Nghiên cứu lý luận

NHẠC KHÍ GÕ DÂN TỘC VIỆT NAM TRONG TÁC PHẨM HÒA TẤU“MÙA HÈ”

18 Tháng Ba 2021

Mai Thanh Sơn

Nhạc viện TP Hồ Chí Minh

 

 

Tóm tắt:

Tác phẩm hòa tấu bộ gõ “Mùa Hè” do nghệ sĩ Đức Dũng và Đức Lợi[1]sáng tác và trình diễn bởi Đoàn nhạc gõ Phù Đổng[2]lần đầu vào năm 1982. Tác phẩm như một bức tranh bằng âm thanh dẫn dắt người nghe vào không gian mùa hè của Bắc bộ Việt Nam. Tác giả đã sử dụng thủ pháp pha màu sắc với các âm sắc đặc trưng của nhiều loại nhạc khí gõ dân tộc Việt Nam, tạo thành những âm thanh mô phỏng các loài côn trùng và thiên nhiên. Tác phẩm “Mùa hè” đã đưa nhạc khí gõ thoát ra khỏi môi trường diễn xướng vốn đã tồn tại lâu đời[3]để tạo nên một vị thế mới đồng thời thể nghiệm hướng đi mới trong việc sáng tác tác phẩm khí nhạc cho nhạc khí gõ dân tộc Việt Nam ở trong nước và quốc tế [4].

Key words: nhạc khí gõ, dân tộc,hòa tấu, Việt Nam

 

Abstract:

The ensemble work “Summer” composed by Duc Dung and Duc Loi was premiered by the Phu Dong Percussion Troupe in 1982. Following the music, the audience could explore various paintings of the summer in Northern Vietnam. Different timbres of the Vietnamese traditional percussion instruments were blended to describe the sounds of insects and nature in the summer time. This work has taking Vietnamese traditional percussions out of their acting environment that has existed for generations and is a success on promoting the Vietnamese traditional percussion in the new experimental composing and performing direction not only dosmetic but also international.

 

 

  1. Các nhạc khí gõ sử dụng trong tác phẩm:

Trong tác phẩm, tác giả đã sử dụng 12 loại nhạc khí gõ khác nhau bao gồm: các loại trống không định âm trong các dàn nhạc sân khấu tuồng, chèo, ca trù và các loại nhạc khí gõ không định âm khác như sênh tiền, sênh sứa, mõ, lục lạc…

Các nhạc khí này được phân loại theo 2 họ như sau:

  1. Họ màng rung (membranophone):

+ Trống Cái:

Hình 1: Trống Cái

trong caiTrống Cái (hay trống Ðại) là loại trống lớn thứ hai sau Trống Sấm. Hai mặt trống bịt da, mặt trống có đường kính khoảng 0,80m tang trống cao khoảng 1,2m. Trống Ðại tham gia các Dàn nhạc: Ðường Thượng Chi Nhạc (thời Hậu Lê), Ðại Nhạc (thời Nguyễn), Dàn Nhạc Huyền của Cung đình.Ngoài ra, Trống Đại còn được sử dụng phổ biến ở Đình làng, cổng Chùa, hay trong trường học. Trống cái có màu âm ở âm khu trầm nên thường được diễn tấu với tiết tấu chậm rãi, đĩnh đạc hoặc mang tính “tô điểm”. Khi diễn tấu nhanh và mạnh sẽ tạo hiệu ứng cao trào mãnh liệt.

 

IMG_0883

Hình 2: Trống Chầu

+ Trống Chầu: Trống Chầu là loại trống được bịt da trâu hai mặt, đường kính khoảng 60cm hoặc lớn hơn một chút. Tang trống bằng gỗ mít cao khoảng 60cm hoặc cao hơn một chút. Trống Chầu được sử dụng phổ biến trong các Dàn nhạc sân khấu Tuồng, sân khấu Chèo. Trống Chầu có màu âm ở âm khu trung. Trong sân khấu Tuồng, trống Chầu có vai trò điểm câu và để khen, chê bằng một số quy ước nhất định.

