Tin tức – Sự kiện

Bưởi Phúc Trạch - mùa hoài niệm

27 Tháng Tám 2012
“Giữa mùa bưởi, giữa đất bưởi, thế mà chị không có bưởi để mời các em. Thật là xấu hổ”, bà Trần Thị Hà - Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh - mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Bây giờ, hình ảnh những vườn bưởi sum suê, những quả bưởi tròn căng, vàng tươi ở Phúc Trạch chỉ còn trong hoài niệm.

Bưởi Phúc Trạch - mùa hoài niệm

Giữa mùa bưởi mà vườn nhà anh Quý không có lấy một quả bưởi ra trò. Ảnh: P.V.T

Một loài cây quý, được cấm không cho xuất khẩu giống, một thứ quả ngon đoạt giải trong cuộc đấu xảo toàn Đông Dương, thế mà nay chả ai còn muốn ngó ngàng.

Trái ngọt “thời xa vắng”

Lần đầu tiên về Phúc Trạch, vương quốc của loài bưởi quý, xe đã đến trung tâm xã nhưng tôi vẫn không tin đây là... Phúc Trạch bởi nó không giống với những “huyền thoại” mà tôi đã nghe, đã đọc. Tìm đến những vườn bưởi bạc tỉ nức tiếng một thời của những bác An, anh Tâm, tôi càng thất vọng bởi mỗi nhà hiện chỉ còn dăm ba gốc bưởi để… kỷ niệm về một thời sống nhờ bưởi, giàu lên nhờ bưởi.

Vườn bưởi duy nhất đang còn sum suê là của Trại ươm giống bưởi Phúc Trạch. Nhưng “chỉ sum suê so với vườn của dân thôi, chứ ba năm nay bưởi mất mùa liên tục, hoa nhiều nhưng đậu quả rất ít”, ông Nguyễn Hồng Thái - Phó trại trưởng - thở dài.

Bây giờ là chính vụ bưởi, nhưng đường làng Phúc Trạch vắng hoe. Ông Thái kể trước đây, thời gian này, lúc nào cũng người, xe chen chúc như hội. Những chuyến tàu chợ dừng lâu đến sốt ruột ở ga Phúc Trạch để chở đi cơ man nào là bưởi. Kẻ xuống người lên, náo nhiệt, rồi cả cảnh giành giật nhau mua từng bì bưởi, người bán thách lên, người mua hạ xuống… vui đáo để.

Bà Trần Thị Hà - Chủ tịch xã Phúc Trạch - buồn bã: “Từ 250ha, bây giờ toàn xã chỉ còn 30ha bưởi, nhưng chỉ làm cho có”.

Bà kể: Chúng tôi vận động khô cổ mà diện tích vườn bưởi không những không tăng mà còn giảm. Nguyên nhân do bưởi mất mùa liên tục. Cứ ra hoa mà không đậu quả. Bưởi là loài cây rất tình cảm, vườn bưởi không có người ở thì đừng mong nhiều quả. Xưa, cứ mỗi cây bưởi thể nào cũng phải chuẩn bị từ 5 - 6 cái cọc chắc chắn để chống cành, nâng quả. Bây giờ có phương pháp mới là thụ phấn từ bưởi chua sang, nhưng hiệu quả cũng không cao.

Về Phúc Trạch, chúng tôi được nghe câu chuyện hết sức cảm động về em Lê Thị Cẩm Vân. Yêu bưởi quê mình đến mức, đang học lớp 11, Cẩm Vân đã viết dự án “Phát triển bưởi Phúc Trạch”, rồi được dự thi chương trình “Khởi nghiệp” trên VTV3. Cô bé 17 tuổi, ôm bưởi lên tàu ra Hà Nội dự thi, mà theo Vân đó là cơ hội để em được nói về trái bưởi quý quê mình.

Bây giờ đã là cô giáo rồi, sống và làm việc ở thành phố Vinh nhưng Vân vẫn cứ đau đáu về bưởi quê mình. Gặp tôi, bạn ấy rưng rưng: “Em xót xa lắm về một loài quả quý, đặc sản của quê mình, anh ạ. Ngày em mang bưởi đi Hà Nội có mang theo cả niềm tin của những người nông dân quê em, và cả niềm kiêu hãnh của em về bưởi Phúc Trạch. Thế mà nay bưởi Phúc Trạch có nguy cơ tàn lụi. Em không tin người dân quê em hắt hủi cây bưởi. Chỉ cần có năng suất, giá cả ổn định là bưởi Phúc Trạch chắc chắn lại lên ngôi”.

Dó bạt bưởi

Bưởi mất mùa liên tục, bà con chuyển sang phá bưởi trồng dó trầm. Ở Phúc Trạch bây giờ, nhà nhà trồng cây dó trầm. Hễ có một khoảnh đất là có cây dó mọc lên. Cây dó bán được giá cao, bà con lại… tích cực phá bưởi. Dó từ vườn, dó ra đồi, đâu đâu cũng dó.

 

Anh Quý cười rõ tươi: “Cây dó này họ ngã giá 45 triệu đồng rồi 
mà mình chưa bán”. Ảnh: P.V.T

  Bà Hà thành thật: “Ngay nhà chị cũng chỉ còn vài chục gốc bưởi nhưng còi cọc hết rồi. Cây dó nó lấn át hết cây bưởi”. Thậm chí, ông Lê Khắc Thường - người dân xã Phúc Trạch còn không muốn tôi vào thăm vườn nhà ông. Ông ngại vì vườn bưởi từ bao đời nay đã không còn, mà thay vào đó là hàng ngàn cây dó trầm đang hứa hẹn tiền nghìn, bạc vạn.

