Tin tức – Sự kiện

Đại học và “học đại”: Kỳ 2: Khi sự tha hóa đang len lỏi vào giảng đường...

29 Tháng Chín 2013

Nhiều bạn trẻ cho biết, họ chán học vì… không cần phải học mà vẫn có cách đậu: Đó là dùng tiền đổi lấy điểm số…

 
500.000 đồng cho một lần chạy điểm
 
6 năm trước, một nhóm SV K50 khoa Xã hội học trường ĐH KHXH và NV đã làm một nghiên cứu về đề tài chạy điểm trong SV. Trong số 200 SV được hỏi, có tới 96,5% thừa nhận biết về nạn chạy điểm. Lý do có nhiều, nhưng 54,4% cho rằng vì muốn có điểm cao nhưng lười học, 42,1% nói chạy để chống trượt và số khác là vì “giảng viên gợi ý”.
 
Khảo sát tiến hành đã khá lâu, nhưng theo TS Vũ Phương Anh, nguyên Giám đốc trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng ĐH Quốc gia TP HCM, nạn “đi thầy” đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Thậm chí, càng ngày, tiêu cực càng trắng trợn. Nguyễn Hồng Sáng, cựu SV trường ĐH LĐ XH-thành viên CLB Đen và Trắng chuyên tuyên truyền lối sống trung thực trong giới trẻ - xác nhận: Trước mỗi kỳ thi, nhiều SV còn công khai bàn bạc về việc đi thầy. Câu hỏi đặt ra với họ, không phải làm thế có xấu hổ không mà là nên “đi” bao nhiêu, nên biếu riêng hay vài người chung một món quà - tiền.
 
TS Phạm Quốc Lộc, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa học, trường ĐH Hoa Sen kể: “Có lần, tôi và một người bạn đang ở Mỹ thì em gái bạn gọi điện sang xin lời khuyên. Em này là lớp trưởng, học tại một trường ĐH ở Hà Nội. Trước kỳ thi, cô được giao nhiệm vụ gom tiền của các bạn trong lớp để tới nhà thầy “ngoại giao”. Không làm thì không xong với lớp, mà làm thì không biết chia định mức thế nào. Bạn tôi bèn tư vấn cho em gái nên thu của mỗi người từ 50-100.000 đồng”. Đó là thời điểm vài năm trước. Còn bây giờ, nhiều SV cho biết, giá cho một lần “chạy điểm” là khoảng 500.000 đồng.  
 
Hai thành viên của CLB Đen và Trắng tham dự thi vật tay với khẩu hiệu
"Vật tay thổi bay tham nhũng" nhằm thúc đẩy môi trường giáo dục công bằng
 
Xã hội sẽ phải trả giá đắt
 
Theo TS Vũ Phương Anh, nạn mua điểm không chỉ dung túng cho hành vi cẩu thả, lười biếng trong học tập mà còn khiến nhiều SV nghiêm túc cảm thấy sốc, chán học, bỏ học....
 
TS Lộc cho rằng hiện nay, chúng ta thiếu cơ chế phân biệt giữa cử nhân học thật và cử nhân có bằng nhờ “chạy điểm”. Vì nhiều lý do người ta còn sẵn sàng tuyển cả người không có năng lực vào làm dẫn tới tình trạng không cần phải học thật mà chỉ cần tìm cách để có bằng.
 
TS Phương Anh phân tích: Tại nước ngoài, hệ thống kiểm soát và giám sát của toàn xã hội rất chặt chẽ, những giá trị chung của cộng đồng khoa học (các hiệp hội của toàn xã hội hàn lâm, các hội nghề nghiệp)… khiến tiêu cực dù thỉnh thoảng có xảy ra cũng không trở thành phổ biến. Ngoài ra, do có hệ thống cạnh tranh tự do nên nếu có scandal thì nhà trường sẽ bị giảm số SV, giảng viên bị mất việc... Tất cả đã tạo ra một nếp văn hóa khiến tiêu cực khó có đất sống. Trong khi đó, nội quy của các trường ĐH ở ta hiện nay gần như không đề cập tới vấn đề thầy giáo nhận tiền SV, SV đút tiền thầy, như thể “chúng không tồn tại”.
 
Sự thiếu minh bạch trong các hành vi ứng xử giữa thầy-trò là nguyên nhân chính dẫn đến lo lắng bất an của SV. Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng, khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền kể: Có SV mang khoá luận, luận văn đến nhà để thầy hướng dẫn trước khi bảo vệ vào hôm sau. Bị thầy nhận xét không tốt, SV lại cho rằng… “vì chưa đưa tiền”. Cuối cùng, giảng viên đành nhận phong bì 200 nghìn đồng của SV “để đêm em ấy ngủ ngon, bình tĩnh ngày hôm sau ra bảo vệ trước hội đồng”. Sau khi SV bảo vệ thành công, giảng viên đó mới trả lại em phong bì. “Thực tế, không phải thầy giáo nào cũng “ăn tiền” nhưng do phải trái-trắng đen lẫn lộn khiến SV luôn nghĩ tới tiêu cực mà không dám tự tin vào năng lực bản thân” – Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng lý giải.
 
GS chuyên ngành chính sách  giáo dục quốc tế Stephen P.Heyneman đến từ ĐH Vanderbilt, trong bài viết đăng trên bản tin của ĐH Quốc gia HN cho biết, tham nhũng trong giáo dục có biểu hiện khác nhau ở các vùng, khu vực khác nhau. Nếu như ở Bắc Mỹ, tham nhũng phổ biến là gian lận trong thi cử, phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng giới thì tại Việt Nam và một số nước Nam Á, việc nhận tiền này thường nhằm mục đích đổi lại điểm cao hơn, cấp chứng nhận hoặc cho phép nhập học. GS nhấn mạnh, các trường ĐH là nơi được cho là chuẩn mực của các hành vi xã hội.
 
Khi các trường ĐH tha hóa sẽ dẫn đến việc trả giá đắt hơn trong các lĩnh vực khác, làm các công dân tương lai tha hóa theo. Tha hóa cũng sẽ biến ĐH trở thành một nơi đắt đỏ và chất lượng kém khi giảng viên chấp nhận cho điểm cao những người kém năng lực.
 
 Tiêu cực: Không phân biệt trường lớn hay nhỏ
 
Năm 2006, trường CĐ Phát thanh truyền hình Trung ương 1 khiến dư luận xôn xao khi Phó trưởng khoa Báo chí gạ tình nữ sinh đổi lấy điểm số. Năm 2012, trưởng bộ môn Luật quốc tế ĐH Quốc gia HN cũng bị tố cáo ăn tiền chạy điểm của SV. Tại trường CĐ Y tế Hà Tĩnh qua kiểm tra đầu năm 2013 cho thấy nhiều trường hợp được sửa từ điểm kém thành giỏi, trong đó có SV có tới 11/23 môn học được chỉnh điểm. Gần đây nhất ĐH kinh tế TP HCM đã cảnh cáo một SV cao học về hành vi phổ biến và thu tiền của học viên để đưa cho giảng viên nhằm xin nâng điểm học phần.
 
Theo TS Phương Anh, nạn chạy điểm đã trở nên phổ biến, ai cũng biết, không phân biệt trường lớn hay nhỏ. 
 
Theo baophunuthudo.vn