Nội san

Nhấn nhá, thủng thẳng trong hát Quan họ

10 Tháng Giêng 2014

Đặng Phương Lan

 

           Người Kinh Bắc thường nhận xét rằng: hát Quan họ là hát nhấn nhá, hát thủng thẳng. Song thế nào là hát nhấn nhá, thủng thẳng thì chưa có lời giải thích một cách thấu đáo, mà mỗi người tự ngầm hiểu theo cách cảm thụ riêng của mình…

Về khái niệm nhấn nhá, thủng thẳng trong ca hát truyền thống, tác giả Trần Ngọc Lan trong công trình nghiên cứu của mình đã viết:

Quan họ: kỹ thuật thanh nhạc Quan họ còn có những nét riêng như hát nảy hạt, hát dứt tiếng, hát thủng thẳng nhấn vào từng chữ tạo điều kiện hát tiếng một” [1, tr.45].

Ngâm thơ truyền thống: “Lẩy kiểu có lối “nhả chữ” thủng thẳng, nhấn vào từng từ, trải rộng với giai điệu bình ổn, hài hoà, không đột biến như ngâm Sổng” [1, tr.36]. 

           Hát ru và Ngâm thơ: phương thức phát âm và “nhả chữ” trong một số làn điệu hát ru và ngâm thơ có những đặc trưng: “Lối “nhả chữnhấn nhá vào từng từ. Ngoài ý đồ nghệ thuật và thẩm mĩ, còn làm rõ từ giúp ngâm từ nào ra từ nấy” [1, tr.37]. 

          Xẩm:Nhả chữ với cường độ mạnh, tạo cảm giác thô ráp, không trau chuốt, thủng thẳng hát tiếng một, làm cho Xẩm đặc biệt không giống với bất cứ một loại hình ca hát dân gian nào” [1, tr. 51]. 

Theo đó, đặc trưng nhá, nhấn thủng thẳng không phải là của riêng Quan họ, mà có ở nhiều thể loại ca hát truyền thống. Từ đây, theo cách nhìn của chúng tôi, có hai điểm cần lưu ý: một là, cần phân biệt nhấn nhá, thủng thẳng – là những đặc trưng diễn đạt của lời ca, khác với các đặc trưng âm thanh như vang, rền, nền, nẩy…; hai là, tuy nhấn nhá, thủng thẳng là đặc trưng diễn đạt ca từ của nhiều thể loại dân ca, song cách thức biểu hiện ở mỗi thể loại có những nét đặc trưng riêng.

 

Ảnh: Hội Lim

 

         Nhằm làm sáng tỏ đặc trưng nhấn nhá, thủng thẳng trong Quan họ, chúng ta hãy xem cách hát chữ ngồi và lời ca trong bài Ngồi tựa song đào.

         Ngồi tựa song đào là một trong những làn điệu tiêu biểu của Quan họ, thuộc giọng Vặt. Bài hát được xây dựng dựa trên lời thơ gồm 7 câu:

Đêm qua ngồi tựa song đào

Hỏi người tri kỷ ra vào vấn vương

Năm canh gió lạnh đêm trường

Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường đợi ai

Đôi tay ngắt nhụy huê nhài

Tay giơ đón gió, tay chòi ghẹo trăng

Rủi may bởi tại chị Hằng

Ở trổ một, lời thơ chỉ sử dụng một lần chữ ngồi (Đêm qua ngồi tựa song đào), nhưng khi hát chữ ngồi được hát tới 6 lần:

        Ngồi (1) rằng là  ngồi (2) tựa i i i i, có mấy song ơi ơi i song đào là ngồi (3) tựa i i song đào, ấy mấy đêm là ư đêm i hôm qua. Ngồi (4) rằng là  ngồi (5) tựa ơ ơ, có ơ ơ mấy song ư ư ơ ơi ơi song đào là ngồi (6) tựa ơ ơ song đào.

 

 

Điều thú vị là, chữ ngồi được hát khác nhau về cao độ, trường độ, cường độ và cả cách luyến láy, nẩy hạt, không nẩy hạt và đóng chữ:

Chữ Ngồi (1) được hát là ngô + ô ô ô ô ồ + ồi. Âm ô được ngân rung như có nhiều âm ô  liên tiếp, được luyến xuống và đóng chữ bằng vần ồi, tạo rõ chữ là ngồi  với thanh huyền.

Chữ Ngồi (2) được hát là ngô + ô ô ô ô ố + ối. Âm ô được ngân rung như có nhiều âm ô  liên tiếp, được luyến lên, nẩy hạt và đóng chữ bằng vần ối, tạo thành ngối với thanh sắc.

Chữ Ngồi (3) được hát là ngô + ô + ồi. Âm ô được ngân ít, luyến xuống, không  nẩy hạt và đóng chữ bằng vần ồi, tạo thành ngồi với thanh huyền.

