Tin tức

Hà Tĩnh: Màn trời chiếu đất ở Hương Sơn

20 Tháng Mười 2013

Cơn lũ quét qua nhiều xã ở Hà Tĩnh vào sáng 16.10 đã để lại hậu quả rất kinh hoàng và nặng nề, vượt xa trí tưởng tượng của những người dân đang sống ở đây. Người chết, nhà trôi, làng xóm tan hoang… ở xã vùng biên này chỉ vì sự giận dữ của thiên nhiên. Hàng ngàn đồng bào Hà Tĩnh phải màn trời chiếu đất đang gắng gượng đứng dậy…

 

 

Cuốn phăng tất cả trong nháy mắt

Sau cơn lũ quét kinh hoàng vào sáng 16.10, đến hôm nay các xã vùng thượng thuộc huyện Hương Sơn nước đã rút hết. Chính quyền, các ban ngành và người dân hối hả vào cuộc khắc phục thiệt hại. 

Tại xã Sơn Kim 2, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất do lũ quét gây ra, theo thống kê chưa chính thức của ông Cao Kỷ Vị - Chủ tịch UBND xã - thì có 400 hộ gia đình bị ngập, trong đó nặng nhất là 200 hộ ở làng Hạ Vàng, làng Chè. 

Chị Nguyễn Thị Lan (31 tuổi, ở làng Chè) - một trong những hộ bị cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, gia sản - mắt ngấn lệ kể: “Hôm đó nước về dữ lắm, những con nước đỏ au cao 4-5m như sóng thần cứ chồm về. Dù ngày trước đã nghe chính quyền thông báo về tình hình thời tiết và đã có chuẩn bị nhưng chúng tôi không thể tưởng tượng nổi cơn lũ lại kinh hoàng như vậy. May là cả 2 vợ chồng và đứa con kịp sơ tán trước, mấy con trâu cũng đã dắt lên đồi cao không thì chưa biết chuyện gì xảy ra nữa”. 

Tại nơi chị Lan đang đứng, ngôi nhà cả gia đình sinh sống như chưa hề tồn tại. Nước lũ cuốn phăng, đánh dạt cả tường bêtông, mái ngói ra xa hàng chục mét; lũ còn khoét sâu nền nhà tạo thành hố lớn như hố bom. Mọi thứ trong nhà biến mất chỉ trong mấy tiếng đồng hồ. 

“Lũ đổ về ồ ạt khoảng 6 giờ sáng, đến gần trưa nước hạ dần, hai vợ chồng chạy về xem nhà cửa ra răng, đến nơi cứ tưởng mình đi nhầm đường, không còn thấy bóng dáng nhà của mình đâu nữa, nước tiếp tục cuốn nào nồi niêu, cánh quạt đi mà chúng tôi chỉ biết đứng nhìn chứ không làm gì được, tôi chỉ biết gục vào ngực chồng mà khóc thôi” - chị Lan thẫn thờ bên mớ áo quần rách bươm còn vướng lại, kể.

Lũ cuốn trôi mọi thứ, giờ đây từ miếng ăn đến giấc ngủ của gia đình chị Lan đều phải nhờ vả vào người quen, xóm giềng. Chồng và đứa con đầu thì ngủ bên nhà nội, chị Lan kiếm chỗ ngả lưng ở nhà mẹ. Miếng cơm, nước uống giờ phải vịn vào người thân mà sống. 

Tại làng Hạ Vàng, cảnh ngộ ông Nguyễn Thanh Hà cũng bi đát không kém. Căn nhà gỗ nơi ông đang ở bị lũ quét sập tan tành, nền nhà còn bị nước bới lên, chiếc giường để nằm lọt thỏm xuống hố đất. 

Ngồi thẫn thờ, ông Hà than: “Giờ tôi chỉ biết ở nhờ, ăn nhờ, ngủ nhờ làng xóm thôi. Mọi thứ bị cuốn hết rồi, không biết khi mô mới có chỗ chui ra, chui vào lại đây”. 

Ông Nguyễn Thanh Hà (xã Sơn Kim 2) thẫn thờ bên căn nhà bị lũ đánh sập.

Nấu nồi nước sôi để pha mì gói cho cả nhà ăn bằng chiếc ấm nước duy nhất còn lại không bị lũ cuốn trôi, chị Nguyễn Thị Hằng (làng Chè) không còn giữ được bình tĩnh: “Nhà ở sâu trong ni mà hắn (nước lũ) vẫn tràn vô cuốn phăng hết, ván nhà, đồ đạc, lúa gạo mất sạch trắng. Sáng nay (18.10), nhà hàng xóm mới cho nắm xôi mấy đứa con mới đỡ đói sau đận nhịn tối qua”.

Nhà trôi, trâu bò, của nả chi cũng trôi hết

Ngày 18.10, người dân làng Kim Quang (huyện Vũ Quang) trở về sau hai ngày trốn chạy lũ quét. Vừa đến nhà, bà Nguyễn Thị Thức bàng hoàng trước cảnh tượng chỉ còn ngôi nhà trống hoác, bao nhiêu tài sản trong nhà đã bị lũ cuốn phăng. 

“5 giờ rưỡi sáng, nước lũ dội xuống ầm ầm, ngập nhà trong nháy mắt. Tui với ông nhà dắt nhau chạy mà chẳng kịp khuân đồ đạc chuyển đi. Tui sống 53 năm rồi mà chưa thấy trận lũ nào lớn như ri. Chừ thì trắng tay thật rồi chú ạ” - bà Thức thuật lại trận lũ kinh hoàng trong nước mắt. 

