Tin tức – Sự kiện

"Dạy thì vô bổ, không dạy thì học sinh... oán"

05 Tháng Ba 2013

“Không riêng môn Toán, nhiều kiến thức không cần thiết khác cũng đưa vào chương trình sách giáo khoa đang làm quá sức học sinh. Ví dụ với môn Văn và Tiếng Việt chẳng hạn”, PGS Văn Như Cương trả lời VnMedia sáng 4/3.


 
- Thưa PGS, tại buổi tiếp đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trường làm việc gần đây, ông có đưa ra con số cho rằng, 30% kiến thức Toán học hiện nay là vô bổ với học sinh. Ông có thể giải thích về điều này?.
 
Chương trình phổ thông của chúng ta nhằm mục đích dạy những kiến thức cơ bản, thiết thực cho học sinh sau 12 năm ra trường làm nhiều ngành nghề khác nhau. Có thể vào đời, đi lao động hoặc học thêm ở trường đại học, cao đẳng này kia… được trang bị đủ kiến thức để làm những việc như vậy hoặc vào đại học.
 
Ví dụ một anh vào Đại học Luật, Đại học Ngoại giao hay Đại học Y… thì toán học cần đến mức độ nào cho người đó, còn nếu toán học này cần cho những người vào đại học chuyên ngành Toán chẳng hạn hay Đại học Sư phạm thì ở đó người ta sẽ được học kỹ, sâu và chắc chắn hơn nhiều. 
 
Vì vậy, một số kiến thức về mặt toán học chẳng hạn có cần rộng rãi và sâu sắc như hiện nay không? Ví dụ các phép toán như: tích phân, số phức, phép biến hình, phương trình lượng giác rất khó khăn, phức tạp… Với anh bác sỹ cần gì? Không cần! Vào trường Y người ta không cần những thứ đó, anh có thể không biết số phức vẫn cứ học tốt. Rồi nhà chính trị, sử học, quản lý hiện nay... tất cả đều không cần dùng những kiến thức đó, trừ những người đi làm toán. Vậy thì có phải vô bổ không?.
 
Đặc trưng của Toán học không phải là tất cả các kiến thức đó mà là những chương trình phổ thông giúp rèn luyện tư duy, cách suy nghĩ theo kiểu toán học mà trong đời sống ai cũng cần có. 
 
Ví dụ như: tư duy đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, tư duy về quy nạp… đó là những tư duy Toán học rất cần thiết cho nhà lãnh đạo, quản lý, kinh tế và các lĩnh vực khác. Đây mới là tinh thần của Toán học chứ không phải là những kiến thức hết sức cụ thể. Cho nên, khi xây dựng kiến thức Toán học mà chúng ta đưa vào những kiến thức hết sức rối rắm không để làm gì cả thì chúng ta đang xa rời mục tiêu.

 Ảnh minh họa

PGS Văn Như Cương: "Không chỉ 30% kiến thức Toán học là vô bổ".

- Quan điểm của ông là như vậy, nhưng hiện nay các chương trình thi cuối cấp hay đại học đều có những bài toán liên quan đến tích phân, số phức và lượng giác… Ông nói sao về điều này?.
 
Với việc thi cử, vì học như thế nên phải thi như thế. Số phức là vô bổ nhưng hiện nay bài thi nào cũng có số phức 1 điểm và bài thi đại học cũng có số phức 1 điểm. Vì thi như thế nên thầy giáo không thể bỏ dạy phần số phức được. Nếu thầy giáo bỏ qua không dạy, khi thi vào học sinh không làm được sẽ oán mình. Sự vô bổ nó cũng thể hiện ở chỗ đó.
 
- Ngoài môn Toán hiện nay còn môn nào đang trang bị cho học sinh những kiến thức vô bổ không, thưa PGS?.

 
Không phải riêng môn Toán học, nhiều thứ khác cũng đưa vào chương trình sách giáo khoa đang làm quá sức học sinh. Ví dụ với môn Văn và Tiếng Việt chẳng hạn. Hình như người ta đang muốn đào tạo ra những người sẽ làm công tác phê bình văn học hay sao (cười..) cho nên khi phân tích tác phẩm văn học, đánh giá tác phẩm, phát biểu về từ ngữ thế này, bài thơ này, bài thơ kia có phải đang bắt trẻ con trở thành một nhà phê bình về văn chương, thơ phú?. 
 
Theo tôi, cái này là không nên. Trong khi đó, nhiều học sinh một bản tường trình, một đơn xin phép… học sinh viết cũng không ổn, sai chính tả, sai câu văn. 
 
Tôi có nhận được đơn xin việc của các cô giáo, thày giáo mới ra trường xin việc vào chỗ tôi dạy học mà viết cái đơn không thành. Đọc những cái đơn như vậy thì đã không chấp nhận được rồi.
 
Có những người đề là: Kính gửi Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh chẳng hạn. Tôi mới tốt nghiệp, tôi muốn dạy ở Trường Lương Thế Vinh… Kính gửi Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh thì sao chấp nhận được, không thể có một chữ ông được à? (Cười..). Người ta lịch sự còn gọi là Ngài, nhưng không lịch sự thì cũng phải xưng hô là ông Hiệu trưởng hoặc thày Hiệu trưởng… nhưng đây không viết như vậy.
 
Những cái rất cơ bản như vậy là phải học, nhưng chúng ta thì những cái không cần thiết cũng phải học. Nhiều thầy giáo cũng phản ánh với tôi điều đó. Cũng nhiều cái vô bổ, quá đáng như: học sinh lớp 7 phải học thơ Đường chẳng hạn.
 
