Tin tức – Sự kiện

“Bảo vệ chủ quyền là xây dựng ý chí dân tộc đoàn kết”

27 Tháng Tám 2012
Câu chuyện của chúng tôi với bà, nữ Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ CM lâm thời CHMNVN, nguyên Phó Chủ tịch Nước, người nhiều năm đàm phán hiệp định Paris với Mỹ, bắt đầu xoay quanh một chủ đề đang được nhiều người quan tâm, là quan hệ của Việt Nam với các nước lớn hiện giờ.  Những kinh nghiệm dày dặn của một người làm đối ngoại nhiều năm, cả đối ngoại nhà nước và đối ngoại nhân dân, đã được bà kể lại thật thú vị trong cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước”.

Có một chi tiết trong cuốn hồi ký làm người đọc phải chú ý: Năm 1971, một người phụ nữ Thụy Điển đã hỏi bà Bình, “Các bạn Việt Nam có nghĩ là sau khi các bạn đánh đuổi Mỹ đi rồi, Trung Quốc đến, các bạn sẽ làm thế nào?”. Bà giải đáp câu hỏi về quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn bằng cả bài học về lịch sử và văn hóa của Việt Nam, và bài học đó vẫn còn nguyên giá trị đến bây giờ. 

- Lịch sử cho biết, nước ta tuy nhỏ nhưng có thể tồn tại, giành được độc lập, và giữ bản sắc dân tộc đến ngày nay là nhờ chúng ta có truyền thống yêu nước và theo đuổi chính sách đối ngoại hòa hiếu với các nước khác. Chúng ta bắt buộc chiến đấu chống lại Mỹ trước đây là vì họ đã xâm phạm đất nước ta, tiến hành chiến tranh với ta. Nhưng sau chiến tranh chấm dứt, chúng ta sẵn sàng bình thường hóa và hợp tác với họ, trên cơ sở tôn trọng nhau… Vào năm 1971, ta và Trung Quốc có quan hệ rất tốt đẹp, 2 nước đều là XHCN, Trung Quốc đã ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, ta rất biết ơn… Vì vậy, khi cụ già người Thụy Điển đã so sánh Mỹ với Trung Quốc, tôi đã phản ứng mạnh.

Ngày nay, qua diễn biến của tình hình thế giới, càng hiểu rõ một điều: tình thân quốc tế là quý báu… nhưng nước nào cũng có lợi ích quốc gia của mình và đặt nó lên trên hết. Lập trường đúng đắn nhất là khi mình đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên thì cũng cần tôn trọng lợi ích quốc gia của người khác, phải có sự tôn trọng lẫn nhau vì hòa bình và công lý và tuân thủ vào luật pháp quốc tế.

 

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nếu nói đến lợi ích quốc gia, thì dư luận cho rằng, trong bối cảnh hiện nay TQ đặt lợi ích của họ lên rất cao, xâm phạm lợi ích Việt Nam?

- Chủ quyền quốc gia là vấn đề thiêng liêng của mọi dân tộc.

Trung Quốc đã từng sát cánh với nhân dân Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, là nước láng giềng gần gũi, cho nên chúng ta rất coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc, đó là quan hệ chiến lược, toàn diện, lâu dài… Vì vậy trong khi quyết tâm đấu tranh bảo vệ chủ quyền, chúng ta hết sức coi trọng đến hình thức, phương pháp, sao cho có lợi cho môi trường ổn định để chúng ta phát triển đất nước nhanh và bền vững, không ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước và bảo vệ hòa bình và an ninh chung. Tôi nghĩ, đó là lợi ích của nhân dân ta và cũng là lợi ích của nhân dân Trung Quốc.

Vậy bài toán đó, theo bà, cần giải theo hướng nào?

- Theo tôi, trong sự va chạm với bất cứ ai, đặc biệt giữa bạn bè, chúng ta cần thẳng thắn chân thành nói ra điều chúng ta thấy là không đúng, không hợp lý, để cùng nhau tìm cách giải quyết trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, vũ lực chỉ mang lại tai họa cho nhân dân và theo tôi, điều hết sức quan trọng là chúng ta phải làm cho nhân dân hiểu là yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, trước hết là phải xây dựng ý chí dân tộc thống nhất và đoàn kết mạnh mẽ và phải xây dựng đất nước ngày càng bền vững hơn, mạnh hơn về mọi mặt. Đặc biệt về kinh tế, chúng ta phải thực sự tự chủ và đủ mạnh.

Việc xây dựng sức mạnh nội tại, có những ý kiến bi quan về tình hình đất nước. Trong kinh tế người ta nói đến lợi ích nhóm, suy thoái về văn hóa, giáo dục. Bà có chia sẻ hay không? Làm sao ta có thể xây dựng sức mạnh nội tại trong bối cảnh hiện nay?

- Tôi không bi quan, nhưng thực tế là nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Về chủ quan, chúng ta chậm khắc phục những yếu kém nội tại, mặt khác cũng phải thấy những tác động tiêu cực không nhỏ của tình hình thế giới. Nhưng nên nhớ rằng, nhân dân ta trong quá khứ cũng đã bao lần đứng trước tình hình “ngàn cân treo sợi tóc”. Với truyền thống dân tộc của mình, nếu quyết tâm vươn lên, chắc chắn chúng ta sẽ vượt “trở ngại” tiếp tục tiến lên.

Nhưng tình hình không đơn giản mà hết sức phức tạp, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, với bao nhiêu biến động khó lường, do đó đòi hỏi ý chí vươn lên mạnh mẽ của dân tộc. Nếu trước đây, chỉ cần một lực lượng tinh nhuệ ra trận, thì bây giờ đòi hỏi sự tham gia của toàn dân. Lãnh đạo phải đi đầu, nhưng sức mạnh của nhân dân là quyết định.

