Tin tức

Lựa chọn bài hát sử dụng trong tổ chức hoạt động âm nhạc cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi

13 Tháng Tư 2014

Nguyễn Thị Thanh Hương

 

            Giáo dục nhận thức thẩm mĩ thực chất là giáo dục về cái đẹp. Có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về cái đẹp, có năng lực ý chí tình cảm để biến đổi cuộc sống chưa đẹp thành đẹp - đó chính là “hạt giống đỏ” gieo mầm trồng nên con người cao đẹp [4, tr.89].

         Giáo dục mầm non là khâu đầu tiên trong hệ thống  giáo dục quốc dân, là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ trở thành những con người mới xã hội chủ nghĩa. Trong các môn học ở bậc học này, đặc biệt là môn âm nhạc có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển đức, trí, thể, mỹ cho trẻ. Âm nhạc vừa là nội dung, vừa là phương tiện góp phần không nhỏ trong việc định hướng - phát triển thẩm mỹ và tình cảm cho trẻ. Mục đích của giáo dục âm nhạc ở trường mầm non là đưa âm nhạc đến với đời sống trẻ thơ, đặt cơ sở ban đầu cho việc giáo dục văn hoá âm nhạc, góp phần giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, đẩy mạnh sự phát triển trí tuệ thể chất cho trẻ. Đây là lứa tuổi mà khả năng tri giác đang phát triển. Vì vậy, sự tác động của âm nhạc là phương tiện hữu hiệu biến một bài học khô khan, khó tiếp thu thành những bài giảng hay và có ý nghĩa hơn. Các bài hát có ca từ đơn giản, tiết tấu rõ ràng, giai điệu dễ nhớ, dễ tưởng tượng đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách trẻ.

          Như chúng ta đã biết, trẻ ở độ tuổi này có thể phân biệt được sự cao thấp của âm thanh, giai điệu đi lên hoặc đi xuống; cường độ to nhỏ và cả sự thay đổi về sắc thái, nhịp độ nhanh - chậm của bài hát; cảm giác tai nghe và kinh nghiệm nghe nhạc của trẻ được tích lũy nhiều hơn. Không chỉ vậy, trẻ còn hiểu được yêu cầu thể hiện bài hát hoặc biết kết hợp các động tác với bài hát cho sinh động. Nhìn chung, độ tuổi này giọng trẻ có độ vang, âm sắc giọng ổn định, tầm cữ giọng mở rộng; sự phối hợp giữa nghe và hát hoặc hát và vận động tốt hơn so với các nhóm trẻ khác. Trẻ 5 - 6 tuổi có thể hát được quãng 7, quãng 8, có khả năng ghi nhớ sự liên tục của các động tác với âm nhạc. Trong vận động, trẻ thể hiện được sự mềm dẻo, nhanh nhẹn; biết di chuyển đội hình và định hướng trong không gian; biết phối hợp vận động với tính chất âm nhạc và biết thể hiện diễn cảm bài hát; nắm được các động tác cơ bản như đi, chạy, nhảy và có khả năng vận dụng các động tác riêng lẻ vào trong các điệu múa, trò chơi âm nhạc với những yếu tố sáng tạo nhất định. Ngoài ra, trẻ còn biết phối hợp động tác với bạn hoặc động tác giữ thăng bằng một chân; xoay xung quanh bạn và quanh mình, tập các động tác vận động và múa phong phú hơn như động tác nhảy chân sáo, đá lăng chân, chạy hất gót…

  

Ảnh: Cô Hoàng Dinh và các cháu lớp 5A trong giờ học âm nhạc  tại Trường thực hành mầm non ( Đại học Hải Phòng)

 

          Nội dung giáo dục âm nhạc ở trường mầm non được tiến hành dựa trên 4 dạng hoạt động âm nhạc cơ bản là ca hát, vận động theo nhạc, nghe hát nghe nhạc và trò chơi âm nhạc được thực hiện theo các chủ điểm giáo dục. Các bài hát đưa vào sử dụng trong chương trình giáo dục âm nhạc cho trẻ nói chung phong phú về nội dung và thể loại, lời ca gần gũi với trẻ, dễ hiểu và dễ nhớ, chủ yếu được các tác giả viết ở 3 tính chất là bài hát vui - sôi nổi, bài mang tính trữ tình và bài mang tính hành khúc. Về giai điệu tiết tấu, đa số các bài phù hợp với trẻ. Tuy nhiên, vẫn có một số bài chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục âm nhạc như giai điệu khó, tác giả sử dụng quãng nhảy, móc kép, quãng 1/2 cung, nốt hoa mĩ, cao độ của nốt khác dấu giọng; các bài về một số chủ điểm như chủ điểm gia đình, chủ điểm Tết và mùa xuân, chủ điểm phương tiện giao thông…còn hạn chế.

