Nội san

VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA DẠY HỌC HÁT VỚI MÔN HỌC ÂM NHẠC Ở TIỂU HỌC

27 Tháng Năm 2021

Nguyễn Ngọc Linh

K11- Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc

Âm nhạc có vai trò khá quan trọng, là một thành tố ít khi thiếu vắng đối với đời sống tinh thần của con người. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, con người - đặc biệt là các nhà khoa học - nhận ra rằng, cũng như các loại hình nghệ thuật khác, âm nhạc có nhiều chức năng: nhận thức, giáo dục, giải trí, thẩm mỹ.

Nhận biết được vai trò quan trọng của âm nhạc đối với việc giáo dục con người đặc biệt là với lứa tuổi học sinh, năm 2002 Bộ Giáo dục & Đào tạo đã đưa âm nhạc vào chương trình giáo dục phổ thông ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở.

Môn âm nhạc ở cấp tiểu học đang thực hiện theo chương trình hiện hành (năm học 2020 - 2021 lớp 1 học bắt đầu theo chương trình mới) gồm 3 phân môn: học hát, tập đọc nhạc và âm nhạc thường thức. Trong đó, học hát là phân môn được học sinh chú ý hơn cả. Nhìn từ phương diện giáo dục, thì dạy học hát cho HS có vai trò vô cùng quan trọng trong việc: bồi dưỡng thẩm mỹ, đạo đức, phát triển thể chất, trí tuệ và hoàn thiện nhân cách để các em sau này trở thành chủ nhân của đất nước có đủ: Đức - Trí - Thể - Mỹ.

Vậy dạy học hát có vai trò quan trọng như thế nào với môn học Âm nhạc ở phổ thông?

  1. Bồi dưỡng thẩm mỹ

Những ca khúc, hay bài dân ca trong chương âm nhạc trình tiểu học nói chung và chương trình lớp 4 nói riêng, đã được các nhà biên soạn tuyển chọn dựa trên các tiêu chí: giai điệu (đơn giản dễ hát), cấu trúc ngắn gọn, lời ca giàu hình tượng, tính vùng miền, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi. Vì thế mỗi khi giai điệu ca khúc hay bài dân ca được cất lên ngân nga trầm bổng thì tạo được sự rung cảm trong tâm hồn các em. Lời ca đẹp cùng giai điệu âm nhạc hay cứ ngấm dần và hình thành trong từng HS cái cảm thụ thẩm mỹ, trên cơ sở đó giúp các em nhận thức được giá trị thẩm mỹ và ở mức độ cao hơn là hình thành năng lực thẩm mỹ.

Ca khúc hay bài dân ca, là sản phẩm tinh thần do một nhạc sĩ hay tập thể sáng tác. Mỗi ca khúc, bài dân ca là sự phản ánh cuộc sống thông qua sự chi phối của nghệ thuật âm nhạc, do đó nó là một thực thể mang tính thẩm mỹ. So với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật âm nhạc - mà cụ thể ở đây là những bài hát - có ưu thế hơn trong việc khơi gợi cảm xúc cho HS. Bằng thế mạnh ấy, thông qua mỗi bài hát, HS có thể nhận được cái đẹp, biết đánh giá được cái đẹp trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với môi trường thiên nhiên. Chẳng hạn, khi dạy ca khúc Bàn tay mẹ (nhạc: Bùi Đình Thảo, thơ: Tạ Hữu Yên) với lời ca dung dị, chân thực, nhưng thông qua giai điệu âm nhạc đã đánh thức, khơi gợi những cảm xúc thẩm mỹ trong HS và từ đó các em nhìn nhận được giá trị tình cảm của người mẹ dành cho con mang tính nhân văn hơn. Các ca khúc Em yêu hoà bình (Nguyễn Đức Toàn), Ngựa ta phi nhanh (Phong Nhã), Thiếu nhi thế giới liên hoan (Lưu Hữu Phước), Chú voi con ở Bản Đôn (Phạm Tuyên)…, tuy mỗi bài có chủ đề và nội dung khác nhau, nhưng đều có một điểm giống nhau là: thông qua lời ca và giai điệu âm nhạc đem đến cho HS những cảm xúc thẩm mỹ, từ đó các em có những nhận thức đúng đắn về các mối quan hệ trong cuộc sống. Có cảm xúc, có nhận thức đúng sẽ dẫn đến những hành động đúng, đó là một trong những vài trò của giáo dục âm nhạc (trong đó có dạy học hát) mang lại.  

2. Giáo dục đạo đức

Mục đích của việc dạy học trong nhà trường là nhằm trang bị cho HS những kiến thức cơ bản, giúp các em dần hoàn thiện nhân cách và trí tuệ để đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng trong công cuộc xây dựng đất nước. Như đã đề cập ở trên, thông qua giai điệu và lời ca, các bài hát (ca khúc, bài dân ca) khi đươc chọn và đưa vào dạy sẽ có tác động mạnh mẽ đến HS. Trên phương diện về giáo dục đạo đức, các bài hát vừa có tác động trực tiếp, vừa tác động gián tiếp đến đời sống tâm hồn, tình cảm của HS. Dẫu lời ca có khái quát, nhưng chỉ ra những sự việc, hành động cụ thể; giai điệu âm nhạc sẽ khơi gợi và đánh thức, dẫn lối cho HS nhìn nhận cách ứng xử của những hành động đó. Hai yếu tố trực tiếp và gián tiếp tồn tại trong một bài hát luôn song hành, hòa quyện, bó bện không thể tách rời.

