Tin tức – Sự kiện

Dư luận hoài nghi, đổ lỗi cho giáo dục là đúng

05 Tháng Ba 2013

PGS.TSKH Phạm Lê Hòa:

"Tôi không bỏ Văn, rất coi trọng môn Văn, đó chỉ là thay đổi hình thức tuyển sinh tạo điều kiện cho thí sinh có tài năng, năng khiếu thực sự có cơ hội được học tập, phát triển" – PGS.TSKH Phạm Lê Hòa- Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương cho biết.


“Cơ hội cho người có năng khiếu”

PV: Mới đây Bộ GD&ĐT thông qua phương án thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ khối ngành Văn hóa - Nghệ thuật. Theo đó, đối với các đề thi môn Ngữ văn sẽ không phải thi mà xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT. Thầy nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

 

PGS.TSKH Phạm Lê Hòa: Tôi đánh giá đó là tư duy hết sức khoa học. Như vậy là Bộ đã giao quyền tự chủ cho các trường. 

 

Tạo điều kiện thuận lợi cho các trường nghệ thuật và là cơ hội cho những sinh viên có năng khiếu, tài năng thực sự phát triển và học tập. Giảm tải đầu vào, giảm áp lực thi cử cho sinh viên để tập trung vào những môn năng khiếu, đó là điều cần thiết.

 

Riêng trường tôi, đã có đề xuất 3 phương án:

 

- Căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp chung của môn Văn trong cả 3 năm học THPT.

- Điểm thi tốt nghiệp Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

- Nếu không có hai điểm đó, thí sinh có thể đăng ký thi Văn tại đề thi một trường đại học nào đó, sau đó lấy điểm đó chuyển sang trường.

 

PV: - Vụ quay clip gian lận thi môn Văn ở Đồi Ngô, thầy gạ trò đổi tình lấy điểm, mua bán trao đổi bằng,... đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về căn bệnh thành tích. Thủ tướng chính phủ đã phải ra chỉ thị chống tiêu cực, chống bệnh thành tích. Trước hiện thực đó, thầy có tự tin sẽ lựa chọn được những sinh viên tốt nếu chỉ dựa vào kết quả xét tuyển. Thầy đặt lòng tin của mình vào đó bao nhiêu phần trăm?

 

GS.TSKH Phạm Lê Hòa: Tôi tự tin.

 

Đồi Ngô chỉ là 1 trong bao nhiêu nghìn cơ sở thi. Đó chỉ là con số rất nhỏ. Không thể lấy một hiện tượng để kết luận tất cả một nền giáo dục. Đó là cái nhìn không chuẩn. 

 

Phẩm chất của một nhà khoa học là hoài nghi chứ không phải mất niềm tin. Cực đoan thì lại càng không. 

 

PV: Theo thầy, các trường văn hóa-nghệ thuật dựa vào cơ sở nào để đưa ra đề xuất phương án tuyển sinh mới này?

 

GS.TSKH Phạm Lê Hòa: Thứ nhất: Tôi cho rằng một số nước trên thế giới người ta đã áp dụng phương thức này. 

 

Thứ 2, nghệ thuật là khối ngành có đặc thù riêng.

 

Thứ 3, chúng tôi đặt niềm tin vào kết quả THPT. Đó là cơ sở để lựa chọn những sinh viên đạt tiêu chuẩn. 

 

Không bỏ Văn, chỉ thay đổi hình thức

 

PV: Nhà văn Nguyên Ngọc có nói: "Bỏ Văn là coi thường văn hóa nền, không quan tâm đến việc đánh giá khả năng cảm nhận nghệ thuật ở thí sinh. Quyết định như vậy là chủ trương của Bộ GD và các trường văn hóa nghệ thuật đang đào tạo toàn "thợ nghệ thuật". Thầy có suy nghĩ gì trước ý kiến này? Theo thầy, bỏ Văn có chắc chắn sẽ lựa chọn được những nhân tài thực sự?

 

GS.TSKH Phạm Lê Hòa: Chúng tôi không bỏ văn.

 

Tôi cũng khẳng định nếu bỏ và coi thường Văn học là xem nhẹ cả nền văn hóa dân tộc. Hay nói như cố thủ tướng Nguyễn Văn Kiệt "văn hóa còn, dân tộc còn". Khi chứng minh một bản sắc dân tộc, mà mất văn hóa thì mất hết.

 

Đó chỉ là thay đổi hình thức để đánh giá môn Văn. Theo tôi, đó là nhận định đúng.