Thơ Đường thì để cảm thụ được tất cả cái hay, cái đẹp, luật bằng, trắc của thơ Đường không phải dễ. Phân tích thơ Đường ít nhất phải nói những cái đó rồi mới đề cập đến tâm trí của thơ Đường. Mà có phải ai cũng hiểu đâu, vậy thì học làm gì thơ Đường? Ca dao, tục ngữ của ta thiếu gì câu hay tại sao không học?
 
Ý của tôi là trong lần cải cách giáo dục tới đây, để cải cách giáo dục toàn diện và triệt để thì chúng ta phải xác định lại nội dung chương trình sao cho phù hợp với lứa tuổi và tính chất của trường phổ thông là hết sức quan trọng. 
 
Một mặt là anh Toán thì cũng muốn dạy những cái như thế này, anh Lý cũng vậy… thì bắt trẻ con học 12 môn học: Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, Tiếng Anh… bộ môn nào cũng muốn học như vậy thì còn gì là trẻ con, bọn trẻ chơi lúc nào? Khổ quá!
 
- PGS cho rằng, việc dạy quá nhiều kiến thức tại các môn học hiện nay là vô bổ. Tuy nhiên, tại một số nước phát triển, người ta thường tính toán ở độ tuổi nào thì trẻ tiếp thu được nhiều nhất, từ đó người ta sẽ căn cứ vào đó để dạy thật nhiều kiến thức cho trẻ. Quan điểm của PGS về điều này thế nào?. 
 
Việc đánh giá lứa tuổi nào tiếp thu nhanh hơn không phải chỉ có ở bậc phổ thông mà cả ở bậc đại học. Học sinh đến bao nhiêu tuổi thì được một chương trình giáo dục bình thường ở phổ thông và khi lên đại học mới làm được nhiều việc. Ở bậc giáo dục phổ thông mà chúng ta cho chúng nó chạy maratong, còn cấp 1, cấp 2 bắt học sinh chạy nước rút thì không ổn, không phù hợp với tâm sinh lý của trẻ. Lên đại học thì lại xả hơi!
 
Hiện nay tình trạng học phổ thông rất căng thẳng cho nên mới dẫn đến tình trạng lên đại học, học sinh ngồi quán nhiều chứ không học nữa. Vấn đề này cũng phải xác định rất quan trọng. 
 
Hiện nay chúng ta đang thiếu hẳn mặt giáo dục con người, về kỹ năng sống, hòa nhập, đối xử giữa con người với con người với nhau do học văn hóa nặng nề. Ngay trong lúc đi học nảy sinh rất nhiều chuyện tệ hại như: đánh nhau, bạo lực học đường; trò đánh, chửi thầy… Tất cả điều đó nhà trường hình như không quan tâm mà để mặc cho tệ nạn xã hội thâm nhập vào, không có gì chống đỡ.
 
Hiện nay, việc trang bị kiến thức toàn diện cho học sinh đang thiếu hẳn. Toàn diện tức là học văn hóa, học con người. Học chữ phải học làm người, vừa hồng vừa chuyên thì bỏ do học văn hóa nặng quá, không có thời gian để đưa những môn học như thế vào cuộc sống được.  Đấy là một thiếu sót nữa, vì học văn hóa quá nặng mà ta bỏ quên mặt giáo dục đạo đức. 
 
- Vậy theo quan điểm của ông, chúng ta phải đổi mới phương pháp dạy và học như thế nào để phù hợp với nội dung và sức học của từng bậc?
 
Trước hết, phải giảm tải mạnh chương trình văn hóa như hiện nay. Nên tổng hợp ý kiến của các thầy, cô giáo về những vấn đề nào nên bỏ, những vấn đề nào cần phải học. Tôi nói 30% kiến thức Toán học là vô bổ là còn ít đấy (cười), có thể bỏ nữa. 
 
Việc dạy môn Toán hiện nay đang hàn lâm quá. Đôi khi bắt chứng minh này chứng minh kia trong khi đó với các nước khác, người ta chỉ ứng dụng thôi, áp dụng vào thực tế thôi chứ không cần phải chứng minh. Cho nên phải rà soát lại chương trình, bỏ đi (chí ít là bỏ đi 1/3 chương trình) rồi thêm các bộ môn về giáo dục về nhân cách, đạo đức. Những bộ môn này cần phải tiếp xúc với thực tế cuộc sống, đi ra ngoài, dã ngoại…
 
Mặt khác, phải giảm bớt bộ môn dạy trong một tuần. Hiện nay, ví dụ như cấp 3, trong một tuần học đủ 12 bộ môn khác nhau, chưa kể những hoạt động khác…
 
Một tuần chỉ có 6 ngày mà học 12 bộ môn, có bộ môn 2 tiết. Đấy cũng là điều bất hợp lý, quá nặng với học sinh. Ở các nước người ta một  tuần người ta chỉ học từ 6-7 môn và học kỳ một nếu đã học Hóa thì không học Lý và ngược lại. Cho nên chắc chắn là phải rà soát lại, phải hỏi ý kiến tất cả học sinh, thầy giáo và những người làm công tác giáo dục, chứ không thể làm nhanh và sơ sài được.
 
- Thưa PGS, nếu làm như ông vừa đề cập, sẽ phải mất bao nhiêu lâu nữa học sinh mới hết phải oằn mình cỗng cặp đến trường? 
 
Bây giờ nếu tích cực thì có thể làm được chương trình giảm tải sau một năm. Với sách giáo khoa thì có thể phức tạp hơn, đòi hỏi nhiều thời gian hơn nhưng cấu trúc lại chương trình thì chỉ cần trong một năm có thể làm xong; thậm chí là ít hơn.
 
- Xin cảm ơn PGS về cuộc trao đổi!.

                                                                                                                                                  Theo vnmedia.vn