Nội san

Đưa Cồng chiêng Mường vào chương trình giáo dục âm nhạc cho bậc Trung học cơ sở ở tỉnh Hòa Bình

14 Tháng Giêng 2014

Nguyễn Quang Nhã

 

Trong những năm gần đây, với chủ trương và định hướng của giáo dục nước ta hiện nay, việc tăng cường giáo dục cho thế hệ trẻ biết trân trọng và giữ gìn các di sản văn hóa mang bản sắc dân tộc, tuyên truyền và đưa các di sản văn hóa vào các nhà trường phổ thông, các chương trình giáo dục ở các cấp học là một vấn đề hết sức cần thiết. Đây chính là một hình thức bảo tồn và phát huy có tính thiết thực và lan tỏa tốt nhất.

Cùng với Cồng chiêng Tây Nguyên, Cồng chiêng Mường là một trong hai hiện tượng văn hóa nghệ thuật cồng chiêng ít ỏi còn được lưu giữ trong đời sống cộng đồng người Mường và trong các công trình nghiên cứu của các nhà Văn hóa học, Âm nhạc học.Tuy nhiên, văn hóa nghệ thuật Cồng chiêng Mường lại đang có xu hướng bị mai một dần vì những tác động của sự phát triển xã hội. Đặc biệt, những thế hệ trẻ người Mường ở Hòa Bình hiện nay lại ít có điều kiện được tiếp xúc với loại hình văn hóa nghệ thuật hết sức độc đáo này, bởi công tác bảo tồn và phát huy của tộc người Mường cũng chưa có những giải pháp mang tính thiết thực, có những vùng hầu như Cồng chiêng Mường chỉ còn lại cái tên và hình ảnh. Do vậy, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa nghệ thuật này là rất cần thiết đối với dân tộc Mường nói riêng và với nền văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung.

Đề tài Đưa Cồng chiêng Mường vào chương trình giáo dục âm nhạc cho bậc Trung học cơ sở ở tỉnh Hòa Bình được tiến hành nhằm bước đầu nghiên cứu những cách thức, phương pháp trong việc đưa một số bài bản Cồng chiêng Mường có cấu trúc đơn giản vào giảng dạy cho các em học sinh ở các trường Trung học cơ sở tỉnh Hòa Bình để đưa văn hóa Cồng chiêng Mường đến gần hơn với thế hệ trẻ của tỉnh Hòa Bình, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa độc đáo này.

Trong những tài liệu mà chúng tôi nghiên cứu, cuốn tài liệu Cồng chiêng Mường của tác giả Kiều Trung Sơn, Nhà xuất bản Lao động (2012), trang 133-135 đã tổng hợp và đưa ra được quan điểm nhìn nhận, đánh giá chung nhất về cơ cấu dàn chiêng cũng như cách gọi tên chiêng trong dàn chiêng của người Mường . Theo đó, chúng tôi cũng rất đồng tình với cách chia nhóm và gọi tên như tác giả Kiều Trung Sơn. Để đưa vào giảng dạy, nhất là đưa vào giảng dạy bằng "chiêng ống, chiêng pháo" chúng tôi đã sử dụng phương pháp mô hình hóa các tầng âm trong các bài bản Cồng chiêng của tác giả Kiều Trung Sơn và trình bày theo các sơ đồ sau:

 

  

Quan sát hai mô hình trên có thể thấy, nghệ thuật cồng chiêng Mường dù có chia nhóm như thế nào và tên gọi của chúng ra sao thì trong dàn Cồng chiêng Mường cũng chỉ quy về 3 tầng âm cơ bản đó là cao - trung - trầm. Vì vậy, để có thể đánh được bài chiêng đơn giản chỉ cần tối thiểu 4 đến 5 chiếc chiêng. Đây là một yếu tố rất thuận lợi cho việc đưa những bài bản cồng chiêng vào giảng dạy cho bậc trung học cơ sở.

            Từ những điều kiện, cơ sở đã tìm hiểu và nghiên cứu, chúng tôi lựa chọn những bài bản cồng chiêng, chuẩn bị chiêng ống tre dùng thay thế chiêng bằng đồng để giảng dạy; Xây dựng bài giảng cụ thể của một tiết dạy bài chiêng và một số những hình thức đưa nghệ thuật Cồng chiêng vào giảng dạy khác.

