Tin tức – Sự kiện

Đề nghị phá bỏ đàn Xã Tắc: "Sao lại xóa quá khứ?"

24 Tháng Tư 2013

Ông Đặng Văn Bài - UV Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

Trước việc Hiệp hội  Vận tải Hà Nội có công văn gửi UBND TP.Hà Nội đề nghị nên xóa bỏ đàn Xã Tắc để tiện cho việc làm cầu vượt hướng Xã Đàn – Hoàng Cầu, PV đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Bài- nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), hiện là UV Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

 

Ông Bài cho rằng:

- Tôi không phản đối việc làm cầu vượt ở nút giao thông này, bản thân tôi, hằng ngày đi làm cũng là “nạn nhân” của nút giao thông này và tôi cho rằng, bây giờ mới mở rộng đường và làm cầu vượt là chậm. Chúng ta nên tạo điều kiện để làm càng nhanh càng tốt. Đáng ra phải tập trung làm tốt vành đai I, xong rồi đến các vành đai phía ngoài. Đằng này tuyến vành đai nào cũng lai rai, không dứt điểm... Tuy nhiên, nguyên lý phát triển bền vững là phải chú ý đến lợi ích các đối tác. Phát triển kinh tế-xã hội là điều đương nhiên, nhưng phải chú ý đến bảo vệ môi trường, di sản văn hóa.  Vấn đề đàn Xã Tắc đã bàn cãi mãi rồi, bây giờ mới giữ được một “mẩu” di sản ấy, vậy tại sao bây giờ tiếp tục làm các đoạn còn lại lại tính đến chuyện xóa bỏ nó đi? Các nhà văn hóa, khoa học, lịch sử có giữ cũng là giữ chung cho cả đất nước này, dân tộc này chứ có phải giữ vì lợi ích riêng đâu?

- Nhưng thưa ông, từ lâu nay bài toán giữa bảo tồn và phát triển luôn là bài toán khó có lời giải. Vậy với tư cách là người  làm di sản, ông thấy đâu là mấu chốt của vấn đề?

- Trong trường hợp này, chúng tôi không được hỏi ý kiến về phương án bảo tồn, do vậy tôi cũng không thể có ý kiến cụ thể được.  Nhưng theo tôi, với những tiến bộ của khoa học, công nghệ như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể vừa giải quyết được các vấn đề kinh tế, xã hội, vừa giữ được di sản văn hóa. Vấn đề là phải có sự bàn bạc, trao đổi, hợp tác  giữa các ngành, thậm chí là liên kết giữa các vùng  với nhau thì mới có phương án tốt được.

- Hà Nội đã có hơn nghìn năm tuổi, trên thực tế, trong phát triển luôn gặp vấn đề “đụng tới đâu cũng thấy di sản”. Thế là lại dừng dự án, lại đợi nghiên cứu, kết luận... Hơn nữa, khi đã giữ lại được di sản rồi thì nhiều khi là “đắp chiếu” nằm đấy, như đàn Xã Tắc là một ví dụ? Vậy đến bao giờ ta mới làm cho các di sản ấy sống lại được, thưa ông?

- Đó cũng là do thiếu sự đồng bộ, phối hợp giữa các ngành mà ra. Cách đây hơn chục năm,  bản “Quy hoạch nghiên cứu khảo cổ học” do cố GS Trần Quốc Vượng, GS Hà Văn Tấn, GS Phan Huy Lê... xây dựng đã được phê duyệt. Nhưng phê duyệt xong rồi để đấy, chả ai làm cả. Đê La Thành - một di tích lịch sử -  đã sừng sững ở đó từ bao đời nay rồi, vậy tại sao làm quy hoạch giao thông không làm cách xa ra một chút, mà lại cứ nhất thiết phải sát vào con đê ấy? Giá như khi làm quy hoạch phát triển giao thông có sự tham khảo của các ngành khác- cụ thể trong trường hợp này là ngành văn hóa- thì có phải là đã tránh được những trường hợp gây khó cho cả hai bên như thế không?

- Xin cảm ơn ông!

Theo laodong.com.vn