Tin tức

Mô hình mới đào tạo thạc sĩ nghệ thuật theo hình thức tín chỉ

04 Tháng Mười 2013

PGS.TS. NSND. Lê Ngọc Canh

 

Xã hội là một thực thể tồn tại khách quan, nó phát triển và đổi mới theo tiến trình lịch sử của xã hội loài người trong từng giai đoạn. Xã hội phát triển được là thông qua tri thức học vấn và sự tiến bộ của con người. Chính vì vậy, con người cần được đào tạo để phát triển, tác động vào sự tiến bộ của xã hội. Đào tạo cần gắn kết với xã hội, đào tạo cái xã hội cần là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành văn hóa, sư phạm, nghệ thuật.

Từ thực tiễn xã hội, sự tiến bộ của con người và các thế hệ người Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra định hướng chiến lược: "Đổi mới căn bản giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Theo định hướng chiến lược trên,  nhiều cuộc hội thảo khoa học ở các cơ sở đào tạo, các nhà khoa học đã diễn ra với những luận bàn hữu ích. Bên cạnh đó, trong sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo ở nước ta, bậc học sau đại học Thạc sĩ, Tiến sĩ cũng có nhiều luận bàn về chất lượng  mô hình đào tạo, song mối quan hệ giữa lý thuyết với thực hành, giữa nội dung với cách học truyền thống và hiện đại còn khác nhau.

Là người may mắn, tham gia giảng dạy tại nhiều cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trên cả nước, trong đó có nhiều năm tham gia giảng dạy và hướng dẫn khoa học đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ cùng với việc nghiên cứu nội dung, phương pháp giảng dạy và mô hình đào tạo Thạc sĩ về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, sư phạm, cho thấy những nội dung, mô hình đào tạo có những biến đổi.  Đào tạo Thạc sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là một mô hình thể hiện cụ thể định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước về cải cách giáo dục.

Có thể nói, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là một trường mạnh dạn, tiên phong trong lĩnh vực đào tạo Thạc sĩ về lĩnh vực sư phạm nghệ thuật âm nhạc. Đây là một đổi mới mang tính đột phá.

 

PGS.TSKH. Phạm Lê Hòa – Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW  phát biểu tại Lễ khai giảng khóa III thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc

 

Trước đây, có một số nhà khoa học, nhà sư phạm cho rằng học Thạc sĩ, Tiến sĩ là học làm nghiên cứu, học làm nghề lí luận, mà Thạc sĩ là bước đầu làm khoa học. Vì vậy nội dung giáo trình hoàn toàn về lí luận và hiện tại các cơ sở đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, sư phạm vẫn thực hiện theo giáo trình nói trên. Điều đó là thỏa đáng, nhưng ngày nay Đảng, Nhà nước đã có định hướng là: "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế". Chính vì vậy, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã tạo dựng mô hình mới đào tạo Thạc sĩ tại trường với phương châm học kết hợp với hành, khoa học và thực tiễn đời sống xã hội hiện đại. Đào tạo mẫu người có lí luận có thực hành, nhất chuyên đa năng, giỏi một, biết nhiều, đào tạo cái xã hội cần, môi trường đào tạo cần.

Điều này được thể hiện rõ nét trong chương trình đào tạo Thạc sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Thứ nhất là, về khung chương trình

 Chương trình khung đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc có 40 tín chỉ, thời gian đào tạo tập trung 2 năm. Các môn học chung được thiết kế theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm các môn học liên ngành (Triết học, Ngoại ngữ). Các môn học cơ sở và chuyên ngành cung cấp những kiến thức quan trọng để phát triển kỹ năng Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc. Các môn chuyên ngành tự chọn gắn liền với những nghiên cứu chuyên sâu và hỗ trợ cho các kỹ năng độc lập dựa trên chuyên môn Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc. Danh mục các môn trong chương trình khung bao gồm ba phần:Kiến thức chung; Kiến thức cơ sở và chuyên ngành ; Luận văn tốt nghiệp.

Thứ hai là, về kiến thức chuyên ngành

Ngoài phần kiến thức chung, phần lí luận, khung chương trình rất quan tâm tới lĩnh vực thực hành chuyên ngành với ba học phần có tính lí luận và thực hành, đó là các học phần: Phương pháp dạy học chuyên ngành; Dàn dựng chương trình nghệ thuật và Thực hành nghiệp vụ sư phạm. Những học phần này luôn kết hợp hài hòa với nhau.

