Tin tức – Sự kiện

Những tấm huy chương của lòng đam mê và chuyên cần

21 Tháng Năm 2012

Quy tụ từ 7 tỉnh, thành phố khác nhau trên cả nước: Sơn La, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa và Đà Nẵng, chủ nhân của những chiếc huy chương Olympic Vật lý Châu Á 2012 đều có những cách học khác nhau, nhưng cùng một điểm chung là đam mê học Vật lý

Nỗ lực hết mình trong học tập

Lê Huy Quang- trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa- chủ nhân chiếc huy chương vàng duy nhất của đoàn học sinh Việt Nam dự Olympic Vật lý Châu Á 2012 bật mí bí quyết thành công trong học tập, rất ngắn gọn và có vẻ đơn giản: tập trung cao độ trong khi học. 

 

GD Quang.jpg
  Lê Huy Quang (thứ 2-bên trái)- HCV Olympic Vật lý Châu Á 2012 chung niềm vui với người nhà và lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa. Ảnh, gdtd.vn  

 

Mẹ của Quang, bà Phạm Thị Viên cho biết, cháu đam mê học Vật lý ngay từ nhỏ, có lẽ là sự kế thừa từ mẹ, vốn là học sinh trường chuyên Lam Sơn khóa I. Quang đã đạt thủ khoa với 48,5 điểm khi thi vào lớp 10 của trường. 

Tại trường THPT chuyên Lam Sơn, Quang được sự dìu dắt, hướng dẫn tận tình của thầy chủ nhiệm Lê Văn Hoành. Em chia sẻ, thầy Hoành như là một kho tư liệu Vật lý sống của em, và chính thầy cũng là người giúp em tiếp cận, xử lý, tìm hiểu khám phá kho tư liệu Vậy lý đồ sộ. 

Quang chia sẻ, em không học theo kiểu mọt sách mà học tập trung. Khi cầm đến sách vở, Quang học rất tập trung trong hàng tiếng đồng hồ. Chị Viên cho biết thêm, cháu Quang không học nhiều và chỉ học không quá 22 giờ đêm, sau đó xem phim hoặc các chương trình giải trí. 

Theo Quang, giải trí và chơi thể thao là cách bổ trợ tốt nhất cho sự tập trung trong học tập. Đá cầu và cầu lông là hai môn thể thao yêu thích mà em hay chơi. Chính vì thế mà ngoài danh hiệu huy chương đồng kỳ thi Olympic Quốc gia môn Vật lý 2011 năm lớp 11, Quang còn có danh hiệu của môn đá cầu (năm lớp 7) và giải 3 môn cầu lông tại Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh vừa qua khi em đang học lớp 12. 

Ngay trước kì thi Olympic Vật lý Châu Á lần này, “vì học nhiều sợ loạn mất” nên em dành phần lớn thời gian cho việc ăn, chơi và ngủ nghỉ” Quang chia sẻ. Về dự định trong tương lai, Quang cho biết, ước mơ của em là được du học tại Mỹ, tiếp tục học tập, nghiên cứu trong ngành Vật lý ứng dụng. 

Em Ngô Phi Long. Ảnh, gdtd.vn   
Em Đinh Ngọc Hải. Ảnh, gdtd.vn  

Tại Olympic Vật lý Châu Á lần này, em Đinh Ngọc Hải- HS trường THPT Chuyên Biên Hòa, tỉnh Hà Nam dành được huy chương bạc và là 1 trong 5 học sinh Việt Nam tham dự Olympic Vật lý Quốc tế sắp tới tại Estonia. 

Hải chia sẻ, em cảm thấy tiếc vì cố gắng chút nữa em đã có thể đổi màu HCB của mình thành HCV rồi. Đây là một bài học quý giá để em cố gắng hết mình trong kì thi Olympic Vật lý Quốc tế sắp tới. Tuy vậy Hải cảm thấy tương đối hài lòng về thành tích của bản thân vì em là học sinh đầu tiên đem vinh quang của một kì thi Olympic Vật lý Châu lục về ngôi trường thân yêu của mình. 

