Nội san

Một số biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo Organ ngành Sư phạm Âm nhạc - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

28 Tháng Bảy 2014

           Lê Quang Việt

 

Đối tượng dự thi vào ngành Sư phạm Âm nhạc đa số không có nhu cầu trở thành một nghệ sỹ độc tấu cổ điển thính phòng, mà muốn trở thành một giáo viên dạy nhạc tốt, có khả năng hoạt động văn nghệ phong trào. Bởi vì nếu các cơ quan tổ chức sử dụng nhân lực cần những người làm việc chuyên về cổ điển hàn lâm thì họ sẽ tìm đến nguồn đào tạo từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chính vì vậy, việc tìm ra những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo organ cho ngành sư phạm âm nhạc là vấn đề trăn trở của những người làm công tác giảng dạy âm nhạc ở các trường nghệ thuật nói chung và Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương nói riêng.                                                                            

Theo quy chế đào tạo của Khoa Thanh nhạc - Nhạc cụ Trường Đại học Nghệ Thuật Sư phạm Trung ương, sinh viên tốt nghiệp cử nhân Sư phạm Âm nhạc phải nắm được kiến thức tổng hợp liên quan đến âm nhạc qua các môn học khác nhau: từ lý thuyết âm nhạc cơ bản, ký xướng âm, hòa thanh, phân tích tác phẩm, hợp xướng, chỉ huy... và một trong số các môn thực hành là môn Nhạc cụ.

Có thể nói, ba môn học được các em quan tâm là Thanh nhạc, Nhạc cụ và Múa bởi vì những môn này mang tính thực hành cao, là những kỹ năng luôn được đòi hỏi trong công việc mang tính bề nổi sau khi các em ra trường. Môn Nhạc cụ Organ cũng như là các môn năng khiếu nghệ thuật khác đòi hỏi người dạy và học bỏ nhiều tâm huyết, bỏ công tập luyện chăm chỉ trong quá trình lâu dài thì mới có thể gặt hái được thành công. Các giảng viên trong khoa Nhạc cụ trường SPNTTW đều có ý thức về trách nhiệm truyền đạt kỹ năng chơi Organ cho các em sinh viên. Giảng viên không những dạy kỹ năng chơi đàn mà còn gián tiếp dạy phương pháp truyền đạt những kỹ năng chơi đàn đó cho sinh viên.

 

Ảnh: Lớp học đàn organ ( Nguồn: sưu tầm)

 

Qua quá trình công tác tại trường đầu ngành của ngành SPAN, từ sự trải nghiệm về chương trình, phương pháp giảng dạy, tác giả bài viết đưa ra một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học Organ nói chung và cho trường SPNTTW nói riêng.

1. Xây dựng cơ sở vật chất

Nói đến cơ sở vật chất là nói đến khía cạnh khách quan, trong bối cảnh nước Việt Nam còn nằm trong số những nước đang phát triển thì việc yêu cầu mỗi lớp học đàn Organ là một phòng đa phương tiện có máy chiếu, internet và điều hòa không khí là một đòi hỏi phi thực tế. Mặc dù các yếu tố này đều đóng góp vào chất lượng dạy và học, làm tiết học sinh động, phong phú và hiệu quả hơn. Tuy nhiên mỗi phòng học cần có ít nhất một đàn Organ. Hiện tại, giảng viên khi thị phạm đánh mẫu cho học sinh một là đứng đánh hoặc yêu cầu sinh viên nhường chỗ, rất bất tiện.

Chúng ta biết rằng, học tập các ngành khoa học khác phải có thư viện, nhưng khi học đàn Organ thì không thể lên thư viện để tập đàn. Trường có thể trang bị một số phòng Tự Học tập thể, trong đó có trang bị sẵn đàn và tai nghe, tạo điều kiện cho các sinh viên không có điều kiện mua đàn Organ đời mới có thể tiếp xúc với công nghệ, tính năng mới. Ngoài ra mặc dù chưa có môn học Hòa tấu (Ensemble) trong chương trình học nhưng trong phòng tự học tập thể các em có thể hòa tấu nhiều đàn Organ với nhau, hoặc với Guitar hay Thanh nhạc.