Từ chương trình cơ bản của kiến thức chuyên ngành, khung chương trình đào tạo Thạc sĩ còn có những môn học khác mang tính thực hành khá cụ thể như môn Nhạc cụ (piano, organ, guitare…), Công nghệ âm nhạc, Chỉ huy, Sáng tác, Âm nhạc đương đại, Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Lịch sử nghệ thuật thế giới, Mĩ học âm nhạc…

Những học phần trên đều liên quan trực tiếp với mục tiêu đào tạo Thạc sĩ "Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc". Lý luận và phương pháp thực hành là cốt lõi của mô hình đào tạo Thạc sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Trong đó,  môn Dàn dựng chương trình nghệ thuật là học phần mới khá quan trọng. Môn học gồm hai phần, đó là phần Lí luận cơ bản về đạo diễn dàn dựng chương trình nghệ thuật và phần Thực hành đạo diễn, dàn dựng chương trình nghệ thuật.

Môn học đòi hỏi người học phải tư duy logic, khoa học, hệ thống và năng lực tư duy sáng tạo độc lập, chủ động, năng động, giàu trí tưởng tượng. Đây là sự kết hợp tư duy logic với tư duy hình tượng. Nói cách khác là học lí luận kết hợp với thực hành. Như vậy có nghĩa là,Thạc sĩ không dừng lại ở việc nghiên cứu mang tính chất lí luận, mà phải thực hành, phải có trải nghiệm thực tế. Đó mới chính là cái mà xã hội cần.

Hiện nay, việc tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật không chỉ nằm trong khuôn khổ các cơ sở đào tạo nghệ thuật mà còn phổ biến rộng khắp ở các cơ sở đào tạo khác, các cơ quan nhà nước. Nắm bắt được xu thế nói trên và nhận biết được lợi ích, sự cần thiết của môn học dàn dựng chương trình nghệ thuật nên các học viên rất say mê, hào hứng, tự giác, tích cực học tập. Tác giả đã có dịp trao đổi với các học viên và nhận được những phản hồi rất tích cực .Phần lớn các học viên đều cho rằng: Môn học rất hữu ích, rất cần thiết và hơn cả là xã hội rất cần.  Đó chính là động lực, giúp các học viên hào hứng tập luyện, tư duy sáng tạo mặc dù môn học khó, vất vả, đòi hỏi phải vận động trí tuệ, vận động cơ thể.

 

Tác giả bài viết (thứ tư từ trái sang) và các giảng viên, học viên của lớp Cao học âm nhạc KI, KII

 

Nhân dịp thi hết môn dàn dựng chương trình nghệ thuật của lớp cao học âm nhạc khóa I, khóa II, người viết bài này đã được thưởng thức và thấy được tiềm năng sáng tạo nghệ thuật của học viên khá phong phú, nhiều triển vọng, có những sáng tạo mới, độc đáo, hấp dẫn với công chúng. Cũng trong dịp này, PGS.TSKH Phạm Lê Hòa- Hiệu trưởng nhà trường đã nhận xét: "Học viên cao học âm nhạc đã thi hết môn dàn dựng chương trình nghệ thuật rất thành công, rất bất ngờ, có nhiều sáng tạo, hấp dẫn, kết quả ngoài mong đợi. Điều này chứng minh cho định hướng, mục tiêu đào tạo Thạc sĩ của trường là đúng. Trường sẽ nghiên cứu, có thể đây sẽ là một môn thi tốt nghiệp đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành "Lí luận và phương pháp dạy học âm nhạc".

Như vậy, mô hình đào tạo Thạc sĩ của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là một mô hình mới, táo bạo, kết quả. Đây là một trong những biểu hiện cụ thể định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước về cải cách giáo dục ở nước ta. Đào tạo một mô hình, một mẫu người chuyên sâu một lĩnh vực, nhất chuyên đa năng, giỏi một biết nhiều, lí luận kết hợp với thực hành, nói và làm cái xã hội cần, môi trường đào tạo cần. Học viên ra trường được làm nghề đúng với ngành nghề được đào tạo. Đó chính là ước mong và mục tiêu đào tạo của trường. Có thể nói, mô hình đào tạo Thạc sĩ của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là một mô hình đào tạo mới, hữu ích để các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, sư phạm tham khảo.