 

 

+ Trống Chiến:

 

Hình 3: Trống Chiến

Trống Chiến còn gọi là Trống Trận là loại trống gắn liền với nghệ thuật Hát Bội (Tuồng). Trống Chiến hình dáng tương tự như Trống Cái nhưng nhỏ hơn, được bịt da hai mặt, đường kính khoảng 36cm. Chiều cao của tang trống khoảng 38cm. Kỹ thuật diễn tấu và âm sắc của trống Chiến rất phong phú, có thể diễn tả được nhiều trạng thái tình cảm trong diễn xuất Tuồng. Trống Chiến có màu âm rộn ràng, đanh thép nằm ở âm khu cao.

 

+ Trống Ban: Trống Ban là loại trống được bịt da hai mặt, đường kính khoảng 26cm, tang trống cao khoảng 26cm. Trống Ban được sử dụng trong nhiều loại hình sân khấu nghệ thuật như: chèo, tuồng…Trống ban có màu âm vui tươi nằm ở âm khu cao, cao hơn Trống Chiến. Âm thanh trống Ban vang xa và kỹ thuật diễn tấu phong phú.

IMG_0886

 

 
 

Hình 4: Trống Ban

 

 

 

 

 

 

 

Hình 5:  Trống Đế

TRONG DE+ Trống Đế: là loại trống được bịt da hai mặt, đường kính hai mặt trống như nhau khoảng từ 15cm đến 20cm. Trống đế được sử dụng trong dàn nhạc sân khấu Chèo, Ca Trù. Trống Đế có màu âm đanh, cao hơn Trống Ban, gọn tiếng và ít vang. Trong các loại nhạc khí gõ phụng sự sân khấu Chèo, trống Đế là loại nhạc khí quan trọng bậc nhất và có kỹ thuật diễn tấu phong phú, vui tươi, tốc độ cao, lắt léo.

 

  1. Họ tự thân vang (Indophone)

+ Cồng (Chiêng): là loại nhạc khí bằng đồng thau hoặc hợp kim đồng thiếc được sử dụng rộng rãi trong âm nhạc của nhiều tộc người khác nhau tại Việt Nam do đó cũng có nhiều tên gọi khác nhau[5]. Theo quan niệm của người Kinh và một số nghiên cứu,  Cồng là tên gọi dành cho loại có núm, chiêng dành cho loại không có núm. Trong tác phẩm này, tác giả sử dụng cồng có đường kính 70 đến 80 cm, có âm thanh trầm vang xa, ngân dài.

 Cồng được sử dụng với nhiều chức năng trong đó có chức năng báo hiệu. Ở Tây Nguyên và các dân tộc thiểu số phía Bắc, cồng, chiêng được tổ chức thành dàn nhạc diễn tấu những bài bản đa âm (multiphony) với các hình thức chủ điệu (homophony), đa điệu (heterophony), hòa điệu (harmony) khác nhau[6].

Hình 6: Dàn Cồng Chiêng Tây Nguyên

+ Lệnh: hay còn được gọi là Thanh la, Phèng la là nhạc khí gỗ bằng đồng thau có hình dáng như đĩa tròn, kích thước khoảng 50cm. Lệnh thường được sử dụng để báo hiệu, truyền tải mệnh lệnh. Lệnh có màu âm chát chúa, đanh thép nằm ở âm khu trung.

Hình 7: Lệnh

 

 

 

            + Chuông: là loại nhạc khí bằng kim loại, chủ yếu là bằng đồng, có nhiều hình dáng, kích thước khác nhau nhưng cấu tạo chung đều là hình rỗng, được dùng phổ biến trong các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng. Tác phẩm “Mùa hè” sử dụng hai cái chuông có cao độ khác nhau. Thông thường, chuông được dùng để điểm cùng với mõ. Trong đời sống thì chuông còn được dùng thông báo, báo động.

 

 

 

 

 

 

Hình 8: Chuông bát                                                 Hình 9: Chuông thầy cúng

+ Lạc ngựa: là loại nhạc khí tự thân vang của nhiều dân tộc như Việt, Thái, Tày, Nùng, nhiều dân tộc khu vực Tây Nguyên miền Trung và nhiều quốc gia khác. Lạc ngựa còn được gọi là quả nhạc, lục lạc. Với màu âm sáng, cao, rộn ràng, lạc ngựa thường được sử dụng giữ nhịp.