Xuất phát từ thực tế trên, năm 2007, nhạc sĩ Hoàng Văn Yến biên soạn và xuất bản tập “Trẻ mầm non ca hát” với 218 bài hát, trong đó có 130 bài dạy trẻ hát và 88 bài cô hát cho trẻ nghe. Trong 130 bài dạy trẻ hát có một số bài chưa phù hợp với nội dung giáo dục âm nhạc của trẻ; một số bài giai điệu khó, bài được viết ở giọng do tác giả để kết lời 1 ở bậc VI (kết về âm La) trẻ khó hát như bài “Chào ngày mới”… có bài âm vực rộng, tác giả để nhảy quãng 8 sau đó về quãng 3 nên trẻ khó hát như bài “Em vẽ”; có bài thì cả  giai điệu và tiết tấu đều khó với trẻ như bài “Tôm cá cua thi tài”… Trong 88 bài hát cho trẻ nghe có một số bài quá khó so với khả năng âm nhạc của đa số các giáo viên mầm non. Việc sưu tầm bài hát trên mạng hay các phương tiện thông tin khác là một việc làm tương đối khó với đa số các giáo viên mầm non vì khả năng âm nhạc của họ hạn chế, khi sao chép bài trên mạng đa số là bài hát có phần lời không có phần nhạc. Như vậy, giáo viên chỉ được nghe hát truyền khẩu từ ca sĩ chứ không có phần nhạc của bài hát đó để kiểm chứng. Có những bài khi vận dụng vào dạy trẻ cần cả nhạc và lời để trẻ hoạt động nhưng do không thu được phần nhạc mà chỉ có phần lời dẫn đến hiệu quả giờ học chưa cao. Qua nghiên cứu và tìm hiểu chúng tôi xin đưa ra một số tiêu chí để lựa chọn bài hát sử dụng trong tổ chức hoạt động âm nhạc cho trẻ, đó là: Lựa chọn loại bài hát, lựa chọn giai điệu tiết tấu và lựa chọn nội dung lời ca.

          Lựa chọn loại bài hát cho trẻ hoạt động âm nhạc

          Chọn bài hát là một khâu quan trọng trong các bước chuẩn bị của giáo viên trước khi dạy trẻ hoạt động âm nhạc. Giáo viên phải lựa chọn bài hát sao cho phù hợp với chủ điểm và nội dung giáo dục; phù hợp với tính chất nhịp điệu âm nhạc và phù hợp với trẻ. Việc lựa chọn bài hát sao cho phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục âm nhạc ở trẻ là một việc làm đầu tiên quan trọng trong quá trình tổ chức hoạt động âm nhạc cho trẻ ở trường mầm non..

         Loại bài hát mang tính hành khúc có đặc điểm chung là nhịp độ vừa phải hoặc vừa; âm hình rõ ràng, chắc - khoẻ; thường sử dụng dấu chấm đôi hoặc móc giật. Hát bài hành khúc với âm thanh vang sáng, khoẻ, các âm đầu nhịp được nhấn mạnh hơn, hơi thở đầy đặn, miệng mở rộng, hàm dưới linh hoạt. Phát âm nhả chữ dứt khoát, rõ ràng [3, tr.63,64]. Loại nhịp và nhịp độ của bài mang tính hành khúc nên chọn nhịp 2/4, 4/4 thể hiện rõ chu kỳ lặp lại của các phách mạnh - nhẹ; chọn bài có nhịp độ vừa phải phù hợp với nhịp của bước chân và trẻ dễ hát (Tempo trên đàn phím điện tử có thể để từ 90 đến 120 tuỳ theo bài).

