Tin tức

Một gợi ý cho Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

03 Tháng Mười 2013
Sốc nặng. Rồi thở phào. Rồi ngán ngẩm. Có lẽ, rất đông người hưởng lương đã trải qua đủ cả 3 trạng thái tinh thần sau khi đọc một bản tin chỉ vài trăm chữ cho biết Bộ Tài chính muốn giảm 100.000 đồng trong phần tiền lương tối thiểu vốn đã còm cõi - như một biện pháp “cân đối thu-chi”.

 

 

Phải mở ngoặc nói thêm là khoản 100.000 đồng tăng thêm vừa có hiệu lực từ 1.7 vừa qua. Và, theo VnExpress, khi đưa ra thông tin này trong phiên họp thường kỳ Chính phủ hôm 29.9, chính Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng phê phán kiến nghị này là quá “phản cảm”.

Sốc, là bởi trong phiên họp QH ngày 31.10.2012, Bộ trưởng Tài chính - bấy giờ là ông Vương Đình Huệ - giải thích lý do lương chỉ tăng 100.000 đồng - từ 1.050.000 đồng lên 1.150.000 đồng, thay vì tăng lên 1,3 triệu đồng như dự kiến - là vì “Với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, phương án tăng 100.000 đồng/tháng được coi là thích hợp và khả thi nhất”.

Bộ trưởng Huệ ngậm ngùi nói khó vì đã không thể tăng lương như lộ trình, như tốc độ trượt giá. Còn những người hưởng lương thì ngậm ngùi thít chặt hơn “sợi dây chuối chi tiêu” như một sự cam chịu để chia sẻ những khó khăn với đất nước.

Sốc, là bởi trong khi Tổng LĐLĐVN đang đề nghị một mức lương (cho khu vực doanh nghiệp) theo nguyên tắc để người lao động ít nhất đảm bảo cuộc sống tối thiểu, thì những người nắm giữ chính sách lại đang thể hiện tầm nhìn và tư duy quản lý bằng một “sợi dây chuối”.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phê phán đây là một đề nghị phản cảm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì khẳng định: “Không thể giảm lương, khi lương 3 năm tăng thêm 35%, nhưng giá cũng tăng 35%”.

Xin cảm ơn các vị lãnh đạo Chính phủ vì sự đồng cảm với những người hưởng lương. Nhưng có một điều vẫn cần phải nói, từ chính con số tiền lương tối thiểu vùng 2,7 triệu đồng mà Bộ LĐTBXH cũng vừa trình Chính phủ. Ấy là chuyện với mức lương đó, người lao động thực sự vẫn chưa thể đảm bảo mức sống tối thiểu.

Chúng ta có thể lo ngại khi ngân sách không cân đối được lương. Chúng ta có thể lo lắng việc tăng lương cho người lao động sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư nước ngoài. Chúng ta có thể giải thích việc tăng lương quá cao, cao đến có thể đủ sống tối thiểu, có thể làm mất sức cạnh tranh khi Việt Nam không còn đồng nghĩa với lợi thế nguồn nhân công giá rẻ. Nhưng không có sự thâm thủng nào lớn hơn sự thâm thủng túi tiền người dân. Không có sự ảnh hưởng nào lớn bằng sự ảnh hưởng tới bữa cơm người lao động. Còn lợi thế nguồn nhân công giá rẻ chưa bao giờ là tốt cho chính nguồn nhân công đó.

Cũng trong ngày hôm qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chính thức kiến nghị Chính phủ không triển khai xây dựng trụ sở mới của chính Bộ Xây dựng. Đây là động thái có tính chất làm gương, trong đề xuất cắt giảm chi tiêu, cân đối ngân sách 2014 bằng việc rà soát lại việc đầu tư, tạm dừng lại các công trình chưa thực sự cần thiết.

Thời báo Kinh tế Việt Nam dẫn lời Bộ trưởng Dũng: “Chúng tôi tính toán rồi, nếu xây mới cũng phải mất vài nghìn tỉ đồng, trong khi trụ sở cũ chỉ cần bỏ ra khoảng 100 tỉ để cải tạo, sửa chữa lại thì vẫn dùng được trong một vài chục năm nữa”.

Hình như 100 tỉ để sửa chữa rất khác so với vài ngàn tỉ để xây mới.

Hình như đó là một gợi ý tốt cho Bộ Tài chính trong việc cân đối thu-chi, để sẽ không lần đầu tiên trong lịch sử kể từ ngày thống nhất đất nước, xảy ra câu chuyện Chính phủ phải cắt giảm lương tối thiểu vì những khó khăn về tài chính.
Theo laodong.com.vn