Âm nhạc nói chung, các bài hát trong chương trình lớp 4 hiện hành nói riêng, khi âm thanh được vang lên, sẽ tác động trực tiếp vào cơ quan thính giác của HS, dần tạo trong các em một tình cảm thẩm mỹ, đó cũng là cơ sở hình thành nên một lối sống đẹp, có đạo đức. Ở một chừng mực nào đó, có thể nói, âm nhạc đã góp một phần không nhỏ giúp HS nhận thức đúng đắn các chuẩn mực xã hội, thông qua đó hình thành niềm tin và các em sẽ nhận thức được giá trị, ý nghĩa cuộc sống mang tính bao dung, vị tha, lòng nhân ái.

Bàn về vai trò của âm nhạc trong việc giáo dục đạo đức cho HS, tác giả Ngô Thị Nam trong cuốn Phương pháp dạy học âm nhạc, tập 1, xuất bản năm 1994, viết: "Trong khi tác động đến tình cảm của trẻ em, âm nhạc cũng đồng thời hình thành ở chúng tình cảm đạo đức. Đôi khi, tác động của âm nhạc còn mạnh mẽ hơn cả những lời khuyên hay sự ra lệnh nghiêm khắc".

Nhìn vào chương trình âm nhạc lớp 4, các bài hát trong đó đều có giá trị về tính giáo dục đạo đức cho HS, hướng các em biết yêu bờ tre, xóm nhỏ dòng sông (Em yêu hoà bình - Nguyễn Đức Toàn, Bạn ơi lắng nghe - dân ca Ba na…); yêu bạn bè gần xa, yêu tổ quốc (Trên ngựa ta phi nhanh - Phong Nhã, Khăn quàng thắm mãi vai em - Ngô Ngọc Báu…), biết quý trọng mẹ cha (Bàn tay mẹ - Bùi Đình Thoả, Tạ Hữu Yên)… Các bài hát trong chương trình, tuy chỉ là một dạng của nghệ thuật âm nhạc, nhưng mỗi bài luôn hàm chứa trong nó bài học về đạo đức. Bài hát được vang lên sẽ khơi gợi cảm xúc và đánh thức tính nhân văn, hướng thiện trong mỗi HS. Do vậy, dạy học hát cho HS ngoài việc trang bị kiến thức về nghệ thuật, nó còn có ý nghĩa khác đó là góp phần giáo dục đạo đức cho các em.

3. Góp phần phát triển trí tuệ và thể chất cho học sinh

Trí tuệ là kết quả của một quá trình nhận thức của con người nói chung theo thời gian về thế giới hiện thực khách quan. Khi đã có nhận thức đúng đắn, HS sẽ có khả năng phán đoán, đánh giá, nhận xét và giải quyết những trạng huống theo một cách riêng. Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật của thời gian, dùng yếu tố âm thanh để biểu cảm những nội dung, tư tưởng tình cảm mà người nhạc sĩ lĩnh hội từ cuộng sống đưa vào tác phẩm. Khi giai điệu vang lên, những âm thanh cao thấp, trầm bổng đến thính giác người nghe. Ở chiều ngược lại, HS khi tiếp nhận hệ thần kinh sẽ được kích hoạt làm cho trí tuệ của các em phát triển thèo chiều hướng tích cực. Không chỉ ở độ 9 đến 10 tuổi, mà khoa học đã chứng minh, âm nhạc có tác động mạnh mẽ ngay đối với trẻ còn từ trong bụng mẹ. Âm nhạc cách giúp các em nhanh chóng phát triển trí thông minh, giúp phát triển não bộ trong việc tiếp cận xử lý thông tin. Không những thế, âm nhạc còn có khả năng tác động trực tiếp đến kỹ năng giao tiếp của HS, từ đó giúp các em dần thành ý thức có tổ chức, trên cơ sở đó sẽ khả năng giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng ở trên lớp cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Nhìn xa hơn, nhiệm vụ của giáo dục âm nhạc đối với HS trong nhà trường không chỉ đơn thuần là tiếp thu, ghi nhớ nội dung bài hát, những đường nét giai điệu âm thanh, hay các bài tập đọc nhạc, mà còn từ việc lĩnh hội kiến thức đó sẽ giúp các em tư duy tổng hợp rồi sáng tạo ra cái mới, áp dụng vào thực tiễn. Khi HS đã nắm được kiến thức âm nhạc cơ bản, các khái niệm như trường độ, cao độ, cường độ… thì các em sẽ hiểu và biết so sánh độ dài ngắn, cao thấp của âm thanh, hiểu được nội dung lời ca và biết được những giá trị biểu đạt bài hát. Điều đó đồng nghĩa là, thông qua các bài hát trong chương trình đã góp một phần không nhỏ trong việc phát triển trí tuệ, khơi dậy lòng say mê khích thích sự khám phá, tìm hiểu, học hỏi cái mới, giúp các em ngày càng mở mang kiến thức về âm nhạc và các vấn đề của cuộc sống đã, đang diễn ra ở trong và ngoài nước.

