Tin tức – Sự kiện

Ngành sư phạm bắt đầu dư thừa nhân lực

04 Tháng Ba 2013

330 cơ sở đào tạo hệ sư phạm và 14 trường chuyên đào tạo sư phạm trên cả nước đang giảm dần sức hút. Thông điệp ngành sư phạm bắt đầu dư thừa nhân lực cũng được Bộ GD&ĐT phát đi.

 

Sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp
Sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp

 

Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Việt Nam, ông Nguyễn Văn Áng Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay, thông điệp dư thừa nhân lực ngành sư phạm sẽ được Bộ phát đi mạnh hơn.

Trước nghịch lý sự kém hấp dẫn của các trường sư phạm hiện nay và tình trạng dư thừa giáo viên, ông Nguyễn Văn Áng lý giải:

Mâu thuẫn này bắt nguồn từ tồn tại của nhiều năm về trước. Chúng ta không dự báo được tình hình giảm số lượng học sinh ở các bậc học do tác động của quá trình thực hiện kế hoạch hóa gia đình trong nhiều năm qua và đã phát huy hiệu quả những năm gần đây. Việc thiết kế hệ thống trường sư phạm cũng như xác định quy mô đào tạo của ngành sư phạm trước đây chưa lường được tình huống này. Nên khi nhu cầu, số lượng về trẻ học tiểu học, THCS giảm xuống thì hệ thống trường đào tạo sư phạm của chúng ta lại chưa thay đổi kịp, vẫn được giữ như trước đây, thành ra mới có câu chuyện số học sinh tốt nghiệp ngành sư phạm ra đang bị dư thừa.

Trong khi đó, lại có tình huống sức hút của ngành sư phạm đang giảm đi, mặc dù chúng ta đã thực hiện chính sách hỗ trợ về học phí hoặc miễn giảm học phí đối với sinh viên ngành sư phạm. Theo tôi nghĩ, việc miễn giảm học phí chỉ là khâu đầu tiên. Quan trọng nhất ở chỗ, ba bốn chục năm sau, các em ra trường làm việc ở ngành giáo dục, cuộc sống gắn với ngành sẽ thế nào. Trên thực tế ngành giáo dục của chúng ta chưa đủ sức hấp dẫn đối với lực lượng trẻ hiện nay. 

Ông Nguyễn Văn Áng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD&ĐT
Ông Nguyễn Văn Áng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD&ĐT

*Liệu Bộ GD&ĐT có nghĩ đến việc giảm chỉ tiêu đối với ngành sư phạm trước thực trạng dư thừa giáo viên hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Áng: Ai cũng nghĩ là dư thừa thì phải giảm nhưng giảm thế nào mới là khó. Trên bình diện chung chúng tôi tính ra ngay mỗi năm chúng ta cần đào tạo khoảng bao nhiêu giáo viên. Nhưng cái khó là giảm ở trường nào, trên địa bàn của địa phương nào. Vì trên thực tế, chúng ta đào tạo ở địa phương này nhưng sau khi ra trường sinh viên lại đến địa phương khác công tác hoặc ngược lại, di biến động như thế này rất khó lường.

Vừa rồi, Bộ GD&ĐT đã phát thông điệp ngành sư phạm bắt đầu bị dư thừa nhân lực. Một hai năm trước thông điệp này đã được phát đi nhưng năm nay sẽ được phát mạnh hơn.

Thực tế, quy mô đào đào ngành sư phạm trong hai ba năm gần đây đã giảm dần. Đối với các trường thuộc Bộ chúng tôi sẽ có chỉ đạo mạnh hơn. Với trường không thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ GD&ĐT thì chủ yếu là cảnh báo. Vì trên thực tế, việc xác định chỉ tiêu đào tạo bao nhiêu chủ yếu do các trường xác định trên cở sở năng lực đào tạo, đảm bảo được chất lượng.

*Bộ có giải pháp gì trước tình trạng sinh viên giỏi không mặn mà với ngành sư phạm, từ đó kéo theo những lo ngại về chất lượng giáo viên?

Ông Nguyễn Văn Áng: Đúng là chất lượng đầu vào không tốt cũng ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Tuy nhiên, đó chỉ là một yếu tố tạo nên chất lượng đào tạo, còn một vế quan trọng nữa là quá trình đào tạo. Bên cạnh đó, đầu vào dù không được cao như trước nhưng vẫn phải đạt tối thiểu là điểm sàn theo quy định của Bộ GD&ĐT, tức điểm tối thiểu để thí sinh có thể đủ trình độ, năng lực theo học đại học. Cái chính, theo tôi vẫn là chế độ đãi ngộ đối với thầy cô giáo sau này. Còn khâu đào tạo, những năm vừa rồi chúng ta thực hiện việc miễn giảm học phí cho sinh viên ngành sư phạm cũng đã tạm được rồi.

*Một số ý kiến cho rằng, nên học theo cách của một số nước tiến tiến là không đào tạo chuyên ngành sư phạm mà giáo viên được tuyển đầu vào ở các đại học khác sau đó đào tạo thêm nghiệp vụ sư phạm. Như vậy là sẽ vừa tuyển được người giỏi, vừa đỡ lãng phí cho xã hội. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Ông Nguyễn Văn Áng: Thực ra cái này với chúng ta chỉ là không phổ biến chứ không mới. Nhiều trường hiện nay cũng áp dụng cách tuyển cử nhân tốt nghiệp ở các trường đại học khoa học xã hội nhân văn hoặc khoa học tự nhiên sau đó về đưa đi bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ sư phạm.

Hiện trên thế giới có hai mô hình đào tạo giáo viên. Một mô hình đào tạo song song, tức vừa đào tạo nghiệp vụ sư phạm, vừa đạo tạo chuyên môn. Mô hình đó chúng ta đang thực hiện. Mô hình tuyển đầu vào ngành sư phạm là cử nhân tốt nghiệp các ngành khoa học cơ bản sau đó đưa đi đào tạo bồi dưỡng thêm nghiệp vụ sư phạm, ta tạm gọi là mô hình đào tạo nối tiếp.

Về bản chất, hai mô hình này đều cùng trang bị cho người học hai mảng kiến thức là chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên nếu trông chờ vào mô hình đào tạo nối tiếp nhằm tránh lãng phí dư thừa, tôi nghĩ chưa hẳn. Vì lúc đó câu chuyện thừa thiếu sẽ đẩy sang các ngành đào tạo khoa học cơ bản, chúng ta sẽ không biết cần bao nhiêu cử nhân về Toán, bao nhiêu cử nhân về Văn, lý, Hóa… Vì vậy, việc lựa chọn phương thức đào tạo nào cũng phải cân nhắc, đồng thời phải tùy thuộc vào điều kiện của từng quốc gia.

Theo gdtd.vn