Nội san

Thực trạng và một số giải pháp trong việc nâng cao nếp sống văn hóa ký túc xá sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

04 Tháng Ba 2011

                                                              Nhóm đề tài NCKH Cấp Bộ

                                                                                           Mã số: B2009-36-14

 

         Chúng ta đang sống trong những năm đầu của thế kỷ mới, thế kỷ mà vấn đề nguồn nhân lực có tầm quan trọng đặc biệt. Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân tộc. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã chỉ rõ: "Phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững".

  Trước yêu cầu phát triển của xã hội trong giai đoạn hiện nay, vấn đề con người đang trở thành trung tâm của sự phát triển kinh tế - xã hội. Để tạo điều kiện cho các trường làm tốt công tác học sinh - sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định công tác học sinh - sinh viên phải hướng vào thực hiện mục tiêu đào tạo chung của các trường là hình thành nhân cách, phẩm chất và năng lực công dân, đào tạo người lao động tự chủ, sáng tạo và có kỹ thuật, giàu lòng nhân ái, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có nếp sống lành mạnh, có kiến thức văn hóa, khoa học công nghệ, kỹ năng nghề nghiệp, có sức khỏe, có khả năng, góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh, đưa đất nước tiến kịp thời đại một cách hiệu quả nhất.

Trong bối cảnh đó, Trường ĐHSP nghệ thuật TW là một trong những cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành giáo dục và nhiều ngành, nghề quan trọng khác. Nhà trường có nhiệm vụ đào tạo, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên ngành Âm nhạc, Mỹ thuật và một số ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật như: Quản lý văn hoá, Thiết kế Thời trang, Thiết kế Đồ họa, Hội họa nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội; tiến hành xây dựng chương trình đào tạo sau đại học ngành Sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật để từng bước triển khai công tác đào tạo sau đại học từ 2011; xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học về lĩnh vực giáo dục nghệ thuật, ....

         Nằm trong chiến lược đào tạo thế hệ trẻ, việc xây dựng nếp sống văn hoá ký túc xá sinh viên là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Cho đến nay đã có một số công trình nghiên cứu đề cập đến vấn đề này nhưng chưa có công trình nào đề cập đến việc xây dựng nếp sống văn hoá ký túc xá sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Do vậy, đây là một đề tài hoàn toàn mới, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao.

Để đưa ra các biện pháp hữu hiệu nhất, chúng ta cần đưa ra dự báo những nhân tố tác động đến việc xây dựng nếp sống văn hoá ký túc xá sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW, trong đó có những nhân tố tích cực như: sự phát triển của nền kinh tế đất nước, sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các đơn vị chức năng cho việc xây dựng nếp sống văn hoá cho sinh viên Ký túc xá của trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Bên cạnh đó, phong trào xây dựng nếp sống văn hoá Ký túc xá sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW sẽ góp phần nâng cao nhận thức của sinh viên, cải thiện tình hình học tập của sinh viên, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của sinh viên, giúp sinh viên có cuộc sống ở Ký túc xá lành mạnh, văn hoá, giúp các em yên tâm học tập,... Phong trào này sẽ khơi dậy tính tự giác, tích cực của sinh viên trong việc chủ động tham gia vào các hoạt động văn hoá.

Thực trạng nếp sống ký túc xá sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW

Như chúng ta đã biết, trong cuộc sống, con người phải không ngừng tham gia vào các hoạt động để thoả mãn nhu cầu bản thân và cũng là để tồn tại và phát triển. Ngoài thời gian học tập trên trường theo yêu cầu của chương trình chính khoá bắt buộc (trung bình 5 giờ/ngày), sinh viên nội trú nói chung, sinh viên nội trú trường ĐHSP Nghệ thuật TW nói riêng trải qua 19 giờ còn lại trong ngày chủ yếu trong môi trường Ký túc xá. Trong khoảng thời gian này, sinh viên thực hiện các hoạt động cơ bản như: hoạt động học tập; sinh hoạt cá nhân (ăn uống; vệ sinh cá nhân; đi lại, ngủ, nghỉ ngơi, ...); sinh hoạt tập thể (hoạt động hỗ trợ học tập, hoạt động thông tin, hoạt động thể dục thể thao, du lịch, hoạt động văn hóa văn nghệ, các hoạt động phong trào đoàn thể,...); nếp sống văn hóa ứng xử (văn hóa ứng xử với thầy cô giáo, văn hóa ứng xử với bạn bè, văn hóa ứng xử với môi trường xung quanh). Như vậy, thời gian rỗi mỗi ngày của sinh viên ở Ký túc xá là khoảng thời gian còn lại trong một ngày sau khi đã trừ đi khoảng thời gian học tập bắt buộc theo chương trình chính khoá, thời gian dành cho các nhu cầu tự nhiên của con người và thời gian tự học theo quy định.