Về bí quyết để học tập thành tài, Hải khẳng định, với bất kì môn học nào cũng vậy, khi học phải có sự say mê, dành nhiều thời gian cho việc học. Phải có sự cố gắng, nỗ lực hết mình trong quá trình học tập và đặc biệt là cho môn chuyên của mình. Bên cạnh đó là sự học hỏi từ bạn bè thầy cô để củng cố thêm nghị lực, cố gắng của mình.

Đánh giá về câu nói nổi tiếng của Thomas Edison: “Vĩ nhân chỉ có 1% thiên phú còn lại 99% là mồ hôi” Hải chia sẻ, câu nói này vô cùng chuẩn xác, bởi không thể chỉ dựa vào sự thông minh sẵn có của bản thân mà đạt được thành tích lớn trong học tập; thành tích chỉ có thể đạt được nhờ một phần thông minh cộng với nỗ lực cố gắng rất lớn của bản thân để thành công.

Bản thân Hải, ngoài giờ học chính khóa, trên lớp, hàng ngày em bỏ ra 5 tiếng đồng hồ để tự học. Thời gian này em tập trung vào giải quyết các dạng thức của bài tập Vật lý, nghiên cứu các sách tham khảo, sách chuyên khảo môn Vật lý.

Ông Đinh Văn Điểu, bố của Hải cho biết, em rất say mê học tập, nhiều khi học quên cả ăn. Sợ con học nhiều lại phản tác dụng, bất lợi cho sức khỏe và thành tích học tập nên ông thường xuyên động viên con phải biết sắp xếp thời gian một cách khoa học giữa việc học và nghỉ ngơi. “Thành tích ngày hôm nay của Hải có được trước hết là nhờ sự cố gắng rất lớn của em, sau đó là nhờ sự tận tâm giảng dạy, dìu dắt của thầy cô ở trường”, ông Điểu khẳng định.

Niềm say mê và đức tính kiên trì tự học 

Em Ngô Phi Long. Ảnh, gdtd.vn   
Em Trần Đức Dũng. Ảnh, gdtd.vn  

Với Trần Đức Dũng- HS trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên- ĐH Quốc gia Hà Nội, huy chương Đồng Olympic Vật lý Châu Á 2012 thì thành tích có được trong ngày hôm nay là kết quả của sự học tập đều đặn, kiên trì không biết mệt mỏi từng ngày, từng tháng, từng năm của em. Phương pháp học của Dũng  là dựa trên sự hướng dẫn của thầy, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm giải quyết các vấn đề với các bạn để đưa ra phương án giải quyết bài tập tốt nhất cho mình.

Bà Phan Thị Thúy Nga, mẹ của Dũng chia sẻ, ngay từ Tiểu học và THCS, Dũng chủ yếu là tự học; Khi thi tuyển vào lớp 10, em đỗ cả lớp chuyên Toán và chuyên Lý của trường. Chính mẹ là người đã giúp cho Dũng lựa chọn và ngày càng cảm thấy yêu thích môn Vật lý. 

“Ngay cả khi học ở trường THPT, rất nhiều bạn rủ đi học thêm nhưng cháu đều dứt khoát quan điểm tự học của mình, không đi học thêm”. Mặc dù là giáo viên dạy môn Vật lý Phổ thông nhưng bà Nga cho biết, “mình có kèm cặp, giúp đỡ con trong việc học nhưng cũng chỉ được phần nào. Vì một phần là tin vào khả năng học tập, một phần là tôn trọng ý thích tự học của con nên mình để cho con tự học là chính”.

 “Gia đình rất vui mừng, phấn khởi vì Dũng đã có nhiều cố gắng nỗ lực vượt bậc trong thời gian qua. Huy chương đồng là kết quả xứng đáng, đền đáp cho những nỗ lực đó”, bà Nga chia sẻ thêm. Ngoài HCĐ lần này, lớp 11, Dũng đạt giải Ba kì thi HSG Quốc gia môn Vật lý năm 2011,  lớp 12 đạt giải Nhất HSG Quốc gia môn Vật lý năm 2012.