            2. Đổi mới nội dung chương trình đào tạo Sư phạm Âm nhạc

            Hiện nay, nội dung chương trình còn mang nặng tính hàn lâm. Nội dung các bài hát trong trường tiểu học và trung học cơ sở là các bài hát Việt Nam và nhạc nhẹ, phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng cũng là ca khúc nghệ thuật, cách mạng và nhạc trẻ Việt Nam. Sẽ sát với thực tế hơn nếu từ học phần II chương trình đệm hát được chú trọng hơn và lược bớt các bài độc tấu cổ điển. Chương trình học gần gũi với sinh viên hơn sẽ làm tăng hưng phấn, sự chuyên cần học tập. Kết hợp việc học đàn Organ với học Thanh nhạc qua đệm hát, sinh viên có thể thi Thanh nhạc và Nhạc cụ song song và bổ trợ cho nhau.

            Đối tượng dự thi vào ngành Sư phạm Âm nhạc đa số không có nhu cầu trở thành một nghệ sỹ độc tấu cổ điển thính phòng, mà muốn trở thành một giáo viên dạy nhạc tốt, có khả năng hoạt động văn nghệ phong trào. Bởi vì nếu các cơ quan tổ chức sử dụng nhân lực cần những người làm việc chuyên về cổ điển hàn lâm thì họ sẽ tìm đến nguồn đào tạo từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nói như vậy không phải là không khuyến khích sinh viên Sư phạm học chuyên sâu về cổ điển, nội dung chương trình Organ nên để mở, tạo điều kiện cho việc học và thi của sinh viên.

            Giáo trình học cổ điển thì rất nhiều, nhưng giáo trình dạy đệm còn rất ít và không đầy đủ, chủ yếu dạy đệm một vài dòng nhạc thị trường. Để thực hiện cải cách đổi mới về nội dung chương trình học Organ cần phải có nhiều hơn giáo trình dạy đệm, mỗi giáo viên viết biên soạn phần đệm một số ca khúc tiêu biểu để làm mẫu cho sinh viên. Thu thập các giáo trình dạy đệm không những chỉ của đàn Organ mà còn tham khảo thêm của Guitar để thống nhất thành một giáo trình đệm chuẩn, chung cho cả Khoa và cho các khóa sinh viên sau này.

            Liên quan đến đệm hát thì môn học hòa thanh cũng cần đổi mới, thay vì học công năng nhạc cổ điển thì cần tư duy theo hướng hòa thanh hiện đại của nhạc nhẹ. Nội dung học môn Ký xướng âm cũng vậy, lược bớt các bài xướng âm theo giáo trình của Liên xô cũ, thay vào đó những bài xướng âm có tuyến giai điệu gần gũi và phổ thông hơn. Cần thêm vào chương trình đào tạo ngành Sư phạm Âm nhạc môn Hòa tấu, vì trong nhạc nhẹ, văn hóa quần chúng nghiệp dư phổ biến hình thức nhạc công chơi theo Band (trống, guitar, organ, hát...) gọi tắt là ban nhạc.

            Văn hóa văn nghệ quần chúng là phục vụ cho số đông, ca khúc thường chỉ kéo dài 3-5 phút, trong trường hợp này thì số lượng mới là chất lượng. Nội dung chương trình học nên yêu cầu sinh viên học nhiều bài ngắn với thể loại, phong cách khác nhau thay vì tập luyện một bài Sonatine dài phô trương kỹ thuật nhưng không hiệu quả về sau. Số vốn bài đệm ca khúc của sinh viên ra trường càng nhiều thì các em càng ít bỡ ngỡ và tự tin hơn khi làm việc.