Trong khoảng thời gian rỗi này, sinh viên thường tham gia vào các hoạt động như: văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, giao tiếp, đi làm thêm, ... Các hoạt động của sinh viên gồm nhiều mặt và đa dạng, song chủ yếu biểu hiện qua các mặt, gồm:

- Hoạt động học tập.

- Hoạt động sinh hoạt cá nhân.

- Hoạt động sinh hoạt tập thể.

- Hoạt động giao tiếp và ứng xử.

Ký túc xá trường ĐHSP Nghệ thuật TW có diện tích 4.045 m2. Nằm trong quần thể các giảng đường A, B, C, D của Nhà trường nên vị trí của Ký túc xá khá thuận lợi cho sinh viên trong quá trình học tập. Mặc dù vậy, không phải là không có những khó khăn nhất định trong sinh hoạt và học tập của sinh viên khi Ký túc xá vẫn ở giữa khu vực dân cư sinh sống. Hiện nay, Ký túc xá gồm 72 phòng, có thể cung cấp chỗ ở cho trên 700 sinh viên nội trú (trung bình khoảng 5,778 m2/01 sinh viên).

Mỗi phòng được bố trí 10 sinh viên (5 giường tầng), nhà tắm, nhà vệ sinh riêng trong mỗi phòng. Các phòng đều được trang bị 03 bóng đèn neon chiếu sáng, 02 chổi quét nhà, 02 xô đựng nước (2 năm Ban quản lý Ký túc xá phát 1 lần). Các phương tiện sinh hoạt khác (theo nhu cầu của cá nhân sinh viên) như quạt điện, chậu, xô, … sinh viên phải tự mua sắm.

Như đã nêu trên, qui mô đào tạo của nhà trường tăng thêm nên số lượng sinh viên có nhu cầu được ở nội trú trong Ký túc xá càng đông. Mặc dù vậy, do diện tích Ký túc xá còn chật hẹp nên trong những năm qua nhà trường mới chỉ sắp xếp chỗ ở nội trú cho khoảng trên 700 sinh viên. Việc tiếp nhận sinh viên vào ở Ký túc xá được thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo quy định của nhà nước. Theo đó những sinh viên được nhận ở Ký túc xá là những sinh viên thuộc diện chế độ chính sách, bao gồm: con thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, con em dân tộc, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, ... Số còn lại là những sinh viên có hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn hoặc là những sinh viên có nhà ở tỉnh thành xa. Họ thuộc tất cả các khối sinh viên từ năm thứ nhất đến năm cuối và thuộc tất cả các Khoa quản lý trong trường. Tình hình trên dẫn đến những khó khăn nhất định đối với Ban quản lý Ký túc xá cũng như của Nhà trường trong việc xếp phòng ở riêng cho từng lớp.

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW là một trong những trường đào tạo giáo viên giảng dạy nghệ thuật trên cả nước. Sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW phần lớn được tuyển có năng khiếu về một trong các loại hình nghệ thuật (Mỹ thuật, Âm nhạc) nên đặc điểm tâm lý lứa tuổi của các em có những khác biệt nhất định so với sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng khác.