Ngô Phi Long- học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Sơn La, tỉnh Sơn La cũng là một điển hình của sự nỗ lực cá nhân. Long đã từng học chuyên Toán cấp ở THCS. Nhưng do yếu môn Lý, em  đã thuyết phục bố mẹ cho học chuyên môn này khi học lên THPT.  

Long.jpg
Em Ngô Phi Long. Ảnh, gdtd.vn   

Ông Ngô Quang Tuấn, bố của Long chia sẻ, gia đình anh có truyền thống về môn Vật lý, anh chị đều là giáo viên dạy Vật lý. Điểm mấu chốt tạo nên thành tích trong học tập ngày hôm nay của Long, theo ông Tuấn là mình đã tạo cho con được niềm đam mê trong học tập nói chung và môn Vật lý nói riêng. Khi có đam mê, Long tự học và nghiên cứu là chính, bố mẹ chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ.

Vượt lên điều kiện khó khăn của một tỉnh vùng cao, Long là học sinh đầu tiên của tỉnh Sơn La giành huy chương bạc Olympic Vật lý Châu Á, đây là niềm vinh dự không chỉ riêng đối với gia đình, bạn bè và các thầy, cô giáo trường THPT chuyên Sơn La mà còn là niềm vui chung của cả tỉnh Sơn La”. Ông Tuấn khẳng định. 

Tham dự kì Olympic Vật lý Châu Á 2012 lần này, đoàn việt Nam có 8 học sinh thì cả 8 đều đoạt giải và xếp thứ hạng cao toàn đoàn, thứ 4 trên tổng số 21 nước toàn Châu lục tham dự. Về năng lực của đoàn học sinh Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thế Khôi- Trưởng đoàn Việt Nam tại kỳ thi Olympic Vật lý châu Á là người nắm rõ nhất. Ông khẳng định, so với các nước thì học sinh Việt Nam không hề thua kém về trình độ. Ngoài một số khó khăn mang tính khách quan như khí hậu, thức ăn thì không có gì làm khó thí sinh Việt. Do vậy Ông Khôi mong mỏi những người làm Vật lý lớn tuổi sẽ đào tạo đội ngũ trẻ để phát triển nền Vật lý nước nhà, đặc biệt là chú trọng việc đào tạo từ cấp dưới". 

Tại buổi đón đoàn cán bộ, học sinh Việt Nam tham dự kì Olympic Vật lý Châu Á 2012 trở về, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý đã biểu dương sự nỗ lực cố gắng trong học tập của các em học sinh dành được huy chương tại Olympic Vật lý Châu Á lần này, trong đó Ngô Phi Long là một điển hình. Ở Sơn La, tỉnh miền núi còn rất nhiều khó khăn, nhưng Long đã có sự nỗ lực lớn lao để dành được huy chương bạc Olympic Vật lý Châu lục, trước đó Long đã đạt giải Nhất kì thi Vật lý toàn quốc và đã lọt vào 1 trong 5 học sinh dự kì thi Vật lý Quốc tế được tổ chức sắp tới. 

“Đây là minh chứng cho quyết định đúng đắn đầu tư phát triển hệ thống trường chuyên tại các tỉnh của Bộ GD-ĐT trong những năm qua”, Thứ trưởng khẳng định. Đồng thời mong muốn, 8 học sinh trong Olympic Vật lý Châu Á 2012 lần này đều là học sinh trường chuyên ở các tỉnh, các trường chuyên tiếp tục phát huy truyền thống, tạo sân chơi, bồi dưỡng nhân tài không chỉ cho môn Vật lý, Toán học mà còn cho các bộ môn khoa học cơ bản khác. Nhằm tạo nhân tố nòng cốt cho các môn khoa học cơ bản và đặc biệt là Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 và Chương trình trọng điểm quốc gia Vật lý quốc gia từ nay đến năm 2020 mà Bộ đang nghiên cứu xây dựng. 

 

Theo gdtd.vn