          Loại bài trữ tình có giai điệu mượt mà du dương, tính chu kỳ của tiết tấu không rõ rệt, hay gặp các ký hiệu ngân dài. Thực hiện kiểu hát liền tiếng với âm thanh ngân vang có sự liên kết từ âm này sang âm khác không đứt quãng. Hơi thở được liên tục khống chế và giữ đều để giai điệu bài hát trôi chảy, tạo dòng âm thanh mềm mại trong sáng diễn cảm [3, tr.64]. Loại nhịp và nhịp độ của bài mang tính trữ tình nên chọn nhịp độ vừa phải, hơi chậm hoặc chậm vừa và thường viết ở nhịp: 2/4, 2/2, 3/4, 4/4, 6/8.

         Loại bài hát vui, sôi nổi thường có sự hài hước dí dỏm; tiết tấu trong bài rõ ràng ổn định và có sự lặp lại của một âm hình tiết tấu; hát với âm thanh sáng gọn linh hoạt trôi chảy; hát nhịp nhàng, ngắt tiếng và nhấn đều vào phách mạnh ở đầu nhịp; lấy hơi nhanh, ngắt hơi chính xác; phát âm rõ nét nhưng lướt nhanh không đẩy hơi ồ ạt…[3, tr.65]. Loại nhịp và nhịp độ của bài mang tính vui hoạt, sôi nổi nên chọn những bài có nhịp độ vừa, nhanh hoặc hơi nhanh, viết chủ yếu ở nhịp 2/4, 3/4, 3/8 và 4/4.

          Lựa chọn giai điệu - tiết tấu

           Với những bài hát mang tính hành khúc thì giai điệu thường liền bậc hoặc đi quãng 3, quãng 4, quãng 5; thường không có hoặc ít quãng nhảy xa. Giáo viên nên chọn những bài có nhịp chắc, khỏe; âm hình tiết tấu rõ ràng nhắc lại nhiều lần dựa trên các nốt đơn, nốt đen có chấm hoặc dấu lặng thể hiện sự dứt khoát của bước chân hành khúc.

           Những bài mang tính trữ tình giai điệu thường nhẹ nhàng tha thiết, trìu mến hoặc lượn sóng mềm mại giúp trẻ dễ hát; trong bài đôi khi tác giả sử dụng dấu luyến giúp trẻ dễ thể hiện tình cảm bài hát. Tiết tấu trữ tình thường là những âm hình nhịp điệu đơn giản với những nốt trắng, nốt đen, móc đơn, lặng đen, lặng đơn không có hoặc rất ít các ký hiệu như nhấn, ngắt, dấu lặng và giai điệu lặp đi lặp lại đều đều; các quãng được tiến hành liền bậc.

           Bài tính chất vui - sôi nổi có giai điệu dứt khoát thể hiện một không khí sinh hoạt vui vẻ liên quan đến cuộc sống xung quanh của trẻ. Tiết tấu thường sử dụng nốt trắng, nốt đen, móc đơn, dấu lặng đen, lặng đơn, đôi khi có móc kép để tạo không khí nhanh vui hay sự dí dỏm ngộ nghĩnh của bài hát. Một vài bài tác giả có thay đổi về tiết tấu như đảo phách, nghịch phách. Một số bài khác lại sử dụng các quãng 4, quãng 5, thỉnh thoảng có quãng 6 tạo sự mới lạ cho trẻ.

         Lựa chọn nội dung lời ca

         Về lời ca, giáo viên nên chọn các bài có lời ca vui tươi trong sáng, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc. Đó là bài hát có nội dung miêu tả những sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của trẻ như dạo chơi trong vườn, múa hát trong ngày hội, niềm vui được đến trường…

         Hình tượng của lời ca phải trong sáng, gần gũi với trẻ để trẻ có thể kết hợp với vận động một cách dễ dàng. Lựa chọn bài hát có lời ca - giai điệu  mang ý nghĩa giáo dục nhẹ nhàng, đảm bảo tính nghệ thuật khi dạy trẻ. Các bài được chọn phải đa dạng và phù hợp về chủ điểm; phù hợp với ngôn ngữ và tâm sinh lý của trẻ.