            Sát hơn với thực tế, khi đệm đàn cho một chương trình phong trào thì ca sỹ và người chơi Organ thường có rất ít thời gian để ghép đàn với nhau. Trong chương trình học cần thêm những phần như thị tấu nốt nhạc, nghe giai điệu ghép hòa thanh, bốc thăm bài ngoài chương trình học.... Luyện phản xạ nhanh nhạy, ứng tác rất cần thiết cho người chơi Organ.

             3. Đổi mới phương pháp dạy học môn Organ

Đi đôi với thay đổi nội dung dạy học thì phương pháp dạy học cũng cần phải thay đổi . Đa số giảng viên ở khoa Thanh nhạc - Nhạc cụ tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nơi lấy dòng nhạc cổ điển thính phòng làm chủ đạo. Nếu theo con đường chuyên nghiệp thì phương pháp dạy và học kiểu cũ rất hợp lý, chỉ có học một thầy - một trò, tuần 2 buổi lên lớp thì mới đào tạo được những nghệ sỹ độc tấu mang tầm quốc tế.

Nhưng khi những giảng viên đó dạy trong môi trường sư phạm thì đa phần cho rằng nếu không dạy và học cổ điển thì ngành Sư phạm Âm nhạc sẽ kém đi tính hàn lâm cần có ở mức đại học. Phương pháp dạy kiểu kèm cặp, ép buộc chỉ mang lại hiệu quả trong khâu thi cử, nhưng khi ra trường sinh viên rất thụ động và không sáng tạo. Việc cải cách và đổi mới phương pháp từ kiểu Học viện Âm nhạc sang Sư phạm Âm nhạc hiện vẫn đang trong quá trình dần chuyển hóa.

                  Phương pháp dạy học theo nhóm:

Đây là sự khác biệt nhất của dạy môn Organ ngành Sư phạm Âm nhạc. So với phương pháp dạy học nhạc cụ cổ điển truyền thống, lý thuyết là trong một tiết học có một giảng viên hướng dẫn hai sinh viên, nhưng thực tế các em hầu hết đến sớm và lên lớp cùng nhau nên không thể để sinh viên đứng ngoài và không cho các em tham gia học được. Mặc dù các em chưa đến giờ của mình chỉ có thể quan sát, ghi chép, không sử dụng đàn Organ, nhưng đó cũng là học tập, hay gọi là học dự thính. Vậy giảng viên ngoài hai sinh viên chính đang lên lớp cũng cần để ý tới các sinh viên cũng đang ngồi nghe giảng.

 Dạy học theo nhóm, giáo viên có thể xây dựng sự cạnh tranh giữa các sinh viên, ghép những sinh viên có trình độ gần nhau tạo thành những nhóm nhỏ vừa giúp nhau vừa ganh đua với nhau. Với hai hoặc nhiều hơn hai sinh viên cùng trình độ, giáo viên đặt mục tiêu cho các em phấn đấu, so sánh thực lực của nhau, tạo môi trường cạnh tranh. Với một nhóm gồm một sinh viên giỏi và một sinh viên kém hơn, giáo viên đặt mục tiêu sinh viên giỏi cần giúp đỡ bạn yếu hơn, ví dụ bạn yếu hơn kỳ này đang tập các bài mà bạn giỏi đã học từ kỳ trước.

Các em đang được đào tạo ra để trở thành các thế hệ giáo viên sau này nên giúp bạn cũng là giúp chính mình, sự tiến bộ của nhóm là sự thành công của việc dạy và học của các cá nhân trong nhóm. Sau một khoảng thời gian nhất định, giáo viên có thể hoán đổi các cá nhân trong nhóm tùy theo sự tiến bộ, kết quả tập luyện của từng em.

So với phương pháp dạy học cổ điển, giảng viên không đưa ra đáp án đúng cho mỗi vấn đề, ví dụ không đưa ra hòa thanh cho một bài đệm, mà chỉ đặt ra vấn đề cho sinh viên tìm hướng giải quyết. Trong quá trình các em làm việc, tập luyện, giảng viên luôn đặt ra câu hỏi hướng sinh viên tới đáp án. Nếu làm mẫu chỉ nên làm mẫu một đoạn ngắn trong bài hoặc tùy theo độ khó của vấn đề cần giải quyết, do số lượng sinh viên tính trên mỗi giáo viên khá đông nên cũng cần tiết kiệm thời gian.