 

Hình 10: Lạc ngựa

 

Hình11: Sênh tiền

+ Sênh tiền: là loại nhạc khí tự thân vang gõ, quẹt, lắc. Sênh tiền được làm từ 3 thanh gỗ dài khoảng 25cm, rộng khoảng 3cm, dày khoảng 0,6cm. Đầu thanh gỗ số 1 và số 2 được đóng đinh cố định để giữ những đồng tiền kim loại, phía dưới đáy thanh số 2 được khứa những rãnh ngang. Thanh còn lại được khứa những răng cưa. Sênh tiền được sử dụng trong các dàn nhạc như Dàn Đại nhạc, dàn Bát âm, trong hát cửa đình, hát Sắc bùa, sân khấu Chèo.

 

 

            + Sênh sứa: là loại nhạc khí gõ được sử dụng trong hát Xẩm ở miền Trung, Bài chòi, nói Vè. Sênh sứa gồm có hai mảnh tre già vót cong, dài hơn một gang tay, ngang ba ngón tay, hình dáng như hột xoài, hai đầu vạt nhọn[7].

 

 

 

 

 

 
 

Hình12: Sênh sứa

 

 

 

 

+ Mõ chùa: Là loại nhạc khí thường được làm bằng gỗ với nhiều hình thù, kích thước khác nhau nhưng về cơ bản là hình khối cầu, được khoét rỗng ở giữa. Mõ được sử dụng trong dàn nhạc sân khấu Tuồng, Chèo, dàn Bát âm, trong đền chùa Phật giáo.

 

 
 

Hình13: Các loại mõ chùa

 

 

 

 

+ Mõ tre:Được làm bằng gốc hoặc than cây tre già có đường kính khoảng 10 đến 20cm, ở giữa có khoét một đường rỗng. Trong đời sống nông thôn của người Việt xưa, mõ có chức năng thông tin. 

Hình 14: Mõ tre

 

+Ang Klung (T’rưng lắc): là loại nhạc khí gõ bằng các ống tre có định âm có nguồn gốc từ phía Tây Java và tỉnh Banten, Indonesia. Mặc dù T’rưng và các loại nhạc khí gõ tre nứa rất phổ biến ở Tây Nguyên miền trung Việt Nam nhưng Ang Klung là loại nhạc khí được du nhập vào Việt Nam vài chục năm gần đây. Không có thông tin chính xác về thời điểm du nhập nhưng loại nhạc khí này gắn liền với tên tuổi của NSND. Đỗ Lộc, người đã sáng tác và trình diễn thành công với nhạc khí này.

Hình 15: Ang Klung

 

  1. Cách sử dụng, phân nhóm và phối khí nhạc khí gõ trong tác phẩm

Trong tác phẩm “Mùa hè”, ngoài các kỹ thuật diễn tấu, vị trí vai trò của các nhạc khí gõ như trong dàn nhạc truyền thống, tác giả khai thác âm sắc và phối khí theo phương thức mới. Mỗi loại nhạc khí sẽ mô phỏng cho một loại âm thanh trong tự nhiên, được phân loại và sắp xếp thành các tổ hợp nhạc khí có tính chất tương phản hoặc tạo những mảng màu sắc âm thanh khác biệt.

  1. Các tổ hợp âm thanh

Tổ hợp 1:

  • Cơ cấu tổ chức gồm trống cái, trống chầu, 3 trống chiến được lựa chọn có cao độ khác nhau. Đây là một tổ hợp được sắp xếp hoàn toàn mới, không trùng với tổ chức dàn nhạc truyền thống nào.
  • Vai trò chức năng: tạo hình tượng mô phỏng âm thanh của những cơn mưa rào, của tiếng sấm rền âm ỉ.

Tổ hợp 2:

  • Cơ cấu tổ chức gồm Trống đế, trống ban. Tổ hợp này cũng được sử dụng phổ biến trong dàn nhạc sân khấu Chèo.
  • Vai trò chức năng: mô phỏng âm thanh của những giọt nước rơi, những cơn mưa nhỏ tí tách, âm thanh nước chảy.

 

Tổ hợp 3:

  • Cơ cấu tổ chức gồm cồng, lệnh (thanh la), 2 chuông có cao độ khác nhau. Tổ hợp này dựa trên chất liệu tạo thành nhạc khí là kim loại.
  • Vai trò chức năng: mô phỏng cho những luồng khí nóng lạnh đối lập.