 Chữ Ngồi (4) được hát là ngố + ô ô ô ô ố + ôi. Âm ô được bắt đầu với thanh sắc (ngố), luyến xuống rồi lại luyến lên, ngân rung (ô ô ô ô ố) và đóng chữ bằng vần ôi, tạo thành ngôi  với thanh ngang.

 Chữ Ngồi (5) được hát là ngồ + ô ô ô ô ố + ối. Âm ô được  bắt đầu bằng thanh huyền (ngồ),  ngân rung,  luyến xuống  rồi luyến lên, không nẩy hạt và đóng chữ bằng vần ối, tạo thành ngối với thanh sắc.

 Chữ Ngồi (6) được hát giông như chữ Ngồi (3), âm ô được ngân ít, luyến xuống, không  nẩy hạt và đóng chữ bằng vần ồi, tạo thành ngồi với thanh huyền.

           Với cách hát như vậy, về thanh điệu ta thấy có một chuỗi chữ ngồi: ngồi – ngối – ngồi – ngôi –ngối – ngồi. Tuy chữ ngồi được hát với những thanh điệu khác nhau, nhưng nhờ có chữ ngồi mở đầu, được hát rõ chữ với thanh huyền, nên cách hát ngối (thanh sắc), ngôi  (thanh ngang) vẫn được xem là rõ chữ và hoàn toàn tuân theo quy luật của tiếng Việt: Khi điệp, thanh điệu có thể thay đổi, như trong trường hợp từ láy trăng trắng, đo đỏ, tim tím, lẳng lặng…

Chữ ngồi trong ngôn ngữ vốn chỉ nói về tư thế của cơ thể, khác với đứng, nằm… Cách hát chữ ngồi được lặp lại không giống nhau, thực sự gây được sự chú ý của người nghe, đồng thời tạo cảm giác đây không phải là trạng thái bình thường, không phải là sự thư thái, bình an… Và quả thật, những câu tiếp theo của bài hát đã minh chứng cho điều này. Rõ ràng, cách xử lý hát chữ ngồi tinh tế và sáng tạo, giầu chất nghệ thuật, đã tạo nên chữ ngồi với nhiều cảm xúc.

          Thoạt nghe, tưởng chừng cách hát chữ ngồi như vậy, chỉ là hiện tượng điệp, phổ biến trong ngôn ngữ. Điệp - gồm điệp vần, điệp từ, điệp ngữ, điệp ý, được dùng nhiều trong ngôn ngữ, đặc biệt là trong thơ ca, nhằm tăng thêm tính biểu cảm trong diễn đạt.

Đương nhiên, những chữ điệp trong lời thơ sẽ được hát điệp trong bài hát. Chữ ngồi bàn ở trên không được điệp trong lời thơ, nhưng được hát điệp tới 6 lần. Như vậy, hiện tượng hát điệp (điệp chữ, điệp khúc) không nhất thiết phụ thuộc vào lời thơ có điệp, hay không có điệp. Hiện tượng hát điệp còn có thể thấy rõ trong bài Ngồi tựa song đào, như các chữ người, ra vào, chăn, nửa giường, giơ, mặc dù trong lời thơ những chữ này không được điệp.

          Các đoạn (khúc) ngồi tựa song đào, gió lạnh đêm trường, ngắt nhụy hoa nhài không được điệp lại trong lời thơ, nhưng trong bài hát mỗi đoạn đều được điệp 4 lần với sự thêm, bớt nhất định một số chữ và tiếng đệm, đồng thời thay đổi giai điệu và tiết tấu.

 

Ảnh: Hát Quan họ Hội Lim

 

          Hiện tượng hát điệp chữ, điệp đoạn (điệp khúc) có thể bắt gặp ở hầu hết các bài Quan họ. Một chữ hoặc một đoạn, có thể được hát điệp lại một số lần. Ví dụ:

          Trong bài Cây trúc xinh chúng ta bắt gặp 5 chữ xinh và 4 chữ đứng:

Chị Hai xinh tang tình là chị Hai đứng, đứng nơi nào qua lới xinh càng xinh, đứng,đứng nơi nào qua lới xinh càng xinh

          Bài Năm liệu bảy lo chữ bẩy đành đều được điệp 5 lần:

         Những là năm liệu i i i i rằng i i i iii ơ ờ bẩybẩy ơ a bẩy bẩy lo, ơ a những là năm liệu bẩy lo i i i iiiii. Lòng em ơ là em thương mến i i i ii a i i i ii đành ơ ơ a đành i a ơ đanh đành lòng ư a đành lòng sang chơi

Trong bài Ba mươi sáu thứ chim chữ tre được điệp 7 lần:

           Trong Quan họ a người trồng tre a này còn như, người trồng tre cho tôi biết ơ tre tôi mà thứ tre, thứ tretre chẻ lạt, thứ tre tôi để làm nhà

           Như vậy, cần phân biệt hiện tượng điệp trong lời thơ và hiện tượng hát điệp. Cách hát điệp lại một chữ, hoặc một đoạn, nhằm tạo sự quan tâm, chú ý hơn đến chữ đó, đoạn đó, chính là hát nhấn nhá. Chữ nhấn trong nhấn nhá có nghĩa tạo sự quan tâm, chú ý bằng cách nhá (nhấn bằng cách nhá), còn chữ nhá có nghĩa nhai lại nhiều lần, để nhấn một chữ hay đoạn nào đó (nhá để mà nhấn).

