Tin tức

Bảo đảm tiến độ năm học: Trường đại học đồng loạt dạy online

03 Tháng Tư 2020

 
GV, SV dạy học online. Ảnh: Như ÝGV, SV dạy học online. Ảnh: Như Ý
 

Bảo đảm kế hoạch năm học

TS Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác SV, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) cho biết: Mặc dù, một số khoa của trường đã triển khai dạy học online khi dịch bệnh Covid-19 mới xảy ra nhưng việc triển khai giữa các đơn vị không đồng đều nên trường điều chỉnh thời gian bắt đầu học kỳ II của năm học 2019 - 2020 từ ngày 30/3 và kết thúc trong khoảng 15 tuần.

Đồng thời, nhà trường yêu cầu GV tham gia giảng dạy online từ tuần 33 (30/3) trở đi phải bảo đảm tối thiểu đạt cấp độ 2 và có các hoạt động giảng dạy trực tuyến (live) cho SV. Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy trực tuyến, GV phải ghi hình lại bài giảng để đưa lên trang LMS cho SV xem lại. 

Tương tự, để kịp tiến độ năm học 2019 - 2020, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) triển khai dạy học online. TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng phụ trách HUFLIT cho biết: Toàn trường triển khai dạy online từ ngày 16/3, trong đó có 1 đơn vị chưa sẵn sàng nên sẽ triển khai vào ngày 13/4. 

“Trước tiên, sẽ dạy các môn lý thuyết, những môn bắt buộc phải học thực hành để khi hết dịch sẽ dạy trực tiếp. Ban đầu, cũng có một số SV, GV phàn nàn vì chất lượng đường truyền Internet, cùng với việc phải thích ứng với điều kiện dạy và học khá mới so với trước đây. Tuy nhiên, trong tình huống bất khả kháng như hiện nay, dạy học online là lựa chọn tối ưu. Nhà trường đã đầu tư cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho việc dạy online, đồng thời mua bản quyền một số phần mềm như Zoom… để bảo đảm học kỳ II của năm học được hoàn tất đúng tiến độ vào tháng 8/2020” - TS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Từ bỡ ngỡ đến chuyên nghiệp

Trường ĐH Hoa Sen (HSU) bắt đầu học kỳ II từ ngày 23/3 theo hình thức dạy học online. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Phó Hiệu trưởng HSU, việc dạy học online tại trường được triển khai theo mô hình VLA (Videoconferecing + LCMS + Accreditation) gồm có 3 bước: Bước 1: GV, SV tương tác qua hệ thống Videoconferencing do nhà trường đầu tư phát triển. Hệ thống cho phép sử dụng webcam, micro và chia sẻ màn hình, làm việc nhóm đồng thời vài nghìn người. Bước 2: GV, SV tương tác qua hệ thống mlearning (LCMS). Thông qua hệ thống mlearning, SV thảo luận, đọc tài liệu, làm bài tập và các hoạt động khác như quiz, glossary, wiki, workshop... và GV cho phản hồi. Bước 3: Các phòng ban chức năng thực hiện công tác chấm công, kiểm định và 

 
bảo đảm chất lượng (Accreditation). 

 

“Phần lớn GV HSU được tập huấn và trực tiếp dạy học online từ học kỳ I, học kỳ Tết nên việc dạy online toàn trường diễn ra thuận lợi. SV nhìn chung hài lòng với chất lượng dạy online học kỳ Tết (diễn ra trong tháng 3). Từ ngày 3/3 - 30/3, nhà trường đã nhận được 3.820 lượt đánh giá chất lượng dạy học online theo 5 mức độ (1: Thất vọng; 2: Chưa tốt; 3: Chấp nhận; 4: Tốt; 5: Yêu thích). Điểm trung bình của 3.820 lượt đánh giá này 4,43/5” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho biết.

Tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE), học kỳ II của năm học 2019 - 2020 bắt đầu từ 16/3 với hình thức dạy học online. Theo ThS Lê Phan Quốc - Phó Trưởng phòng Đào tạo HCMUE, việc triển khai dạy học online cũng gặp một số khó khăn nhất định do đa số GV chưa chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng, đồng thời các yếu tố về cơ sở vật chất, điều kiện về công nghệ thông tin và một số tài liệu học thuật bằng giấy… Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của GV, SV toàn trường nên những khó khăn cũng dần dần được tháo gỡ. Bên cạnh đó, HCMUE có lợi thế về đội ngũ chuyên gia về E-Learning rất mạnh nên kịp thời hỗ trợ kỹ thuật dạy học online cho GV các khoa. 

“Hiện, đa số các GV của HCMUE có thể dạy online ở nhà. Trong kế hoạch năm học của nhà trường có một số học phần được triển khai theo hình thức dạy học online nên nhiều GV và SV cũng cơ bản quen với hình thức này. Khi SV đi học tập trung trở lại sẽ học một số môn thực hành. Đồng thời việc kiểm tra đánh giá cuối kỳ cũng sẽ làm trực tiếp” - ThS Lê Phan Quốc chia sẻ.

Sớm hơn một bước, học kỳ II tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) bắt đầu từ tháng 12/2019. Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nhà trường chuyển sang hình thực dạy học online từ 10/2/2020 tới nay. Theo TS Nguyễn Công Tráng - giảng viên Khoa Điện – Điện tử TDTU, hầu hết các môn học tại TDTU đều giảng dạy online, do vậy, GV phải theo đúng lịch giảng dạy của thời khóa biểu để không trùng với giờ môn khác thì SV mới có thể tham gia lớp đầy đủ được.

 

Việc đầu tư chi phí dạy học online rất tốn kém nhưng trong điều kiện thực tế nhà trường phải thắt lưng buộc bụng để cố gắng hoàn tất học kỳ II trong mức độ tốt nhất có thể. - TS Nguyễn Anh Tuấn