Tin tức – Sự kiện

Đời sống giáo viên thủ đô – những chuyện vui buồn

25 Tháng Chín 2013

Hiện nay, vẫn không ít người quan niệm giáo viên ở thủ đô là “sướng” nhất. Những sinh viên ra trường cũng coi việc được ở lại Hà Nội giảng dạy là lý tưởng. Nhưng, thực tế cho thấy bênh cạnh một số lợi thế, cũng giống như tất cả những người công tác trong ngành giáo dục trên khắp các vùng miền, giáo viên thủ đô cũng có nhiều lắm những trăn trở, lo toan.

Những chuyện buồn…

Trước hết phải nói đến chuyện lương, chuyện ngàn năm không cũ. Hiện, mức lương trung bình của các giáo viên trên địa bàn Hà Nội mở rộng từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. Mức lương như vậy so với mức sống và mặt bằng giá cả hiện nay là rất thấp. Với những giáo viên trẻ mới vào nghề, lương thấp, thêm có con nhỏ cuộc sống lại càng chật vật vô cùng. Cũng chính vì vấn đề thu nhập mà hiện tượng “chảy máu chất xám” đang len lỏi trong các trường mầm non công lập ở Hà Nội. Các giáo viên mầm non xin nghỉ ở các trường công để đầu quân sang trường dân lập với mức thu nhập cao hơn. Trường hợp này xảy ra càng nhiều ở các vùng nông thôn.

Chuyện thưởng. Giáo viên không được biết khái niệm “lương tháng 13” vào dịp Tết như các ngành nghề khác. Thưởng Tết cũng như tất cả mọi khoản thưởng khác đều phụ thuộc vào nguồn quỹ của từng trường. Trung bình một trường phải dùng đến 2/3 trong tổng số ngân quỹ để chi trả lương cho cán bộ giáo viên, chỉ còn 1/3 để chi cho tất cả các hoạt động thường xuyên khác, vì vậy mà số trường lập được quỹ khen thưởng không nhiều. Theo nguồn tin từ ông Nguyễn Viết Cẩn, Chủ tịch công đoàn giáo dục thành phố Hà Nội, ngay như Amsterdam, một trong những trường hàng đầu của Hà Nội, hàng năm, giáo viên cũng chỉ được thưởng Tết số tiền 200 ngàn đồng.

Ở những vùng ngoại thành, nhiều giáo viên vẫn phải tăng gia sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, phụ với thu nhập từ lương ít ỏi để cải thiện đời sống. Không ít gia đình giáo viên trong số đó đã phải chịu những thiệt hại nặng nề bởi trận ngập lụt lịch sử xảy ra vừa qua ở Hà Nội. Đặc biệt là vùng Mỹ Đức, nơi địa bàn trũng nhất cũng là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Bao nhiêu vốn liếng, của cải trôi theo dòng nước khiến những chật vật trong cuộc sống còn đeo đuổi nhiều gia đình đến tận bây giờ.

Chuyện nhà ở cũng là một vấn đề hết sức bức xúc. Hiện nay, riêng trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ) cũng còn gần 300 trường từ tiểu học, THCS, THPT có nhu cầu xây dựng nhà công vụ cho giáo viên nhưng không được đáp ứng. Ngân sách nhà nước chưa đầu tư, hàng nghìn giáo viên trên địa bàn đang gặp khó khăn do phải đi lại mỗi ngày hàng chục km hoặc phải thuê chỗ ở hay tá túc nhờ nhà dân. Nhiều giáo viên hoặc phải ở trong những nhà công vụ sập xệ, dột nát, hoặc phải còng lưng gánh thêm khoản tiền thuê nhà mỗi tháng.

Nhiều giáo viên vẫn phải ở trong những nhà công vụ đã xuống cấp

…Và chuyện vui

Luôn sát cánh bên những người thầy tận tụy với sự nghiệp trồng người, Công đoàn ngành đã luôn nỗ lực cố gắng đề đời sống, điều kiện và môi trường làm việc của nhà giáo ngày càng được cải thiện. Các tổ chức chính quyền và công đoàn ở các trường học toàn thành phố đều đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, dành kinh phí thích đáng cho việc động viên, khen thưởng các giáo viên. Các cán bộ giáo viên gặp hoàn cảnh khó khăn luôn được quan tâm giúp đỡ kịp thời, đặc biệt là trong đợt ngập lụt vừa qua. Hiện nay, Công đoàn giáo dục Hà Nội đang tiến hành rà soát các cán bộ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn để trợ cấp trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Dự kiến sẽ có gần 200 suất trợ cấp với mỗi suất khoảng 500 ngàn đồng.

Công đoàn ngành cũng thực hiện tốt các chế độ chính sách cho giáo viên như tăng lương thường xuyên, tăng lương sớm cho cán bộ giáo viên giầu thành tích trong công tác. Riêng trong năm 2008, ngành giáo dục Hà Nội đã có 335 trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên được tăng lương sớm.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong 7 năm trở lại đây, công đoàn ngành đã phát động các cán bộ, giáo viên quyên góp được gần 2 tỷ đồng, xây dựng hơn 30 nhà công vụ. Con số chưa nhiều nhưng cũng là nguồn động viên khích lệ, thể hiện sự quan tâm chia sẻ của ngành và đồng nghiệp đối với giáo viên ở những vùng khó khăn, xa xôi.

Cuối cùng, dù đồng lương có ít ỏi bên cạnh vật giá ngày càng leo thang, dù cuộc sống còn vô vàn những lo toan nhưng các giáo viên thủ đô vẫn hết mình “chiến đấu” bằng nhiệt huyết, bằng lòng yêu nghề để thực hiện tốt nhất trọng trách “trồng người” thiêng liêng của mình.

 

Theo gdtd.vn