Ở nhà cạnh bên, chị Bùi Thị Thúy ôm đứa con vừa tròn 4 tháng tuổi ngồi thất thần bên ngôi nhà vừa bị lũ cuốn chỉ còn trơ lại cái nền. “Chồng tui đứng từ trên cao nhìn xuống thấy ngôi nhà bị lũ tấn công, nó nghiêng dần rồi trôi theo nước. Có cái nhà để che nắng che mưa cũng bị lũ cuốn đi, giờ tui chỉ còn hai bàn tay trắng” - chị Thúy kể. 

Hai hôm nay, hai mẹ con chị Thúy phải đi ở nhờ nhà hàng xóm, quần áo mặc cũng phải mượn từng nhà. Đứa con tròn bốn tháng tuổi không có gì để ăn, gắng lắm hàng xóm mới nấu cho cháu bát cháo loãng. Còn tương lai, chị Thúy bảo không biết sẽ đi về đâu.

Ngoài nhà cửa, đàn bò của nhiều hộ gia đình ở xã Hương Quang cũng bị lũ cuốn trôi. Bà Nguyễn Thị Châu (xóm Cò, xã Hương Quang) như người mất hồn, bà khóc và kể: “Tui vay mượn hơn 700 triệu mua đàn bò về chăn nuôi. 80 con bò lớn nhanh, tui mừng lắm. Hôm rồi, tui dắt bò sang đồi bên cho ăn cỏ. Lũ lên, bò không kịp xua về, 50 con đã bị lũ cuốn không biết đi về mô, chúng còn sống hay đã chết. Chừ còn ba chục con mần răng mà trả được nợ, kiểu này e chết mất thôi”. 

Không chỉ gia đình bà Châu mà nhiều hộ dân khác trên địa bàn cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Ông Nguyễn Đình Tiến - Bí thư Đảng ủy xã Hương Quang - lắc đầu ngao ngán trước sự tàn phá của cơn lũ. “Lũ lên nhanh quá khiến dân tui không kịp trở tay. Hàng trăm trâu bò, lợn, hàng ngàn gia cầm đã bị mất trong phút chốc. Phải rất lâu nữa người dân mới đứng dậy được, bởi giờ đây những gì dân còn lại chỉ là con số không tròn trĩnh” - ông Tiến nói.

Khó gượng dậy nổi

Theo những người cao niên ở vùng núi Hương Sơn, đây là trận lũ quét kinh hoàng và tàn khốc nhất trong hàng chục năm qua. Trong cơn lũ năm 2002, nước lũ dù lớn nhưng không có mức độ tàn phá lớn như đợt lũ này. 

Tại khắp thôn xóm thuộc Sơn Kim, hàng tấn bùn đất bao trùm các ngôi nhà, trường học, công sở. Hàng chục cột điện, đường sá bị hư hỏng. Đã có hai chiếc cầu bêtông cốt thép chắc chắn là cầu làng Chè và cầu Khe Rồng bị nước lũ bẻ gãy. Phía trên đó, quốc lộ 8A cách cửa khẩu Cầu Treo vài cây số cũng bị lũ đánh sạt cắt đứt lưu thông giữa Việt Nam và Lào, khiến hàng trăm khách du lịch trong nước và quốc tế bị mắc kẹt. 

Trước tình thế này, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã gấp gáp tập trung quân giải nguy 30 khách du lịch quốc tế rời khỏi vùng nguy hiểm. Đến chiều tối ngày 18.10, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tiến hành các thủ tục cho 350 du khách mắc kẹt tại cửa khẩu đi qua đường 12 cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) và số khác được tăng bo về xuôi an toàn.

Trở lại câu chuyện giúp dân đứng lên sau lũ, ông Cao Kỷ Vị cho biết, trước mắt chính quyền xã đang phối hợp với huyện cùng các lực lượng liên quan giải quyết các vấn đề trước mắt như hỗ trợ người bị chết trong lũ, dọn dẹp các công trình công cộng và ổn định cuộc sống người dân sau lũ. Xã cũng đang thống kê thiệt hại để trình lên huyện xem xét hỗ trợ cho người dân bị sập nhà, mất tài sản…

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 5 người chết, bị thương 6 người; hiện còn 10 người đi rừng ở xã Sơn Kim 2 mất tích đã 7 ngày vẫn chưa tìm thấy. Mưa lũ cũng đã làm ngập và hư hại hoàn toàn 2.608ha ngô đồng; 441ha khoai đông; 929ha hoa màu và hàng trăm hécta diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, hàng chục ngàn con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi. Hoàn lưu của gió bão Nari cũng đã làm hàng trăm hécta cây lâm nghiệp và 150ha cây caosu bị gãy đổ. 

Đến chiều ngày 18.10, đã có gần 58.000 nhà trên toàn tỉnh bị ngập lũ, trong đó nặng nhất là huyện Hương Sơn với hơn 25.000 nhà, Đức Thọ hơn 13.000 nhà, Vũ Quang gần 10.000 nhà… Lốc xoáy sau bão Nari cũng khiến hàng trăm hộ dân phải chịu cảnh màn trời chiếu đất do nhà bị sập đổ, tốc mái, trong đó nhiều nhất ở huyện Thạch Hà với 118 hộ, TP.Hà Tĩnh 160 hộ.

Ước tính thiệt hại ban đầu trong trận lụt tại Hà Tĩnh đến nay khoảng gần 500 tỉ đồng. Hiện tại, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung cứu trợ người dân vùng lũ như phát mì tôm, gạo, nước uống, thuốc khử trùng… Bên cạnh đó, huy động tổng lực các lực lượng như quân đội, công an, thanh niên tình nguyện giúp dân khắc phục hậu quả, nước xuống đến đâu khắc phục đến đó.
Theo laodong.com.vn