 

Ảnh:  Chiêng bằng ống tre dùng thay thế chiêng đồng trong giảng dạy

 

            Trong phần soạn giáo án chúng tôi đã quy định tầng âm như:         

                                                - Tầng âm cao: Vỗ tay - chiêng Beng

                                                - Tầng âm trung: Vỗ bàn - chiêng Boòng

                                                - Tầng âm thấp: Dậm chân - chiêng Khầm

(kết hợp miệng đọc tên chiêng tương ứng)

            Phần đầu của bài chiêng thực nghiệm chỉ dùng một chiêng thuộc tầng âm cao nhất. Vì vậy, đoạn đầu sẽ thực hiện vỗ tay. Qua thực nghiệm cho thấy,  ở phần giữa bài, nếu chỉ gõ mà không đọc lên thì các em sẽ khó thuộc giai điệu cũng như thuộc tiết tấu của bài chiêng hơn so với việc vừa gõ tiết tấu vừa đọc giai điệu (thực hiện bằng cách mô phỏng hóa giai điệu và tiết tấu). Chúng tôi thực hiện mô phỏng hóa giai điệu và tiết tấu bài chiêng cụ thể như sau:

Bàn - tay - bàn - dậm

Tay - bàn - tay - dậm

Bàn bàn - tay - bàn - dậm

Tay tay - bàn - tay - dậm

Bàn bàn - tay bàn - tay bàn - dậm

Tay tay - bàn tay - bàn tay - dậm

(Bàn: vỗ tay xuống bàn; Tay: vỗ tay; Dậm: dậm chân xuống đất)

            Ở mỗi một câu mô phỏng chúng tôi có dùng dấu gạch ngang (-) giữa các từ với mục đích phân biệt các phách ví dụ trong câu đầu tiên Bàn - tay - bàn - dậm mỗi một từ được ngăn cách bằng dấu gạch ngang ở đây tương đương với một phách và trong câu này sẽ có 4 phách và một từ ở đây tương đương với một nốt đen trong bài chiêng (nhịp 4/4). Những câu chúng tôi ghi liền hai từ như Bàn bàn - tay bàn - tay bàn - dậm có nghĩa là hai từ liền nhau không có dấu gạch ngang thuộc vào một phách và mỗi một từ trong đó tương đương với một nốt đơn trong bài chiêng.

            Trong trường hợp này có thể sử dụng tên chiêng "boòng - beng - boòng - khầm; Beng - boòng - beng - khầm…" và việc sử dụng những tên chiêng như thế này về mặt thuật ngữ sẽ phù hợp hơn. Tuy nhiên, để thuộc được bài chiêng nhanh hơn và thuận lợi hơn trong việc kết hợp giữa miệng đọc và tay gõ thì chúng tôi thấy việc dùng cách đọc "Bàn - tay - bàn - dậm; Tay - bàn - tay - dậm…" các em học sinh thực hiện dễ hơn và dễ dàng thuộc bài chiêng hơn, bởi khi miệng đọc "bàn" đồng thời tay gõ xuỗng bàn và miệng đọc "tay" đồng thời vỗ tay sẽ tận dụng được khả năng tư duy liên tưởng của các em và sự tập trung cũng sẽ tốt hơn, ít bị phân tâm hơn. Ở đây, âm của chiêng boòng được thay thế bằng tiếng vỗ xuống bàn và chúng tôi dùng từ bàn, âm của chiêng beng được thay thế bằng tiếng vỗ tay và chúng tôi dùng từ tay, âm của chiêng khầm được thực hiện bằng tiếng dậm châm và chúng tôi dùng từ dậm.

 

Ảnh: Nhóm học sinh lớp 8 trường THCS xã Dân Chủ trình bày bài chiêng trên chiêng ống.

 

            Sau khi các em hoàn thiện được bài cả về tiết tấu và cao độ, chúng tôi chuyển sang phần luyện tập trên "chiêng ống, chiêng pháo" và đã thu được những kết quả nhất định.

            Về kiến thức

            Sau những tiết dạy thực nghiệm chúng tôi tiến hành kiểm tra và đánh giá với tỉ lệ 80 trên tổng số 86 học sinh thuộc được bài chiêng về cả giai điệu cũng như tiết tấu, tỉ lệ đạt chiếm 93,1%.

Về kỹ năng

Chúng tôi đã mô phỏng hóa giai điệu và tiết tấu bài chiêng để truyền dạy cho các em. Qua việc đánh giá dựa trên tỉ lệ cứ 3 nhóm thì có một nhóm (5 học sinh) "chưa đạt" cho thấy tổng số các em "đạt" ở cả 03 lớp (gồm 86 học sinh) đã thực nghiệm chiếm khoảng 66% còn lại các em "chưa đạt" chiếm khoảng 34%.

            Về thái độ.

Từ việc không quan tâm và hứng thú với âm nhạc Cồng chiêng, sau thực nghiệm các em đã thực sự hào hứng và say sưa, nhất là ở phần luyện tập bài chiêng.