Vâng, người dân sẵn sàng hy sinh, nhưng thiếu lòng tin thì rất khó khăn. Dường như sự thiếu lòng tin đang phổ biến trong xã hội. Thời trước không có cụm từ lợi ích nhóm thì giờ đây vấn đề đó đang được đặt ra.  Không có lòng tin làm sao huy động sức mạnh nhân dân, thưa bà?

- Trong những phức tạp nói trên, có vấn đề lợi ích riêng tư của một số người. Cái mà chúng ta gọi là “nhóm lợi ích” làm cho đường lối, chính sách có khi không chuẩn xác, việc tổ chức thực hiện càng lệch lạc. Nhân dân đòi hỏi ở lãnh đạo một sự chấn chỉnh, sửa đổi là hoàn toàn chính đáng. Chính Nghị quyết Trung ương 4 đang đòi hỏi điều đó. Lãnh đạo phải hết sức cố gắng, cố gắng hơn nữa. Nhưng mỗi chúng ta cũng phải có trách nhiệm của mình, phải làm tốt công việc của mình hơn nữa, phải khắc phục những yếu kém của mình tích cực hơn nữa… để làm sao cho năng suất lao động ngày càng tăng (chứ không phải ngày càng thấp đi), kinh doanh có hiệu quả, kỷ luật kỷ cương tốt lên, giảm lãng phí, đẩy lùi tham nhũng.

Làm sao cho mọi người hiểu rằng, yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia thiết thực nhất là làm cho xã hội ta tốt hơn, đất nước vững mạnh lên. Nếu tinh thần đó được mọi người hưởng ứng, chắc chắn cục diện của đất nước sẽ khác.

Như vậy, lòng yêu nước suốt bao nhiêu thời kỳ, về bản chất có thể hiểu chính là trách nhiệm của mỗi người với đất nước, thưa bà?

- Đúng như vậy, lòng yêu nước phải thể hiện ở tinh thần trách nhiệm đối với đất nước. Đó là quyền và nghĩa vụ của mọi người dân. Phải làm cho đất nước thực sự độc lập và tự chủ, không chỉ về lãnh thổ đất liền, trên biển và trên không, mà trong nội lực của dân mình, không để phụ thuộc vào nước ngoài… muốn như vậy, mọi người không chỉ nghĩ lợi ích cho riêng mình, cho gia đình mình… mà luôn luôn đặt lợi ích của mình gắn với lợi ích chung của đất nước.

Bà từng là Bộ trưởng Giáo dục. Theo bà, để thay đổi văn hóa của một người thì bắt đầu từ gia đình hay nhà trường?

- Giáo dục là nền tảng, cốt lõi của văn hóa. Theo tôi trách nhiệm vẫn thuộc về cả 3 đối tượng: Gia đình, nhà trường, xã hội. Nhưng hiện nay, quan niệm trong xã hội về giáo dục còn có phần chưa chính xác. Nhiều người không nghĩ giáo dục trước hết góp phần hình thành nhân cách con người, trên cơ sở đó hình thành năng lực nghề nghiệp chuyên môn.

Nhiều gia đình chỉ muốn con mình có học vị này kia, có khi vượt quá khả năng của con em mình. Gia đình có trách nhiệm lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách nhưng để phát triển đầy đủ phẩm chất và năng lực thì trẻ em phải đi học, phải có sự giáo dục của nhà trường. Trách nhiệm của nhà nước là phải bảo đảm để tất cả con em ta qua giáo dục cơ sở 9 năm, sau đó tùy điều kiện và khả năng mà học nghề hoặc học lên. Nếu nhà trường có mục tiêu giáo dục tốt, giáo dục các em làm người, trở thành người lao động có tri thức, người công dân có trách nhiệm thì sẽ tạo được lớp người có phẩm chất và năng lực phục vụ tốt cho sự phát triển của đất nước. Ở nhiều nước trước đây chậm phát triển mà đi lên cũng bằng giáo dục.

Để giáo dục nhân cách, ngày nay nhiều người đặt vấn đề, liệu ta có nên đưa vào trường phổ thông những vấn đề như dạy trẻ con thế nào là tham nhũng, về sự minh bạch, trách nhiệm của mỗi người, những vấn đề mới mà không mới?

- Nhân cách, theo tôi đó là trung thực, có trách nhiệm. Nhưng trước tiên theo tôi phải là tình thương. Tình thương phải là gốc của vấn đề. Phải tạo cho mỗi em một vốn tình cảm, hiểu biết nhất định trước. Trẻ em phải phát huy được những cái vốn tốt của con người, thương cha mẹ, anh em, bạn bè, cả động vật, cây cỏ. Tình thương là cái phải phát huy vì con người trước hết là tình thương. Phải tạo cho các em cái tốt đã. Nếu chỉ cái không tốt trước, thì không đúng với phương pháp giáo dục. Cùng với tình thương, cần dạy cho trẻ phân biệt đúng-sai phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Dạy trẻ không nói dối, ghét sự giả dối, dám nhận thiếu sót khi làm sai là cần thiết và thế là chống tham nhũng rồi.

Xin cảm ơn bà.

“Yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, trước hết là phải xây dựng ý chí dân tộc thống nhất và đoàn kết mạnh mẽ và phải xây dựng đất nước ngày càng bền vững hơn, mạnh hơn về mọi mặt, phải tự chủ về kinh tê”. 
“Nhân cách, theo tôi đó là trung thực, có trách nhiệm. Nhưng trước tiên theo tôi phải là tình thương. Tình thương là cái phải phát huy vì con người trước hết là tình thương”.

 

Mỹ Hằng (thực hiện)

Theo laodong.com.vn