Hướng dẫn cách tự học, tự làm việc ở nhà cho sinh viên

Trong trương trình học có 30 tiết trên lớp thì có 30 tiết tự tập ở nhà, học phần 4 thì chỉ co 15 tiết học trên lớp và 45 tiết học ở nhà. Vậy nên việc giảng viên hướng dẫn sinh viên tự tập ở nhà sao cho hiệu quả, hợp lý rất là quan trọng.

Đối với một bài kỹ thuật khó, cần chia nhỏ ra để tập, xác định tập ít mà tập trung còn hơn tập miên man cả bài từ đầu tới cuối. Thậm chí tập tay riêng từng đoạn thật cẩn thận nốt nhạc, ngón tay, nhịp phách rồi mới ghép 2 tay.  Xác định kế hoạnh tập luyện cho cả tuần, mỗi lần tập đàn là phải có tiến bộ dù ít hay nhiều. Tự nghiêm khắc với bản thân không bỏ qua dù là những lỗi nhỏ nhất phát sinh khi tập.

Ngược lại, khi đệm hát cần hình dung bố cục toàn bài, nếu có vấp thì không dừng lại và đệm tiếp, bởi vì người hát sẽ không dừng lại chờ người đàn. Trong khi chơi bài kỹ thuật thì giai điệu thường nằm ở bè tay phải, nên tay phải thường được coi là quan trọng hơn, nhưng trong khi đệm hát bằng Organ, giai điệu được người hát diễn đạt, tay phải không còn quá quan trọng nữa, thay vào đó là sự chắc chắn về nhịp phách, bắt hòa thanh và dồn trống Fill của tay trái. Theo tôi trước khi lên lớp các em phải chuẩn bị trước các hợp âm tay trái ở nhà, học thuộc vòng hòa thanh để tiết học trên lớp hiệu quả hơn. Rèn luyện kỹ năng tự tập ở nhà: tự hát vừa tự đệm cho mình. Các em sẽ chủ động về thời gian và những đoạn khó sẽ được giải quyết triệt để.

Phương pháp học ngoài lớp học

            Đối với sinh viên năm thứ 3 và năm thứ 4, khoa Thanh Nhạc - Nhạc cụ mới chỉ yêu cầu các em đi thực tập ở các trường THCS để nâng cao nghiệp vụ sư phạm. Để nâng cao trình độ chuyên môn, ở đây là chơi đàn Organ, sinh viên vẫn không vượt ra khỏi khuôn khổ của những tiết học nhạc cụ. Khi tốt nghiệp, các em không phải chỉ diễn tấu Organ cho 2 giảng viên chấm điểm, hay cho nhóm 10 người của mình nghe, mà sẽ diễn tấu cho các lớp văn hóa cấp 1,2 với 40-50 học sinh. Việc rèn luyện bản lĩnh, phản xạ nhạy bén trong các tình huống phát sinh cần được chú ý hơn, bằng cách tổ chức các buổi Biểu diễn báo cáo, kết hợp với các trường lớp, tổ chức khác tạo ra các cuộc thi nhỏ, các sân chơi âm nhạc cho sinh viên. Trong trường có thể cho sinh viên Organ đệm hát cho các khoa Thời trang, Mỹ thuật...

            Nếu được tổ chức đều đặn và có quy mô hợp lý, việc biểu diễn trình tấu ngoài lớp học có thể coi là một tín chỉ trong chương trình đào tạo ngành Sư phạm Âm nhạc. Không chỉ để sinh viên tích lũy kinh nghiệm, những buổi biểu diễn giao lưu rộng rãi chắc chắn sẽ còn góp phần tăng thêm uy tín và tiếng vang cho trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương./.