Qua quá trình tiếp xúc và tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy điểm khác biệt của sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW so với sinh viên các trường khác là các em đều có năng khiếu về nghệ thuật, do vậy, các em rất mạnh dạn trong giao tiếp và thích hoạt động, đặc biệt là các hoạt động bề nổi. Mặc dù vậy, do được tuyển từ nhiều vùng, miền khác nhau trên toàn quốc nên sinh viên nhà trường có mức độ nhận thức về các lĩnh vực xã hội không đồng đều. Qua các kỳ thi tuyển sinh, hầu hết các thí sinh thi vào trường khi được hỏi đều trả lời là gặp khó khăn khi thi đầu vào ở các môn nghị luận như môn Văn (đối với tất cả các ngành đào tạo tại trường), hay môn Lịch sử (đối với ngành Quản lý văn hóa). Trong quá trình học tập, sinh viên nhà trường cũng gặp không ít khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức của các môn học thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương như Tin học, Ngoại ngữ, Khoa học Mác - Lênin, Tâm lý học đại cương, Giáo dục học đại cương, ... Hơn nữa, do đặc thù là trường nghệ thuật, cơ sở vật chất của trường lại còn gặp nhiều khó khăn do mới được nâng cấp lên thành trường Đại học nên sinh viên nhà trường thường học 02 buổi/ngày, đòi hỏi chính bản thân mỗi sinh viên phải có tính chủ động cao trong sắp xếp thời gian học tập mới có thể tiếp cận và thích ứng với môi trường, điều kiện học tập và sinh hoạt mới. Trong khi đó, vẫn còn một bộ phận không nhỏ trong sinh viên nhận thức chưa đúng, đủ về mục đích học tập, chưa hiểu rõ mục tiêu đào tạo của nhà trường nên còn có những nhận thức lệch lạc về động cơ học tập. Khảo sát thực tiễn nhận thức của sinh viên nơi chung cho thấy, một số sinh viên xác định học chỉ để có bằng tốt nghiệp, một số lại cho rằng học chỉ để sau này có thể đi biểu diễn (đối với sinh viên Âm nhạc), hoặc để sau này trở thành Họa sĩ (đối với sinh viên Mỹ thuật) nên không ít sinh viên tỏ ra ít năng động, sáng tạo hay hứng thú với việc học tập. Thậm chí có những sinh viên còn có thái độ lơ là, lôi kéo những sinh viên khác tham gia vào các hoạt động thiếu lành mạnh, thờ ơ và dửng dưng với việc học tập. Đại bộ phận sinh viên của nhà trường trong khu Ký túc xá cũng có đặc điểm chung đó. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sinh hoạt, học tập của sinh viên trong khu vực Ký túc xá của nhà trường.

Một số giải pháp

Từ những khó khăn và thuận lợi nêu trên, trên cơ sở đúc rút một số kinh nghiệm xây dựng nếp sống văn hoá Ký túc xá sinh viên của một số trường đại học ở Hà Nội, nhóm đề tài đưa ra một số định hướng xây dựng nếp sống văn hóa ký túc xá sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW, đó là:

- Những thói quen nếp sống cơ bản cần giáo dục cho sinh viên (Cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ luật quy ước của tập thể, bảo vệ môi trường; Có ý thức tự quản trong cuộc sống của bản thân, lịch sự trong ăn mặc đi lại, giao tiếp quan hệ; Tôn trọng người khác nhất là sở thích, cách sống của họ;  Sẵn sàng giúp đỡ và khiêm tốn học hỏi bạn bè; Giữ đúng lời hứa, lời hẹn với mọi người; Làm việc, học tập, vui chơi đúng giờ, đúng chỗ; Tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn, của phòng nội trú; nghiêm khắc với các hành vi sai lệch trong ký túc xá, các vi phạm chuẩn mực đạo đức và nếp sống văn hoá).

- Những thói quen nếp sống trong học tập cần định hướng giáo dục cho sinh viên (Chăm chỉ học tập và rèn luyện thực hành kỹ năng nghề nghiệp; Giúp đỡ học hỏi lẫn nhau trong học tập; Tự giác làm bài trong kiểm tra, không quay cóp, không mở tài liệu; Tìm tòi vận dụng các phương pháp học tập tốt; Tránh kiểu học dồn nén vào mùa thi; Xây dựng nếp sống học tập có trợ giúp của thư viện, tài liệu; Rèn luyện thói quen đi học đúng giờ).

- Những thói quen nếp sống trong sinh hoạt tập thể và cá nhân cần định hướng giáo dục cho sinh viên (Ngăn nắp, gọn gàng, tiết kiệm thời gian, có ý thức bảo vệ tài sản chung và tài sản cá nhân; Ý thức giữ gìn vệ sinh chung và riêng, chấp hành tốt các quy chế Ký túc xá và đoàn thể; Tham gia tích cực các hoạt động văn hoá giao lưu, thể dục thể thao lành mạnh, bổ ích; Chống lại các hành vi thiếu văn hoá trong ký túc xá như cờ bạc, nhậu nhẹt, lưu trữ, truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy, tuyên truyền mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội khác; Sử dụng thời gian rỗi hợp lý, có ích cho các hoạt động học tập, vui chơi; Xây dựng hành vi, thói quen tự quản, tự rèn luyện nhiều hơn nữa).