       Muốn giờ học đạt kết quả cao, nhất là giờ học của trẻ nhỏ thì trước hết giờ học đó phải tạo được hứng thú cho trẻ , khiến trẻ thấy vui và thích khám phá . Để thành công, người giáo viên phải thực hiện một nguyên tắc là tạo không khí tích cực trong giờ học, kết hợp linh hoạt các phương pháp trong quá trình dạy trẻ hoạt động âm nhạc. Trước khi dạy trẻ hát, giáo viên nên sưu tầm các bài hát mới, nghiên cứu, tìm hiểu về giai điệu, nhịp điệu, sắc thái tình cảm, nội dung lời ca, hình tượng âm nhạc; chuẩn bị các động tác minh hoạ phù hợp; phong cách thể hiện bài hát; chuẩn bị hệ thống câu hỏi hợp lý để đàm thoại với trẻ về bài hát. Mỗi bài hát, giáo viên chuẩn bị một hình thức giới thiệu hoặc một hình thức học mới mang tính sáng tạo phù hợp với yêu cầu của giờ học mà vẫn không lặp lại. Chọn tiết tấu trên đàn Organ; xác định giọng phù hợp với giọng của trẻ; cách đánh nhịp; dự kiến những chỗ khó trong bài để chuẩn bị phương án sửa sai (nếu có). Chuẩn bị phương pháp và nghệ thuật lên lớp cho tốt; chuẩn bị giáo án và các phương tiện đồ dùng dạy học như nhạc cụ, máy tính, máy nghe nhạc, nhạc cụ vỗ đệm để trẻ vừa hát vừa gõ đệm theo nhịp điệu bài hát. Hệ thống câu hỏi đàm thoại củng cố ghi nhớ tác phẩm phải hợp lý và dễ hiểu để trẻ trả lời được thì trẻ mới thích thú và say mê khám phá những điều mới lạ.

        Để chất lượng giáo dục âm nhạc ở trường mầm non đạt kết quả tốt thì trước hết, người giáo viên phải có tâm huyết với nghề, nhiệt tình và sáng tạo. Khi tổ chức cho trẻ hoạt động âm nhạc, giáo viên luôn là người suy nghĩ, tìm tòi sáng tạo, phối kết hợp nhiều phương pháp để thu hút trẻ đến với bài học. Mỗi chủ điểm nên tạo ra những môi trường khác nhau và thay đổi cách dạy để kích thích trẻ thích hát, vận động. Trẻ em là những đối tượng luôn thích tìm tòi khám phá cái mới, cách ứng dụng các bài hát vào tổ chức hoạt động âm nhạc cho trẻ chính là tìm tòi ứng dụng những cái mới để dạy trẻ hoạt động âm nhạc như đưa công nghệ thông tin vào giờ học qua lồng ghép các hình ảnh minh họa sống động có liên quan đến âm nhạc hoặc chèn thêm những âm thanh sinh động trong tự nhiên vào bài dạy; tự làm hoặc sưu tầm các dụng cụ âm nhạc đa dạng, phong phú. Thực tế nếu như có được một chương trình giảng dạy phù hợp, có điều kiện cơ sở vật chất và phương tiện dạy học âm nhạc đầy đủ; đội ngũ giáo viên dày dạn kinh nghiệm, đồng thời giáo viên có khả năng biểu diễn nhất định thì việc thực hiện chương trình giáo dục âm nhạc cho trẻ sẽ mang lại kết quả cao.

 

Ảnh: Vui tết Thiếu nhi 1/6

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Thị Hoà, Ngô Thị Nam (2010), Giáo dục âm nhạc tập 1, 2 - Nxb Đại học Sư phạm.

2. Ngô Thị Nam, Trần Minh Trí (1995), Bồi dưỡng nghiệp vụ Sư phạm âm nhạc, Bộ GD và ĐT Hà Nội.

3. Nguyễn Thị Hải Phượng (2011), Phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW.

4. Vũ Minh Tâm (2000), Mỹ học và giáo dục thẩm mỹ, Nxb Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Cố vấn Đinh Văn Tiến - Ulrich lipp, tác giả Nguyễn Thị Minh Phượng, Phạm Thị Thuý (2011), Cẩm nang phương pháp Sư phạm, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Trịnh Hoài Thu chủ biên (2013), Giáo trình môn học lý thuyết âm nhạc hệ Đại học Sư phạm âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW.

7. Hoàng Văn Yến chủ biên và nhiều tác giả (2002), Bồi dưỡng âm nhạc cho giáo viên mầm non, Nxb Giáo dục.