 

Tổ hợp 4:

  • Cơ cấu tổ chức gồm: Mõ chùa, mõ tre (mõ cóc), sênh tiền, sênh sứa, Ang klung. Tổ hợp được sắp xếp mới dựa trên chất liệu tạo thành là gỗ và tre.
  • Vai trò chức năng: mô phỏng âm thanh của nhiều loại côn trùng.

 

  1. Trình tự diễn tấu.

Về trình tự diễn tấu có thể được chia thành 3 phần chính gồm Phần đầu– Phần giữa– Phần cuối[8]

Phần đầu (A) được bắt đầu bằng tiếng cồng và lệnh với motif rõ ràng sử dụng 2 cao độ khác nhau không định âm. Hai loại nhạc khí này có tầm âm trầm, hơi rè, màu sắc tối nhằm miêu tả tiếng sấm sét báo hiệu cơn mưa tới. Tương phản ngay sau đó là tiếng chuông ở âm khu cao, màu âm trong trẻo, như luồng không khí lạnh mang tới cơn mưa với motif gần như tương tự.

 

Lệnh

Sau 2 câu báo hiệu mở đầu, tổ hợp 1, tổ hợp 2 và tổ hợp 3 thay phiên trình tấu những tiết tấu nhanh mạnh mẽ nhằm diễn tả cơn mưa rào đầu mùa hè. Tiết tấu đan xen hòa quyện vừa có tổ chức, vừa ngẫu nhiên như những hạt mưa rơi trên mặt đất.

 

Lệnh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ở giai đoạn này, các tổ hợp 1,2,3 solo luân phiên thay đổi chức năng solo và làm nền. Phần đầu (A) được lặp lại 2 vòng trước khi chuyển sang phần giữa (B)

Phần đầu (A) kết thúc, không có cầu nối dẫn dắt qua phần tiếp theo. Phần giữa (B) xuất hiện với âm thanh của nhạc khí thuộc Tổ hợp 3 gồm Ang klung, sênh tiền, lạc ngựa tremolo rền xuyên suốt, mô phỏng âm thanh các loài côn trùng, làm nền cho những tiếng mõ tre (mõ cóc) quẹt mô phỏng tiếng ếch nhái.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần giữa là đất diễn dành cho 2 cặp sênh sứa solo và đối đáp với nhau mô phỏng những chú ễnh ương, nhái bén và cả ve sầu. Đây cũng là điểm cao trào của cả tác phẩm và người nghe dễ dàng để tưởng tượng ra một bản hợp ca thú vị của thiên nhiên qua các nhạc khí gõ dân tộc.

Phần cuối (C) được nhận ra với sự xuất hiện lại motif nhanh mạnh mẽ của Tổ hợp 1. Cơn mưa của miền Bắc không ào ạt và kết thúc ngay mà có thể kéo dài hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần. Đây cũng là thời điểm tác phẩm lúc này như được tái hiện với sự quay trở lại của “cơn mưa rào” được diễn tấu bằng dàn trống lớn tương tự như phần trình bày nhưng được rút gọn hơn.

 

Phần kết xuất hiện lại motif mở đầu của tổ hợp 3. Tiếng chuông điểm cuối cùng với âm thanhtrong trẻo đánh tan đi màu sắc u tối của cơn mưa, để lại trong lòng thính giả một luồng không khí tươi mới mát mẻ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sơ đồ phân bố các tổ hợp nhạc khí gõ trong tác phẩm

Dạo đầu

Phần đầu

Phần giữa (Cadenze)

Phần cuối

Kết

 

Tổ hợp 3

 

Cồng

Lệnh

Chuông

 

Motif tiết tấu báo hiệu

Tổ hợp 1

 

Dàn trống lớn solo

Tổ hợp 2, 3

 

Dàn trống nhỏ + Mõ solo

Tổ hợp 1

 

Dàn trống lớn solo

Mõ cóc

solo

Sênh sứa

duo

Tổ hợp 1

 

Dàn trống lớn solo

Tổ hợp 2, 3

 

Dàn trống nhỏ + Mõ solo

Tổ hợp 3

 

Cồng

 

Thanh la

 

Tiếng chim

Tổ hợp 3

 

Chuông

 

