Tin tức – Sự kiện

Cầu vượt qua đàn Xã Tắc: Chưa phê duyệt đã rối như canh hẹ

24 Tháng Tư 2013

Nhiều người lo ngại cầu vượt làm ảnh hưởng đến sự linh thiêng của đàn Xã Tắc. Ảnh: GiadinhNet

Dự án làm cầu vượt qua khu vực đàn Xã Tắc đang trong quá trình thẩm định, để trình UBND TP. Hà Nội xem xét phê duyệt, nhưng đã gặp khá nhiều phản ứng từ một số nhà nghiên cứu lịch sử. Bộ VHTTDL là đơn vị hứng chịu khá nhiều búa rìu dư luận trong sự việc này.

 

Nhiều ý kiến khác nhau

Ngay sau khi các phương án xây cầu vượt qua khu vực ngã năm Ô Chợ Dừa được công bố, nhiều ý kiến phản ứng dự án này liên tục xuất hiện trên nhiều diễn đàn. Một luồng ý kiến kịch liệt phản đối việc xây dựng cầu vượt qua khu vực này với lý do đàn Xã Tắc là một di tích quan trọng của quốc gia, có sự ảnh hưởng đến vận mệnh dân tộc... Vì vậy, việc xây cầu lên trên di tích này là điều không thể chấp nhận được. Một số ý kiến khác còn cho rằng, dù là cầu vượt được xây dựng theo bất cứ phương án nào thì các mố cầu cũng sẽ đụng chạm vào di tích và sẽ làm tổn hại đến di tích quan trọng này.

Có những ý kiến bớt dữ dội hơn thì đề nghị thay đổi phương án làm cầu giao thông qua khu vực này để không ảnh hưởng đến di tích. Một nhà khoa học khá nổi tiếng là GS-TS Nguyễn Quang Ngọc- Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển- cũng đã đưa ra ý kiến nên dừng dự án lại và các nhà quản lý cần tìm một giải pháp khôn ngoan hơn.

Vị GS này nói: “Di tích quốc gia theo Luật Di sản bao gồm vùng lõi và vùng đệm, cả trên mặt đất và cả trong lòng đất, cả di tích, di vật và thiên nhiên cảnh quan. Việc xây cây cầu sắt khổng lồ nằm đè lên trên di tích, dù có không đụng chạm gì đến những hiện vật đã được lấp cát ở bên dưới thì cũng vẫn là một sự xâm hại di tích...Việc xây cầu mặc nhiên là rất cần, nhưng có thể điều chỉnh ra khỏi vùng di tích, còn di tích thì chỉ có vậy, không thể di dời sang vị trí khác được...”.

Cầu chỉ đi bên cạnh di tích?

Phương án xây dựng cầu vượt nói trên đang được trình lên các cơ quan chức năng phê duyệt có kèm theo một văn bản thỏa thuận thống nhất về dự án cải tạo này của Bộ VHTTDL. Chính vì thế, Bộ VHTTDL đang phải hứng chịu khá nhiều chỉ trích. Dư luận cho rằng, bộ đã không tôn trọng di tích đàn Xã Tắc nên mới đồng ý để dự án này đi qua và xâm phạm đến di tích này.

Chúng tôi đã trao đổi với TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, ông Bài khẳng định: Cầu vượt chỉ đi bên cạnh đàn Xã Tắc chứ không ảnh hưởng gì đến khu vực di tích này.

Được biết, phương án xây dựng cầu vượt tại ngã năm Ô Chợ Dừa vẫn chưa chính thức được phê duyệt. Theo phương án đang đề xuất, cầu vượt dầm thép sẽ được thiết kế theo hướng vành đai I (từ Kim Liên đi Hoàng Cầu) có chiều dài 632m (5 dầm thép, 6 bản bêtông). Cầu có mặt cắt ngang 14,5m gồm 4 làn xe cơ giới, mỗi làn 3,25m. Đảo giao thông rộng 18m. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 776 tỉ đồng, trong đó phần xây lắp là 451 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng và thu hồi 549m2 đất của 51 chủ sử dụng là 33,3 tỉ…

Trước đó, các đơn vị tư vấn đã đưa ra hơn 10 phương án làm cầu vượt tại khu vực nói trên. Có 3 phương án  đã được lựa chọn để trình lên UBND TP. Hà Nội và các sở, ngành. Các đơn vị liên quan cho biết, sở dĩ phải xây dựng cầu vượt theo hướng Xã Đàn – Hoàng Cầu vì không thể thiết kế cầu theo hướng Nguyễn Lương Bằng – Tôn Đức Thắng. Nguyên nhân, do tuyến đường này quá hẹp và nếu làm sẽ rất khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, nếu làm theo hướng Xã Đàn - Hoàng Cầu thì mặt cắt ngang mỗi bên 50m đã có và không phải thu hồi đất nhiều. Chỉ phải cắt xén một số hộ tại đầu đường Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên và Nguyễn Lương Bằng.

Hiện tại, dự án vẫn đang trong quá trình thẩm định để trình UBND TP.Hà Nội xem xét phê duyệt.

 

 

Theo GiadinhNet