-  Những thói quen nếp sống trong quan hệ ứng xử cần định hướng giáo dục cho sinh viên ( Chào hỏi thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên bằng tình cảm kính trọng; Giao lưu các đơn vị bạn với nguyên tắc chan hoà, lịch sự, mực thước; Quan tâm đến mọi người trong phòng ở, trong lớp, trong cộng đồng, làm tốt bổn phận thành viên trong phòng nội trú, trong lớp của mình; Xây dựng tình bạn, tình yêu trong sáng, lành mạnh; Cương quyết nói không với nếp sống buông thả, thương mại hoá; Tiếp khách đúng chỗ, đúng giờ quy định, không làm ảnh hưởng đến mọi người trong phòng; Tôn trọng sở thích, cá tính, cách sống của người khác nếu họ không vi phạm bản sắc dân tộc và nét đẹp văn hoá; Sống hồn nhiên, vui tươi, yêu đời).

Qua việc phân tích thực trạng nếp sống sinh viên, hiệu quả công tác quản lý giáo dục nếp sống cho sinh viên hiện nay thì việc đề ra những biện pháp cụ thể ngoài các căn cứ được đề cập ở trên, những đề xuất mà chúng tôi mạnh dạn đưa ra dưới đây còn dựa trên cơ sở: những lý luận về nếp sống, thực trạng nếp sống và hiệu quả các biện pháp quản lý, giáo dục nếp sống sinh viên, các nguyên nhân và điều kiện của nhà trường hiện nay. Các giải pháp mà nhóm nghiên cứu đưa ra , gồm giải pháp về nâng cao nhận thức; Xây dựng quy ước; Xây dựng thiết chế văn hóa, quy hoạch Ký túc xá; Tăng cường quản lý kết hợp hình thức tự quản của tập thể sinh viên; Phát huy vai trò các đoàn thể chính trị - xã hội; Nâng cao chất lượng các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao; Đẩy mạnh công tác thi đua - khen thưởng.

            Như vậy, những giải pháp xây dựng nếp sống văn hoá cho sinh viên Ký túc xá trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật trung ương phải dựa trên những dự báo thuận lợi và khó khăn mà Nhà trường gặp phải, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của các trường đại học khác trên địa bàn Hà Nội. Trên cơ sở đó đề ra các nhóm giải pháp thực sự hiệu quả góp phần xây dựng nếp sống văn hoá cho sinh viên Ký túc xá của trường.

               Từ những suy nghĩ trên, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị:

- Công tác giáo dục chính trị đạo đức là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu do đó cần cải cách phương pháp giảng dạy bộ môn Mác-Lênin cho sinh động, gắn với thực tiễn cuộc sống. Các bộ môn khác cũng phải coi trọng việc giáo dục chính trị đạo đức lồng ghép cho bộ môn của mình.

- Cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa cho sinh viên, ký túc xá văn minh, sạch đẹp.

            - Củng cố và nâng cao chất lượng công tác Đoàn, hội sinh viên để thu hút sinh viên vào những hoạt động văn hóa lành mạnh, đặc biệt Đoàn cần tổ chức tập thể sinh viên học giỏi, phổ biến kinh nghiệm, phương pháp học tập tốt cho sinh viên toàn trường.

            - Nhà trường cần có sự đầu tư hơn nữa hỗ trợ đời sống vật chất cho sinh viên. Tăng học bổng để khuyến khích sinh viên rèn luyện, học tập tốt và cũng là giúp đỡ một phần cho cuộc sống của sinh viên.

Lời kết:

            Trường ĐHSP Nghệ thuật TW được thành lập năm 2006 trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Hoạ Trung ương. Cùng với việc từng bước xây dựng một trường đại học phát triển toàn diện, công tác giáo dục nếp sống cho sinh viên Nhà trường nói chung, sinh viên Ký túc xá nói riêng ngày càng được chú trọng. Từ việc tìm hiểu về nếp sống văn hóa của sinh viên trong Ký túc xá Nhà trường, so sánh với nếp sống của sinh viên ở một số trường Đại học trên địa bàn Hà Nội, xác định được nguyên nhân của những mặt tốt và chưa tốt là một việc làm cần thiết, từ đó Nhà trường đưa ra những đánh giá và có những biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm tăng cường công tác quản lý và giáo dục nếp sống cho sinh viên hiện nay, góp phần làm cho Ký túc xá thực sự trở thành môi trường học tập, tu dưỡng, rèn luyện nếp sống tốt cho sinh viên.