Ca hát là một hoạt động, hoạt động này gắn liền với sự phát triển tâm sinh lý của HS. Ca hát là tổng hợp có tính logic của các hoạt động: thở, nhìn, nghe, ngồi, đứng, đi lại… Nói cách khác, hoạt đông ca hát có vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển các cơ quan: hô hấp, thính giác, thị giác, hô hấp, phát âm. Chẳng hạn khi hát và vận động theo giai điệu bài hát nào đó, ngoài việc các em phải rèn luyện kỹ năng ca hát, thì nó còn cải thiện sức khỏe, hoàn thiện phát triển xương và cơ, kích thích, điều tiết hệ tuần hoàn làm cho hệ tim mạch thêm khỏe mạnh. Hoạt động ca hát có mối liện quan mật thiết với hoạt động trí não và tác động tích cực đến sức khỏe của HS. Khi nghe giai điệu âm nhạc các bài hát có tính chất vui tươi, sôi nổi hệ thần kinh của HS sẽ hưng phấn và thăng hoa. Trên cơ sở phản xạ của hệ thần kinh, các em có thể vừa hát, vừa nhảy múa, lúc đó diễn ra sẽ diễn ra sự trao đổi về chất và điều ấy sẽ giúp cho HS phát triển tốt về thể chất.

4. Tạo sự tự tin cho học sinh

Âm nhạc chân chính là một thế giới bao la của cảm xúc và những cảm xúc này luôn chứa đựng những yếu tố tích cực, nhân văn. HS thưởng thức hay trực tiếp tham gia vào hoạt động biểu diễn tác phẩm nói chung hay bài hát nói riêng, tức là các em trực tiếp hòa nhập vào những cung bậc cảm xúc theo hướng tích cực. Ngành y học đã dùng âm nhạc để điều trị một số bệnh liên quan đến hệ thần kinh, và trong cuộc sống xã hội, âm nhạc cũng dùng để biểu lộ những tâm tư tình cảm sâu kín nhất của con người. Câu nói nổi tiếng của Pyotr llyich Tchaikovsky, trong trường hợp này vẫn còn nguyên giá trị: Nơi nào ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc lên tiếng. Âm nhạc sẽ nói thay những gì mà trong bối cảnh nào đó, con người không hoặc khó có thể biểu lộ, biểu đạt bằng ngôn ngữ đời thường. Ở trên lớp hay trong mối quan hệ trong gia đình, không phải HS nào cũng có đủ tự tin để thể hiện, biểu hiện hoặc nói lên ý thích, ý muốn của bản thân; lúc này, âm nhạc sẽ làm thây nhiệm vụ đó.

Khi HS được học và hiểu các bài hát, các em sẽ có đủ tự tin để thể hiện mình trước lớp hoặc trước tập thể nhà trường. Được thày, cô và tập thể khen ngợi động viên, như một liều thuốc kích thích, HS đó sẽ dần dần từng bước tự xóa đi mặc cảm, tự ty, e ngại, tạo ra động lực để vượt qua những định kiến trước đó của bản thân. Dựa vào âm nhạc, thông qua âm nhạc, hay nói chính xác hơn âm nhạc sẽ là một trong những giá đỡ để tạo ra sự tự tin cho HS trong các hoạt động của cuộc sống và trong học tập.

Có thể thấy, âm nhạc có vai trò khá quan trọng, là một thành tố ít khi thiếu vắng đối với đời sống tinh thần của con người đặc biệt là trẻ em. Âm nhạc giúp kích thích sự phát triển toàn diện về trí tuệ và tâm hồn của trẻ: tăng cường năng lực trí não, giúp cải thiện trí nhớ, bồi dưỡng thẩm mỹ, đạo đức, xây dựng sự tự tin, thể hiện bản thân, thúc đẩy tính sáng tạo… Chính vì vậy, những bước giáo dục trong nhà trường phổ thông bậc tiểu học có sự tham gia của âm nhạc để đảm bảo sự hứng thú, thoải mái, hấp dẫn, giúp trẻ ham học và tạo nền móng vững chắc cho trẻ sau này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Dương Anh (2010), “Ca khúc là gì”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 307 (tháng 1), tr.56.
  2. Phan Trần Bảng (2000), Phương pháp giảng dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  3. Bộ Giáo Dục và Đào tạo (2006), Chương trình giáo dục phổ thông môn Âm nhạc, Hà Nội.
  4. Bộ Giáo dục và Đào tạo - Vụ Giáo dục tiểu học (2011), Hướng dẫn thực hiện chương trình các môn học lớp 1, 2, 3, 4, 5, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2012), Âm nhạc 4, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.