             Có thể nói, việc các em học sinh Trung học cơ sở ở tỉnh Hòa Bình được học các bài bản Cồng chiêng Mường sẽ góp phần vào việc gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật cồng chiêng Mường mang tính bền vững và phổ biến. Nghệ thuật cồng chiêng Mường sẽ được nuôi dưỡng và phổ biến rộng trở lại cho các thế hệ con em của người Mường, nhất là với thế hệ trẻ ngày nay đã và đang dần lãng quên những vốn văn hóa quý báu của chính dân tộc và quê hương mình, bởi sự cuốn theo dòng chảy của cuộc sống hiện đại và sự du nhập một cách mạnh mẽ của các luồng văn hóa./.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đinh Công Bảo (1993), "Cồng chiêng, nhạc cụ của người Mường", Văn hóa dân tộc Mường, Sở VHTT - Hội Văn hóa các dân tộc Hòa Bình xuất bản, tr. 81-95.

2. Lê Thanh Bảo (1994), "Âm vang chiêng Mường Ba Vì", Văn hóa nghệ thuật, (1), tr. 36.

3. Vũ Hoa (1987), "Hội sắc bùa của người Mường Vang Lạc Sơn Hà Sơn Bình", Văn hóa dân gian, (3), tr. 55-62.

4. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình (1999), Sưu tầm biên soạn âm nhạc Cồng chiêng dân tộc Mường Hòa Bình, Báo cáo khoa học tổng hợp đề tài khoa học công nghệ 1999 - 2000 gửi Sở Khoa học công nghệ và môi trường tỉnh Hòa Bình.

5. Nguyễn Thị Hương (2011), Đưa một số làn điệu dân ca Mường Hòa Bình vào chương trình hoạt động ngoại khóa tại trường Trung học cơ sở Khoan Dụ - huyện Lạc Thủy - tỉnh Hòa Bình, Khóa luận tốt nghiệp hệ Đại học chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc, trường ĐHSPNT TW.

6. Nguyễn Thị Hương (2007), Đưa một số làn điệu Chèo phổ biến vào chương trình ngoại khóa trường Trung học cơ sở Thụy Tân - Thái Thụy - Thái Bình, Khóa luận tốt nghiệp hệ Đại học chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc, trường ĐHSPNT TW.

7. Bùi Văn Kín chủ biên (1972), Góp phần tìm hiểu tỉnh Hòa Bình, Ty VHTT tỉnh Hòa Bình xuất bản.

8. Hoàng Long - Lê Anh Tuấn (2009), Hỗ trợ đưa dân ca vào trường trung học cơ sở, Dự án phát triển giáo dục trung học cơ sở II trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương.

9. Kỷ yếu Hội thảo văn hóa dân tộc Mường tại Hòa Bình (1993), Văn hóa dân tộc Mường, Sở VHTT-Hội VH các dân tộc tỉnh Hòa Bình xuất bản.

10. Bùi Tuyết Mai chủ biên (1999), Người Mường ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

11. Ngô Quang (2001), "Văn hóa Cồng chiêng Mường", Văn hóa nghệ thuật, (7), tr. 23-27.

12. Kiều Trung Sơn (2004), Văn hóa cồng chiêng cổ truyền ở Mường Vang và việc bảo tồn phát huy cồng chiêng hiện nay, Luận văn thạc sĩ Văn hóa học, Viện Nghiên cứu văn hóa.

13. Kiều Trung Sơn (2012), Cồng chiêng Mường, Nxb Lao động.

14. Nguyễn Ngọc Thương Thương (2005), Đưa một số làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh tiêu biểu vào chương trình ngoại khóa tại trường Trung học cơ sở Trường Thi - thành phố Vinh - Nghệ An, Khóa luận tốt nghiệp hệ Đại học chính quy, chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc, trường ĐHSPNT TW.

15. Lê Anh Tuấn (2010), Phương pháp dạy học âm nhạc ở Tiểu học và Trung học cơ sở, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.

16. Bùi Thiện (1994), Vài nét về Cồng chiêng Mường Hà Sơn Bình, Văn hóa nghệ thuật.

17. Tô Vũ (1994), "Tình hình nghiên cứu cồng chiêng và một vài nhận xét về cồng chiêng Việt Nam", Văn hóa nghệ thuật, (1), tr. 30-31.

18. Tô Vũ (2002), "Văn hóa nghệ thuật cồng chiêng, bảo tồn - phát huy hay kế thừa - phát triển", Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại, Viện Âm nhạc xuất bản, tr. 242-244.