T’rưng lắc, sênh tiền, lạc ngựa làm nền

 

Sênh tiền, lạc ngựa làm nền

Cồng, lệnh tạo hiệu ứng cao trào

Sênh tiền, lạc ngựa làm nền

cồng, lệnh tạo hiệu ứng cao trào

 
                     

 

 

 

 

Bảng phân loại nhạc khí, chất liệu, vai trò và chức năng

TÊN NHẠC KHÍ

CHẤT LIỆU

PHÂN LOẠI NHẠC CỤ

VAI TRÒ

CHỨC NĂNG

Cồng

Kim loại, đồng

Nhạc khí gõ thuộc họ tự thân vang

Tuti

Báo hiệu lệnh, sấm chớp

Lệnh

Mõ chùa

Gỗ

Solo, Tuti

Mưa nhỏ, ếch nhái

Sênh tiền

Gỗ, kim loại

Tuti

Ếch nhái, ễnh ương

Mõ tre

Tre

Tuti

Mưa rả rích nhỏ

Sênh sứa

Solo, tuti

Solo, ve sầu, các loại côn trùng

Ang klung

Tuti

Ve sầu, các loại côn trùng

Trống cái

Gỗ, da động vật

Nhạc khí gõ thuộc họ màng rung

Tuti

Mưa rào to, sấm, gió, tiếng sấm vọng đì đùng

Trống chầu

Trống chiến

Trống ban

Mưa rào nhỏ

Trống đế

 

  1. Lời kết

Tác phẩm hòa tấu bộ gõ “Mùa hè” là một trong những tác phẩm khí nhạc được viết cho hòa tấu bộ gõ dân tộc Việt Nam trong giai đoạn thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay vẫn thường xuyên được trình diễn ở trong nước và nhiều nước trên thế giới.

Mười hai loại nhạc khí gõ của nhiều dân tộc khác nhau đã được sử dụng, khai thác màu sắc và âm thanh đặc trưng để tạo ra những mảng “màu sắc” bằng âm thanh. Các nhạc khí được xem xét về tính năng, màu sắc, vai trò trong dàn nhạc truyền thống để sắp xếp theo các tổ hợp, tạo nên sự tương phản về chất liệu (Kim – Mộc), đạt được sự hài hòa về âm – dương của triết học phương Đông và phát huy riêng biệt khả năng diễn đạt của bộ nhạc khí gõ[9].

Với những nhạc khí gõ không định âm, tác phẩm đã xây dựng được hình tượng âm nhạc rõ ràng - một bức tranh mùa hè sống động nhiều màu sắc bằng âm thanh. Tác giả cũng phát triển các kỹ thuật diễn tấu mới cho các nhạc khí, đưa các nhạc khí gõ vốn chỉ phụng sự trong sân khấu Tuồng, Chèo, nhạc Lễ, Cung đình... lên một sân khấu mới, có thể phối hợp nhạc khí gõ một cách “tinh vi và biểu đạt ngôn ngữ mới theo một cách mới mẻ hơn”[10].

Các nhạc khí gõ trong tác phẩm phẩm “Mùa hè” là những nhạc khí chủ chốt trong trong kho tàng nhạc khí gõ của Việt Nam; có kỹ thuật diễn tấu phong phú, phức tạp, âm sắc độc đáo, tiềm ẩn những triết lý phương Đông sâu sắc. Ngoài ra, kho tàng nhạc khí gõ của Việt Nam còn rất phong phú cả ở số lượng, chủng loại, chất liệu và màu sắc, cần có thêm những nghiên cứu chuyên sâu về tính năng, phối khí hòa sắc, thể nghiệm trong sáng tác và trình diễn âm nhạc dân tộc, âm nhạc đương đại để có them nhiều hơn nữa các tác phẩm hiện đại mang hồn dân tộc Việt Nam.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Phạm Vũ Thiên Bảo (2013), Luận văn thạc sĩ Es percussions vietnamiennes, notation et interpretation”, Nhạc viện Quốc gia Paris (CMSNDP).
  2. Trần Văn Khê (1992), Bài viết “Lần đầu gặp gỡ” của sau khi nghe Đoàn Phù Đổng biểu diễn.
  3. Lưu Hữu Phước (1985), “Nhạc sĩ lão thành và sáu chàng nghệ sĩ trẻ”, báo Nhân dân ngày 26/1/1985
  4. Lưu Hữu Phước (1985), “Quả đầu mùa”, Tạp chí ảnh Việt Nam,  số 317 tháng 5/1985.
  5. Trương Đình Quang, Mặn mà cái duyên vè Quảng - sênh sứa, Tạp chí văn nghệ Đà Nẵng số 191 tháng 10/2013.
  6. Đào Huy Quyền, Sơn Ngọc Hoàng, Ngô Khị (2005), Nhạc khí dân tộc Khơme Nam Bộ, Nxb Khoa học Xã hội, TP.HCM.
  7. Võ Thanh Tùng (2001), Nhạc khí dân tộc Việt, NXB Âm nhạc.
  8. Dương Đình Minh Sơn (2009), Bàn thêm về tên gọi Cồng Chiêng,  Tạp chí VHNT số 303, tháng 9/2009.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC

 

  1. Hình ảnh buổi thuyết trình và biểu diễn tác phẩm “Mùa hè” tại Pháp.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ trái qua: Phạm Vũ Thiên Bảo, Trần Ngọc Nguyên Trinh, Mai Thanh Sơn, Mai Thành Nam, GS.TS. Trần Quang Hải (hướng dẫn khoa học), Yannick Monot (Ns Bộ gõ Pháp)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

GS.TS. Trần Quang Hải giải thích cho Yannick Monot (Ns Bộ gõ Pháp) về tính năng của Sênh tiền.

 

 

 

Các nghệ sĩ Pháp và Việt Nam trình diễn tác phẩm “Vào hè”

 

 

Link video biểu diễn tác phẩm:

  •  
  1. Tác phẩm “Mùa hè” được giới thiệu lần 2 tại Nhạc viện Polesup 13(Paris-Pháp) trong chương trình tốt nghiệp bậc Đại học về Nhạc Jazz, Ngẫu hứng, nhạc khí gõ dân tộc thế giới ngày 04/06/2019.  Phần thi đạt kết quả thủ khoa với nhiều lời khen ngợi của ban giám khảo.

 

 

 

 

 

 

 

  1. Giám khảo Magic Malik, Giáo sư tại Nhạc viện Polesup 13, một nghệ sĩ nhạc Jazz nổi tiếng của Pháp đã đánh giá cao tác phẩm Mùa hè. Theo ông, “tác phẩm đã không khai thác tiết tấu với tính chính xác cao như các tác phẩm nhạc khí gõ thế giới mà phát huy tối đa thế mạnh hòa tấu âm sắc và màu sắc, đó là hướng đi sẽ “màu mỡ” hơn so với phát triển tiết tấu”.

 

 

  1. Huy chương vàng cho 4 tác phẩm hòa tấu nhạc gõ của Phù Đổng năm 1989

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  1. GS.VS. Lưu Hữu Phước. Bài báo “Nhạc sĩ lão thành và sáu chàng nghệ sĩ trẻ” của đăng trên báo Nhân dân ngày 26/1/1985

 

“…Phải nghe trực tiếp đôi sênh sứa trong tay nghệ sĩ, vừa vang tiếng gõ vào nhau, vừa rung lên chấn động của hai đầu vạt nhọn nghe rè rè như tiếng ve sầu… Nhóm Phù Đổng đã đầu tư vào góc độ khó nhất, mà khi đã vượt qua được độ khó này thì sẽ dễ dàng khắc phục các trở ngại khác để đạt hiệu quả cao. Đó là phát huy riêng biệt khả năng diễn đạt của bộ nhạc khí gõ…”

 

 

  1. Bài viết “Lần đầu gặp gỡ” của GS.TS. Trần Văn Khê sau khi nghe Đoàn Phù Đổng biểu diễn 1/4/1992

 

 “…Khi chúng tôi nghe nói tới đoàn Phù Đổng, chúng tôi náo nức muốn xem muốn nghe, hôm nay thật là: DANH BẤT HƯ TRUYỀN tất cả những chuyện mà các bạn làm đây hết sức hay bởi tổ tiên ta có những cái tài nhưng chỉ trong khuôn khổ nhạc chèo, của nhạc tuồng, của nhạc lễ, ở trên sân khấu – phụng sự cho sân khấu, chưa bao giờ nhạc cụ gõ ra sân khấu với tư cách một mình nó mà biểu lộ bao nhiêu tình cảm. Tôi cho sáng tạo đó thật hết sức hay, hết sức hay vì các bạn biết phối hợp tinh vi với tiếng mõ...phối hợp tiếng trống với tiếng xênh xứa, tiếng chuông, kể cả tiếng Ang Klum, là nhạc khí nước bạn…”

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


[1]02 trong số 07 thành viên của nhóm Nhạc gõ Phù Đổng.

