Tin tức – Sự kiện

Thay chất đội ngũ giáo viên

06 Tháng Ba 2013

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu do bà Nguyễn Thị Bình chủ trì, hiện nay chỉ có 10-20% số giáo viên thật sự yêu nghề. Trong khi đó qua khảo sát, PGS Vũ Trọng Rỹ (Viện Nghiên cứu giáo dục VN) cho biết đa số giáo viên hiện nay chưa nhận thức đúng về chức năng, nhiệm vụ của người giáo viên mà mới chỉ dừng lại ở vai trò “người dạy”. “So với yêu cầu của giáo viên sau 10-15 năm tới, phẩm chất năng lực nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên hiện nay còn một khoảng cách đáng kể” - PGS Rỹ nhận xét.

Tuyển sinh riêng

Nhìn lại thực tế tuyển sinh những năm gần đây để thấy điểm chuẩn đầu vào ngành sư phạm liên tục giảm. Rất nhiều ngành có điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn. Thậm chí không ít thí sinh trúng tuyển vào ngành sư phạm nhưng điểm môn thi chuyên ngành chỉ 1, 2 điểm, thậm chí chỉ 0,25 điểm. “Năng lực như vậy thì có cây đũa thần nào trong bốn năm ĐH để đào tạo thành người giáo viên tốt sau này?” - GS Trần Hữu Tá đặt câu hỏi. GS Tá nhận định việc tuyển sinh sư phạm hiện nay khá tùy tiện. Số trường đào tạo sư phạm quá nhiều dẫn đến việc tuyển sinh bừa bãi cả về số lượng và chất lượng. Trong khi đó, ngành sư phạm có những đặc thù riêng cả về năng lực chuyên môn và đạo đức, và cần có cách tuyển sinh phù hợp chứ không phải đại trà như hiện nay. Vì vậy, ông đề nghị việc tuyển sinh cũng phải làm lại theo hướng chặt chẽ hơn giữa cung và cầu. Phải tính toán kế hoạch nhân lực sư phạm trước khi tuyển sinh.

 

Triển khai một mô hình mới

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đề nghị cần xây dựng và triển khai một mô hình đào tạo giáo viên mới với những đặc trưng mới sau đây: 1/ Mẫu hình giáo viên mà nó hướng tới là mẫu hình giáo viên chuyên nghiệp có năng lực xử lý tin cậy và phù hợp trước những tình huống khác nhau vì lợi ích của người học và đạo đức nghề nghiệp; 2/ Hệ thống đào tạo giáo viên phải là hệ thống mở, mở trong tuyển sinh, trong đào tạo, trong quan hệ với nhà trường phổ thông, trong hội nhập quốc tế; 3/ Quá trình đào tạo giáo viên phải là quá trình liên tục, trong đó các giai đoạn đào tạo (đào tạo ban đầu, giai đoạn tập sự, đào tạo tại chức, đào tạo tiếp tục, phát triển đội ngũ, tham gia các nghiên cứu khoa học về giáo dục) nằm trong quan hệ gắn bó, bổ sung cho nhau.

Cùng quan điểm này, PGS Văn Như Cương cho rằng muốn có trò giỏi trước hết thầy phải giỏi. Đầu vào sư phạm thấp khiến chất lượng người thầy yếu hơn, kéo theo trò yếu hơn và đầu vào sư phạm lại tiếp tục thấp đi. Vòng tròn luẩn quẩn đó khiến chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng giáo dục phổ thông nói riêng khó cải thiện được. PGS Văn Như Cương nhấn mạnh: “Việc ngành sư phạm thi chung như các trường ĐH khác hiện nay là hết sức vô lý. Người học toán để ứng dụng vào chuyên ngành của họ khác với người học toán để đi dạy”. PGS Cương đề xuất: “Không chỉ cách đánh giá kiến thức phải khác mà các trường sư phạm cần phải có vòng phỏng vấn để kiểm tra ngoại hình, giọng nói, mục đích theo học cũng như đạo đức của thí sinh để tránh trường hợp tuyển người không phù hợp”.

 

Ở khía cạnh đơn vị đào tạo, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng yêu nghề là một trong những yếu tố làm nên sự thành công của bất cứ nghề nghiệp nào. Nghề dạy học lại càng cần phải yêu nghề hơn các nghề khác vì đối tượng lao động của nghề dạy học là con người. Việc tuyển sinh “ba chung” hiện nay cũng là công cụ đưa ra một kết quả đánh giá kiến thức có thể tin cậy. Tuy nhiên, những kết quả thi tuyển cũng không tránh khỏi việc đánh giá kết quả, nhất là với những thí sinh học lệch. Hơn nữa, tuyển được người học cũng chưa thể nói là tuyển được người yêu nghề dạy học. Do đó, tuyển sinh sư phạm vẫn có thể theo phương thức “ba chung” nhưng cần có thêm vòng phỏng vấn khi sinh viên nhập học để đưa ra lời khuyên thích hợp về nghề dạy học là cần thiết.

Đào tạo cũng phải thay đổi

Không chỉ tuyển sinh, cách đào tạo của trường sư phạm cũng phải thay đổi tận gốc. PGS Văn Như Cương cho rằng muốn đổi mới giáo dục trước hết phải đổi mới từ trường sư phạm, cả cách tuyển sinh và chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo phải có thêm các môn về đạo đức, cho sinh viên tiếp cận sớm và nhiều hơn với học sinh và cơ sở giáo dục.

GS Trần Hữu Tá cũng khẳng định: một trong những yếu tố quyết định thành công cho việc đổi mới giáo dục là đổi mới đào tạo sư phạm. GS Tá cho rằng cần phải thu hẹp phạm vi các trường đào tạo sư phạm. Theo đó, mỗi khu vực chỉ cần một vài trường lớn đào tạo sư phạm. Đội ngũ giảng viên ưu tú sẽ tập trung về đây để nâng cao chất lượng đào tạo.

GS Đinh Quang Báo, viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm, cho rằng việc đào tạo giáo viên cần điều chỉnh theo hướng cân đối lại việc đào tạo kiến thức chuyên môn và năng lực sư phạm, trong đó bao gồm các kỹ năng tìm hiểu người học, năng lực kiểm tra, đánh giá, quản lý lớp học, kỹ năng sống... “Cần tăng thời lượng và tăng tần số thực hành, thực tập ở phổ thông, coi đó là cơ hội để sinh viên có đủ khoảng thời gian rèn luyện, lắp ráp những gì tích lũy rời rạc” - GS Đinh Quang Báo nói.

 

                                                                                                                                                                                          Theo tuoitre.vn