Tin tức – Sự kiện

Trao truyền ngọn lửa Nhã nhạc

29 Tháng Chín 2013

 
 
Đội hình Nhã nhạc trước Hiển Lâm Các. Ảnh: Nguyễn Thanh Phúc
Sau những tài năng như cố nghệ nhân Trần Kích, Nguyễn Kế; nghệ nhân Lữ Hữu Thi… “ngọn lửa” Nhã nhạc may mắn đã được trao truyền cho lớp trẻ. Những người sẵn sàng chấp nhận gian nan, nặng lòng gìn giữ và tiếp nối dòng nhạc di sản này.

Không đam mê, không theo được nghề
Nhạc công Lữ Hữu Ngọc là một trong những gương mặt được nhắc đến đầu tiên khi chúng tôi muốn tìm hiểu về người trẻ với Nhã nhạc hôm nay. Anh là cháu đích tôn của nghệ nhân Lữ Hữu Thi và là người thuộc thế hệ thứ 3 trong gia đình có 4 thế hệ đang cùng góp sức với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình (NTTTCĐ) Huế bảo tồn, phát huy giá trị Nhã nhạc.
Mười hai tuổi, nhạc công Lữ Hữu Ngọc đã bắt đầu làm quen với những nốt nhạc tinh túy của dân tộc. Nay trong dàn Nhã nhạc, anh có thể sử dụng được 4 loại nhạc cụ, gồm: trống, đàn nhị, đàn nguyệt và đàn tam. Ông nội anh - nghệ nhân Lữ Hữu Thi, là người đã dìu dắt và hướng dẫn anh làm quen với bộ môn nghệ thuật này. Anh kể: “Hồi đó, cụ dạy mà không thuộc là bị đánh ngay tại chỗ, không phải như cách mình bày lại cho các con, phải nói nhẹ nhàng, từ từ ”. Anh chia sẻ: “Với Nhã nhạc, tự hào nhất là được biểu diễn trước công chúng. Nối tiếp truyền thống của gia đình, tôi sẽ cố gắng giữ lại những gì đã được ông nội và cha truyền lại, rồi tiếp tục dạy cho các con”.
Cũng như anh Ngọc, anh Nguyễn Đình Phong là nhạc công gắn với đội hình Nhã nhạc cung đình Huế từ rất sớm. Anh Phong theo nghề theo kiểu cha truyền con nối, khi ông nội và cha anh đều là những tay đàn trong các phường bát âm có tiếng ở đất Dạ Lê (Thủy Phương, Hương Thủy). Cùng đợt với anh vào công tác tại Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế lúc bấy giờ có 8 người, nay chỉ còn 4-5 người trụ lại.
Quan tâm đào tạo lớp trẻ
Nhiều năm qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã thực hiện nhiều hoạt động đào tạo và truyền dạy kỹ năng về Nhã nhạc cho lớp nhạc công trẻ. Các đợt tập huấn đều do nghệ nhân Nhã nhạc có kinh nghiệm truyền dạy những kỹ năng biểu diễn và được uốn nắn theo các ngón nghề mà họ đang nắm giữ. Trong đó, đáng kể nhất là khóa đào tạo được tổ chức vào năm 2005, với các chuyên ngành gồm: đàn nguyệt, đàn tam, sáo, trống, đàn tỳ bà, đàn nhị và kèn.
“Đây là khoá đào tạo đặc biệt được thực hiện theo hình thức truyền khẩu từ các nghệ nhân và được dạy ký - xướng âm truyền thống. Khóa học được các giáo sư, nghệ nhân, nghệ sĩ có uy tín trực tiếp lên chương trình và giảng dạy, như GS.TS Trần Văn Khê, GS.TS Tô Ngọc Thanh, PGS.TS Hà Sâm, cố nghệ nhân dân gian Trần Kích, nghệ nhân Trần Thảo, nhà giáo Nguyễn Đình Sáng, nhà Huế học Nguyễn Xuân Hoa…” - Đạo diễn Trương Tuấn Hải, Giám đốc Nhà hát NTTTCĐ Huế, cho biết. Kết thúc khóa học, Trung tâm đã mời 2 chuyên gia về âm nhạc là PGS.TS Oshio Satomi - giảng viên Đại học Miyagi (Nhật Bản) và TSKH. Phạm Lê Hòa - Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Hà Nội, đến Huế tham gia đánh giá chất lượng. Qua nghiên cứu giáo trình, tiếp các nhạc công, giáo viên giảng dạy và các nhà quản lý, hai chuyên gia đánh giá rất cao chất lượng khóa đào tạo từ nội dung, khung chương trình đến phương pháp giảng dạy… Các môn học lý thuyết cung cấp các kiến thức cơ bản về lịch sử âm nhạc truyền thống, trong khi các môn thực hành giúp các nhạc công có được kỹ năng, phương pháp biểu diễn phù hợp và tôn trọng truyền thống âm nhạc của Nhã nhạc.
Hiện, Nhà hát NTTTCĐ Huế có một đội ngũ nhạc công trẻ nhiệt tình và dày dạn kinh nghiệm. Qua quá trình tuyển chọn, đào tạo và truyền dạy, họ sẽ là lực lượng nhạc công Nhã nhạc tương lai có đủ kiến thức về văn hóa và kỹ năng nghề nghiệp. Thời gian tới, Nhà hát NTTTCĐ Huế tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động đào tạo nhạc công Nhã nhạc để tạo nguồn nhân lực kế cận. Tuy nhiên, theo đạo diễn Trương Tuấn Hải, để tiếp tục duy trì và phát huy giá trị di sản Nhã nhạc một cách bền vững hơn, cần thực hiện rất nhiều việc. Như, xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học về giá trị lịch sử và nghệ thuật biểu diễn, các hình thức diễn tấu theo phong cách cung đình; mở rộng nghiên cứu về các lễ hội cung đình của triều Nguyễn để tạo môi trường diễn xướng thường xuyên cho Nhã nhạc; có chính sách ưu đãi đối với đội ngũ nghệ nhân đã có nhiều đóng góp cho dòng nhạc này...

Theo huedisan.com.vn