Tin tức – Sự kiện

Xem xét một số điểm đặc biệt cho khối trường văn hóa nghệ thuật

11 Tháng Ba 2012
Việc đổi mới một số điểm trong thi và tuyển sinh năm 2012 của Bộ GD&ĐT đã nhận được sự đồng thuận của đa số các trường ĐH, CĐ trong cả nước.

Tuy nhiên, ý kiến từ một số trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật cho rằng, Bộ GD&ĐT nên chú ý điều kiện riêng của khối này để có các quy định phù hợp hơn. 

Trao đổi về những điểm mới trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, Hiệu trưởng trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Trần Thanh Hiệp cho biết: Từ năm 1980, trường luôn được Bộ GD&ĐT cho quyền tự chủ, tự ra đề tuyển sinh 2 môn Năng khiếu và Văn. Nhưng đến năm 2009, theo quy định của Bộ trường phải thi Văn theo khối C. "Đặc thù các ngành nghệ thuật tương đối khác. Có em thi vào trường điểm Văn khá nhưng không múa hát được. Có em chỉ được 1,5 điểm Văn nhưng điểm Năng khiếu cao, rất có tài nên trường có thể chấp nhận như vậy. Môn Văn xem ra chỉ là môn điều kiện trong tuyển sinh các khối Năng khiếu mà thôi, thi cũng được, không thi cũng không sao và chỉ mang tính chất tham khảo".

Ông Trần Thanh Hiệp cũng kiến nghị: "Năm nay Bộ quyết định có thêm A1 thì tại sao không thể có khối S1, bỏ môn Văn, chỉ thi Năng khiếu để tạo tối đa cơ hội cho những em có tài, có khả năng được thử sức. Hoặc các trường khối năng khiếu nghệ thuật thi môn Văn khác với khối C, ngày thi khác để các thí sinh khối C cũng có thể đến trường điện ảnh thi thêm sau khi thi đề chung".

Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Phạm Lê Hòa cũng cho rằng môn Văn chỉ là môn điều kiện nhưng rất cần thiết. Theo ông Hòa: "Bộ GD&ĐT nên cho phép các trường nghệ thuật tuyển sinh theo hai hướng, hoặc là thi năng khiếu và xét điểm môn Văn theo học bạ (với điều kiện phải làm tốt giáo dục phổ thông, điểm là thực chất). Cách khác là vẫn tổ chức thi môn Văn nhưng đề thi có thể dễ hơn đề khối C bởi những ngành cần trình độ khác nhau thì đề thi không cần giống nhau".

Việc Bộ GD&ĐT ra quy định nghiêm cấm các trường ĐH, học viên không được tuyển sinh đào tạo hệ trung cấp thực chất là nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, tránh mở ngành học tràn lan nhưng xem ra, quy định này đối với các trường thuộc khối ngành văn hóa nghệ thuật lại là một điểm "khó". 

Theo Giám đốc Nhạc viện TP HCM Văn Thị Minh Hương thì: Thời gian đào tạo từ trung cấp lên ĐH của học viên  ở Nhạc viện TP HCM dài tới… 9 năm. Nếu không có học sinh trung cấp thì trường khó có nguồn tuyển vào hệ ĐH, có những ngành đào tạo tuyển được rất ít thí sinh trong năm 2011. 

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết sẽ tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp của lãnh đạo các trường. Liên quan đến các trường đào tạo đặc thù như khối văn hóa nghệ thuật và an ninh quân đội, Bộ sẽ xem xét để có ngoại lệ liên quan đến tuyển sinh và đào tạo trung cấp. Theo Bộ trưởng, thì các trường nên đề xuất môn thi, nếu phù hợp và kịp thời gian, có thể sẽ làm được trong năm nay.

    Phan Thủy
Theo phapluatxahoi.vn