 

PV: Nhưng kết quả điểm Văn bậc THPT không tốt sẽ kéo theo lựa chọn đầu vào của đại học không tốt, thưa thầy?

 

GS.TSKH Phạm Lê Hòa: Trong cơ cấu tổ chức của Bộ GD đã có cả Vụ giáo dục chuyên phụ trách về công tác phát triển, chất lượng giáo dục, đấy là trách nhiệm của bộ phận đó đối với xã hội.

 

Tôi không có quyền nói giáo dục phổ thông của chúng ta đang không tốt. Nếu nơi nào đó chưa tốt là trách nhiệm của các Bộ, ngành địa phương.

 

Chúng tôi chỉ là tiếp nối từ bậc đại học.

 

PV: - Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết: “Đuổi Văn ra khỏi kỳ thi vào chính các trường thuộc khối văn hóa- nghệ thuật là cách tiêu diệt môn Văn một cách hữu hiệu nhất. Không thi thì không học. Ở ta vẫn như vậy". Liệu có mâu thuẫn không khi luôn khẳng định không bỏ Văn nhưng thực tế lại đang xem nhẹ môn Văn, thưa thầy?

 

GS.TSKH Phạm Lê Hòa:  Đó là điều tôi lo lắng. Tôi rất sợ tình trạng học tập ở Việt Nam. Tôi từng nói với các em học sinh một điều nếu chỉ học trong kỳ thi thì không bao giờ trở thành người tốt. 

 

Chính vì vậy, trong trường chúng tôi vẫn có môn Tiếng Việt thực hành, để giúp các em nếu hổng kiến thức môn Văn thì có thể bổ sung nó.

 

Một người nghệ sĩ nếu hát hay mà nói không ra câu thì cũng nguy hiểm. Hay có tài nhưng phông văn hóa thấp cũng không thể chấp nhận được.

 

Không nên cầu toàn

 

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, xem nhẹ Văn coi trọng năng khiếu là vô tình các trường đại học đã bỏ đi phần dạy để thành một công dân tốt thay vào đó là dạy thói vụ lợi, thực dụng. Suy nghĩ của thầy trước vấn đề này?

 

GS.TSKH Phạm Lê Hòa: Ngành nghệ thuật có đặc thù riêng, tức là không phải cứ cố gắng là giỏi.Trong nghệ thuật cái quan trọng phải là năng khiếu. Có nhà khoa học đã nói: "Trong một thành công 99% là sức lao động, chỉ có 1% là cái trời phú cho" nhưng trong nghệ thuật cái 1% năng khiếu đã bằng 99% sức lao động cộng lại.

 

Nếu không có 1% năng khiếu thì 99% sức lao động cộng vào nó trở thành vô nghĩa, hay gọi là bi kịch.

 

PV: - Ngày càng nhiều những hiện tượng ca sĩ hôn môi nhà sư, ca sĩ ăn mặc lố lăng, phản cảm khoe thân hơn khoe giọng hát, nghệ sĩ đá xéo nhau trên sân khấu, theo thầy điều đó đang phản ánh một thực tế gì? Tại sao sau mỗi scandal xảy ra người ta lại đổ lỗi cho giáo dục?

 

GS.TSKH Phạm Lê Hòa: Đúng như dư luận phát hiện, đó là do sự lệch lạc, do thiếu văn hóa nền tảng. Việc dư luận đổ lỗi cho giáo dục là đúng. Đổ lỗi cho nền giáo dục, hoài nghi giáo dục là đúng. Bởi nền giáo dục chưa giáo dục được cho những người đó thành người tốt. Trách nhiệm một phần của giáo dục đấy chứ.

 

PV: Theo thầy, vội vàng bỏ thi Văn và hướng tới mục đích tìm kiếm tài năng thực sự của các trường Nghệ thuật liệu có khả quan khi vấn đề giáo dục ở Việt Nam luôn đặt ra những câu hỏi lớn về tuyển sinh, quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra?

 

GS.TSKH Phạm Lê Hòa: Không có gì tự nhiên mà có. Tôi nhìn dưới góc độ khoa học, bất kỳ cái gì cũng phải có kết quả bước ban đầu. Nếu lúc nào cũng sợ thì cũng đáng sợ thật. Phải có niềm tin, không nên quá cầu toàn.

 

Tôi vẫn nói với học sinh "đào tạo để lựa chọn đầu ra theo đúng tiêu chí của đầu ra chứ không phải theo tiêu chí của đầu vào".

 

PV: Xin cảm ơn thầy!

 

Nguyễn Vũ (thực hiện)

Theo baodatviet.vn