạm, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cơ bản đồng tình với chính sách tín dụng dành cho học sinh, sinh viên sư phạm như trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Thường trực ủy ban (TTUB) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, luật hóa một số quy định mang tính nguyên tắc về đào tạo sư phạm và chính sách tín dụng; quy định về việc hoàn trả đối với những trường hợp người học không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường vẫn làm trong ngành giáo dục; quy định về quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm, chuẩn hóa chương trình, tiến tới bảo đảm chất lượng và số lượng đào tạo theo yêu cầu để bảo đảm quyền lợi của người học, tính minh bạch của chính sách, thu hút người giỏi vào ngành sư phạm và làm việc trong lĩnh vực giáo dục.

Có ý kiến TTUB đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để thể hiện chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

TTUB cho rằng, dù thực hiện chính sách nào, vấn đề quan trọng để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm là cần quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, xác định quy mô đào tạo, bảo đảm để sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường được phân công công tác hoặc tìm được việc làm.

Về chính sách cử tuyển (Điều 82), TTUB cơ bản đồng ý việc sửa đổi chính sách cử tuyển theo hướng thu hẹp đối tượng thụ hưởng, phù hợp với nhu cầu của địa phương và bảo đảm chất lượng đào tạo như quy định trong Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, TTUB cho rằng, việc thực hiện chính sách cử tuyển phải dựa trên nhu cầu nhân lực của địa phương; chất lượng đầu vào và đào tạo cử tuyển cần được nâng lên để bảo đảm người học phải đạt các chuẩn đầu ra theo quy định.

Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các tiêu chí về xây dựng chỉ tiêu cử tuyển, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo thông qua hình thức cử tuyển, gắn với công tác quy hoạch cán bộ và nhu cầu sử dụng của địa phương; bảo đảm để chính sách được thực hiện đúng mục tiêu, có hiệu quả, gắn với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

(Nguồn: Minh Phong (lược dẫn) - https://giaoducthoidai.vn)