Hôm tôi đến, công an xã đã phá xong một vụ trộm cây dó. Chỉ mấy khúc bằng bắp chân mà anh Thiện - công an bảo, nó có giá 15 triệu đồng đấy.

Ông Phạm Quang Ngọ - Phó Chủ tịch phụ trách nông lâm nghiệp, đang buồn bã nói về diện tích trồng bưởi giảm thê thảm, bỗng quay ra gãi đầu gãi tai khi tôi hỏi về số cây dó nhà ông: “Nhà mình có vài ngàn cây”. “Còn bưởi?”, ông Ngọ lại bứt tai: “Bưởi lụi hết rồi. Cứ hai cây dó lớn lên là chết một cây bưởi. Thú thật là trồng cây dó nó hiệu quả kinh tế lắm, anh Thiện - công an xã vừa bán một cây với giá 135 triệu đồng đấy”.

Tôi tìm đến nhà anh Thái Văn Quý - người trước đây có vườn bưởi gần 500 gốc. Anh Quý không hề giấu giếm: “Mình phá hết bưởi rồi, chỉ để lại ít gốc cho quả ăn thôi”.

Tôi hỏi anh Quý về hiệu quả của cây dó. Thay vì trả lời, anh kể câu chuyện vừa xảy ra với gia đình. Tháng trước, con gái anh bị tai nạn giao thông ở Bình Dương. Buổi chiều cháu gọi điện về báo tin và xin  bố 11 triệu đồng. Nhà không có tiền, anh quyết định bán một cây dó. Sau chục phút gọi điện, người mua đến chồng tiền ngay, không thiếu một xu. Sáng sớm hôm sau, anh Quý đã có tiền gửi cho con.

Đoạn anh cười rõ tươi, chỉ vào cây dó trước ngõ: “Cây này họ ngã giá 45 triệu rồi mà mình chưa bán đấy”. Thằng cu Hiếu con anh thấy khách lạ cứ quấn quýt, nghịch ngợm. Đoạn hắn xin xem ảnh rồi mách nhỏ với tôi: “Một cây dó bằng cả trăm cây bưởi, dại chi mà không trồng dó”.

Rồi nhà anh Hoàng Hoan, trước đây cũng là một chủ vườn bưởi nổi tiếng. Anh dí dỏm: “Mình là chúa vênh váo với khách mua bưởi đấy. Nhưng nay thì hết thời rồi”. Anh kể: Vườn anh trồng đến 3.000 cây dó. Mỗi cây dó giống chỉ có 5.000 đồng. Dó được 4 tuổi thì bắt đầu khoan lỗ, cứ 10cm thì khoan một cụm 3 lỗ, mỗi cây dó được khoan hàng trăm mũi. Sau đó, tra thuốc kích thích vào lỗ. Dầu trầm sẽ theo các lỗ khoan mà đọng lại.

 

 

Anh Hoàng Hoan đang khoan lỗ cho lớp cây dó 4 tuổi để chuẩn bị 
tra thuốc. Ảnh: P.V.T

Anh nói: “Có dó mà bán thì giờ nào cũng bán được, kể cả nửa đêm. Xã mình có cả bán dó non, như ngày xưa bán lúa non ấy. Nhà nào cần tiền, gọi đầu nậu đến, áp giá xong là cầm tiền. Dó cứ để yên đấy, lúc nào đắt giá đầu nậu bán lại cho người thu mua”. Và anh Hoan cũng chẳng biết họ mua cây dó để làm gì, chỉ biết có nơi mua thì ta trồng, được giá là bán, vậy thôi.

Vì sao bưởi Phúc Trạch ra hoa mà không đậu quả? 

Bà Trần Thị Hà – Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch  dẫn lời các nhà khoa học từ Viện Rau quả Trung ương trả lời: Đó là do tác động của việc biến đổi khí hậu. Thời tiết quá khắc nghiệt đã làm cho quá trình tự thụ phấn không hiệu quả. Để khắc phục tình trạng này, các nhà khoa học đã hướng dẫn bà con tự phụ phấn, dùng nhụy hoa bưởi chua thụ phấn cho bưởi Phúc Trạch, nhưng chưa mang lại hiệu quả.

Về phía người trồng bưởi, họ lại cho rằng, rất có thể độ che phủ cho cây bưởi không còn nữa, khi mà người dân đã chặt hết tre để xây tường rào bằng gạch, hoặc để trồng các loại cây khác là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên. Bà Hà đề nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để cứu nguy cho cây bưởi Phúc Trạch.
Ông Lê Trần Sáng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, trước mắt, đã lập kế hoạch “cứu nguy” cho cây bưởi với các biện pháp: Hỗ trợ cho bà con trồng mới bưởi 30.000 đồng/cây; rà soát lại quy hoạch để tăng diện tích trồng bưởi; xúc tiến việc quản lý thương hiệu và chỉ dẫn địa lý bưởi Phúc Trạch…

20USD một quả bưởi Phúc Trạch

Năm 1938, bưởi Phúc Trạch được tặng mề đay trong cuộc đấu xảo quả ngon toàn Đông Dương. Năm 2002, được Bộ NNPTNT công nhận là một trong 7 loại cây ăn quả quý hiếm, cấm không được xuất khẩu giống. Năm 2004, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học – Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho bưởi Phúc Trạch.

Năm 2005, ông Phạm Văn Thìn - nguyên Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò – Nghệ An đã cùng linh mục Nguyễn Đình Thi quảng bá bưởi Phúc Trạch tại Paris (Pháp). Theo ông Thìn, một quả bưởi Thái Lan lúc đó có giá 7USD, riêng bưởi Phúc Trạch được bán với giá 20USD. Và các ông đang dang dở một dự án nhân giống bưởi Phúc Trạch không hạt thì linh mục Thi qua đời… 

 

Theo laodong.com.vn