[2]Nhóm Nhạc gõ Phù Đổng là một nhóm nhạc gồm 07 thành viên là anh em trong một gia đình ra đời tại Hà Nội năm 1980 dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát (Nguyên chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên) và từ năm 1984 tại TP.Hồ Chí Minh dưới sự bảo trợ của GS.VS. Lưu Hữu Phước (Viện trưởng Viện nghiên cứu âm nhạc miền Nam). Từ 1980 tới 1996, nhóm giành được được nhiều huy chương vàng, bạc từ các liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc và cả những liên hoan ở nước ngoài. Nhóm đã lưu diễn rất tại nhiều quốc gia giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam và nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng Việt kiều và bạn bè quốc tế.

[3]Đánh giá của GS.TS. Trần Văn Khê, bài viết “Lần đầu gặp gỡ” của GS.TS. Trần Văn Khê sau khi nghe Đoàn Phù Đổng biểu diễn 1/4/1992

 

[4]Lấy cảm hứng từ nhạc khí gõ Việt Nam, 7/2018, Nhạc sĩ Pháp Mael Bailly đã tới Việt Nam 1 tháng để nghiên cứu và sáng tác Trio cho nhạc khí gõ Việt Nam và đàn Viola. Tác phẩm được trình diễn tại Nhạc viện Quốc gia Paris tháng 11/2018.

  1. Kiều Trung Sơn - Tạp chí VHNT số 297, tháng 3-2009, Người Khơme Nam Bộ, nhạc khí nếu không có núm là khmuôs, và có núm là kôông môôn hoặc kôôn skô. Người Gia rai gọi là chinh, chêng, trong đó chêng là loại có núm còn chinh hoặc chinh chêng để chỉ cả bộ cồng chiêng, ngầm hiểu là cả có núm và không núm. Người Giẻ Triêng gọi loại có núm là chinh honh hoặc goong, loại không núm là chinh hlong. Người Ê đê không phân biệt, có núm hay không có núm họ đều gọi là chinh Knah (Cing Knah). Người M'nông gọi loại có núm là goong, loại không núm là chêng. Người Việt, người Mường ở miền Bắc không có ý niệm chiêng bằng. Người Ê đê gọi chinh là tên chung cho cả hai loại có núm và không núm. Một số tộc khác lại phân biệt hai loại đó bằng những tên khác nhau, chẳng hạn, không núm gọi là chêng, có núm gọi là goong.

 

[6] Võ Thanh Tùng - Nhạc Khí dân tộc Việt.

[7]Trương Đình Quang,  Mặn mà cái duyên vè Quảng –sênh sứa, Tạp chí văn nghệ Đà Nẵng số 191 tháng 10/2013

[8]Tác phẩm đã được phân tích, giới thiệu chuyên đề và biểu diễn bởi nghệ sĩ Pháp và Việt Nam 17/4/2013 trong buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ của nghệ sĩ Viola Phạm Vũ Thiên Bảo tại Nhạc viện Quốc gia Paris (CMSNDP với đề tài es percussions vietnamiennes, notation et interpretation – Nhạc khí gõ Việt Nam, kí âm và biểu diễn” do GS.TS. Trần Quang Hải hướng dẫn khoa học. Bài viết được bảo vệ thành công ngày 11/6/2013.

[9] Bài báo “Nhạc sĩ lão thành và sáu chàng nghệ sĩ trẻ” của GS.VS. Lưu Hữu Phước đăng trên báo Nhân dân ngày 26/1/1985, và bài “Quả đầu mùa” tạp chí ảnh Việt Nam số 317 tháng 5/1985

[10]Bài viết “Lần đầu gặp gỡ” của GS.TS. Trần Văn Khê sau khi nghe Đoàn Phù Đổng biểu diễn 1/4/1992