          Cùng với nhấn nhá, trong bài Quan họ còn sử dụng nhiều tiếng đệm đan xen giữa các chữ của lời thơ, nhiều khi còn thêm chữ, ngắt chuyển vị trí của các chữ trong lời thơ, làm cho câu thơ không được hát thẳng một mạch từ chữ đầu đến chữ cuối. Chẳng hạn, câu thơ Đêm qua ngồi tựa song đào được hát là Ngồi rằng là ngồi tựa i i i i, có mấy song ơi ơi i song đào là ngồi tựa i i song đào, ấy mấy đêm là ư đêm i hôm qua.

Cách hát nhấn nhá, đảo chữ, thêm chữ vào lời thơ, dùng nhiều tiếng đệm, đan xen tạo thành một lối hát đặc trưng, được người Quan họ đặt cho cái tên rất dân dã là hát thủng thẳng. Hát thủng thẳng trong Quan họ không đơn giản chỉ là sự hát chậm, bởi nhanh/chậm thuộc tiết tấu của bài hát ở tất thảy mọi thể loại, mà quan trọng hơn cả là ở cách hát chậm.  

         Cách hát nhấn nhá, thủng thẳng tạo cho câu hát Quan họ có cách diễn đạt mở dần, có cảm giác như trả lời dần dần từng câu hỏi. Cách diễn đạt như vậy có thể gọi là cách diễn đạt khai – mở. Chẳng hạn, câu đầu của bài Ngồi tựa song đào:

 

Khai: Ngồi

Mở: + Ngồi thế nào? – (là) ngồi tựa

                  + Ở đâu? – (có mấy song ơi ơi i) song đào

                  + Khi nào? – (ấy mấy) đêm

                  + Đêm nào?- (là) đêm hôm qua

Câu thứ 3 của trổ 1:

Khai: Hỏi

Mở: + Hỏi ai? – hỏi người

                  + Người nào? – (là) người tri kỷ

                  + Hỏi gì ? – (cũng có a ra vào là) ra vào có thấy vấn  vương

Hoặc câu kết của bài:

Khai: Rủi may

Mở: + Tại sao? – bởi tại (iơ ơ) Hằng

                  + Hằng nào? – (ơi a là) chị Hằng

          Nói là diễn đạt khai - mở, thực ra đây  là hệ quả tất yếu của lối hát nhấn nhá, thủng thẳng. Khai hay mở chỉ là tương đối, vì quá trình khai – mở gần như diễn ra liên tục trong bài Quan họ: khai để mở; mở lại có thể trở thành khai, để rồi lại mở

          Với sự trình bày ở trên, có thể nhận định rằng: Đằng sau cách hát chữ ngồi trong bài Ngồi tựa song đào, chính là nghệ thuật hát nhấn nhá, thủng thẳng của dân ca Quan họ. Các tên gọi nhấn nhá, thủng thẳng, thoạt nghe rất mộc mạc, dân dã, liên tưởng đến những hình tượng cụ thể (nhá - nhai, đi thủng thẳng, nói thủng thẳng), mà lại mơ hồ, trừu tượng, khó nhận diện, ẩn chứa nhiều thủ pháp nghệ thuật của những làn điệu Quan họ đậm chất văn hóa Kinh Bắc.

           Hiện tượng nhấn nhá, thủng thẳng ở một số thể loại dân ca có nhiều điểm khác biệt với nhấn nhá, thủng thẳng trong hát Quan họ về mức độ phổ biến, mô hình và tính chất…. Chắc chắn rằng, nếu tìm hiểu thấu đáo hiện tượng nhấn nhá, thủng thẳng ở các thể loại dân ca khác, có thể khám phá được nhiều bí ẩn thú vị về đặc trưng ngôn ngữ, văn hóa và nghệ thuật của dòng ca hát truyền thống. 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

      1.Trần Ngọc Lan (2011), Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, NXB giáo dục Việt Nam.

       2.Trần Linh Quý – Hồng Thao (1997), Tìm hiểu dân ca Quan họ (giáo trình giảng dạy), NXB Văn hóa dân tộc.

      3. Nhiều tác giả (1972), Một số vấn đề về dân ca quan họ, Ty văn hóa Hà Bắc.

      4. Nguyễn Văn Phú, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Viêm, Tú Ngọc (1962), Dân ca quan họ Bắc Ninh, NXB Văn hóa viện văn học.

     5. Hồng Thao (1997), Dân ca quan họ, NXB âm nhạc.

     6. Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý (1978), Quan họ - Nguồn gốc và quá trình phát triển, NXB khoa học xã hội.