Nội san

Thiết kế thời trang trong giáo dục nghệ thuật và cuộc sống

30 Tháng Mười Một 2010

Tham luận Hội thảo

Giáo dục Nghệ thuật và Cuộc sống

 

 

                                                                                  ThS.Hoàng Thị Oanh

                                                                        Khoa Văn hóa Nghệ thuật

 

Thời trang là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người. Nó giúp con người hòa hợp với môi trường tự nhiên, làm đẹp thêm cuộc sống. Vì thế công nghiệp thời trang không ngừng phát triển để sản xuất ra những sản phẩm phục vụ cho con người.

Ở Việt Nam, thời trang đang được định hình và phát triển. Những người làm thời trang đã gắng sức sáng tạo để có được những thương hiệu riêng không chỉ cạnh tranh với các thương hiệu nổi tiếng từ nước ngoài trong thị trường trong nước, mà còn khẳng định vị trí của mình với nhiều nước trên thế giới như nhà thiết kế Minh Hạnh, Lê Minh Khoa, Vũ Thu Giang, Diệu Anh vv… mẫu thiết kế của nhà thiết kế trẻ Châu Chấn Hưng – người giành giải đặc biệt trong Việt Nam Collection Grand Prix 2005, cũng là một minh chứng.

Những ngày văn hóa Việt Nam tại Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tổ chức trong thời gian gần đây, bên cạnh nghệ thuật điện ảnh, ca nhạc..., đã có thêm một lĩnh vực mới là thời trang.

Thời trang Việt Nam đem lại cho bạn bè quốc tế một cái nhìn mới, không chỉ qua chiếc áo dài truyền thống quen thuộc, mà còn là những phong cách thời trang trẻ trung, sáng tạo, cập nhật và không xa lạ với các xu thế thời trang trên thế giới. 

Tuy nhiên so với sự phát triển trong khu vực và trên thế giới, thời trang Việt Nam vẫn còn những khoảng cách đáng kể, đó là chất lượng không đồng đều của sản phẩm may và xuất khẩu ra nước ngoài. Mẫu thời trang của chúng ta chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng may gia công theo mẫu có sẵn, do đó giá thành sản phẩm rất thấp. Chúng ta chưa có một hệ thống chuyên nghiệp về công nghệ tạo mẫu cho các công ty may để thiết kế các dòng sản phẩm riêng biệt mang các thương hiệu lớn. Các mẫu của những nhà thiết kế kể trên vẫn còn  mang tính cá nhân, manh mún do vậy thiếu đi sự kết hợp đồng bộ giữa hoạ sỹ thiết kế và các dây chuyền sản xuất.

Bên cạnh đó còn tồn tại những nhà làm mẫu trong các công ty may, thường chỉ là thợ kỹ thuật chưa được đào tạo bài bản. Các hiệu may cá thể thì may theo thị hiếu của người tiêu dùng thông qua các catalogue có sẵn hoặc do tư vấn thẩm mỹ của các nhà may, chứ không có thiết kế chuyên nghiệp nên không tránh khỏi sự khập khiễng về chuyên môn. Vì vậy đại bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay tìm kiếm thông tin về mốt thời trang thông qua các phương tiện truyền thông như phim Hàn Quốc, Trung Quốc, Internet…

   Trước tình hình phát triển của ngành thiết kế thời trang nói trên, việc giáo dục, đào tạo hoạ sĩ-nhà thiết kế thời trang-cho phù hợp với tình hình thực tế kinh tế xã hội của nước ta là một vấn đề đặt ra cho các nhà giáo dục trong lĩnh vực thời trang. Để làm được việc này, đòi hỏi các nhà chuyên môn, các chuyên gia biên soạn chương trình đào tạo thiết kế thời trang phải có chiến lược phát triển  có tính chuyên môn hoá cao. Phải luôn kết hợp giữa lý thuyết với thực hành; tổ chức các cuộc hội thảo, seminar giao lưu… giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, các công ty may để có sự kết hợp giữa cung và cầu. Ngoài ra còn cần phải có những phương pháp để quảng cáo, maketing hợp lý và hiệu quả.

Trong quá trình đào tạo, cần thực hành thiết kế nhiều sản phẩm thực, xây dựng những trang quảng cáo mẫu thiết kế của các sinh viên ra thị trường, tổ chức các sàn diễn thời trang mang tính chuyên nghiệp…

Thực tiễn việc đào tạo kết hợp nhuần nhuyễn như trình bày ở trên sẽ tạo ra nhận thức, kĩ năng mới trong phương pháp sáng tạo, đem lại hiệu quả độc đáo về nội dung sản phẩm. Làm được những hình thức như thế, kết quả đào tạo sẽ được thay đổi, bổ sung bắt kịp với tốc độ phát triển của xã hội cả về công nghệ lẫn thị hiếu tiêu dùng. Thời trang ứng dụng mang tính cộng đồng rất lớn, vì vậy phải hết sức chú trọng vấn đề này.

Thiết nghĩ đổi mới trong đào tạo ngành thiết kế thời trang để luôn bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội, của đất nước trong khu vực và trên thế giới là điều mà chúng ta phải hướng tới. Đó cũng chính là phong cách của thời trang. Với cương vị là một giảng viên chuyên ngành thiết kế thời trang của một trường nghệ thuật, tôi luôn mong muốn các tthế hệ sinh viên ngành thiết kế thời trang của mình trong tương lai khi ra trường sẽ trở thành những nhà thiết kế thời trang có đủ đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng góp phần vào sự nghiệp chung của ngành may mặc thời trang. Khẳng định vị thế của ngành thời trang Việt Nam đối với khu vực và trên thế giới.

Trên đây chỉ là những suy nghĩ nhỏ của bản thân hy vọng sẽ góp được một số vấn đề trong công tác đào tạo ngành thiết kế thời trang của trường ta nói riêng, ngành thiết kế thời trang nói chung. Rất mong đồng nghiệp và các nhà chuyên môn đóng góp ý kiến và cùng tham khảo.

            Xin trân trọng cảm ơn!